Làng chài vào đại học

Thứ Hai, 08/09/2008, 08:39
Năm học 2007 - 2008, trong số 70 học sinh làng chài Triệu Lăng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) tốt nghiệp lớp 12, có tới 30 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Ông Đặng Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng phấn khởi cho biết: "Đây không chỉ là sự đột biến của riêng năm nay, trong vòng 10 năm trở lại đây, năm nào Triệu Lăng cũng có vài chục em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng".

Vừa mừng vừa lo

Ngôi nhà xây cấp bốn của gia đình ông Nguyễn Phú Quốc, bà Nguyễn Thị Bay ở làng Ba Lăng, xã Triệu Lăng thật ấn tượng. Cổng nhà cột vào trụ bê tông bởi sợi dây cáp; gió Tây Nam thổi cánh cổng cạ vào trụ, kêu cót két suốt ngày đêm. Bà Bay cho biết 3 năm nay cái cổng nhà bà vẫn được cột như thế, gió làm đứt sợi dây cáp này thì kiếm sợi khác cột vào, bởi làng không có thợ cơ khí, muốn hàn chốt cổng phải đi xa hơn 20 cây số.

Hàng chục học sinh vừa thi đỗ đại học xin chứng nhận gia đình thuộc diện hộ nghèo ở UBND xã Triệu Lăng.

Chồng bà ngoài việc đi biển, ít khi ra khỏi làng; hơn nữa cũng không có thời gian để đi, nuôi ba đứa con, một bị thần kinh, suốt ngày ông bà vào ra chăm con chóng mặt như thoi đưa.

Chập choạng tối, ông Quốc lùa đàn bò về chuồng, tất cả 5 con. Ông cho biết, 10 ngày nay ông không ra khơi, phần chăn bò thay con cho nó nghỉ ngơi trước lúc nhập học, phần lo đi mượn tiền cho con may bộ quần áo mới và tiền tàu xe.

Con út của hai ông bà, Nguyễn Quang Danh (16 tuổi) bị bệnh thần kinh ngồi bệt giữa hiên nhà hóng chuyện. Thằng bé bảo, anh nó Nguyễn Quang Doanh sẽ không đi học vì không ai chăn bò. Doanh (18 tuổi) thi đỗ Học viện Chính trị quân sự, đến quàng tay trước ngực em trai mình, chớp chớp mắt: "Em lo cho nó, ở nhà không có người chơi, nó sẽ phá". Có lẽ không muốn bật khóc trước mặt em, Doanh đứng dậy, lùa đàn bò vào chuồng, nước mắt em lặng lẽ trào ra.

Ông Quốc cho biết, gia đình ông chăn bò cách đây 5 năm, từ khi Doanh còn học lớp 8. Ông vay Ngân hàng Chính sách huyện Hải Lăng 3 triệu đồng, mua con bò cái, Doanh chăm nom nó đến nay được 5 con.

Cầm trên tay giấy báo nhập học ngành Công nghệ thực phẩm, Đại học Nông lâm Huế, trên đường từ Ủy ban xã Triệu Lăng về nhà, Nguyễn Thị Liễu, làng An Hội (Triệu Lăng) ghé qua bãi cát sát bờ biển. Người phụ nữ ngoài 50 tuổi hồ hởi hỏi con mình: "Ngày mấy vào trường rứa con?". Cô bé chưa trả lời, chị đã hỏi tiếp: "Học phí bao nhiêu rứa con?". "Một triệu" - Liễu chùng giọng. Chị hỏi lại: "Một triệu?". Con bé im lặng, đoạn nói khẽ với mẹ: "Mẹ về đi, để bò đó con giữ cho". Mẹ Liễu, chị Trần Thị Dàn nhìn sóng biển rồi đi nhanh vào làng. Chị nhẩm nhẩm: "Một triệu".

Lại "bán mình" theo mùa trăng

Ngày tôi về Ủy ban xã Triệu Lăng, 29/8/2008, các em ở xã này vừa thi đỗ đại học, cao đẳng vây quanh bàn anh Chủ tịch xã đông nghịt. Sau hơn một giờ đồng liên tục ký xác nhận giấy tờ cho các em, anh Đặng Thanh Bình, Chủ tịch xã quệt mồ hôi cho biết: "Năm học 2007 - 2008, học sinh cấp 3 của xã ít hơn năm ngoái, tổng cộng hơn 70 em. Nhưng rất mừng, đến nay trong số 70 em tốt nghiệp, có tới 30 em thi đỗ các trường đại học, cao đẳng đợt 1 (nguyện vọng 1), nhiều hơn năm ngoái 4 em".

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Triệu Lăng, hiện tại xã này có gần 200 sinh viên/5.900 nhân khẩu. Nếu tính trong vòng 10 năm trở lại đây, số học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng lên hơn 400 em.

Cũng theo ông Bình, do số em thi đỗ đại học, cao đẳng ngày một đông nên tỉ lệ hộ nghèo ở xã theo đó biến đổi thường xuyên. Cả xã chỉ có 165 hécta đất sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ trồng được khoai lang và đậu phụng, mà không trồng được lúa nước. Khoảng 60/1.100 hộ dân nuôi trồng thuỷ hải sản với diện tích mặt nước vài hécta. Song nghề này gặp không ít khó khăn do môi trường nuôi trồng không thuận lợi.

Ông Lê Ngọc Ý, thôn Gia Đẵng 1 có 3 người con vừa thi đỗ vào đại học đưa ra một dự đoán: "Năm nay xã có 33,8% hộ nghèo, giảm gần 5% so với năm ngoái. Tuy nhiên, với số lượng con em đỗ đại học, cao đẳng nhiều như bây giờ, số hộ nghèo chắc chắn sẽ tăng lên nhiều lần".

Ông Trần Bút Ký, Trưởng thôn Nhật Tân bùi ngùi nói: "Chừng nào con cái còn học được cái chữ, chừng đó lao động biển ở làng này phải vào tận miền Nam "bán mình" theo từng mùa trăng cho các chủ thuyền lớn. Mong sao năm nay mưa thuận gió hoà để người đi làm ăn xa không gặp phải chuyện buồn"

Phan Thanh Bình
.
.
.