Làm trang trại nuôi con nhiễm chất độc da cam

Thứ Hai, 17/08/2009, 14:25
Dưới chân núi Đại Can ngày nào còn hoang vu nay đã có đường Hồ Chí Minh, ngay cạnh con đường dưới chân núi có một trang trại nhỏ của vợ chồng người lính có 4 người con bị nhiễm chất độc da cam. Vượt lên nỗi đau, bằng nghị lực của một đảng viên, của một Công an viên, ngày ngày anh đắp đập ngăn khe đào ao thả cá, chị cắt cỏ làm vườn, trồng cây và chăm sóc con cái…

Vừa đủ 18 tuổi anh Đặng Đình Quân ở xóm 12, xã Thanh Mỹ - huyện Thanh Chương - tỉnh Nghệ An xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau khóa huấn luyện đặc biệt ở đơn vị trinh sát C18 - K5 - QK4, anh Quân được vào Nam chiến đấu. Suốt 5 năm ở Đoàn 246 - Quân khu Miền Đông, anh đã cùng đơn vị hành quân luồn rừng đánh địch hàng trăm trận trên mảnh đất Tây Ninh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị anh tham gia giải phóng thị xã Gạch Giá.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, các anh lại bí mật lên đường ra giải phóng đảo Phú Quốc… Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, anh Quân đã được cấp trên tặng hàng chục huân huy chương chiến công các loại, được kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa.

Năm 1976, anh ra Bắc an dưỡng và cưới vợ là chị Trần Thị Tâm người cùng xã. Sau 5 năm chung sống anh chị sinh được 2 người con, nhưng chẳng may cả 2 cháu lúc mới sinh ra đã có thân hình dị dạng và chỉ sống được một thời gian ngắn rồi mất. Tủi cho số phận cộng với sức khỏe giảm sút, anh Quân được đơn vị cho về nghỉ chế độ bệnh binh với tỷ lệ thương tật 61%, còn chị Tâm cũng được xuất ngũ về địa phương cùng anh sinh sống.

Anh Quân và những đứa con tàn tật

Về quê với nghị lực của một người lính, của người đảng viên không cam chịu đói nghèo, anh chị đã nhận một quả đồi ở tận dưới dãy Trường Sơn để khai hoang làm trang trại. Ngày ngày anh chị đắp đập ngăn khe, đào ao thả cá lấy nước tưới cây, trồng ớt tiêu, trồng chè công nghiệp. Đêm đêm anh xách nước tưới cây, chị vun gốc nhặt cỏ...

Dưới đôi bàn tay của vợ chồng người lính trang trại ngày một đơm hoa kết trái. Song niềm vui vừa hé mở thì niềm bất hạnh lại ập đến với vợ chồng anh khi chị Tâm sinh tiếp 2 cháu là Quyền và Quyết. Hai cháu bị nhiễm chất độc dioxin rất nặng, suốt ngày lên cơn co giật, mọi sinh hoạt đều vô thức. Nhìn những đứa con đang đau đớn, vật vã, vợ chồng anh không muốn sống nữa và cuộc đời họ coi như chấm hết. Nhưng không, họ không gục ngã. Để có người lành lặn giúp đỡ anh chị khi về già và chăm sóc hai anh bị chất da cam, chị Tâm gắng sinh thêm hai cháu nữa đặt tên là Thắng và Lợi. Hai cháu có may mắn hơn các người anh nhưng sức khoẻ cũng rất yếu và hơi ngớ ngẩn.

Cách đây 5 năm, được sự giới thiệu của Hội chữ thập đỏ huyện, tôi đến thăm trang trại của anh Quân chị Tâm. Không cầm nổi nước mắt trước hình ảnh những đứa con của anh chị bò lê bò la khắp nhà như những con vật và nghị lực vượt lên nỗi đau của họ tôi đã viết bài gửi đăng trên báo An ninh thế giới số 158 thứ năm ra ngày 29/7/2004 với đầu đề "Nỗi đau của một người cha thời hậu chiến".

Sau khi báo phát hành gia đình anh đã nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn đọc gần xa trong cả nước. Cùng với bạn đọc còn có hội chữ thập đỏ các cấp, chính quyền địa phương, cán bộ chiến sỹ Trại giam số 6 (Cục V26 - Bộ công an) quyên góp ủng hộ xây dựng thêm cho anh chị một căn nhà tình thương.

Sống trong căn nhà tình thương cùng số tiền của bạn đọc, các nhà hảo tâm và bè bạn, đồng đội gần xa gửi đến, anh Quân chị Tâm đã không cầm nổi nước mắt. Với những đồng tiền tình nghĩa, anh chị chắt chiu mua thêm con bò, con dê, làm chuồng nuôi bồ câu, đóng mới các tổ ong mật. Số còn lại mua sắt thép, xi măng đổ bê tông ngăn đôi con đập để nuôi cá thịt và cá giống.

Thêm đồng vốn, thêm nghị lực của bạn bè, trang trại anh ngày một đơm hoa kết trái. Hàng trăm gốc tiêu xanh rì đang ra quả bói, dưới đập cá lượn tung tăng. Trên cây bồ câu gật gù cùng những bầy ong mật cần mẫn hút hoa dâng mật ngọt cho đời.

Hằng năm ngoài đầu tư vào trang trại để lấy tiền chăm sóc con cái anh còn đứng ra thành lập "Hội đồng đội sư đặc công 246 Quân khu miền Đông" để tập hợp các anh em trong đơn vị hiện đang sống ở hai huyện Thanh Chương và Đô Lương, tỉnh Nghệ An vào sinh hoạt.

Cứ đều đặn Hội gặp mặt mỗi năm một lần, ngoài việc ôn lại quá khứ, Hội còn quyên góp tiền ủng hộ các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, củng cố thêm thông tin về những trường hợp hy sinh, tham gia đi cùng các gia đình liệt sỹ vào Nam tìm mộ... với những đóng góp thiết thực, trong mấy năm qua Hội thực sự trở thành mái ấm của các cựu chiến binh tâm huyết với đồng đội "một thời hoa lửa"...

Nguyễn Hữu Mai
.
.
.