Lặng lẽ làm đẹp cho phố phường

Thứ Sáu, 30/01/2009, 09:55
Những ngày đầu xuân, khi mọi người xúng xính quần áo đẹp để đi chơi Tết thì trên phố, các chị lao công vẫn đang cần mẫn với công việc của mình, chăm chỉ quét sạch từng cọng rác trên đường để mọi người có được một cái Tết trọn vẹn. Tiếng chổi quét đường vẫn xao xác. Ngày Tết, hoa nhiều hơn, lễ hội nhiều hơn và rác cũng nhiều hơn. Khi mọi người nô nức vui xuân thì những anh chị lao công càng vất vả hơn ngày thường...

Nghề không có giao thừa

Tối muộn ngày mùng 3 Tết, trong cái thời tiết lạnh thấu xương lại cộng thêm mưa phùn lất phất nhìn con phố Tân Mai thật buồn bã, vắng vẻ. Chỉ thỉnh thoảng mới có người phóng xe vội vã qua lại. Trong cái tiết trời giá lạnh thế này sẽ chẳng ai ra đường nếu không có công việc quan trọng. Giữa cái khung cảnh ấy nổi bật nhất và duy nhất chỉ còn hình ảnh 1 người lao công vẫn đang cần mẫn lao động.

Qua một hồi trò chuyện tôi mới biết tên chị. Chị là Nguyễn Thị Mai (37 tuổi), công nhân vệ sinh môi trường Công ty Cổ phần Dịch vụ Vệ sinh Môi trường Thăng Long tại phường Tân Mai. Trong bộ quần áo bảo hộ lao động, nhìn chị thật hiền, trên khuôn mặt luôn rạng rỡ những nụ cười phúc hậu. Vừa nói chuyện, tay chị vẫn thoăn thoắt đưa chổi.

"Chú không đến đây mà xem, vừa nãy một mình chị 1 xe gom, đi thu gom cả núi rác từ các hộ trong ngõ ra. Ngày Tết rác nhiều lắm, phải gấp 3 lần bình thường. Vất vả lắm. Mùa đông mà vẫn toát mồ hôi đấy".

Dáng người mảnh khảnh mà chị vẫn một mình vừa thu gom, vừa đẩy toàn bộ rác cho cả khu phố đông dân. Nhìn đống rác trước mặt, thôi thì đủ loại bốc mùi xú uế. Có người nói chuyện cùng trong lúc làm việc trong đêm lạnh, chị có vẻ cũng vui.

Chị kể, nhà chị ở tận dưới Văn Điển. Hai vợ chồng đều là công nhân vệ sinh môi trường và cùng làm tại tổ thuộc phường Tân Mai này. Hàng ngày, từ 4h chiều là bắt đầu ca sản xuất, bất kể thời tiết nào. Ban đầu là làm 2 vòng đi thu gom rác trong các khu dân cư để cho xe cẩu đến cẩu đi lần thứ nhất. Sau đó đi quét toàn bộ lòng đường, vỉa hè trên khu vực mình phụ trách. Phải vòng đi vòng lại nhiều lần cho đến khi nào sạch hết mới thôi.

Thường thường cứ 1h sáng là mới xong việc. Tuy nhiên cũng có hôm phải chờ xe cẩu nên đến tận 3, 4h sáng mới về đến nhà. Tắm rửa, cơm nước xong thì cũng đã quá khuya và mệt lử. Sáng ngày ra vẫn phải dậy sớm để lo việc gia đình. Để có sức đi làm thì chỉ tranh thủ ngủ tí buổi trưa. Cứ chiều đi làm là tất cả lại phải nhờ ông bà nội. Từ việc cơm nước cho 2 cậu con trai, đến đón các cháu đi học về mặc dù ông bà đã nhiều tuổi.

Nói chuyện về Tết nhất, chị thổ lộ chị cũng như hầu hết các anh chị em ở đây, ngày Tết thì cũng chỉ tranh thủ mua sắm qua loa. Thứ nhất vì ngày Tết vẫn phải đi làm suốt ngày và hơn nữa điều kiện kinh tế cũng chẳng khá giả gì. Hầu hết những người làm nghề này đều là những người hoàn cảnh cả. Nhiều đêm giao thừa đi làm, vất vả quá nên cũng chẳng để ý đến thời gian.

Bỗng nhiên tiếng pháo hoa nổ làm cho cả bầu trời sáng rực. Ngẩng mặt lên mới biết thế là đã đến giao thừa. Lặng đi một chút, giọng chị buồn buồn: "Đi làm vào ngày lễ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán cũng buồn lắm em ạ. Có năm, giao thừa, đang làm thì con nó gọi ý ới cũng muốn về nhà với con lắm nhưng không được. Về đến nhà nghe thấy con nói mẹ ơi con nhớ mẹ lắm cũng chảy nước mắt đấy. Hai anh chị làm cùng nghề còn đỡ, chứ nhiều người hai vợ chồng khác nghề thì nhìn thấy thương lắm".         

Chị Phạm Thị Minh Hương, tổ trưởng tổ phường Tân Mai, người đã có gần hai chục năm trong nghề cho biết, vào những ngày giáp Tết công việc ngập đầu nên rất vất vả. Đặc biệt nghề này Tết lại phải làm nhiều hơn. Cứ vào dịp Tết là tất cả 100% công nhân đều phải đi làm và hầu hết đều phải làm tăng ca, thêm giờ. Vất vả, mệt nhọc mà lại không được xã hội coi trọng nên nhiều người rất chán nản. Những lúc như thế phải động viên tinh thần để mọi người cùng vượt qua hoàn cảnh. Thế nên nghề này rất ít đàn ông làm.    

Những nỗi niềm cần được cảm thông, chia sẻ

Lặng lẽ, âm thầm đóng góp cho xã hội. Công việc của họ không phải là những việc đao to búa lớn, giải quyết những vấn đề lớn lao của kinh tế, xã hội. Nhưng hãy thử hình dung nếu xã hội này thiếu đi bóng dáng của người lao công quét rác. Vậy mà xã hội vẫn chưa thực sự nhìn nhận, đánh giá hết vai trò của họ. Nhiều người vẫn có quan niệm rằng đây là nghề không cao quý nên nhiều khi do vô tình hay cố ý mà ta đã quên mất họ.

Tâm sự với chúng tôi, hầu hết các chị em đều bày tỏ sự bức xúc trước ý thức của nhiều người dân. Có những hôm mùa hè, đêm hôm đã phải cực khổ đẩy cả xe rác đi trong ngõ. Do đường gập ghềnh nên bánh xe đè vào nắp cống lắp chưa khít tạo ra tiếng kêu làm người ta ở trong nhà hoặc nhiều nhà có con nhỏ tỉnh giấc là chửi vọng ra. Nghĩ cũng tức lắm mà đành phải nín nhịn. Nhiều chị em về nhà tủi thân chỉ biết khóc hoặc tâm sự với đồng nghiệp khác.

Chị Trịnh Thị Phương Hảo (25 tuổi) bày tỏ, cũng chỉ cách đây có vài ba hôm thôi, khi đi thu gom rác từ nhà dân trong ngõ xóm, có một thanh niên lúc gõ kẻng để báo dân ra đổ rác thì không thấy ra đổ. Khi gom xong, đẩy xe đi thì lại mang rác vứt ra ngõ ngay đằng sau xe. Chị nói thì anh ta không ngần ngại buông lời xúc phạm chị ngay trong ngõ lúc đông người. Nhưng vì việc của mình là phải dọn nên đành phải quay lại dọn. 

Còn chuyện gia đình thì ai cũng có những nỗi niềm riêng không thể nói hết. Nhất là đối với những người còn trẻ. Có người lấy vợ, lấy chồng rồi mà hai vợ chồng cứ như "vợ chồng Ngâu" rất ít khi gặp được nhau vì chồng làm ban ngày, vợ lại đi làm ban đêm. Hầu hết vợ chồng đều thông cảm cho nhau.

Trên đường về, mưa phùn vẫn bay, trời càng lúc càng lạnh hơn, thấp thoáng trên đường vẫn có bóng dáng của những người lao công đang miệt mài làm việc. Sáng mai khi đi trên những con phố sạch đẹp, chẳng biết có người nào nhớ đến những giọt mồ hôi của người lao công rơi lặng lẽ trong đêm qua. Họ đã, đang và sẽ lặng lẽ đón những giao thừa cùng với công việc âm thầm của mình. Nghề nào cũng là nghề, lao động là vinh quang. Những đóng góp của những con người này nên được xã hội nhìn nhận và quan tâm hơn nữa

Phan Hoạt
.
.
.