"Làng ung thư” thứ 2 ở Phú Thọ

Thứ Ba, 15/08/2006, 11:00

Sau khi biết về "làng ung thư" Thạch Sơn, chính quyền và nhân dân làng Đá Vách, xã Phú Lộc và làng Hoàng Dư, xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã lo lắng cho rằng làng mình cũng có nguy cơ trở thành "làng ung thư" bởi hai làng này ở gần khu bể chứa nước thải của một nhà máy giấy.

Những con số đáng lo ngại

Bốn cuốn sổ báo tử dày cộp của xã Phú Lộc được ông Hoàng Kim Sự, cán bộ tư pháp đem ra để thống kê số người chết vì bệnh ung thư trong 10 năm trở lại đây. Thống kê cho thấy từ năm 1997 đến năm 2005 đã có tổng số 44 người chết vì ung thư như: ung thư phổi, gan, dạ dày, vòm họng... trên tổng số 296 người, chiếm 14,9%.

Ông Chủ tịch xã Phú Lộc đưa ra danh sách người chết ung thư tập trung ở làng Đá Vách (nay là khu hành chính số 4). Con số thật đáng lo ngại, 16 người chết vì ung thư trên tổng số 27 người chết từ năm 1995 đến 2005 chiếm tỉ lệ 58%. Những năm gần đây số người chết vì ung thư ở làng Đá Vách gia tăng trong độ tuổi từ 45 đến 60. Những người già mắc bệnh ung thư thì có thể hiểu được là do tuổi tác và những năm tháng lao động vất vả, còn những người mắc bệnh ở độ tuổi lao động thì người dân chỉ biết kêu than vì thời tiết mỗi năm mỗi khắc nghiệt, vì rượu, vì đồ ăn thức uống không còn sạch sẽ như ngày xưa...

Những người đàn ông khỏe mạnh đột nhiên mắc bệnh, đi khám thì đã mắc ung thư giai đoạn cuối, hết đường cứu chữa như anh Phùng Cao Nguyên, 40 tuổi; anh Hà Văn Tục, 45 tuổi; anh Hoàng Văn Đạo, 47 tuổi... Có gia đình cả ba anh em trai đều chết vì ung thư như ba anh em ông Hoàng Văn Thi, Hoàng Văn Đức, Hoàng Văn Đạo. Hoặc cả vợ chồng ông Phùng Văn Lộc và bà Tạ Thị Lối đều chết vì ung thư cách nhau một năm. Ông Nguyễn Văn Hải, đang khỏe mạnh, hồng hào, đột nhiên ông Hải ngã bệnh được chẩn đoán là ung thư gan và chỉ trong vòng hai tháng là chết.

Tại làng Hoàng Dư (nay là khu hành chính số 7) xã Phú Nham, số người chết vì bệnh ung thư ít hơn so với làng Đá Vách nhưng tỉ lệ chết vì bệnh này cao hơn nhiều so với số người chết vì bệnh khác. 9 người trên tổng số 13 người chết từ năm 1993 đến 2005, chiếm tỉ lệ 69%. Hiện nay, khu 7 còn một số người mắc bệnh ung thư đang nằm chờ chết. Chị Ngô Thị Tám mới ngoài 30 tuổi mà đã chịu hai tang của bố chồng và chồng. Cả hai người đều chết vì ung thư. Bản thân chị Tám cũng bị ung thư vú, đã đi chiếu xạ, phẫu thuật tốn kém hơn 20 triệu đồng mà bệnh vẫn không giảm.

Ý kiến người dân

Hầu hết người dân hai làng nói trên không mấy quan tâm đến số người chết vì bệnh ung thư, không có thông tin để so sánh tại sao làng mình số người chết vì ung thư nhiều hơn nơi khác. Họ chỉ ta thán rằng thời tiết hơn 20 năm qua khắc nghiệt, ngoài bệnh ung thư quái ác còn có những bệnh khác phát sinh, nhất là ở trẻ em và người già như: đau mắt, viêm họng, viêm phế quản...

Cụ Tạ Thanh, nguyên Chủ tịch xã, nhà ở sát cạnh Nhà máy Giấy Bãi Bằng thì cho rằng, nhiều năm nay người dân nơi đây chịu ảnh hưởng khí thải của nhà máy, nhất là khi nhà máy xả khí thải từ lò nấu bột giấy thì cả một vùng bị lớp sương mù che phủ, mùi hôi thối khó chịu. Người dân dù đóng kín cửa, lấy lá chanh vò nát nhét vào lỗ mũi cũng không ngăn được mùi khí thải.

Ông Tạ Ngọc Phúc, Chủ tịch xã Phú Lộc tỏ ra rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của người dân ở địa phương, nhất là khu 4 Đá Vách. Chính ở đây, bố vợ và hai người chú vợ của ông đã chết vì bệnh ung thư. Người dân địa phương chưa có đề nghị gì cụ thể về vấn đề ô nhiễm môi trường, chỉ thắc mắc tại sao những cán bộ, công nhân viên chức ăn lương nhà nước được hưởng bồi dưỡng độc hại 29.000 đ/tháng mà dân không được.

Ở xã Phú Nham, ban đầu chính quyền xã cho rằng số người chết vì ung thư ở khu 7 - Hoàng Dư là do người dân chưa biết biện pháp bảo hộ khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó mới khi đến hàng loạt cống chất thải nước bẩn từ nhà máy giấy đều đổ ra đất Phú Nham. Dân cư khu 7 thì sát ngay khu bể chứa độc hại chờ xử lý. Dù người dân không hiểu lắm về hóa chất, về kỹ thuật chế biến bột giấy, nhưng họ biết được rằng số nước thải của cả nhà máy gom lại kia toàn chứa chất độc hại.

Ngoài việc chịu ô nhiễm vì khí thải trực tiếp của lò nấu bột giấy, nơi bể chứa ngàn mét khối nước bẩn, độc hại chờ xử lý, những ngày máy bơm bị sự cố, hoặc nóng nực, bể thải đầy ứ lớp bọt sủi lên và theo gió phát tán ra xung quanh. Hai làng Hoàng Dư - Đá Vách nằm về phía tây bắc của bể chứa và ống khói nhà máy, khi gió nam thổi đã hứng trọn những làn khí độc hại.

Cách đó không xa, con mương dẫn nước thải từ khu rửa mảnh nguyên liệu giấy đổ thẳng ra cánh đồng lúa ở Phú Nham, chảy về tận xã Tiên Du ra sông Lô, con mương nước đen kịt, không có cua cá nào sống được ở đấy. Các giếng nước gần đó bị nhiễm bẩn có màu đen, mùi thum thủm chỉ dùng rửa tay thôi đã thấy sợ rồi.

Sau khi có thông tin về “làng ung thư” Thạch Sơn, những người dân ở hai làng trên hốt hoảng khi thấy hiện tượng người chaết vì ung thư ở làng mình cũng khá cao, họ đã tìm đến cơ quan thông tin đại chúng nhờ phản ánh tình hình, hy vọng có sự quan tâm và kết luận của các cơ quan chức năng.

Được biết mấy năm gần đây, Nhà máy Giấy Bãi Bằng đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho việc bổ sung, đổi mới các thiết bị xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ảnh hưởng xấu môi trường xung quanh. Tuy vậy, sự có mặt và hoạt động của nhà máy trên địa bàn huyện Phù Ninh đã từ 30 năm nay, việc gây ô nhiễm dù ở cấp độ nào thì cũng đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân trong vùng. Việc hỗ trợ khám, chữa bệnh cho hai làng Hoàng Dư và Đá Vách là điều nên làm, ít nhất là từ góc độ nhân đạo

Phương Quý
.
.
.