Làng “buôn” đồng đen

Chủ Nhật, 03/12/2006, 08:05

Bình thường, bọn trẻ trong làng Thái Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) dùng mấy con rùa, nghê, lân bằng đồng, màu đen bóng, ném nhau, đánh đáo. Thế nhưng, khi có vị đại gia nào lạc vào làng là những con vật ấy được những tay lái buôn biến thành đồng đen có giá bạc tỉ.

Thái Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) là xã thuần nông, nằm bên dòng sông Diêm thơ mộng, quanh năm nước xanh biêng biếc. Làng Thanh Phần nằm giữa xã với những ngôi biệt thự kiểu cách, xanh đỏ lòe loẹt xen lẫn những ngôi nhà mái ngói đơn sơ. Trên nóc những ngôi biệt thự đó đều có những miếu thờ nho nhỏ, hình thù như bình rượu, củ hành, không biết là kiểu kiến trúc gì. Mấy bác nông dân đang làm đồng chống cuốc, bảo: “Ở đất này làm gì ra nhiều tiền mà xây những ngôi nhà vài trăm triệu thế, của mấy tay buôn đồng đen đấy!”.

Đứng ngoài cánh đồng, qua những lũy tre bát ngát, vẫn nhìn thấy ngôi nhà khang trang của Nguyễn Như Thường. Cánh cửa sắt của ngôi nhà khóa im ỉm. Một anh hàng xóm bảo: “Vợ Thường đi làm đồng, còn Thường biệt tăm có khi vài năm trời không thấy mặt, một là ngồi tù, hai là lại đi buôn đồng đen rồi”. Thực tế, Thường đang phải ngồi trại vì đóng vai chủ trò trong vụ lừa đảo cục thiên thạch “trị giá” 3 tỉ đồng ở Ninh Bình hồi tháng 2/2006.

Nguyễn Như Thường, Phạm Hữu Long và nhiều giấy ra tù của các đối tượng lừa đảo đồng đen.

Theo lời kể của những bô lão ở làng Thanh Phần, làng có một số đối tượng chuyên sống bằng “nghề” lừa đảo đồng đen. Nghề này có lịch sử từ một câu chuyện truyền miệng: Xưa kia, trong làng có một người đàn bà từng làm vú nuôi cho vua (vua nào thì không ai biết). Khi già, cáo lão về quê sinh sống, đức vua yêu mến nên tặng cho chiếc cối giã trầu. Gia đình, dòng họ coi món quà đó là niềm tự hào của dòng họ nên giữ gìn rất cẩn thận, truyền lại cho nhiều đời sau như báu vật.

Để cả họ, cả làng được chiêm ngưỡng báu vật, gia đình đã sắm chiếc tủ kính để trưng bày chiếc cối giã trầu đó. Tuy nhiên, một hiện tượng lạ diễn ra, khi vừa đặt chiếc cối giã trầu đó vào tủ, đột nhiên kính rạn rồi vỡ nát. Đặt bao nhiêu gương kính vào cạnh chiếc cối đó cũng đều rạn vỡ ngay. Nhiều người hiểu biết về đồ cổ đã tìm đến xem và đều khẳng định chiếc cối giã trầu đó là đồng đen (?!).

Từ câu chuyện hư hư thực thực đó mà cái từ đồng đen đã gắn với ngôi làng này và người lắm tiền nhiều của lại ham chơi đồ lạ ở khắp nơi đổ về làng Thanh Phần cũng như những làng xung quanh để tìm mua đồng đen. Những năm cuối thập niên 70, suốt thập niên 80, và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ngày nào cũng có người Tây, người Tàu, người Lào về làng hỏi... đồng đen.

Trưởng Công an xã Thái Sơn Phạm Sĩ Khoa kể lại: Hồi anh còn học phổ thông, ấy là năm 1978, có một ông Tây người cao lớn, râu rậm, da đỏ như gà chọi thuê nhà ở xã Thái Hà rồi ngày nào cũng lái ôtô đến làng Thanh Phần xem đồng đen, thử hàng.

Cần mẫn xem xét, thử hàng tỉ mỉ suốt một tháng trời ông Tây mới quyết định mua. Vụ mua bán đó diễn ra tại miếu Tây nằm cuối làng Thanh Phần. Tuy nhiên, vụ mua bán chưa kịp diễn ra thì bỗng trở nên nhốn nháo, vì công an ập đến, các đối tượng lừa đảo cũng mạnh ai nấy chạy. Vụ ấy, cả làng đồn ầm lên rằng, người ta thu được một bao tải tiền, mà toàn là USD.

Đấy là vụ lừa đảo đồng đen đầu tiên ở làng Thanh Phần và có lẽ cũng là đầu tiên ở nước ta mà người dân nơi đây biết đến. Người cầm trịch nhóm lừa đảo này là ông Nguyễn Văn Kỳ.

Sau này, người ta phong cho ông Kỳ là “ông tổ” của “nghề” buôn đồng đen không những ở làng Thanh Phần mà của “giới” đồng đen cả nước, mặc dù sau vụ lừa đảo tai tiếng ấy không thấy ông “tái xuất giang hồ nữa”. Hiện tại, ông Kỳ đã ở tuổi 90, cũng gần đất xa trời lắm rồi, không còn minh mẫn để kể lại nữa.

Tuy nhiên, vụ lừa đảo đồng đen nổi tiếng và ầm ĩ nhất lại là vụ diễn ra năm 1981, khi nạn nhân là Bùi Xuân Hải, hay còn gọi là Hải “đồ cổ”. Nghe nói một số đối tượng ở Thái Sơn có tượng đồng đen, Bùi Xuân Hải đã vác 1,7 kg vàng nguyên chất tìm đến mua. Tuy nhiên, vụ mua bán trên địa bàn xã Thụy Chính chưa kịp diễn ra thì nhóm lừa đảo đã tổ chức cướp sạch sẽ số vàng của Hải “đồ cổ”.

Công an Hải Phòng và Thái Bình vào cuộc ráo riết suốt một thời gian dài mới khám phá được đường dây siêu lừa này. Bùi Xuân Hải là đối tượng thứ 29 bị mất sạch tiền bạc vì hám đồng đen.

Nói về sự thăng trầm của “nghề” lừa đảo đồng đen ở làng này, có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn lừa đảo tại làng và trong địa bàn tỉnh Thái Bình diễn ra từ năm 1978 đến khoảng năm 1985; giai đoạn lừa đảo ở các vùng biên giới và bên Lào, Campuchia diễn ra từ khoảng 1985 đến cuối thập niên 90 thế kỷ trước; từ đầu năm 2000 đến nay tình trạng lừa đảo đồng đen có vẻ chững lại, song vẫn âm thầm diễn ra ở khắp đất nước.

Thủ đoạn của những nhóm lừa đảo tinh vi hơn và ngoài mặt hàng đồng đen thì đã xuất hiện những thứ giả nữa là thiên thạch và ngọc minh châu, cùng một số loại đồ cổ có giá trị mà dân chơi ham mê sưu tầm.

Ngay sau khi “ông tổ” Nguyễn Văn Kỳ đi tù, giải nghệ, một số người trong làng nổi lên làm “trưởng họ” (dân buôn đồng đen gọi ông trùm là trưởng họ vì ông trùm chuyên đóng vai trưởng dòng họ sở hữu đồng đen để lừa đảo) như Phạm Văn Ky, Nguyễn Văn Liên, Phạm Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Quỳnh... Những “trưởng họ” này đều đã ở tuổi thất tuần và bát tuần nên sau khi dính tù đều ăn năn hối cải và giải nghệ.

Trong số những người sắm vai "trưởng họ", nổi đình nổi đám và rắn mặt nhất phải kể đến Nguyễn Như Tỵ. Trước đây, Tỵ là tay chân điếu đóm của “ông tổ” Kỳ, sau khi ông Kỳ “về hưu” thì Tỵ lên thay. Tỵ sống bằng nghề lừa đảo thiên hạ từ bấy đến giờ, tính ra đã 30 năm rồi.

Hiện tại, Nguyễn Như Tỵ đang thụ án ở trại giam Nam Định cùng 8 kẻ sắm vai anh em, con cháu đều ở xã Thái Sơn và tập trung chủ yếu làng Thanh Phần, trong vụ án lừa đảo viên thiên thạch “trị giá” 1 tỉ đồng diễn ra hồi tháng 10/2005 từ Nam Định đến Thái Nguyên.

Thế hệ trẻ hơn những “trưởng họ” kể trên, sống bằng “nghề” lừa đảo đồng đen ở làng Thanh Phần khá đông. Những năm trước, đám thanh niên không học hành đến nơi đến chốn, không nghề nghiệp đàng hoàng đều điếu đóm theo chân các “trưởng họ”, ông trùm để đóng các vai diễn con cháu trong họ, hoặc “sung” vào hệ thống “chân gỗ”. Khi đủ lông đủ cánh, họ dần dần trở thành những ông trùm, quản lý cả một hệ thống lừa đảo.

Thế hệ trẻ nổi danh nhất làng phải kể đến những cái tên đã nhẵn mặt với công an, nhà tù và báo chí như Nguyễn Như Kiểm, Nguyễn Như Khiêm, Nguyễn Như Lợi, Nguyễn Như Quyền, Nguyễn Công Toản, Đinh Bá Lân, Phạm Văn Biên, Nguyễn Như Thường...

Trưởng Công an xã Thái Sơn Phạm Sĩ Khoa lôi trong tủ làm việc ra một chồng hồ sơ và một xấp giấy chứng nhận đặc xá tha tù trước thời hạn của khoảng hơn 20 đối tượng ở xã Thái Sơn, thụ án ở rất nhiều trại giam (Công an xã chỉ nắm được các đối tượng đi tù thông qua tấm giấy đặc xá và giấy ra tù mà trại giam gửi về địa phương).

Đấy là chưa kể những người còn đang ngồi trại hoặc chưa bị bắt... con số này ở làng Thanh Phần và xã Thái Sơn chắc phải đến hàng chục người là những “trưởng họ”, ông trùm lừa đảo đồng đen. Theo chân những đối tượng này là một lực lượng hùng hậu “chân gỗ” có mặt trên khắp cả nước.

Các đối tượng sống bằng trò lừa đảo đồng đen ra tù, vào khám như đi chợ. Nếu ra tù mà không thấy mặt ở quê, y rằng có thể lại đi lừa người đời ở đâu đó. Những đối tượng nổi đình nổi đám kể trên như Tỵ, Kiểm, Khiêm, Lợi, Thường... đều đã ra, tù vào khám 5-6 lần. Số lần nhập trại chắc vẫn chưa thể dừng lại, khi mà đám người này không chịu làm gì để sống, cứ đi lừa đảo đồng đen.

Hầu hết những tay vừa ra tù, các đồng chí công an xã đều tìm đến nhắc nhở, khuyên giải, tìm cách quản lý, tuy nhiên, họ đều nói thẳng rằng: “Sống sung sướng quen rồi, giờ về đi cày đi cuốc ngại lắm, cứ phải đi buôn đồng đen thôi!”.--PageBreak--

Việc các nhóm buôn đồng đen phân vai để lừa đảo cũng rất tinh vi, chuyên nghiệp, như một “đoàn kịch” hoàn hảo. Những người sắm vai trưởng họ phải già cả, phong độ, râu dài, tóc dài, có khuôn mặt, dáng dấp nghệ sĩ hoặc... phúc hậu thì càng tốt. Bởi vì, chỉ có những ông trưởng họ thường mới được sở hữu vật gia bảo tổ tiên để lại.

Còn đám “ông trùm”, “cái” (còn gọi là đầu ra, tức đóng giả người mua) phải đẹp trai, phong độ, tướng quý, thể hiện được sự giàu có, đại gia. Họ phải phô trương cho người đời, đặc biệt các đối tượng mà họ lừa đảo thấy cuộc sống của họ là những chuỗi ngày ăn nhà hàng, ngủ khách sạn, đi xe hơi đẹp, đầu tóc bóng mượt, toàn thân luôn trau chuốt.

Phải tỏ ra như thế họ mới khiến những người hám của tin là đại gia lắm tiền rồi bị lừa vào tròng một cách hết sức tinh vi. Chính cách sống vương giả do “nghề” mang lại đó đã tự nhiên nhiễm vào họ nên bắt họ hối cải trở về với đồng ruộng, chuồng lợn là rất khó.

Những “đại gia” như Khiêm, Thường, Kiểm cùng một số đối tượng khác được người dân trong làng kể rất nhiều. Với người dân, những gã này như những đại gia thực sự, không ai coi họ là kẻ lừa đảo để rồi ghét bỏ, xa lánh. Người dân ở đây nghĩ trò lừa đồng đen như một nghề kiếm sống, mà cái nghề đi lừa những kẻ hám tiền, dở hơi, trọc phú ở tận đẩu tận đâu, không ảnh hưởng đến nhân dân trong làng thì cũng không có gì đáng xấu (?!).

Mấy “đại gia” này đi tù như cơm bữa, song dù lúc ngồi trại vẫn cố gắng giữ cho mình được phong độ, tướng mạo không được xuống cấp, bởi tướng mạo không đẹp là coi như mất "nghề".

Những tay này phiêu bạt Bắc Nam thì ăn chơi nổi tiếng, sống đúng như đại gia, nhưng về nhà lại rất chan hòa với làng xóm, miệng lưỡi lúc nào cũng dẻo như kẹo. Thậm chí, tết nhất, hoặc mỗi lần các “đại gia” này về quê, mỗi vụ trúng đậm, những tay này đều chia cho xóm làng cùng... hưởng lộc giời. Vậy nên có chuyện, công an về gặp dân thu thập thông tin gặp không ít khó khăn. Tóm lại, ở làng, những tay này không đánh nhau, không trộm cắp, không hút hít, không vi phạm gì, ngược lại chúng sống rất giữ mình.

Nhắc đến làng này không thể không nhắc đến nữ quái một thời Trần Thị Riên. Riên là người có nhan sắc, lại đồng bóng, hành nghề bói toán, lên đồng nên rất hợp với vai trò người “giữ đồ gia bảo”. Đám người lừa đảo này còn xây hẳn một miếu thờ uy nghiêm cho Riên ngày đêm khói hương, cúng bái, thờ phụng vật quý, làm như vật này chứa đầy vẻ huyền bí. Mấy ông khách ham đồ cổ bước vào ngôi miếu, trông thấy tượng đồng đen đặt bệ vệ trên ban thờ, khói hương nghi ngút thì đã phát điên lên, muốn vồ lấy ngay rồi.

Anh em Công an tỉnh Thái Bình ấn tượng nhất với nhân vật Trần Thị Riên bởi chị ta có biệt tài... giãy chết. Lần nào cũng vậy, khi anh em xông vào tóm các đối tượng lúc chúng đang tiến hành lừa đảo, y rằng Riên  lăn kềnh bất tỉnh, mặt mũi, da dẻ trông như người sắp chết. Tuy nhiên, Trần Thị Riên không sống được với “nghề” này lâu, năm 1999, sau 4 năm ngồi tù, chị ta đã... giải nghệ.

Theo Trưởng Công an xã Thái Sơn Phạm Sĩ Khoa, thời kỳ “nghề” buôn đồng đen rầm rộ ở làng Thanh Phần và xã Thái Sơn, mái nhà của các đối tượng lừa đảo phơi đầy diêm sinh giả do các đối tượng làm ra dùng để tráo khi thử đồng đen (theo “truyền miệng”, đồng đen thật sẽ phóng xạ khiến diêm sinh không cháy được (?!). Họ còn cắt nan hoa xe đạp thành viên đá lửa rồi đóng vào các hộp. Tất nhiên, khi đá lửa bằng đũa xe đạp cho vào bật lửa xăng, hoặc bật lửa gas thì làm sao đánh lửa được.

Tượng đồng đen mà chúng đem đi lừa đảo thường có hình thù là những con rùa, nghê hoặc con lân được nấu bằng đồng, bạc hoặc hợp chất đồng và chì. Những hình thù con vật này chủ yếu được đặt hàng ở làng chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) nổi tiếng cả nước về chế tác tinh xảo, nằm bên kia sông Trà Lý. Chúng được sơn phết một loại hóa chất đặc biệt nào đó khiến tượng lên màu đen bóng, hoặc đem hun khói trong thời gian khá lâu tượng cũng có màu đen bóng như vậy.

Tóm lại, toàn là đồ giả được chúng chế tác tinh xảo khiến người chơi đồ cổ chuyên nghiệp cũng khó phát hiện ra bằng mắt thường. Bình thường, bọn trẻ trong làng dùng mấy con vật màu đen bóng đó làm đồ chơi, ném nhau, đánh đáo, thế nhưng, khi có vị đại gia nào lạc vào làng là nó biến thành đồng đen có giá bạc tỉ với những màn sương huyễn hoặc phủ kín

Dương Thụy Bình
.
.
.