Lao đao nghề ăn mứt rong biển

Thứ Năm, 10/01/2008, 10:59
"Một kilôgam rong mứt đổi hàng trăm ngàn giọt mồ hôi". Có vất vả theo chân những phụ nữ hái rong mứt men theo những ghềnh đá trơn tuột, quần áo ướt sũng vì sóng và những cú ngã dúi dụi, bị hàu cứa rát bỏng tay, tôi mới thực sự cảm nhận được câu nói ấy của thợ ăn mứt Võ Thị Phổ ngót 30 năm thâm niên với nghề.

Đặc sản của biển miền Trung

Từ khoảng tháng 9 đến cuối tháng 12 âm lịch, khi những đợt gió mùa Đông Bắc mang không khí lạnh tràn qua duyên hải miền Trung, đem theo những trận mưa lũ kéo dài làm cho nước biển bớt đi độ mặn chính là lúc cây mứt biển (rong mứt Porphyra thuộc ngành rong đỏ biển) phát triển mạnh mẽ, mọc thành từng cụm phủ dày trên các khe, ghềnh đá ở các rạng đá Ngầm, bãi Rạng của bán đảo Sơn Trà và các bãi đá thuộc khu vực Nam Ô, Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Rong mứt là món quà quý của biển, có giá trị dinh dưỡng cao, với hàm lượng chủ yếu là protein, carbohydrate, vitamin B, B2, A, C, nhiều nguyên tố vi lượng và khoáng, hàm lượng calory rất thấp, rất thích hợp cho những người ăn kiêng, người bị tiểu đường.

Là thức ăn bồi bổ sức khỏe rất được ưa chuộng, nên những năm gần đây, rong mứt được thu mua với giá rất cao để xuất khẩu, nhiều nhất là sang Trung Quốc, Nhật Bản...

Nhọc nhằn nghề ăn mứt

"Một kilôgam rong mứt đổi hàng trăm ngàn giọt mồ hôi". Có vất vả theo chân những phụ nữ hái rong mứt men theo những ghềnh đá trơn tuột, quần áo ướt sũng vì sóng và những cú ngã dúi dụi, bị hàu cứa rát bỏng tay, tôi mới thực sự cảm nhận được câu nói ấy của thợ ăn mứt Võ Thị Phổ ngót 30 năm thâm niên với nghề.

Thật vậy, làm nghề hái rong mứt mà người ta gọi là đi ăn mứt hay cào mứt luôn phải đối mặt với hiểm nguy từ biển. Vào mùa mứt rộ cũng là mùa cuối đông sang xuân với cái lạnh tê buốt và những cơn gió nồm thổi ngược từ biển, đem theo những đợt sóng lớn hung dữ bất ngờ ập vào gành đá như muốn kéo tất cả ra khơi xa.

Thật lạ là rong mứt lại chỉ có ở những nơi nào có sóng phủ đầu, đá càng trơn, chênh vênh thì rong mứt lại càng mọc nhiều. Người làm nghề phải theo con nước ròng, nghĩa là từ sáng sớm, khi thủy triều xuống, những vạt mứt non màu nâu nhạt mềm mại như những vạt cỏ thảo nguyên, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời phơi ra trên các gành đá, đó là lúc người  ăn mứt phải ra biển.

Công cụ của nghề chỉ là dao, đĩa cạo bằng sắt tròn, rổ và một ít tro bếp cho khỏi trơn. Đưa đôi bàn tay sần sùi lau nước biển ướt đẫm trên tóc và mặt, chị Phổ bảo tôi: "Đàn ông làm nghề ăn mứt đã vất vả, phụ nữ muốn làm nghề này đòi hỏi phải nhanh chân lẹ tay, bơi giỏi và không thể thiếu lòng can đảm".

Lúc hái rong mứt người phải trụ vững, chân bíu chặt vào mặt đá trơn tuột, tay nhanh nhẹn cậy, bứng mứt mà mắt phải dõi ra biển canh chừng con sóng. Nếu sơ sẩy, hay ham hái mứt mà gặp lúc sóng lớn, bất ngờ sẽ bị trượt chân, ngã xuống biển ngay.

Chỉ những cái sẹo dài, sẹo ngắn chằng chịt trên tay, trên chân, chị bảo: "Hàu cứa đấy! Người làm nghề như tui ai mà chả thế, bị tai nạn như hàu, khe đá cứa đứt chân, tay này chỉ là chuyện thường của những ngày sóng yên, biển lặng. Nhưng có những hôm vì miếng cơm, manh áo, tiền học, tiền sách vở cho con réo gọi dẫu biển động, gió Nam non, biết là hiểm nguy đang chực chờ nhưng những người nghèo như tụi tui vẫn phải ra ghềnh. Đã không ít người làm nghề này bị gãy chân, gãy tay hay phải mang thương tật cả đời bởi trượt chân té ghềnh, sóng quật vào đá đấy cô à!...".

Nỗi lòng xóm mứt

"Xóm Mứt" là cái tên quen thuộc mà người dân Đà Nẵng thường gọi cái xóm nhỏ ở khu vực tổ 40, Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Xóm mứt đa phần đều rất nghèo, với gần 100 hộ gia đình quanh năm sống bằng nghề biển. Điều đặc biệt nhất của xóm là có rất nhiều bà góa.

Mà lạ là tất cả những bà góa này đều làm nghề ăn mứt để nuôi con như các chị Lê Thị Hưởng, Nguyễn Thị Vui, Huỳnh Thị Mười, Bùi Thị Phải... 60 tuổi, bà góa Lê Thị Hưởng tâm sự: Xóm Mứt này hầu hết đàn ông, thanh niên khỏe mạnh đều đi biển, còn lại đàn bà tụi tôi chờ chồng, nuôi con và làm "nghề biển ven bờ" như mò ốc, hái rong, buôn bán cá, buôn con tôm, con tép...

Lấy chồng nghề biển, nhất là nghề biển lộng, biển khơi miền Trung lúc nào "hồn cũng treo cột buồm"  cô à!"... Biển theo những người đàn ông đem tôm cá, đem cơm áo về nuôi gia đình. Nhưng biển cũng tham lam đã không ít lần cướp đi những người chồng, người con.

Những người đàn bà góa của xóm giờ phải trở thành trụ cột của gia đình, phải một mình gồng gánh, tần tảo nuôi con ăn học nên người. Họ làm đủ nghề để chạy gạo: mò ốc biển, cào nghêu vào mùa biển lặng.

Vào mùa rong mứt rộ, họ lại theo những thúng chai hoặc băng mình qua những ghềnh đá để ăn mứt. Thấy tôi ngạc nhiên khi nghĩ nghề ăn mứt nguy hiểm và đầy cực nhọc này chỉ có đàn ông mới làm được, chị Phổ cười buồn, không có đàn ông thì đàn bà cũng phải làm chứ sao!

Quả vậy, ở xóm Mứt những người phụ nữ thật can trường, dẫu công việc kiếm cơm của họ vượt quá sức, quá vất vả nhưng niềm vui và động lực của họ chính là các con được có cái ăn, ấm cái mặc và không phải thất học.

Chị Phổ thì khoe, xóm Mứt  tuy nghèo nhưng cũng có rất nhiều cô cậu cử đấy cô. Như bà góa Huỳnh Thị Mười đang có con trai học Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, hay như chị Nguyễn Thị Tố Nga, Bùi Thị Sinh cũng có con tốt nghiệp THPT, Trường Cao đẳng Ngoại thương hẳn hoi...

Tôi biết, những người phụ nữ  xóm Mứt còn một trăn trở khác. Mặc dầu rong mứt khô là một thực phẩm quý, xa xỉ và được bán rất đắt trên thị trường, nhưng những người phụ nữ làm nghề cào mứt này dẫu phải trải hết sức mình để làm mà vẫn thu nhập chẳng là bao.

Bởi họ không có một cơ sở hay bất cứ một công ty nào đứng ra trực tiếp thu mua cho dân. Họ chỉ là những người lao động tự phát, vào mùa lại bị tư thương ép giá rẻ mạt, mặc dầu từng cân rong mứt chan đẫm mồ hôi thậm chí cả tính mạng của người hái...

Hoài Thu
.
.
.