Làng trống sau “cơn lũ” ma tuý

Thứ Ba, 11/01/2005, 11:05
Với nghề làm trống lâu đời, thợ trống Đọi Tam đã mang sản phẩm của mình đến khắp cả đất nước. Cùng với sự phát triển của làng nghề, có thợ trống sa chân vào ma tuý, ảnh hưởng tới nếp sống văn hoá làng nghề.

Gần đây, thợ trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ) đã lọt vào mắt các nhà tổ chức chuẩn bị lễ hội ngàn năm Thăng Long - Hà Nội với việc đặt làm ngàn cái trống. Riêng công đoạn làm trống sấm mặt rộng 2,01m đã là cả một dự án đặc biệt, mà phải những người thợ có tấm lòng và tay nghề đặc biệt mới có thể hoàn thành.

Anh Đinh Văn Nương - thợ trống lâu năm, Trưởng thôn Đọi Tam cho biết: Với cái trống này, những người thợ gặp muôn vàn khó khăn. Phần khung được giao cho gia đình ông Phạm Chí Thảo là người làng lập nghiệp trong Thừa Thiên - Huế đảm nhận.

Không kể phần xin phép cơ quan thẩm quyền, việc tìm 3 cây mít có đường kính ít nhất là 1m để sẻ làm tang trống, cũng đã là một kỳ tích. Khó khăn là vậy nhưng cũng chẳng thấm gì so với việc tìm con trâu có thảm da vừa với yêu cầu của trống.

Đi khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng người thợ trống phát hiện một con trâu ở Thái Bình, một con ở Thanh Hóa. Khi công việc vào giai đoạn hoàn tất thì một sự cố ngoài ý muốn xảy ra. Vì cái trống quá to, nếu thi công tại Huế thì rất phức tạp cho khâu vận chuyển, lại không đảm bảo an toàn. Vì thế nhóm thợ quyết định phương án đưa vật tư ra Quốc Tử Giám (Hà Nội) thi công.

Thế nhưng trong khi tập hợp răm tang trống ra ga Huế thì gặp trận lũ khủng khiếp, trôi mất 3 răm. Mưa lũ trắng trời thành ra công việc tìm kiếm 3 chiếc răm trống trở nên bất khả thi. Cuối cùng, chiếc trống sấm đó vẫn được hoàn thành và nó đã đi vào lịch sử của nghề trống Việt Nam.

Bi kịch về làng

Cả thôn Đọi Tam có 554 hộ, trên 2.000 nhân khẩu, thì đã có tới 550 cặp thợ, tức là khoảng gần ngàn lao động đang có mặt khắp nơi mưu sinh bằng nghề trống. Đó là dấu hiệu tốt cho nghề trống phát triển. Nhưng nhiều thợ trống đã không làm chủ được mình. Hình ảnh người thợ “khi đi bảnh bao, khi về tiều tụy” cứ tăng dần.

Chị Lại Thị T. buồn rầu: "Đang yên ấm thì chồng em mắc nghiện. Nghe bạn bè nói lại, lúc đầu anh bảo hút chơi khi rảnh rỗi. Nào ngờ, những đồng tiền kiếm được từ trống bao năm, anh lần lượt cho vào nõ điếu. Khi không còn gì trong nhà thì cũng là lúc anh ấy thân tàn ma dại, rồi cuối cùng để lại cho em 2 đứa con nhỏ và một túp lều.

Không còn cách nào khác, em phải gửi con nhờ bà trông nom để lên Hà Nội lo làm thuê kiếm sống. Nhưng bà em thì nào có khá giả gì đâu, cũng ốm đau quặt quẹo luôn, mà nguồn sống chỉ trông vào vài sào ruộng. Đau đớn nhất là sau sự kiện đó, gia đình ly tán, tha hương".

Trường hợp Phạm Văn M. không khác là mấy, có chăng chỉ là hoàn cảnh mắc nghiện mà thôi. M. vốn có tay nghề khá, lại có tài khua trống ròn khiến nhiều gia chủ mở hầu bao thêm tiền thưởng. Lúc đầu là tiền, sau không có tiền thì thưởng thuốc. Lẽ ra phải tránh thì M. lại lấy làm tự hào, rồi nghiện. Kết cục của trò tiêu khiển ấy là cái chết của M, để lại đàn con thơ dại và người vợ quanh năm lam lũ.

Phạm Công Tống vốn là con nghiện. Vì cần tiền sử dụng ma tuý, Tống mở sới hút chích thu hút các con nghiện trong vùng. Rồi kéo cả vợ là Phạm Thị Ngọ vào con đường buôn bán ma túy, bị Công an Hà Nam bắt cả hai vợ chồng cùng tang vật.

Anh Đinh Văn Nương cho biết, thời điểm cao nhất cả làng có đến 13 người nghiện ma túy. Tình hình ANTT thôn xóm cực kỳ phức tạp. Đêm đến, hễ hở ra cái gì là mất. Không chỉ mắc vào họa của ma túy, những đợt đi làm trống dài ngày còn dễ đưa những đấng nam nhi đến một "bến bờ" mới. Đã có không ít chàng vì "lửa gần rơm" mà  quên đi nghĩa vụ làm chồng, làm cha...

Đó là chuyện của vài năm về trước. Anh Đinh Văn Nương kể, được sự giúp đỡ của Công an huyện Duy Tiên, đặc biệt là Đảng ủy, chính quyền địa phương, hàng loạt biện pháp ngăn chặn "đại dịch" được vạch ra.

Bước đầu là vận động các gia đình có con em mắc nghiện phải bằng mọi cách tự cai, trước khi áp dụng hình thức bắt buộc. Sau nữa là các biện pháp cứng rắn hơn nhưng vẫn trên cơ sở tình làng nghĩa xóm.

Nhưng có một chế tài rất đáng quan tâm của làng là, nếu gia đình nào còn để con em nghiện, trộm cắp hay vi phạm quy ước an ninh có hệ thống thì không được thừa nhận là người trong làng, trong họ nữa.

Biện pháp này tỏ ra hiệu quả. Đã có nhiều người cai nghiện thành công như anh Phạm Văn Bảy, anh Phạm Chí Thanh. Tình hình ANTT làng trống giờ đã tốt. Người làng trống tự hào đón danh hiệu làng nghề và dự định Hội làng ngày 7 tháng Giêng tới sẽ mở hội lớn

Khánh Chi
.
.
.