Lễ hội đầu năm... du ký

Thứ Hai, 11/02/2008, 10:07
Trước Tết vài ngày, các điểm giữ xe ở tuyến đường Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Dầu… đã đồng loạt thu 10.000đ/xe máy (gấp 5 lần quy định). Còn đêm 30 Tết, vọt lên tới 20.000đ. Và điểm trông xe của BCH Đoàn phường Dịch Vọng (nơi nhiều người nghĩ rằng sẽ phải gương mẫu thực hiện quy định của TP Hà Nội) cũng thu mức 5.000đ/xe máy.

Tết 2008, ngay từ mồng một, các đền chùa người đã như nêm cối. Cổng chùa Phúc Khánh, xe Cảnh sát 113 gần như phải túc trực với loa phóng thanh hướng dẫn giao thông để giải quyết ùn tắc. Chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ, chùa Hà, Bia Bà… cũng chen chân không nổi từ thời khắc giao thừa.

Đây là một nét đẹp văn hóa mang tính tâm linh sâu sắc, nhưng cũng là dịp để các dịch vụ quanh khu vực này tùy tiện phát các mức giá vô lý, không phù hợp với mức sống chung.

Chém chặt tại các điểm trông xe

Có thể nói rằng, Quy định 149/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội về mức phí trông giữ xe ký chưa ráo mực, thì các điểm trông giữ xe trên địa bàn - nhất là tại các di tích, danh thắng, đền chùa trong dịp Tết - đã lại nâng mức thu cao hơn nhiều lần.

Những ngày này, các điểm trông giữ xe mọc như nấm sau mưa. Các điểm này đều có điểm chung: đa phần là không phép; hầu hết vé là tự tạo; tùy tiện chém chặt; không công khai giá vé, nên chỉ khi lấy xe ra, khách mới biết được giá tiền.

Trước Tết vài ngày, các điểm giữ xe ở tuyến đường Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Dầu… đã đồng loạt thu 10.000đ/xe máy - tức là gấp 5 lần quy định. Còn đêm 30 Tết, phí trông giữ xe máy vọt lên tới 20.000đ. Tại khu vực chùa Hà cũng nhan nhản các điểm trông xe của tư nhân, tổ chức đoàn thể, phường.

Thế nhưng, ngay cả điểm trông xe của BCH Đoàn phường Dịch Vọng (nơi nhiều người nghĩ rằng sẽ phải gương mẫu thực hiện quy định của TP Hà Nội) cũng thu cao gấp 2,5 lần quy định với mức 5.000đ/xe máy.

Phủ Tây Hồ vốn có tiếng về việc bất chấp quy định trong thu phí trông giữ ôtô, xe máy và báo chí cũng lên tiếng nhiều, nhưng, Tết này, không có gì thay đổi. Thu cao hơn qui định vẫn là điều xảy ra với mức 5.000đ/xe máy, dù vé là của Cục Thuế Hà Nội phát ra ghi "2 năm rõ 10" là giá 2.000đ.

Chém chặt dữ dằn nhất trong ngày đầu năm phải kể đến điểm trông xe của Khu di tích Bia Bà (TP Hà Đông, Hà Tây). Ngôi đình La Khê là nơi các vua Lý thường đến đây cầu đảo khi hạn hán, hay trước khi đi đánh trận, lại có Bia Bà thờ Đông cung Hoàng hậu nhà Mạc, nên Khu di tích Bia Bà luôn thu hút khách thập phương mỗi dịp năm hết Tết đến.

Tranh thủ điều này, những người kinh doanh các dịch vụ ở đây đã đẩy mức giá trên trời - nhất là giá trông giữ ôtô, xe máy. Các điểm trông xe của các gia đình đều thu vé xe máy là 5.000đ, nhưng giá của Ban Quản lý Khu di tích còn cao hơn: 10.000đ/xe máy và 20.000đ/xe ôtô 4 chỗ.

Điểm trông xe ở Phủ Tây Hồ thu 5.000đ/vé với chính loạt vé của Cục Thuế Hà Nội phát hành.

Đầu xuân năm mới, tâm lý chung là không ai muốn lời ra tiếng vào nên các du khách chỉ còn biết nhăn như bị, nhưng chẳng thể làm gì hơn là… xì tiền ra. Liệu có phải đây là một sự lợi dụng thương hiệu của Khu di tích, khi mà mọi người thường cảm thấy an tâm hơn trước những gì mang tên Ban Quản lý di tích? Năm ngoái, Báo CAND đã phản ánh việc ở đây thu 5.000đ/xe máy, vậy mà năm nay, tình trạng chém chặt được lặp lại với mức cao hơn nhiều.

Tình trạng loạn giá dịch vụ diễn ra như một bệnh dịch. Mỗi ngày có hàng vạn lượt xe gửi, đủ biết người dân thiệt thòi biết bao, mà Nhà nước cũng thất thu thuế do không kiểm soát được.

Đây là hệ quả của việc văn bản của cấp trên quy định một đằng, còn cơ sở vẫn hoạt động một nẻo. Thiết nghĩ, nếu các địa phương coi trọng hiệu lực của các văn bản pháp quy, thì sẽ không có tình trạng "trên bảo dưới không nghe" như hiện nay.

Tiền lẻ: đổi bao nhiêu cũng có

Trong khi năm nào, tình trạng thiếu tiền lẻ ở các ngân hàng Nhà nước cũng như "một phần tất yếu của cuộc sống" thì ở các đền chùa, tiền lẻ không hề thiếu với đủ mệnh giá và còn nguyên đai nguyên kiện. Có điều, chính sự khan hiếm tiền lẻ như một căn bệnh kinh niên ở các ngân hàng đã tạo nên một thị trường kinh doanh tiền lẻ với lãi suất béo bở.

Ở Bia Bà, tiền 200đ đổi 10 ăn 5 (tức là đổi 10.000 chỉ được 5.000), tiền cũ 10 ăn 6, còn các loại 5.000, 10.000 thì 10 ăn 8. ở Phủ Tây Hồ, 42.000đ đổi được 20.000đ loại tiền 200đ, còn các loại khác là 10 ăn 6 hoặc 7 và dĩ nhiên, ở đâu chúng tôi cũng nhận được lời khẳng định: muốn bao nhiêu cũng có.

Nhìn những hàng đổi tiền bày chồng chồng lớp lớp tiền lẻ đủ các loại với giá cắt cổ, chợt hiểu vì sao năm nào ngân hàng Nhà nước cũng thiếu tiền lẻ cho người tiêu dùng đến thế? Không có sự phối hợp của ngân hàng, thị trường lấy đâu ra nhiều tiền lẻ đến thế để kinh doanh?

An ninh ở chốn tâm linh

Chiều mồng một, đã muộn nhưng người đi lễ ở chùa Hà vẫn rất đông. Ông Nguyễn Quang Cự và ông Nguyễn Minh Kham - Ban Quản lý di tích chùa Hà cho tôi xem một loạt ví đã bị bọn trộm cắp vứt lại sau khi lột sạch tiền. Chiếc thì còn giấy tờ tùy thân, chiếc thì chỉ còn mỗi vỏ.

Các ông cho biết, chỉ từ sáng đến chiều đã có hơn chục chiếc ví được nhặt về đây. Thế mà khi bước chân vào khu thờ Mẫu, vẫn nghe những tiếng la của mấy cô gái bị mất điện thoại di động. Ở khu Tam Bảo, một người gọi giật tôi hỏi có phải ví của tôi rơi trên đất không. Hóa ra, lại có một người nào bị mất cắp.

Ông Cự cho biết: Đối tượng trộm cắp hoạt động ở đây khá đông, đa phần là nữ vì chúng nắm được tâm lý của phụ nữ là khi lễ bái đông đúc, phụ nữ có va chạm nhau cũng không ai để ý. Thông tin này giúp mọi người hãy cảnh giác hơn trước thủ đoạn của chúng.

Còn chuyện người đi lễ đặt nhiều tiền lên ban thờ bị mất lễ là chuyện cơm bữa. Ngày 1 Tết, Công an phường Dịch Vọng đã cử 6 cán bộ, chiến sĩ đến chùa Hà để giữ an ninh, nhưng do lượng người đông tới gần chục ngàn lượt, nên tình hình trộm cắp vẫn xảy ra.

Ở Phủ Tây Hồ, chuyện trộm cắp, nhất là mất điện thoại di động, mất ví vẫn xảy ra. Lực lượng Công an vẫn thường xuyên có mặt, nhưng với lượng người quá đông, thì tình hình vẫn không kiểm soát nổi

Thanh Hằng
.
.
.