Làng vắng bóng thanh niên

Thứ Năm, 08/04/2010, 09:35
Từ nhiều năm qua, người ta thường gọi thôn Xuân Thiên Thượng (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là "làng Nam tiến" vì trong thôn có đến 65% (2.230 nhân khẩu/372 hộ) số hộ dân có người vào Nam sinh sống làm ăn.

Cuộc sống tuy có đổi khác, nhà cửa khang trang hơn, "tậu" được xe máy, sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt giá trị, nhưng cả làng dần dần vắng bóng thanh niên. Bây giờ trong làng đa phần là người già ngoài độ tuổi lao động. Trẻ em dưới độ tuổi lao động lại mang nặng tâm lý đi Nam nên chỉ mong tốt nghiệp cấp II là "Nam tiến".

Làng của… người già và trẻ em

Chúng tôi tìm về thôn Xuân Thiên Thượng vào một ngày trở trời cuối tháng 3, thời tiết khó chịu làm cho nhiều người già trong làng lại nhức mỏi. Họ chỉ biết ngồi trong nhà nhìn ra vườn cây tiêu điều, vườn đầy cỏ không một người nhổ. Hỏi ra mới biết, bây giờ tìm một thanh niên ở nhà khó như "tìm kim đáy bể".

Đi một vòng quanh thôn điều dễ nhận thấy nhất chính là vẻ bề ngoài bề thế của nhiều ngôi nhà kiên cố với bờ tường cao, một cuộc sống đầy đủ được phủ lên bộ mặt nông thôn. Thế nhưng, khung cảnh trong thôn cứ ảm đạm, im lìm. Ông Phan Hiếu, 73 tuổi, buồn rầu cho biết: "Nhà tui có 7 đứa con, học lên đến lớp 5 là chúng lần lượt vô Nam kiếm sống. Biết cho con đi làm ăn xa sẽ có tiền nhưng thân già một mình buồn lắm".

Ghé thăm nhiều nhà khác, chúng tôi được biết nhà có số người đi Nam ít nhất cũng từ 2 - 3 người. Nhiều gia đình chỉ có 2 vợ chồng già sống với nhau hoặc sống với cháu nhỏ. Ông Văn Đình Thuận, 50 tuổi cho biết: "Có việc nặng cần thanh niên giúp đỡ phải mỏi mắt tìm khắp làng may ra mới có".

Trong làng ngoài những ông bà già suốt ngày quanh quẩn thì còn có trẻ em - những đứa trẻ chưa đủ tuổi đi Nam. Các em vẫn phải đi học và phụ giúp gia đình nhưng xem ra việc học không được chú trọng. Trên thực tế, nhiều học sinh bỏ học ngay từ lớp 7, 8 nhưng chưa thể vào Nam mưu sinh vì tuổi còn quá nhỏ. Vậy là nhiều em phải ở nhà và… chờ đến tuổi 15 (độ tuổi vào lớp 10) rồi theo chân người thân "tha phương cầu thực".

Trưởng thôn Xuân Thiên Thượng, ông Phạm Hiền thổ lộ: "Nhà tui cũng có 3 đứa con đi Nam. Từ khi chúng đi gia đình cũng bớt khổ, mỗi năm 3 đứa gửi về cũng được 45 triệu. Trong thôn, nhà mô có con cái học hành không ra chi thì đều đi Nam học nghề". Do số người đi thì nhiều mà số trở về "an cư lập nghiệp" tại quê hương thì ít nên làng quê cứ thưa người dần, trong đó có không ít ngôi nhà bỏ hoang.

Nhiều người già trong thôn Xuân Thượng phải làm mọi việc, khi đau ốm không có ai đỡ đần.

Rời làng… "cầu thực"

Cuối năm, vào dịp gần Tết là lúc cả làng đông vui nhất. Vào khoảng 20 tháng Chạp hằng năm, làng Xuân Thiên Thượng lại đón hàng trăm thanh niên làm ăn xa quê trở về. Quây quần với gia đình vài bữa, xong Tết từng đoàn người lại nhảy xe vào Nam mang thêm nhiều lao động độ tuổi trên 15. Cứ thế, 20 năm qua, mỗi lần Tết qua là một lần thôn Xuân Thiên Thượng thêm neo người.

Tình trạng bỏ làng "cầu thực" làm cho chính quyền địa phương không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, do sinh sống trên vùng đất cát pha quanh năm nhiễm mặn, đất canh tác lại ít thì đi Nam làm ăn được nhiều người chọn. "Quê nghèo, lại không có việc làm, nhiều người khi vào các tỉnh miền Nam làm ăn  được, họ đã quyết định ở lại. Như hộ ông Phạm Yên, gia đình có 8 người đều đã định cư ở tỉnh Bình Dương", chỉ tay về ngôi nhà hoang, ông Phạm Hiền, trưởng thôn Xuân Thiên Thượng nói.

Vào các tỉnh miền Nam như: Cần Thơ, TP HCM, Đồng Nai… dân làng chủ yếu làm trong các xưởng may mặc hoặc giày da. Sau khi chi phí các khoản cho sinh hoạt hằng ngày, tích cóp mỗi người có thể gửi về quê trên 20 triệu đồng. Đối với vùng đất nước mặn đồng chua này thì đây là một số tiền khá lớn. Nhưng sự ra đi ồ ạt như vậy đã để lại không ít hệ lụy.

Ông Nguyễn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân trăn trở: "Để giảm thiểu tình trạng di dân, chúng tôi đã có tuyên truyền hướng dẫn người dân hạn chế số người đi. Ngoài ra, còn hướng nhiều người đi xuất khẩu lao động Malaysia, nhưng vẫn không có chuyển biến tích cực. Chúng tôi rất mong cấp trên quan tâm đào tạo nghề cho thanh niên trong xã"

Xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là một vùng quê ven biển với diện tích đất canh tác nhỏ hẹp. Xã có 6 thôn, trong đó Xuân Thiên Thượng là thôn có số người đi Nam nhiều nhất. Do đất đai quanh năm nhiễm mặn nên dân làng chỉ làm được một vụ lúa là bỏ hoang. Toàn thôn có 62ha đất nông nghiệp thì có đến 20ha đất bỏ hoang.

Triệu Phong
.
.
.