Làng trường thọ bên sông Lam

Thứ Hai, 21/06/2010, 09:29
Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An chỉ có hơn 8.000 nhân khẩu nhưng có tới trên 200 cụ hiện sống trên 80 tuổi, trung bình cứ 40 người dân nơi đây thì có cụ bước vào tuổi thượng thọ. Chính nhờ các cụ luôn dạy con cháu giữ gìn thuần phong mỹ tục nên đàn ông con trai của làng không ham mê rượu chè, cờ bạc, đàn bà con gái luôn hướng đến công, dung, ngôn, hạnh.

Vì vậy từ sau 1975 đến nay, ở làng này không hề xảy ra trọng án. Trong những ngày sống chung với người làng, chúng tôi còn phát hiện ra nhiều chuyện lạ ở ngôi làng này.

Ngũ đại đồng đường

Men theo con đê làng, chúng tôi tìm về làng Đồng Văn bên bờ sông Lam, dọc đường đi chúng tôi bắt gặp nhiều cụ già ngồi hóng gió bên triền đê và kể chuyện xưa, chuyện nay với đám trẻ chăn trâu. Đồng Văn là ngôi làng có trên 600 năm tuổi, mặt làng hướng ra sông Lam, một phần lưng tựa vào vách núi, giữa làng là cánh đồng lúa xanh mượt, trù phú.

Làng vẫn giữ được cây đa, giếng nước, ngôi đình, những yếu tố điểm tô của một làng thuần Việt. Những con đường làng được đổ bê tông phẳng lỳ ra tận mép ruộng lúa, mặc dù ở nông thôn, song đường làng được quét dọn sạch sẽ. Những dãy nhà cấp 4 nằm san sát nhau dưới các tán tre làng, hàng rào được tỉa tót trông rất bắt mắt. Chiều.

Vợ chồng cụ Yến gần 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, tự chăm sóc nhau.

Những cơn gió từ sông Lam thổi vào làng mát rượi. Chúng tôi sững sờ khi bắt gặp nhiều lão lực điền đã bước sang tuổi 80 vẫn vững tay cày trên ruộng. "Con cháu không cho làm, nhưng tui vẫn đi làm, làm nhiều người mới khoẻ ra" - cụ Nguyễn Xuân Chế cười, cho biết vậy. Ông Tô Hữu Nam - Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở Đồng Văn cho biết: Đồng Văn hiện có trên 200 cụ sống thọ từ 80 tuổi trở lên, trong đó có 137 cụ hiện trên 85 tuổi, trên 50 cụ sống trên 90 tuổi và gần chục cụ đã bước qua tuổi 100.

Làng chỉ có 11 thôn với hơn 8.000 nhân khẩu mà có tới từng ấy cụ sống thượng thọ quả là chuyện hiếm. Chúng tôi vào nhà cụ Võ Thị Đức, năm nay cụ bước sang tuổi 105 nhưng cụ vẫn tự mình vệ sinh cá nhân, và tự giặt quần áo cho bản thân. Cụ Đức vẫn rất minh mẫn, cụ chia sẻ: "Trước Cách mạng Tháng Tám, tui khổ có lẽ chẳng ai bằng, chồng chết khi con út mới bi bô tập nói, tui gặt hái, đào đất, gánh củi thuê cho người ta từ khi ba, bốn giờ sáng đến tối mịt mới về nhà. Nhiều bữa mẹ con ôm nhau khóc vì đói, vì khát. Sau 1945, Nhà nước cho ruộng, cho đất tui mừng vui khôn tả, vì vậy khi nuôi 5 đứa con trai trưởng thành tui đều động viên các con lên đường đánh giặc, cứu nước".

Con út cụ Đức là ông Nguyễn Xuân Năm gần bước sang tuổi 70 cho biết: Ngày cụ Đức vẫn ăn ba bữa, mỗi bữa một bát cơm, sau bữa cơm cụ thường uống 2-3 bát nước chè xanh. Hiện cụ Đức có gần 50 con, cháu, chắt, chít. Ngôi nhà cụ đang sống có 5 thế hệ cùng ở một nhà. Rời nhà cụ Đức, chúng tôi đến thăm cụ Tô Thị Mai, cụ Mai năm nay bước qua tuổi 95 nhưng cụ vẫn tự mình có thể đi chợ, nấu ăn phục vụ bản thân.

Cụ có trên 40 con, cháu, chắt trong đó có hơn 30 con, cháu đã tốt nghiệp đại học và trên đại học. Điều đặc biệt ở làng trường thọ Đồng Văn là có rất nhiều cụ ông, cụ bà là vợ chồng vẫn song toàn khoẻ mạnh khi đã bước qua tuổi 90. Vợ chồng cụ Trần Đình Yến (96 tuổi) và Hữu Thị Thanh (92 tuổi) vẫn tự chăm sóc nhau hằng ngày. Năm gần 90 tuổi, cụ Yến vẫn đi cày 2/3 sào ruộng một mùa.

Thời trai trẻ cụ Yến đi dân công hỏa tuyến hết chiến trường Điện Biên rồi chiến trường nước bạn Lào, nhiều lần cụ tưởng chết vì bị sốt rét rừng. Nhưng từ khi về làng Đồng Văn lấy vợ sinh con cụ hoàn toàn khoẻ mạnh. "Nhờ trời gần 70 năm rồi vợ chồng tui chưa mất tiền để phải mua viên thuốc tây nào để uống", cụ Yến cười bảo vậy…

Ngũ phúc thọ vi tiên

Nói về những điều may mắn trong cuộc đời, người xưa thường gọi là "Ngũ phúc lâm môn" tức là 5 điều lành đến gõ cửa gồm: Phúc-Lộc-Thọ-Khang-Ninh. Song trong 5 điều lành tốt đẹp trên, thì "Ngũ phúc thọ vi tiên", có nghĩa sống thọ là quan trọng nhất. Có lẽ không nơi nào như ở làng Đồng Văn, triết lý về nhân sinh cuộc đời nói trên luôn được người làng rất coi trọng.

Chính vì vậy, ở làng này, người lớn tuổi luôn là tấm gương để con cháu noi theo. Ông bà mẫu mực, con cái, cháu, chắt thảo hiền, hiếu thuận. Người làng thường bảo nhau, nhờ kinh nghiệm của người già, sức khỏe của tuổi trẻ kết hợp với nhau nên làng trở nên giàu mạnh, đoàn kết. Ở Đồng Văn khi nhà nào có chuyện hiếu, chuyện hỉ, người làng thường đến chúc mừng, chia sẻ. Có cụ lớn tuổi nào mất, cả làng đều đến tiễn đưa trong sự tiếc thương, trọng vọng.

Tất cả các cụ cao tuổi đều thường xuyên sinh hoạt, nhắc nhở con cháu gắng học nên người, không sa vào tệ nạn xã hội. Tất cả các chính sách của Đảng và Nhà nước, các cụ thường khuyên răn con cháu chấp hành. Chính từ cách sống mẫu mực của hàng trăm cụ già ở Đồng Văn nên ở làng này từ năm 1975 đến nay không hề xảy ra trọng án, 20 năm qua không có một vụ án hình sự nào.

Đức tính nổi bật của dân làng Đồng Văn là sống chan hoà, đoàn kết đùm bọc yêu thương lẫn nhau. Trong làng có một người ngã bệnh, cả làng đến thăm không sót một ai. Các gia đình, chòm xóm sống hạnh phúc, không có trường hợp ly hôn. Chính những yếu tố ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn của
người dân Đồng Văn luôn trong sáng, thể chất luôn mạnh khỏe.

Nói về bí quyết sống lâu, hầu hết các cụ già đều cho rằng: Lao động chân tay nhiều, luôn suy nghĩ về điều thiện, tiền bạc không ham, chức quyền cũng chẳng màng, con cháu hiếu thảo là đủ. Đến bữa ăn không quá no, nhưng bữa ăn nào cũng phải có nhiều rau xanh, sau bữa ăn nhất thiết phải có ấm nước chè xanh để uống.

Dương Sông Lam
.
.
.