Lặn lội tò he...

Thứ Hai, 15/10/2007, 15:39
Dường như, khách nước ngoài đến làng gốm Thanh Hà cũng chỉ để thỏa tò mò hơn là mua sắm… nên "đầu ra" của sản phẩm gốm, tò he còn bị hạn chế. Chưa kể việc khai thác đất sét vô tội vạ dọc theo hai bên triền sông Thu Bồn đã làm sụp lở xuống sông rất nhiều ruộng lúa, hoa màu...

Nghề nặn tò he ở làng gốm Thanh Hà, Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) có từ thời xa xưa, song phát triển rầm rộ phải kể từ giai đoạn đất nước mở cửa, Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.

Khó có ai tin được, những con giống được nhào nặn bằng đất sét (ở Quảng Nam gọi là tò he) theo chân du khách đi khắp thế gian đều ra đời từ đôi bàn tay khéo léo của bao người vợ đảm đang…

Bán tò he nuôi con ăn học…

Làng gốm Thanh Hà nằm ở miền hạ lưu sông Thu Bồn. Làng nghề có từ thời Chúa Nguyễn mở đất phương Nam, nó là một vạch nối Dinh trấn Quảng Nam với Cửa Đại Chiêm - phố Hội, cùng với các làng nghề khác như: Đúc đồng Phước Kiều, Mộc Kim Bồng tạo ra một khung cảnh sầm uất của thủ phủ xứ Đàng trong vào thế kỷ XVII, XVIII…

Làng xưa thuộc xã Cẩm Hà, còn nay đã được "nâng cấp" thành một trong những phường của thị xã Hội An. Trong những ngôi nhà nhỏ của làng nghề, các bà, các chị tất bật bên chiếc bàn xoay truyền thống để làm những chiếc chậu, hũ, nồi, bình vôi... và đặc biệt là nặn tò he.

Vừa nặn những con giống, chị Dương Thị Ca (46 tuổi), vừa nói chuyện với tôi. Chị bảo gia đình chồng là anh Nguyễn Văn Xê (49 tuổi), đã có bốn đời làm nghề gốm, nên khi làm vợ anh, chị cũng gác lại chuyện ruộng đồng để theo nghề "vọc đất sét".

Mỗi con tò he bán sỉ chỉ 800 đồng, song mỗi ngày vợ chồng chị Ca, thu nhập từ 60-80 nghìn đồng, nên cũng đủ lo cho cuộc sống thường nhật của gia đình, nuôi các con ăn học và tích cóp mua sắm tivi, xe máy… 

Chị Ca bảo, cả làng gốm Thanh Hà hiện có 23 hộ, trong đó có 5 hộ làm sản phẩm gốm truyền thống, 3 hộ làm đồ gốm trang trí, còn 15 hộ chuyển hẳn qua làm tò he, thu nhập cũng khấm khá lắm…

Cần có hướng đi mới cho làng gốm Thanh Hà

Dạo thăm một vòng quanh làng gốm Thanh Hà, tôi phát hiện những người nhào nặn tò he đều là các bà, các chị. Và, những con giống mà họ nặn ra cũng chỉ là 12 con giáp. Hỏi, vì sao không nặn những con vật khác như rùa, thỏ, cá… Ai cũng bảo, khách tới thăm thú Đô thị cổ Hội An đều thích mua 12 con giáp hơn.

Người phương Đông thường chọn con vật thuộc tuổi của mình, hoặc những người thân, bạn bè mua để làm quà. Tuổi Tí mua chuột, Sửu mua trâu, Dần mua cọp v.v… Còn du khách phương Tây thích tò he vì nó lạ, vì mê cái âm thanh "tu… oa…" rất đỗi chân quê, mộc mạc của nó.

Tuy nhiên, họ đều cho rằng, sản phẩm tò he của làng gốm Thanh Hà còn đơn điệu quá. Vì sao không có những sản phẩm tò he dành cho người phương Tây, nhất là trẻ con ở trời Âu ưa thích. Tôi đem những thắc mắc của người Tây, trao đổi với các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà, ai cũng ngẩn người.

Trong sách "Phủ biên tạp lục" của cụ Lê Quý Đôn, có đề cập đến gốm "Cochi" (Giao chỉ), trong đó có mặt hàng gốm Thanh Hà mà người nước ngoài rất ưa chuộng. Nhưng rồi thế sự thăng trầm, sản phẩm gốm đất nung và gốm sành nâu của Thanh Hà đã không cạnh tranh được với các mặt hàng gia dụng làm bằng nhôm, nhựa, inox… 

Tuy nhiên, người làng gốm Thanh Hà vẫn không chấp nhận mai một cái nghề truyền thống, giữ mãi cho đến thời đất nước mở cửa đón khách du lịch thập phương. Bây giờ, mặc dù làng nghề Thanh Hà được xem như một bảo tàng sống về gốm xứ Đàng trong.

Nhưng, thực chất "đầu ra" của sản phẩm gốm vẫn chưa có chỗ. Dường như, khách nước ngoài đến làng gốm Thanh Hà cũng chỉ để thỏa tò mò hơn là mua sắm…

Điều đáng quan tâm hơn cả là nguyên liệu đất sét để làm đồ gốm, làm tò he. Vùng hạ lưu sông Thu Bồn với nhiều mỏ đất sét, song làng Thanh Hà vẫn chưa có nguồn nguyên liệu dồi dào.

Những nghệ nhân làng gốm, những phụ nữ làm tò he phải tất tả tìm mua lại đất sét của các chủ ghe khai thác trái phép dọc sông Thu Bồn. Việc khai thác đất sét vô tội vạ dọc theo hai bên triền sông đã làm lở ụp xuống sông rất nhiều ruộng lúa, hoa màu, dẫn đến những vụ đánh nhau giữa chủ đất với người khai thác đến bươu đầu, mẻ trán.

Vấn nạn này vẫn cứ kéo dài, mặc dù chính quyền địa phương dọc theo đôi bờ sông Thu Bồn nghiêm cấm, lập những đội tuần tra, canh gác để giữ đất. Vì vậy, nguồn nguyên liệu cho làng gốm thiếu hụt, đe dọa sự sống còn của làng nghề, của những con tò he gắn với cuộc sống tảo tần, đảm đang của bao người phụ nữ.

Rời làng gốm Thanh Hà, tôi về phố cổ Hội An với những mái ngói âm dương rêu phong cổ kính được làm bằng bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà thuở xưa và nghe những âm vọng "tu… oa…" của những người phụ nữ bán tò he thổi nơi góc phố mà lòng không khỏi ngậm ngùi…

Long Vân
.
.
.