Làng Cả - Nỗi lo lớn

Thứ Năm, 23/03/2006, 07:33

Được phát hiện từ năm 1959, di chỉ Làng Cả (phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, Phú Thọ) hiện diện như biểu tượng của niềm tự hào về một nền văn hóa bản địa rực rỡ của tổ tiên ta. Thế nhưng, hiện nay, người ta đang xúc tiến dự án cắt 15.000m2 đất di tích Làng Cả giao cho Nhà máy Mì chính Miwon làm… bãi thải công nghiệp.

Qua ba đợt khai quật rải rác trong 30 năm qua, các nhà khoa học đã khẳng định: di tích Làng Cả xưa rất rộng, có thể nó gồm cả vùng ngã ba Bạch Hạc, kéo dọc theo bờ sông Hồng. Nhiều người rất có lý khi cho rằng: ngay cái tên Làng Cả cũng đã gợi lên nhiều về một cái gì đó khởi nguồn, rộng lớn, cổ xưa... giống như một “quốc đô” hơn 2.000 năm tuổi có tên là Văn Lang mà sử sách từng nói đến.

PGS.TS Trịnh Sinh, người trực tiếp tham gia suốt cả ba cuộc khai quật di chỉ Làng Cả trong 30 năm qua (lần khai quật năm 2005, ông là người phụ trách đoàn) đã khẳng định: “Kết quả khai quật di chỉ Làng Cả năm 2005 đã chứng minh nơi đây là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất của nhiều thời (...). Có thể truyền thuyết, thư tịch nói đến một dạng kinh đô của nhà nước sơ khai thời Hùng Vương ở vùng ngã ba sông là có một phần sự thật lịch sử, trong đó, di tích Làng Cả trở thành di tích nổi nét để nghiên cứu thời này”.

Từ năm 1959, di tích Làng Cả được phát hiện, đó là một quả đồi thấp nằm ngay bên tả ngạn sông Hồng, thuộc TP Việt Trì, với diện tích ước khoảng 1,8km2. Khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, trong kế hoạch mở rộng Nhà máy Miến - Mì chính Việt Trì, quả đồi đã bị san bằng mà không cần biết dưới nền của các công xưởng là bao nhiêu lớp lang văn hóa, là hài cốt của cha ông mình, là kinh đô đầu tiên của dân tộc. Các nhà khảo cổ nghe tin hãi quá, mới tức tốc lên khai quật chữa cháy.

Đợt “đào bới” năm 1976, để chữa cháy, các nhà khảo cổ đã phải chạy theo mấy ông san ủi mặt bằng, “khai quật” vớt vát khoảng gần 4.500m2 và đã thu được một khối lượng khổng lồ di vật: 314 ngôi mộ táng, trong đó 307 ngôi thuộc thời đại kim khí. Hiện vật tùy táng đào được ở Làng Cả hết sức phong phú thuộc nhiều chất liệu đồng, đá, và gốm. Hiện vật đồng gồm: rìu, giáo, khuyên tai, khóa thắt lưng, hộ tâm phiến, trống đồng minh khí, tượng cóc; hiện vật đá rất độc đáo, với hạt chuỗi, khuyên tai, khuôn đúc rìu, khuy áo; hiện vật gốm có khuôn đúc các loại rìu, nồi rót đồng, bình và bát...

Các nhà khoa học đã tự hào khẳng định: Làng Cả là một khu mộ táng, và là một di chỉ cư trú thuộc văn hóa Đông Sơn, có niên đại kéo dài vài thế kỷ, có thể từ nửa cuối thế kỷ thứ IV đến nửa cuối thế kỷ thứ II trước Công nguyên (niên đại cácbon phóng xạ được phân tích ở khu mộ táng Làng Cả là 285 cộng, trừ 40 năm trước Công nguyên).

Đối chiếu với lịch sử, thư tịch và truyền thuyết thì di tích Làng Cả cơ bản thuộc vào thời đại các Vua Hùng dựng nước, trước khi có cuộc xâm lược của nhà Hán (trích tài liệu của PGS.TS Trịnh Sinh).

Đợt khai quật chữa cháy tiếp theo năm 1977 đã phát hiện 36 ngôi mộ có đồ tùy táng là: 45 chiếc rìu có trang trí hoa văn cầu kỳ. Nhiều người tâm đắc cho rằng: với những chiếc rìu chiến tuyệt đẹp thể hiện quyền uy tối thượng như thế (giống như một thứ lệnh bài), nhất định đó là di vật của các vị “lãnh đạo” (các vị lạc tướng, nhà vua?) thời mà Làng Cả còn là “kinh đô” của “nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”.

Quốc tổ, tâm linh hay cơm áo, bột ngọt?

Với tốc độ công nghiệp hóa như hiện nay, “cố đô” Việt Trì hầu như không còn khoảnh đất trống nào để di tích thời Văn Lang có thể... thở được. Di tích Làng Cả nằm dưới đường tàu  hỏa, dưới nền của nhà máy mì chính khổng lồ, dưới nền nhà dân. Nhiều gia đình ở đây vẫn giữ những khu bếp lớn dùng toàn gạch móc ở dưới mộ cổ lên lát nền.

Bà Lê Thị Xuân Trường, chủ ngôi nhà có căn bếp lát thứ gạch mấy nghìn năm tuổi, thở dài: "Tôi vốn là công nhân của Nhà máy Mì chính Miwon, ở đất này đã hơn 30 năm, đào được gạch ở dưới cái hố (mộ cổ) thì tôi tận dụng xây bếp chứ có biết đằng nào". Ngôi mộ cổ nằm dưới nền sân nhà bà sâu hun hút (các nhà khảo cổ vừa đào thám sát năm 2005). Ông hàng xóm nhà bà dùng cả một cây tre lao vào trong hầm mộ đó mà cây tre dài cũng mất hút luôn. Nhiều nhà trong khu vực đang ở tự dưng thấy nền nhà sụt xuống, hóa ra dưới đó là mộ táng cổ xưa của vùng đất thiêng huyền thoại.--PageBreak--

Tựu trung, trong gần hai tháng cuối năm 2005, các nhà khoa học đào thử ở ven đường tàu, hay ở giữa rừng bạch đàn, chỗ nào cũng gặp mộ cổ và nhiều di vật quý từ thời trước Công nguyên, thời của các Vua Hùng. Di vật quý nằm rải rác ở khắp nơi. Việc làm một công viên Làng Cả, một bảo tàng ngoài trời phục vụ du khảo, về nguồn và du lịch lễ hội ở địa phận di tích Làng Cả là rất hay, rất cấp thiết để bảo quản hiện vật. Nhất là khi, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương cho xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội.

Dự án xây dựng công viên Làng Cả sẽ có cả những cảnh mô phỏng huyền thoại - lịch sử nguồn cội thuở bình minh của lịch sử dân tộc, như: thủy cung dựng cảnh Sơn Tinh - Thủy Tinh giành nhau Công chúa Ngọc Hoa, lầu kén phò mã, cung điện Vua Hùng, biểu diễn hát xoan, hát ghẹo. Và ngày 2/8/2005, UBND tỉnh mà đại diện là bà Nguyễn Thị Ngọc Hải đã ký một công văn với nội dung: “Đồng ý để Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) lập dự án quy hoạch khu di tích khảo cổ học Làng Cả... Phạm vi: trên diện tích đất còn lại chưa có các công trình xây dựng, thuộc phạm vi khu di tích khảo cổ học Làng Cả”.

Ngày 19/12/2005, sau khi đi thăm di chỉ Làng Cả về, ông Nguyễn Hữu Điều, Bí thư Tỉnh ủy đã có văn bản thông báo, chính thức yêu cầu: “UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT (...) nhanh chóng lập dự án xây dựng bảo tàng ngoài trời (tại di chỉ Làng Cả).

Tuy nhiên, tất cả những dự án tri ân vốn cổ, tri ân tiên tổ ấy đang xuôi chèo mát mái thì UBND tỉnh Phú Thọ lại ban hành công văn ra ngày 4/1/2006 nghi rõ: “Về chủ trương, đồng ý cho Công ty TNHH Miwon Việt Nam thuê đất tại 3 khu vực xung quanh Nhà máy Miwon Việt Trì để đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II; riêng khu B là khu vực hồ, thuộc phạm vi quản lý của khu di chỉ khảo cổ Làng Cả, vì vậy, chỉ giao cho Công ty TNHH Miwon Việt Nam diện tích khoảng 13.000 đến 15.000m2 đất về phía hàng rào nhà máy... để làm hồ xử lý nước thải”. Thật không hiểu nổi.

Một địa chỉ tâm linh nguồn cội nhạy cảm như “kinh đô Văn Lang” thuở các Vua Hùng dựng nước, thế mà một cơ quan như UBND tỉnh Phú Thọ có thể nghiễm nhiên cắt đất cho doanh nghiệp, không tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Ngay trong nội bộ tỉnh, văn bản phản đối dự án mở rộng Nhà máy Mì chính Miwon đã được ngành văn hóa “đội đơn dâng sớ” từ năm 1999.

Lời nhắn gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ

Điều nguy hiểm nhất của câu chuyện cắt đất di tích cho dự án kinh tế này lại nằm ở chỗ: nó tạo ra một tiền lệ xấu cho việc đối xử với di sản văn hóa, tiếp sau đó. Bài toán hóc búa: sang năm, Nhà máy Miwon tiếp tục đòi mở rộng diện tích nữa về phía Làng Cả thì sao? Nếu một vài doanh nghiệp khác cũng bắt chước đòi cắt đất di tích cho họ thì tỉnh sẽ trả lời thế nào. Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa đã rất có lý khi cho rằng: qua sự việc này, có thể thấy, tỉnh Phú Thọ đã “thiếu tôn trọng pháp luật, ở đây là Luật Di sản Văn hóa”.

Tôi bị ám ảnh bởi ý kiến của một cán bộ có trách nhiệm của tỉnh Phú Thọ khi trả lời trực tiếp nhóm nhà báo rằng, có thể tận dụng hồ chứa nước thải của Nhà máy Mì chính Miwon để làm hồ sinh thái phục vụ Thành phố lễ hội. Rằng có thể tổ chức đi thuyền hồ sen, trà đạo, câu cá, hát xoan, hát ghẹo trên hồ nước thải đó. Nhà máy ấy họ sẽ lọc nước thải sạch như nước khoáng tinh khiết ư? Sao sự ngụy biện này nó giống sự ngụy biện cắt 15.000m2 đất Làng Cả, kinh đô đầu tiên của dân tộc cho nhà máy bột ngọt mì chính thế?

Doãn Anh
.
.
.