Làng buôn lậu “lột xác” làm giàu

Thứ Sáu, 14/11/2008, 15:09

“Làng buôn lậu” đó là cách gọi của một số người khi đến phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) vào những năm 90 của thế kỷ trước. Bây giờ nếu về lại, hẳn sẽ không ai còn gọi như vậy, bởi Nghi Tân hôm nay đã có một diện mạo mới. Con đường từ bỏ thói quen buôn lậu để thay đổi cách làm, vươn lên làm giàu những năm gần đây thật vất vả. Nhưng họ đã thành công.

"Truyền thuyết" về một làng đói ăn

Nghi Tân là một phường có đặc thù dân số đông nằm ở phía Bắc thị xã Cửa Lò, với vị trí địa lý thuận lợi, phía Đông có cảng biển tạo cho giao thông và hoạt động thương mại trên biển của phường diễn ra vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên, đây cũng là "kẽ hở" được các đầu nậu tận dụng một cách triệt để thao túng thị trường buôn bán trái phép, tạo nên một "điểm nóng" về buôn lậu hết sức phức tạp tồn tại trên địa bàn phường vào những năm 90. Hoạt động này rầm rộ như một "cơn lốc" mà nếu ai đó nói "nhà nhà buôn lậu, người người buôn lậu" cũng không sai.

Khách du lịch về Cửa Lò những năm đó nếu dạo qua các thị trường này rất dễ có cảm giác như "lọt" vào thế giới của những vật dụng, từ thiết bị nhỏ như chiếc điều khiển đến những vật dụng lớn như tivi, đầu CD, VCD, tủ lạnh, máy giặt... và khách cũng rất dễ để lựa chọn cho mình những món hàng thích hợp với giá rẻ, vì các mặt hàng ở đây chủ yếu đã qua sử dụng, được các đầu nậu nhập về từ Trung Quốc, Nhật Bản qua đường biển.

Các chuyến hàng khi được tập kết về địa bàn phường sẽ được xé lẻ cho các "đại lý" nhỏ rồi qua một vài khâu "làm mới", hàng sẽ được vận chuyển đi tiêu thụ tại nhiều thị trường trong cả nước, có cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bằng nhiều con đường, trong đó các chuyến xe khách được tận dụng triệt để.

Lợi nhuận phi pháp từ hoạt động này không nói thì ai cũng biết là rất lớn, có khi lên tới hàng trăm phần trăm nên rất nhiều người tham gia. Có thể như nhiều người ở làng biện minh "đói đầu gối phải bò", là xã thiếu ăn nên mọi người hùa nhau đi buôn hàng Nhật. Hàng ở ngoài bãi biển, cứ chèo thuyền ra mà "ôm" về quá dễ. Nhưng sau này mới biết là phi pháp. Vì thế, để dẹp bỏ được nạn này, kêu gọi nhân dân chuyển hướng sang làm ăn hợp pháp thực sự là điều hết sức nan giải đặt ra với các cấp chính quyền địa phương.

Chuyển mình

Là người gắn bó với địa phương ngay từ những ngày đầu thành lập, ông Trần Văn Minh (hiện là Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Tân) hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn về việc làm đặt ra với người dân nếu như ngừng buôn lậu.

Ông nói: "Vào những năm đó, hầu như gia đình nào cũng tham gia vào hoạt động buôn lậu, có người nói nếu không buôn lậu thì biết làm gì? Câu hỏi này thực sự đã làm cho những người làm công tác như chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Nhưng làm gì để giúp dân có được việc làm cũng là bài toán khó giải với chúng tôi vào thời điểm đó".

Liệu có thật sự công bằng với những người lãnh đạo chính quyền nếu đổ mọi tội lỗi lên đầu họ khi mà người dân lúc bấy giờ không hề mảy may chú ý đến những nghề nghiệp khác, họ đã để bị cuốn vào cơn lốc buôn lậu không một chút đắn đo bất chấp sự răn đe của chính quyền? Có lẽ chính vì lợi nhuận lớn từ hoạt động buôn lậu nên để cấm dân, dẹp bỏ triệt để là hết sức khó khăn.

Ông Minh nói thêm: "Trên cương vị là những người lãnh đạo, chúng tôi ý thức được rằng không thể để nhân dân đi mãi con đường phi pháp, dẫu chúng tôi biết là rất khó nhưng không thể bỏ, giúp dân làm giàu một cách hợp pháp, thay đổi định kiến của mọi người về Nghi Tân là mục tiêu, trách nhiệm luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu trong những năm đó". Và bằng sự quyết tâm, nỗ lực cùng sự chỉ đạo, giám sát của các cơ quan cấp trên những người như ông luôn thực hiện tốt các kế hoạch, biện pháp chống buôn lậu.

Bên cạnh sự cứng rắn, nghiêm minh còn có những buổi tuyên truyền, phổ biến, tư vấn giúp dân tìm ra hướng đi mới cho công việc. Nhờ vậy, những năm qua, hoạt động buôn lậu ở Nghi Tân đã hoàn toàn được loại bỏ. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn phường được thay đổi theo hướng đa dạng, ngoài các ngành nghề truyền thống thì diện mạo kinh tế phường nay còn có sự góp mặt của một số loại hình mới như công ty TNHH, các tổ hợp sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động khai thác và chế biến thủy, hải sản nhằm tận dụng lợi thế của một vùng ven biển.

Theo báo cáo, hiện Nghi Tân có 56 thuyền đánh bắt hải sản, giá trị đánh bắt hằng năm đạt 6-6,9 tỷ đồng. Số lượng các kho cá đông lạnh là 38, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập thường xuyên cho hàng ngàn lao động.

Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ một cơ sở cá đông lạnh cho biết: "Được sự hỗ trợ cho vay vốn của các ngân hàng, quỹ tín dụng và sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương nên gia đình đã xây dựng được cơ sở cá đông lạnh, hiện cơ sở đang nhận hơn 60 lao động làm việc cố định và nhiều lao động làm việc theo mùa vụ, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới ở địa phương".

Anh Hoàng Mạnh Tú, người lao động tại cơ sở của chị Thủy chia sẻ: "Chúng tôi làm ở đây công việc rất đều, các tiêu chí về bảo hộ lao động được bà chủ thực hiện đầy đủ. Riêng thu nhập mỗi tháng trung bình cũng được 1-1,2 triệu đồng, so với trước thì cuộc sống ổn định hơn, chúng tôi vui vì được làm công việc hợp pháp".

Chị Phạm Thị Thoa, chủ một cơ sở gần đó cho biết thêm: "Từ khi những cơ sở như của chúng tôi ra đời đã mang lại việc làm cho nhiều người. Cơ sở đã tận dụng được các lợi thế về nguồn nguyên liệu và con người trên địa bàn phường một cách có hiệu quả. Quan trọng là chúng tôi đã góp phần làm cho mọi người khi nhắc đến Nghi Tân không còn định kiến là một làng buôn lậu nữa".

Xác định được thế mạnh là nguồn lao động dồi dào (44,3% số người trong độ tuổi lao động) nên công tác xuất khẩu lao động cũng luôn được cấp ủy, chính quyền phường Nghi Tân chú trọng, đây  được coi là hướng đi tuy không mới nhưng đầy hiệu quả trong nỗ lực giúp người dân tạo lập cuộc sống. Hằng tháng, phường định kỳ tổ chức các buổi tư vấn, định hướng về lao động, việc làm cho những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, Nghi Tân đã có gần 1.000 lao động đi làm việc tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia... với mức lương ổn định từ 200-1.200 USD/tháng/người, tuỳ từng thị trường.

Từ nguồn thu này, nhiều hộ gia đình đã không những vươn lên thoát nghèo, mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang, thực hiện được nhiều kế hoạch kinh tế về lâu dài và có nhiều đóng góp thiết thực xây dựng quê hương. Và điều đáng nói là từ kinh nghiệm của những lao động sau khi hoàn thành thời gian làm việc tại nước ngoài sẽ được áp dụng một cách hiệu quả khi làm kinh tế ở quê hương.

Từ một "điểm nóng" về nạn buôn lậu trở thành một phường có nền kinh tế phát triển khá ổn định, đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân phường Nghi Tân, kết quả đã rõ, song những khó khăn vẫn còn, điều này đòi hỏi Nghi Tân phải luôn tiếp tục cố gắng để khai thác tốt hơn nữa  tiềm năng về con người và tự nhiên sẵn có của mình

Hà Yên
.
.
.