“Lang băm” kiếm lời, bệnh nhân lãnh đủ

Thứ Hai, 04/09/2006, 13:55

Vin cớ vào bài thuốc gia truyền, bí truyền có từ lâu đời… nhiều "thầy lang" tùy tiện chữa bệnh, dẫn đến không ít bệnh nhân buộc phải nhập viện với chi phí điều trị tăng cao và những biến chứng nặng nề.

Có mặt tại Viện Bỏng quốc gia, chúng tôi không khỏi kinh hoàng trước hậu quả của một số "bài thuốc Đông y" gây ra cho bệnh nhân. Hai cháu bé 13 tháng tuổi Q.D.N. ở thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Tây và D.G.K. ở K11A, Tập thể Bách Khoa, Hà Nội chỉ nhập viện cách nhau một ngày cùng trong tình trạng bị hoại tử mu bàn chân trái.

Cả hai cháu bé bị bỏng nước sôi, nhưng thay vì đưa con tới bệnh viện, cả hai gia đình, một ở Hà Tây, một ở Hà Nội cùng đưa cháu bé tới thầy lang "điều trị". Sau hơn 10 ngày "đắp thuốc", vết bỏng của hai cháu bé được tạo màng che phủ bên ngoài. Nhưng chỉ khi nhập viện, gia đình bệnh nhân mới được các bác sỹ cho biết, phía bên trong da bị nhiễm khuẩn nặng, chứa nhiều dịch mủ, làm vết tổn thương chuyển độ sâu và hoại tử.

Bệnh nhân N.N.T., 31 tuổi, ở thôn Kênh Đào, Anh Đào, Mỹ Đức, Hà Tây đã mất đi toàn bộ bàn tay phải chỉ vì đắp thuốc "gia truyền". Trong số các bệnh nhân phải nhập viện bất đắc dĩ này, nhiều người đã mang đến "bài thuốc Đông y" của "ông lang" Thân ở số 3 Quang Trung, Hà Nội với "công thức kinh hoàng": pha thuốc tạo màng B76 (loại thuốc chiết xuất từ cây xoan trà đang được Viện Bỏng quốc gia dùng) với một chút bột nghệ và… Ripamyxine - một kháng sinh rất độc mà chỉ bệnh nhân lao mới dùng.

Một vết bỏng điều trị bằng thuốc tạo màng B76 ở Viện Bỏng quốc gia chỉ hết 10.000 đồng, trong khi nhiều bệnh nhân dùng "thuốc" của ông Thân phải mất tới 2 triệu đồng. Tuy "ông lang" Thân hoạt động không có giấy phép và đã nhiều lần bị Sở Y tế Hà Nội cảnh cáo, nhưng không hiểu sao vẫn có bệnh nhân tới "chữa trị" và Viện Bỏng quốc gia vẫn tiếp tục "lãnh hậu quả".

TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia cho biết: "Các thầy lang đều giới thiệu bài thuốc Đông y chữa bỏng không phải thay băng, không để lại sẹo nên được nhiều bệnh nhân ưa chuộng. Tuy nhiên, một số thầy lang do không có kiến thức cơ bản về bỏng nên không chẩn đoán được độ sâu của tổn thương và cho rằng mọi vết bỏng chỉ cần đắp thuốc tại chỗ là khỏi.

Trong khi đó, tất cả các tổn thương bỏng sâu đều phải phẫu thuật ghép da và không có bất kỳ thuốc nào chữa khỏi được. Ngược lại, với các vết bỏng nông, bác sỹ có thể khẳng định chắc chắn không để lại sẹo, thậm chí không cần thuốc cũng tự khỏi".

Không ít bệnh nhân vào Viện Da liễu Trung ương trong tình trạng nhiễm trùng, dị ứng nặng, thậm chí bị hội chứng lyell (tuột da) do dùng thuốc của các "lang băm".

Bác sỹ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Da liễu Trung ương cho biết: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số bệnh nhân bị dị ứng là do "ông lang" hiện đang sử dụng các bài thuốc "Đông, Tây y kết hợp" một cách tùy tiện.

Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận những bài thuốc gia truyền hay và đã phát huy công dụng lâu dài trong việc chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, các thầy thuốc Đông y cần phải được đào tạo những kiến thức cơ bản và cần có một chế tài đủ mạnh để các thầy lang chịu trách nhiệm với người bệnh, nhất là đối với những lang băm không có giấy phép hành nghề

Thanh Loan
.
.
.