Lá thư ngỏ và kế hoạch “gậy ông đập lưng ông”

Chủ Nhật, 29/04/2012, 11:35
Trận đánh đã tiêu diệt được 9 tên địch, 3 tên bị thương đã làm điên đầu những tên chỉ huy đầu sỏ, lại kèm thêm lá thư “vô tình” ấy nên tên ác ôn Xê liền bị cấp trên của hắn ra lệnh bắt khẩn cấp và tra tấn dã man. Biết việc, 2 tên ác ôn Ơn và Các sợ “vãi linh hồn” tháo chạy một mạch về Sài Gòn chẳng dám “sủi tăm”...

Mới đây, tại buổi giao lưu với sinh viên trong lực lượng Công an, ông Chu Văn Thiệp (tức Năm Anh), một cán bộ An ninh chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đã kể lại quãng thời gian 12 năm sống, chiến đấu trong lòng địch. Câu chuyện về một lần ông cùng đồng đội đánh vào hang ổ địch đã để lại ấn tượng và xúc động mạnh mẽ đối với các bạn trẻ.

Ông Chu Văn Thiệp quê ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Năm 1964, ông là cán bộ Công an Hà Nội tình nguyện chi viện cho An ninh miền Nam. Tạm biệt vợ trẻ và 2 con còn quá nhỏ (đứa bé được 30 ngày, lớn 1 tuổi rưỡi), ông đi bộ dọc đường Trường Sơn trải qua biết bao gian khổ, 1 năm sau (1965) mới vào tới An ninh khu VI, nơi cực Nam Tổ quốc. ông được phân công về Ban An ninh tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước) phụ trách Bảo vệ chính trị ở Ban An ninh tỉnh. Bây giờ, dù đã mấy chục năm xa cách nhưng từng địa danh ở nơi này vẫn nằm trong trái tim ông.

Từ Bù Na, quốc lộ 14, Đồng Xoài, Phước Bình… nơi đã gắn bó suốt một thời trai trẻ oanh liệt hào hùng với những chiến công không thể nào quên. ở đó có nhiều tên ác ôn, chúng đã gây ra nhiều nợ máu, biến cuộc sống của dân lành như sống trên “chảo lửa”, dưới làn mưa bom bão đạn. Để mang về cuộc sống an lành, người dân hết hoang mang khiếp sợ, đơn vị An ninh do Năm Anh phụ trách đã tìm kế hoạch tiêu diệt địch thật… độc đáo. Ông kể về trận đánh tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng.

Ông Chu Văn Thiệp (bên trái) và Thiếu tướng Phan Văn Lai, Trưởng ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Khi bộ máy kìm kẹp của địch o ép người dân đến nỗi cùng cực, không thể để chúng hành xử tàn ác mãi, với vị trí làm Bí thư, Đội trưởng Đại đội công tác X3, ông tìm cách tiêu diệt 3 tên ác ôn khét tiếng nhất, đó là các tên Xê, ơn, Các… Ban ngày những tên ác ôn này thường ở ấp, ban đêm thì lên Đồn ngủ nên rất khó tiêu diệt. Nếu để nó còn sống ngày nào thì dân lành chịu khổ ngày ấy, điều ấy khiến ông đau đáu trong lòng. Nếu liều mạng để tiêu diệt nó mà phải đổ máu hy sinh thì đó là điều đau xót, lúc này lực lượng của ta rất mỏng cần phải bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài… Suy đi tính lại, ông đã quyết định tìm cách “ly gián” địch và kế hoạch “thư rơi” được tiến hành.

Suốt 2 đêm liền ông cùng 3 đồng đội hóa trang chui vào cứ điểm địch tìm địa điểm đánh địch. Thông thường, cứ sáng là 2 đại đội địch kéo quân lùng sục khắp nơi, trước khi đi thường tập hợp ở cổng. Qua quan sát đội hình địch, ông Thiệp phân công 2 người ở lại gác, còn 1 người theo ông chui vào hang ổ của địch tìm chỗ đánh mìn. Để an toàn, mỗi người chỉ mặc quần đùi và bôi đất khắp người chỉ để hở đôi mắt. Sau 2 đêm liền chui sâu nghiên cứu địa hình địch, kế hoạch đánh mìn  DH10 (DH là định hướng, 10 là 10kg) được thực hiện vào đêm thứ 3. Trước khi ông và Núi (tên một đồng đội) đi đặt mìn, ông quy định, nếu nghe tiếng súng nổ thì anh em bấm mìn để hủy mìn đi, vì lúc đó là ông đã bị lộ rồi và đã hy sinh…

Theo kế hoạch, đúng 1h30, người cán bộ An ninh cẩn trọng, lặng lẽ trong màn đêm chui vào hang ổ địch đầy tự tin và dũng cảm. Nhìn thấy bao mìn, địch cứ tưởng bao cát lên lờ đi. Đặt xong, ra khỏi hang ổ địch lúc 4h30 thì có một tên lính đánh mõ và chạy xộc ra. ông tưởng mình đã bị lộ, nhưng hóa ra tên lính vội đi...tè. Yên chí ra đến nơi tập kết cách chừng 100m chờ “điểm hỏa”, nín thở nằm chờ căng thẳng tột độ… Ông Thiệp cầm điểm hỏa, căng mắt theo dõi chờ đến 7h sáng thì bọn địch lục đục gọi nhau, 2 đại đội tập trung tại điểm nổ của quả mìn thì ông “điểm hỏa”. Một tiếng nổ vang trời, một cột khói bụi mù bốc lên… Thắng lợi giòn giã, ông và đồng đội nhanh chóng thoát thân an toàn khỏi khu vực nóng bỏng ấy.

Về tới cơ sở, ông Thiệp thảo một lá thư với nội dung: “Gửi anh Xê. Nhờ tin của anh báo chính xác mà anh em đã tiêu diệt được rất nhiều địch. Còn tin về ơn và Các (2 tên ác ôn khác) anh đã báo, dứt khoát chúng tôi sẽ tiêu diệt được chúng… Hôm nọ, chị nhà ốm mà chúng tôi chưa đến thăm được, chúc chị chóng bình phục. Hôm nọ, anh em đi qua rẫy bắp của anh có lấy một ít, hôm nào gửi tiền anh… ký tên: Năm Anh”. Lá thư được bỏ vào một chiếc ví, bên trong có ít tiền đã “vô tình” đánh rơi khiến một tên địch nhặt về.

Trận đánh đã tiêu diệt được 9 tên địch, 3 tên bị thương đã làm điên đầu những tên chỉ huy đầu sỏ, lại kèm thêm lá thư “vô tình” ấy nên tên ác ôn Xê liền bị cấp trên của hắn ra lệnh bắt khẩn cấp và tra tấn dã man. Biết việc, 2 tên ác ôn Ơn và Các sợ “vãi linh hồn” tháo chạy một mạch về Sài Gòn chẳng dám “sủi tăm”. Sau khi 3 tên ác ôn khét tiếng biến mất, từ đó người dân trong vùng thoải mái đi lại làm ăn, không bị cùm kẹp như trước nữa.

Không mấy ai biết rằng đó là trận đánh mưu trí, sáng tạo của đồng chí Thiệp (tức Năm Anh) và đồng đội. Vào nơi gian khổ, người chỉ huy phải đi đầu, đó là kinh nghiệm của ông Thiệp rút ra từ trận đánh này, từ đó nhiều trận đánh khác đều thắng lợi giòn giã…

Ngày đất nước thống nhất, nhà nhà đoàn tụ sum họp mà vẫn chẳng thấy ông về. Vợ con ông thì cứ khóc cạn nước mắt vì có tin ông đã hy sinh ở Huế. Mãi tới tháng 2/1976, ông mới được ra Bắc sau 12 năm xa cách.

Khoác ba lô về đến sân nhà, 2 con gái đã 12 - 13 tuổi nhìn ông cứ ngỡ ngàng như người xa lạ. Chỉ tới lúc vợ ông đi làm về mới nhận ra chồng trong nỗi xúc động không nói thành lời. Thăm vợ con ít ngày rồi ông lại trở vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục công việc của một cán bộ An ninh với chức Vụ phó Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ, sau đó là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Nay nghỉ hưu ở Hà Nội cùng với gia đình vợ con, ông nhớ lại quãng thời trai trẻ cống hiến cho đất nước với biết bao kỷ niệm không thể phai mờ…

Quý Kim
.
.
.