Làm gì để ngăn chặn chuyện đạo chích “ký sinh” trong bệnh viện?

Thứ Ba, 12/04/2005, 08:10
Đợi mãi không thấy cha về, ARong nhờ một thân nhân của người bệnh nằm giường bên cạnh đi tìm và phát hiện ra ông già đang nửa tỉnh nửa mê. Số tiền 1,3 triệu đồng mang theo lo thuốc thang cho con đã biến mất.

Ngày 22/3/2005 là một ngày khó quên đối với ông YKam ARết. Bởi đó là lần đầu tiên ông cảm nhận hết bộ mặt lọc lõi của kẻ xấu, mà từ lâu, vì sống hồn hậu nơi núi rừng, ông chưa từng một lần phải chứng kiến.

Anh YKam  ARong - con ông - do sơ suất trong khi lao động bị tai nạn, phải vào nằm điều trị tại Phòng 2, Khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt (280, Điện Biên Phủ, Quận 3, Tp.HCM).

Ông YKam ARết phải khăn gói từ Đắk Lắk theo xuống Sài Gòn để nuôi con. Con ông vào nằm viện được vài ngày, có một người phụ nữ đến lân la làm quen. Người phụ nữ đó tự giới thiệu là người của một tổ chức từ thiện, ân cần thăm hỏi bệnh tình con trai ông, tỏ ra thông cảm với gia cảnh khó khăn của gia đình ông.

Một số đạo chích bị bắt khi đang hành nghề trong bệnh viện.

Sẵn lòng “tốt”, chị ta mách cho ông cách thức làm thủ tục để nhận tiền từ tổ chức từ thiện của thị, để ông có đủ tiền lo chữa trị cho con. Lần đầu “xuống núi”, đang một thân một mình lạc lõng giữa nơi phố phường đô hội, lại gặp được một “người tốt” như thế, ông dễ dàng tin tưởng, nhờ cậy. Sau mấy ngày cò cưa, tiếp cận “con mồi”, sáng hôm đó, chị ta đến dẫn ông đi lĩnh... 7 triệu đồng tiền tài trợ và lấy mất luôn 1,3 triệu đồng tiền thuốc thang.

Trường hợp bị lường gạt như của cha con anh ARong, công bằng mà nói, rất ít xảy ra ở Bệnh viện Mắt. Bởi lẽ, nơi đây tường cao cổng kín, lại có hẳn một đội bảo vệ chuyên nghiệp làm nhiệm vụ canh gác vòng trong vòng ngoài.

Thế nhưng đối với hầu hết các bệnh viện tại Tp.HCM, điều đó chẳng là chuyện lạ.

Gần 20 năm đối mặt với bao mánh khóe của bọn gian manh, anh Nguyễn Văn Đương, đội trưởng đội Bảo vệ Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, tổng kết: ở bệnh viện nơi anh làm việc, thủ đoạn mà bọn gian thường áp dụng nhất hiện nay là giả làm người đi thăm bệnh, lân la đến các cửa phòng, nhất là các phòng dịch vụ, chờ lúc bệnh nhân ngủ, lẻn vào và cuỗm đồ đạc, tư trang của bệnh nhân.

Còn có những mánh khóe khác như trường hợp V., ở Bệnh viện nhân dân Gia Định, sau khi làm quen được với chị T., một người thân nuôi bệnh, bèn hô hoán lên: “Tôi vừa mất tiền. Hết mấy chục triệu đồng. Người ta bảo chị lấy, ra ngoài kia cho tôi lục xét”. Là người thật thà, chị T. bèn cho V. lục xét. Ra đến chân cầu thang, tranh thủ không có nhiều người chú ý, V. thó ngay ví tiền của chị T. May sao, bảo vệ đã bắt quả tang, giao V. cho công an xử lý.

Một chiêu khác được sử dụng là giả làm nhân viên y tế, bảo với người bệnh hoặc thân nhân bệnh nhân rằng, mình có quen bác sĩ này, bác sĩ nọ. Khi người nhà bệnh nhân tin tưởng, đưa tiền nhờ chúng đóng viện phí cho nhanh thì coi như bị chôm chỉa.

Ở một số bệnh viện phụ sản, có những tên còn bày ra trò lừa rất ma mãnh: một tên đồng bọn đàn ông sẽ sắm vai ông chồng chở bà vợ đi khám thai. Thừa lúc những thai phụ vào khám để quần áo đâu đó thì "bà bầu" lập tức nhặt nhạnh hết vào túi và chuồn.

Hiện nay ở nhiều bệnh viện vẫn còn tình trạng bán hàng rong: sách báo, bánh trái, vé số... hành nghề trong khuôn viên bệnh viện. Trong số này có khá nhiều kẻ đã lợi dụng việc buôn bán này để khi thấy người ta sơ hở là ra tay “thuổng mất” đồ đạc tư trang của bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh.

Anh Trần Thanh Dũng, đội trưởng đội Bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy, kể: “Người ta thức thì thôi, hễ mệt mỏi chợp mắt một tí là chúng lẻn vào lấy cắp ngay”. Anh cho biết, lúc trước có ngày bắt đến 4 - 5 vụ như thế.

Không chỉ trộm cắp một mình, bọn chúng còn tụ tập thành băng nhóm. ở bệnh viện nào cũng có những băng nhóm trộm cắp. Theo anh Trần Thanh Dũng, Bệnh viện Chợ Rẫy từng điểm mặt một số băng nhóm này như: băng quận Tư chuyên móc túi, băng Cái Khế - Cần Thơ chuyên “tạt nước mắm” (giả vờ làm như vô tình để nước mắm dây dính vào quần áo thân nhân nuôi bệnh rồi tiếp cận để xin lỗi và ra tay),  có băng chuyên xách giỏ, còn có băng chuyên lấy cắp điện thoại di động...--PageBreak--

Có những tên sống hằng mấy mươi năm theo "nghiệp" trộm cắp. Đơn cử như mấy năm trước, ở đây người ta hay thấy một ông già rất đẹp lão, ăn vận bảnh bao, đeo kính đen hay đi tha thẩn trong bệnh viện như là người nhà bệnh nhân. Nhưng kỳ thực, đôi mắt cú vọ của ông ta lúc nào cũng nhăm nhăm vào túi quần của mọi người để theo dõi rồi ra tay lấy cắp điện thoại. Con người "khả kính" ấy lại là một đạo chích chính cống.

Còn có hai mẹ con một bà già hành nghề từ lúc đầu mụ còn xanh cho đến khi tóc đã nhiều sợi bạc, từ lúc đứa con của mụ hãy còn dắt tay đi nay thì đã lớn và cũng nối nghiệp mẹ một cách "xứng đáng".

Có những tên ăn cắp từ năm này qua năm khác, bị bệnh viện và công an lập hồ sơ dán lên bảng thông báo để bà con nhận mặt. Lâu sau, hắn qua đời, nhưng bệnh viện vì không biết nên vẫn để ảnh của hắn ở đó. Mãi cho đến khi có người nhà tới xin tấm ảnh ấy về, nhân viên bảo vệ mới vỡ lẽ ra... thì đã hơn mười mấy năm hắn hành nghề trong bệnh viện.

Làm thế nào để ngăn nạn trộm cắp tại bệnh viện?

Đã có một cuộc chiến ngấm ngầm giữa cánh bảo vệ các bệnh viện và bọn trộm cắp bất lương. Ở Bệnh viện Từ Dũ, trong giờ thăm bệnh, đội ngũ bảo vệ 32 người đều được cắt đặt, chốt tại các lối đi lên cầu thang. Ở mỗi phòng bệnh lại bố trí một nhân viên bảo vệ trực, như cảnh sát khu vực, để nhắc nhở bà con.

Còn ở Bệnh viện Chợ Rẫy, 44 nhân viên bảo vệ được chia thành 3 lớp: tuần tra bên ngoài, kiểm tra bên trong và một đội ngũ mặc thường phục đi lẫn vào “chợ người” để quan sát theo dõi những kẻ khả nghi. Theo anh Dũng, sắp tới bệnh viện còn tính đến việc xây dựng mạng lưới “tai mắt” chính là những thân nhân của người bệnh.

Đa số các bệnh viện khác trên địa bàn còn tổ chức phát loa nhắc nhở bà con cảnh giác trước những trò lừa đảo, trộm cắp của bọn xấu.

Nhưng có một thực tế gây khó khăn cho đội ngũ bảo vệ. Phần lớn người vào các bệnh viện luôn có tâm lý đây là nơi an toàn nhất nên dễ mất cảnh giác. Trong mắt của bà con, ở bệnh viện, trừ đội ngũ y bác sĩ ra, chỉ có: một là người bệnh, hai là thân nhân nuôi bệnh. Đánh vào lòng người, những kẻ lừa đảo thường giở trò nói ngon nói ngọt để làm quen và tạo lòng tin rất dễ nơi bà con. Nhiều trường hợp do vô tình bà con lại đứng ra che chở cho chúng.

Anh Đương kể, có một bà lão ở Cần Giuộc lên thăm con, bị kẻ trộm gạ gẫm. Cánh bảo vệ tới nhắc nhở, bà lại tình thiệt đứng ra bảo lãnh hắn, nhận hắn là người thân của mình và còn nhắc bảo vệ coi chừng nhìn lầm người, bắt lầm người. Chỉ đến khi kẻ cướp lấy mất cái giỏ đựng tiền và biến mất dạng, bà mới hớt hơ hớt hải lên báo bệnh viện thì chuyện đã rồi.

Để qua mắt nhân viên bảo vệ, bọn  trộm cắp có đủ mưu ma chước quỷ. Trường hợp một nữ quái đã cao tuổi ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bị bảo vệ theo dõi rát quá, thị bèn nhận và “đào tạo” một lũ nhóc ba tên, để dương đông kích tây, thu hút sự chú ý của lực lượng bảo vệ vào thị, để cho bọn tiểu yêu ra tay hành động.

Đối với những kẻ đầu trộm đuôi cướp này, nếu không bắt tận tay chúng là không thể làm gì được chúng. Có tên ăn cắp vàng, khi bị bắt còn thủ sẵn vàng giả trong người để đưa ra rồi cãi chày cãi cối. Thậm chí hễ động đến, chúng còn lăn ra ăn vạ đòi bồi thường... danh dự(?!).

Từ năm 2001 - 2002, bệnh viện Chợ Rẫy từng tồn tại nhiều băng trộm cắp tuổi từ 16 - 20 chuyên sống bằng nghề trộm điện thoại di động. Chúng lộng hành đến mức gọi điện cho bảo vệ  khiêu khích, thách thức. Có trường hợp, mấy tên đầu đàn còn bạo gan hơn, yêu cầu bảo vệ thỏa hiệp với chúng. Bệnh viện phải nhờ đến Đội Trinh sát chống cướp giật thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tp.HCM xuống hỗ trợ mới phá được những băng nhóm này

Tăng Bá Sơn
.
.
.