Làng gốm cổ bên sông Cầu

Thứ Hai, 01/03/2010, 14:57
Những bức tường xây bằng tiểu sành, chum vại, những chồng củi cao chất ngất xếp vuông vắn kiểu "toang" trâu… hiếm có một ngôi làng nào ở đồng bằng Bắc Bộ có nét lạ mà gần gũi với con người đến thế. Những ngày này, làng gốm cổ bên sông Cầu đang hối hả bắt tay vào mẻ hàng đầu tiên sau Tết Nguyên đán.

Những chuyện lạ ở làng gốm cổ

Vượt đoạn đường hơn 60km từ Hà Nội, chúng tôi thực sự bất ngờ khi vừa đặt chân tới làng gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Chỉ mới nhìn một bức tường đầu tiên được làm bằng cả trăm cái tiểu sành, chúng tôi đã cảm thấy "choáng váng".

Tiếp đó là những bức tường bằng chum sành chất từng chồng lên nhau. Cảm giác sờ sợ tan biến ngay khi chúng tôi nhìn thấy các sản phẩm gốm phơi đầy trước sân nhà, hai bên đường, ven sông… Tất cả đang ánh lên một màu sắc thô mộc, bình dị nhưng lại thật trau chuốt, kỳ công.

Dọc hai bên đường làng, những đống củi xếp hình "toang trâu" trông lạ mắt, lại gọn gàng, khiến củi nhanh khô hơn. Đó là thứ nguyên liệu duy nhất dùng để nung gốm - thứ gốm mang thương hiệu Phù Lãng, thô ráp, đầy tính thủ công và chứa đậm hồn quê Việt Nam.

Tại một lò gốm cỡ đại bên bờ sông Cầu, gần chục nhân công đang hối hả vào lò. Mấy chục loại đồ gốm, từ tiểu sành, chum vại, niêu cơm, bình hoa và cả tranh gốm… được những người thợ sắp xếp, chuyển dần vào bên trong lò. Cạnh đó, mảnh sân nhà ông Trần Văn Bình, chủ lò gốm Bình Minh (thuộc thôn Thủ Công, xã Phù Lãng) xếp đầy hàng gốm mỹ nghệ.

Mỗi chiếc chum, lọ hoa, chậu lá sen… đều nổi bật lên những đường nét hoa văn tinh tế. Để có được thành phẩm đó, người làm gốm phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ chọn đất, nhào đất, vuốt, vẽ, vào men, ra lò, vào lò… Có những công đoạn tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất cần kỹ thuật, kể cả việc vào lò, sắp xếp gốm trong lò, rồi giữ lửa cho lò để không bị hỏng sản phẩm.

Ông Bình mở cửa lò, bật điện cho tôi vào thăm. Bên trong, hàng "phơ" (gốm chưa nung) được xếp hong khô để tận dụng nhiệt của lò nung mẻ trước. Ông bảo, sau mỗi mẻ nung, lò còn giữ nhiệt được tới khoảng 7 ngày. Trên trần lò, những viên gạch được làm bằng thứ đất đặc biệt bóng lên màu xám, chai lì của thời gian và số lần nung.

Những người dân Phù Lãng khẳng định, có lẽ ở những làng nghề gốm sứ ở miền Bắc, duy nhất làng nghề này duy trì được công nghệ hoàn toàn thủ công. Bởi vậy, các sản phẩm mỹ nghệ của làng chẳng sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Mỗi sản phẩm có nét độc đáo riêng.

Không như nhiều làng nghề gốm sứ khác sử dụng lò gas hay than để đun sản phẩm, gốm Phù Lãng được nung từ củi. Bởi vậy, người đun gốm phải dồn sức, thời gian và cả sự khéo léo cho đều lửa, tránh lửa táp làm sản phẩm bị già quá hoặc nơi xa lửa thì bị non quá. Người ta ví nung gốm như khi rang lạc vậy, lửa càng nhỏ, thời gian đun dài thì chất lượng càng cao.

Đứng từ làng gốm Phù Lãng, phóng tầm mắt qua con sông Cầu thanh bình đang lững lờ trôi, bên kia là huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Trên sông có những con đò nhỏ chở đất sét sang bán cho người làng nghề Phù Lãng. Trước đây, đất sét làm gốm được lấy ở ven bờ sông Cầu bên này, nhưng dần dần không còn nữa, người Phù Lãng phải mua từng thuyền đất chở từ Yên Dũng sang.

Đi dọc đường làng, nơi nào cũng thấy những mảnh vườn chứa đầy đất làm gốm, trên đường, hàng "phơ" cũng được mang ra hong khô dưới ánh nắng ấm áp ngày xuân. Ông chủ lò gốm Bình Minh thì cho biết, lò gốm của ông duy trì 10 lao động làm việc và luôn cải tiến, sáng tạo mẫu mã.

Và thật may mắn, cậu con trai Trần Minh đang học Đại học Mỹ thuật công nghiệp say nghề và quyết tâm lưu giữ nghề truyền thống này. Đặc biệt, làng gốm Phù Lãng còn nổi danh với những thương hiệu gắn liền với chủ nhân lò gốm: Gốm Nhung, gốm Thiều, gốm Ngọc, gốm Thành Thanh…

Tranh gốm cũng đang là sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Vũ Hữu Nhung, anh thanh niên cùng nhiều người con tâm huyết khác đưa sản phẩm của làng gốm đi khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài đang là niềm hy vọng để lưu giữ làng nghề độc đáo này.

Tuy vậy, những người tâm huyết với nghề gốm Phù Lãng vẫn đang lo lắng cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng thôn Phù Lãng cho biết, hiện thôn chỉ có 95 hộ dân/525 hộ làm nghề gốm. Số hộ làm gốm còn lại khoảng hơn 100 hộ thuộc các thôn khác của xã Phù Lãng.

Làng nghề hiện vẫn duy trì theo cách tự cung tự cấp. Thỉnh thoảng một số hộ dân làm nghề cũng được vay vốn ngân hàng để mở xưởng. Nhưng, làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn, khó từ vốn, từ kỹ thuật…  Có lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà từ đời xa xưa, cha ông làng gốm Phù Lãng lại chọn đây làm nơi sinh nghề.

Thời trước, phương tiện vận chuyển thuận lợi nhất là đường thuỷ. Làng gốm nằm bên bờ sông Cầu cũng khai thác được lợi thế này. Trước đây, những thuyền buôn thường nhộn nhịp ở bến sông, vận chuyển gốm, theo dòng nước mà chuyển đi khắp nơi. Nay, lợi thế ấy vẫn được tận dụng, nhưng chỉ là để chuyển đất từ phía bờ bên kia sang.

Làng nghề thủ công, không ô nhiễm môi trường lại nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng còn có thể là điểm du lịch lý tưởng. Nhưng tiềm năng ấy chưa được phát huy. Hiện thỉnh thoảng chỉ có một số ít khách du lịch biết tiếng tự tìm về đây. Dưới gốc tre già, một người đàn ông quê ở huyện Gia Lương (Bắc Ninh) đang xếp hàng vào hai chiếc sọt lớn.

Số hàng này sẽ được chuyển ra Hà Nội bán rong. Hàng đẹp sẽ đi bằng ôtô sau các hợp đồng lớn. Người dân Phù Lãng vẫn đang mong được đầu tư chiều sâu để duy trì nghề cổ, vươn lên giữ vững thương hiệu trong hiện tại và tương lai

Việt Hà
.
.
.