Lấy chứng chỉ tin học tại… quán cà phê

Thứ Sáu, 24/08/2007, 16:06
Chị N.T.T. được một cò mồi nhận "chạy" cho một chứng chỉ tin học. Chị T. chỉ cần đưa 2 tấm hình 3x4 và 200.000 đồng cho người này và nhận biên lai tại Trung tâm Đào tạo tin học K.T. nằm trên địa bàn phường Long Bình, TP Biên Hòa.

Các trung tâm hoạt động đào tạo cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được Bộ GD&ĐT cấp phép quản lý và cấp phôi bằng. Ngoài ra còn có các trung tâm đào tạo cấp chứng chỉ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM.

Tuy nhiên, do yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi xin việc làm dẫn đến những tiêu cực tại một số trung tâm có quy trình tổ chức thi tuyển lỏng lẻo. Để làm rõ những hành vi sai phạm này, PV Báo CAND đã vào cuộc xác minh.

Loạn chứng chỉ không cần thi

Do yêu cầu của một cơ quan tại tỉnh Cần Thơ phải có chứng chỉ tin học khi đến xin việc làm tại đây, khoảng tháng 6/2007, chị N.T.T. được một cò mồi nhận "chạy" cho một chứng chỉ tin học. Chị T. chỉ cần đưa 2 tấm hình 3x4 và 200.000 đồng cho người này và nhận biên lai tại Trung tâm Đào tạo tin học K.T. nằm trên địa bàn phường Long Bình, TP Biên Hòa.

Từ đó, chị T. không theo học buổi nào, và cũng không biết Trung tâm K.T. tổ chức kỳ thi lúc nào, tất nhiên là trình độ "mù" về vi tính nhưng đến hẹn khoảng hai tuần sau "cò" báo chị T. đến nhận chứng chỉ A tin học.

Sáng 18/8, PV trong vai người đến mua chứng chỉ tin học, ngoại ngữ tại Trung tâm này, một thanh niên giới thiệu tên Q. ngồi tại bàn ghi danh cho biết, muốn có chứng chỉ A tin học, chứng chỉ A ngoại ngữ thì đóng 300.000 đồng và 2 tấm hình, ghi họ tên, địa chỉ; chứng chỉ B tin học, ngoại ngữ thì 400.000 đồng.

Chúng tôi đặt vấn đề, là công nhân không có thời gian theo học và dự thi, Q. bằng lòng ngay và cho biết, Trung tâm K.T. liên kết với một số trung tâm khác nên học viên đông, làm nhanh không phải đợi. Lần theo người đi mua chứng chỉ để xin việc làm, PV phát hiện một vụ tiêu cực chứng chỉ khác.

Sáng 18/8, là ngày chị H. hẹn nhận chứng chỉ với cò mồi tên T. tại quán cà phê thuộc TP Biên Hòa. Vì là nhận giùm cho 4 người khác ở xa nữa nên chị H. sốt ruột đến điểm hẹn từ sáng sớm.

Trước đó, vào sáng 17/8, cũng tại quán cà phê trên, "cò" T. đã trao 5 chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho H. tuy nhiên vì lúc T. "nhận kèo" với H., cam kết các chứng chỉ đạt loại khá trở lên.

Trong 5 chứng chỉ nói trên có 2 cái xếp loại trung bình, H. không đồng ý buộc T. phải sửa lại. H. ngồi chờ đến quá trưa, gọi hàng chục lần vào điện thoại di động của T nhưng không được trả lời.

Trong lúc đang lo lắng sợ bị T. lừa lấy 700.000 đồng tiền đặt cọc đã đưa trước, phần lo bị ôm chứng chỉ giả, khoảng 16h ngày 18/8, T. hẹn H. đến trao chứng chỉ cũng tại quán cà phê cũ.

Đúng giờ hẹn, T. điều khiển xe gắn máy màu đỏ tấp nhanh vào quán. H. yêu cầu T. sửa lại chứng chỉ xếp loại trung bình thành chứng chỉ xếp loại khá, nếu không sẽ bớt tiền.

T. cò kè và trình bày khó khăn trong việc sửa chữa lại con chữ vì chữ "trung bình" dài, chữ "khá" ngắn sẽ không che lấp được phần cạo sửa, giấy sẽ bị bong…, nhưng cuối cùng T. cũng nhận lời.

T. nói với H. chờ khoảng 5 đến 10 phút sẽ trở lại rồi cầm chứng chỉ đi chỉnh sửa. Và chưa đến 10 phút sau, T. quay trở lại với các chứng chỉ đạt loại khá trao cho H. và nhận số tiền còn lại 700.000 đồng.

Bị lật tẩy

Chiều 21/8, cán bộ Phòng Đào tạo Trường CĐ tiếp nhận thông tin từ băng ghi hình và ghi âm của chúng tôi về phi vụ mua - bán chứng chỉ không qua học, không qua thi cử nói trên.

Xác minh "cò" tên T. có tên đầy đủ là N.Q.T., nhân viên hợp đồng của nhà trường. Trước đây, T. làm ở bộ phận thống kê, sau đó chuyển sang đánh máy tính. Với vị trí này, T. dễ dàng chỉnh sửa lại kết quả xếp loại trong chứng chỉ.

Trước chứng cứ không chối cãi được, T. mặt mày tái mét thừa nhận sai phạm của mình, trong số những chứng chỉ T. bán có người ở tận vùng Tây Nguyên, TP HCM...

Ban giám hiệu nhà trường đang tiếp tục kiểm tra, rà soát lại các bộ phận trong hội đồng thi tuyển để làm rõ và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp sai phạm

B.Dũng
.
.
.