Làng mới giữa rừng pơ mu

Thứ Hai, 19/09/2016, 09:10
Lãnh đạo huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho rằng, nhờ có dân mới giữ được rừng. Và, một ngôi làng mới của người Cơ Tu đã được hình thành giữa cánh rừng pơ mu nguyên sinh…

Trong khi tại Nam Giang (Quảng Nam) xảy ra vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng, nhiều cán bộ Nhà nước liên quan bị bắt tạm giam, thì ở huyện “láng giềng” biên giới Tây Giang, chính quyền và người dân có những cách làm hay, để bảo vệ rừng pơ mu tại đây. Rừng pơ mu ở Tây Giang đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Làng mới giữa rừng pơ mu ở Tây Giang.  

Lãnh đạo huyện Tây Giang cho rằng, nhờ có dân mới giữ được rừng. Và, một ngôi làng mới của người Cơ Tu đã được hình thành giữa cánh rừng pơ mu nguyên sinh…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bhriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, kể rằng, huyện Tây Giang đã phải mất 5 năm trời mới làm xong cái “giấy khai sinh” cho quần thể cây pơ mu của huyện. Đó là thủ tục để Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chứng nhận rừng pơ mu nguyên sinh của Tây Giang là Cây Di sản Việt Nam.

“Nói nghe có vẻ “lợm cợm”, song nghĩ cũng không sai. Giấy khai sinh đơn giản chỉ là sự chứng thực pháp lý về một con người đã có mặt trên đời này, cha mẹ là ai, quê hương bản quán ở đâu… Bà con Cơ Tu chúng tôi bảo, rừng pơ mu, theo xác định trên cơ sở khoa học đã có trên 1.000 năm về trước. Quý hiếm là thế, lâu đời thế, nhưng chẳng mấy ai biết sự hiện diện của nó, bây giờ mới xác định nó là Cây Di sản của Việt Nam, thì đúng là mới “khai sinh” cho nó rồi còn gì”, ông Bhriu Liếc cười vui vẻ.

Qua lời kể của ông Bhriu Liếc, từ lâu bà con Cơ Tu ở vùng Trhy và A Xan đã có ý thức bảo vệ, giữ gìn cánh rừng pơ mu. Vì họ quan niệm, những cây to trong khu rừng này là nơi trú ngụ của thần linh và linh hồn người chết… Đến đầu tháng 9-2011, lúc đó ông Bhriu Liếc còn giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, đã thành lập một đoàn công tác đi khảo sát rừng pơ mu theo sự hướng dẫn của bà con bản địa. Sau 6 giờ đồng hồ leo núi, hiện ra trước mắt đoàn công tác là cả một cánh rừng pơ mu với hàng trăm cây cao từ 25-30m, thậm chí có cây cao 50m.

Một cây pơ mu có đường kính trên 10m ở Tây Giang.

Hầu hết cây pơ mu ở đây đường kính từ 3-4m, nhiều cây lên tới cả chục mét. Tiếp tục tổ chức nhiều chuyến khảo sát nữa, UBND huyện đã xác định sơ bộ có hơn 1.200 cây pơ mu, trên diện tích 450ha, đây mới chỉ là vùng lõi trên quần thể cây pơ mu rộng tới 4.500ha ở Tây Giang, nằm trên địa bàn 2 xã Trhy và Axan…

Theo tài liệu của ngành Kiểm lâm Việt Nam, cây pơ mu còn gọi là cây Đinh hương, Tô hợp hương, Mại vạc, thuộc nhóm A2, đặc biệt quý hiếm. Gỗ pơ mu có mùi thơm đặc trưng, có đường vân rất đẹp, không mối mọt. Giá trị trên thị trường tại các địa bàn miền núi đã lên tới 60-70 triệu đồng một mét khối, nên pơ mu là lâm sản bị “lâm tặc” săn lùng ráo riết. “Việc phát hiện rừng pơ mu, huyện báo về tỉnh, nhưng tỉnh không tin. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh và Trung ương, nhưng mãi vẫn không thấy hồi âm nên cuối cùng phải đi làm “giấy khai sinh” cho nó”.

Ông Bhriu Liếc kể tiếp rằng, ông cùng mấy cán bộ huyện mày mò, tìm hiểu, rồi ra Hà Nội, tìm đến Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, gặp các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành. Nghe xong câu chuyện, đoàn công tác do Tiến sĩ Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp), PGS-TS Vũ Đình Hèo-Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nhanh chóng vào Tây Giang… Đến cuối năm 2014, đoàn công tác xác định, cánh rừng pơ mu của Tây Giang có 725 cây pơ mu có độ tuổi trên 1.000 năm, đặc biệt hàng chục cây có độ tuổi hơn 1.800 năm, hàng nghìn cây có độ tuổi từ 60 đến 70 năm...

Cùng với sự tận tụy, miệt mài của các nhà khoa học, UBND huyện Tây Giang cũng đã 5 lần ra Hà Nội, hàng chục lần lập, chỉnh sửa hồ sơ, để đến tháng 7-2015, việc công nhận Cây Di sản Việt Nam cho quần thể pơ mu và 2 cây đa ở Tây Giang mới hoàn thành.

Ông Bhriu Liếc tâm sự: “Có hẳn một rừng Cây Di sản Việt Nam, cán bộ và nhân dân Tây Giang vinh dự lắm, nhưng câu hỏi đặt ra cùng với sự trăn trở, làm sao phải giữ được rừng mãi mãi... Không có cách nào hiệu quả hơn, chỉ có giao rừng cho chính người dân nơi có rừng quản lý”.

Huyện Tây Giang đã có một quyết định táo bạo, thành lập hẳn một làng mới giữa lõi rừng pơ mu. Bằng nguồn kinh phí địa phương, huyện đã đầu tư mở ngay một con đường 8km vào đến nơi lập làng, thay vì phải đi bộ gần 8 giờ đồng hồ như trước kia. Quần thể pơ mu nằm trên địa phận 2 xã Trhy và Axan, huyện cho xây dựng 10 ngôi nhà theo phong cách nhà truyền thống của người Cơ Tu, có một nhà Gươnl dùng để sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Đồng thời thành lập Tổ công tác bảo vệ rừng di sản, với 28 thành viên đều là người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng mới lập gia đình  của các thôn 2 xã Trhy và Axan, và được đưa vào cư trú tại ngôi làng giữa rừng pơ mu này. Làng có một Chi bộ Đảng, có đầy đủ các đoàn thể, hội như phụ nữ, thanh niên và một trường mẫu giáo…

Khi gặp chúng tôi ở làng mới giữa rừng pơ mu, già làng Pơloong Đưm có con cháu tham gia Tổ bảo vệ rừng pơ mu, phấn khởi nói: “Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và nhà nước, bà con Cơ Tu không chặt phá rừng mà bảo vệ nghiêm ngặt. Bây giờ cây pơ mu là báu vật của làng mình, nên quyết tâm giữ gìn cho con cháu mai sau...”. Chỉ có người dân mới hiểu rừng, mới thuộc rừng và bảo vệ rừng hữu hiệu nhất, vì rừng đã nuôi sống họ, đã gắn bó với họ từ ngàn đời nay rồi.

Hồng Thanh
.
.
.