“Lão đương ích tráng”

Thứ Bảy, 11/06/2005, 06:43
Sau hơn ba mươi năm ngồi ghế chuyên viên, đến khi ngấp nghé tuổi sáu mươi, ông Đặng Mộng Lân nhủ thầm trong lòng: giờ mới có điều kiện dành trọn tâm trí cho vật lý lý thuyết đây!

Nhớ lại năm hoà bình mới lập lại trên miền Bắc (1955), đang học Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Đặng Mộng Lân theo tiếng gọi của Đảng tình nguyện đi thanh niên xung phong lên công trường ở Vũ n, Phú Thọ lao động. Được một thời gian, do thiếu giáo viên dạy văn hoá ở Trường Kinh tế tài chính Trung ương (nay là Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), ông được điều trở lại Thủ đô, đáng lẽ dạy toán, lý mới hợp sở trường thì các môn này đã có người "xí" trước nên ông phải dạy cả hai môn sử và địa.

Đến năm 1957, Trường Đại học Tổng hợp chiêu sinh khoá chính quy đầu tiên, Đặng Mộng Lân liền đầu đơn là thí sinh tự do, ông đã làm mọi người ngạc nhiên khi chiếm ngay ngôi đầu bảng, điểm vào trường cao gấp rưỡi người đứng thứ nhì. Sau 3 năm học ở Khoa Vật lý, ông tốt nghiệp loại ưu, được điều về Ban toán - lý của y ban Khoa học Nhà nước, làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các bậc trưởng lão khả kính như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum.

Thời kỳ này đã nhen nhóm trong lòng chàng cử nhân trẻ đề tài nghiên cứu về một lĩnh vực hẹp của vật lý lý thuyết và chắc sẽ là "rồng thêm mây" khi vào năm 1970, tổ chức đã nhắm cho ông cái chân dạy vật lý chất rắn ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Song, vào thời điểm đó, Viện Thông tin khoa học kỹ thuật ra đời và đánh công văn sang y ban xin ông về.

Thế là từ đó, ông bị ngợp trong "bể thông tin", hàng tháng phải lo lấp đầy các bản tin về thuốc trừ sâu, phân bón, hoá chất, sinh học, nhiệt đới hoá, sinh đẻ có kế hoạch... Còn chuyện riêng tư, do mải làm "thông tin", mãi đến năm 40 tuổi ông mới lấy vợ, cưới năm trước, năm sau vợ đẻ sinh đôi. Thế là ông lại phải bươn trải kiếm sống, nuôi vợ con trong căn buồng xép 10m2 ở 25 Hàng Buồm (Hà Nội).

Nhưng ông vẫn không bỏ vật lý lý thuyết, thời kỳ này, ông đang suy nghĩ tìm cách giải bài toán về "thế lượng tử với phương trình Schorodinger". Đến khi nhận sổ hưu, vào lúc gia cảnh khá hơn, hai cậu con đã ra trường có việc làm, ông Đặng Mộng Lân càng phấn chấn khi được dành trọn quãng đời còn lại cho bài toán lý thuyết còn dang dở kia.

Thực ra lâu nay ở Việt Nam, những người đi thuần túy về lý thuyết như ông Đặng Mộng Lân là rất hiếm, người ta thường tìm đến những vấn đề cụ thể hơn, có ứng dụng ngay. Vả lại, lĩnh vực ông nghiên cứu cũng rất riêng biệt, trong nước hầu như không có ai cùng hướng, thành ra ông là người đơn độc trong hành trình dài dặc hòng khám phá bí mật của vật chất. Nhưng niềm say mê, lòng kiên trì và khát vọng vươn tới đỉnh cao khoa học đã mang lại cho "người lữ hành đơn độc" ấy những thành công bước đầu, gây nhiều bất ngờ và khâm phục trong giới chuyên môn.

Với việc giải được bài toán trên, lần đầu tiên ông suy ra phương trình Schorodinger với bán kính vật thể hấp dẫn - lượng tử (Geon) nằm ở vùng biên của thế giới vĩ mô và vi mô, đó còn có thể là "chất tối" mà lâu nay các nhà vật lý thiên văn đang tốn công tìm kiếm.

Một nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Hungary là Viện sĩ Lukacs Bela cũng có ý tưởng giống Đặng Mộng Lân nhưng chưa tới đích, trong thư gửi người bạn là Viện sĩ Barta Gyorgy viết: "Tôi đã đọc xong công trình của Đặng Mộng Lân, độc đáo và đáng trân trọng, mặc dù tác giả không đi sâu về lực hấp dẫn lượng tử mà chỉ thử nội suy từ các lý thuyết hiện hành".

Tiến sĩ vật lý Ngụy Hữu Tâm, con trai của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, đã bày tỏ sự khâm phục: "Không ít người có học hàm học vị này nọ, đi nước ngoài nhiều như đi chợ mà chẳng có công trình gì đáng kể, chắc họ sẽ phải xấu hổ trước kết quả nghiên cứu của ông Đặng Mộng Lân, một người rất ít khi được ra nước ngoài và kiến thức có được hoàn toàn là tự học"...

Sau công trình về "Thế lượng tử" in trên Tạp chí Thông báo vật lý hiện đại năm 2000, bốn năm sau, ông Đặng Mộng Lân lại công bố tiếp một công trình mới, cũng về vấn đề đặt ra trong bài toán trước, song mở rộng từ lý thuyết hấp dẫn của I.Newton sang Thuyết Tương đối rộng của A.Einstein...

Trong một buổi gặp, ông Đặng Mộng Lân giới thiệu: Tôi có người bạn hơn tôi vài tuổi, cùng học trường Thành chung Nam Định hồi năm 1947. Ông ấy cũng có hoàn cảnh giống tôi, nghề mình thích hồi trẻ thì không được làm, đến già mới có điều kiện quay lại.

Ông tên là Nguyễn Đại Bằng. Dáng nhỏ thó, đi lại nhanh nhẹn, đặc biệt ông có đôi mắt sáng, thoạt gặp ít ai nghĩ là ông đã ở tuổi bẩy lăm. Ông cho tôi xem cuốn sách mới nhất do Nhà xuất bản Văn hóa thông tin vừa ấn hành cuối năm 2004, đó là "Từ láy tiếng Việt, đỉnh cao sáng tạo từ". Trước đấy cũng nhà xuất bản này đã cho ra mắt bạn đọc công trình nghiên cứu ngôn ngữ học đầu tiên của ông: "Khuôn vần tiếng Việt và sự sáng tạo từ".--PageBreak--

Có bằng tú tài toán thời Pháp thuộc, đến khi đi theo cách mạng ông lại học ngành y. Nhưng từ nhỏ ông rất thích môn quốc văn, đã “ngốn” không biết bao nhiêu cuốn văn, thơ kim cổ. Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội vào loại giỏi, ông được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, lúc đó là Bộ trưởng Y tế kiêm Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương, giữ lại làm thí nghiệm viên cơ thể bệnh. Chỉ đến khi nghỉ hưu vào năm 1989, niềm yêu thích văn thơ thời trai trẻ mới đột phát trở lại.

Ông bảo với tôi, chính do có thời kỳ dài làm nghề y, bàn tay quen phẫu tích tổn thương trên con vật thí nghiệm thỏ, chuột, con mắt quen soi kính hiển vi quan sát cấu trúc tế vi của tế bào, nên sau này khi đã đam mê ngôn ngữ học thì chuyển cái thói quen phân tích quan sát ấy sang tìm hiểu cấu trúc từ ngữ và đã phát hiện ra nhiều điều lý thú lắm.

Một lần, ông có trong tay cuốn "Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại" của Giáo sư Hồ Lê (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh), ông đặc biệt thích thú phần nói về vần và khuôn vần tiếng Việt. Bắt tay vào nghiên cứu ở lĩnh vực "mới toe" này, ông có cách tiếp cận riêng, theo hai bước: Phân tích nghĩa của các từ trong cùng một khuôn vần, để tìm sự có mặt của những nhóm từ có nghĩa cơ bản chung; tiếp đến tổng hợp lại các nghĩa cơ bản chung cùng khuôn, để tìm mối liên hệ giữa các nghĩa cơ bản chung ấy trong điều kiện chúng cùng tồn tại trong một khuôn.

Bác sĩ, nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đại Bằng.

Với cách này, ngay trong năm đầu tiên khi nghỉ hưu, dù chỉ là một người "ngoại đạo" ngôn ngữ học, ông đã làm nên sự ngạc nhiên cho giới học thuật. Trong hội nghị khoa học vào cuối tháng 7/1990 tại Hà Nội, do Viện Ngôn ngữ họcTạp chí Ngôn ngữ đồng tổ chức, bản báo cáo của bác sĩ Nguyễn Đại Bằng "Hình tượng của khuôn vần tiếng Việt trong cách tạo từ cùng khuôn cùng nghĩa hạt nhân" đã được toàn thể hội nghị đánh giá cao.

Ở đây, lần đầu tiên ông đưa ra 30 khuôn trong "rừng tiếng Việt", tuân theo một quy luật nhất định được tạo ra từ các hình tượng: Cơ thể người, lao động và công cụ, tự nhiên, sinh vật học, hình học, phương vị... Về sau, công trình được sự tài trợ của Trung tâm UNESCO phổ biến kiến thức văn hóa giáo dục cộng đồng, in thành sách và trong lời giới thiệu, Giáo sư Nguyễn Văn Tu, Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đánh giá: "Đây là cuốn sách không những bổ ích cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ mà còn có ích cho các nhà giáo và các nhà báo, nhà văn, mọi người yêu tiếng Việt".

Trong một cuốn sách kinh điển về tiếng Việt của nhà ngôn ngữ học Pháp H.Frey, xuất bản năm 1892 ở Paris, trong đó đã có một câu đánh giá khái quát: L'Annamite - Mère des langues, nghĩa là "Tiếng Việt - mẹ đẻ các ngôn ngữ". Một sự trùng hợp thú vị, trong hội thảo khoa học lần đầu tiên được nghe bản báo cáo về "Khuôn vần tiếng Việt..." của ông Nguyễn Đại Bằng, vị chủ trì hội nghị, Giáo sư ngôn ngữ Nguyễn Văn Tu đã tỏ ý rất hoan hỉ và thốt ra ngay câu tiếng Pháp của Frey.

Sau đó lại một hội nghị khác, khi nghe trình bày xong công trình này, một nhà ngôn ngữ học có tên tuổi khác là Giáo sư Hoàng Phê cũng lại nói câu tiếng Pháp "Tiếng Việt - mẹ đẻ các ngôn ngữ" đó. Vậy là qua công trình của Nguyễn Đại Bằng, thêm một lần các nhà khoa học về ngôn ngữ càng củng cố niềm tự hào về sự phong phú, biến ảo trong tiếng mẹ đẻ của chúng ta.

Trong thư đề ngày 5/6/2001, gửi bác sĩ Nguyễn Đại Bằng, Giáo sư Hồ Lê, người đã từng thổi niềm ham mê nghiên cứu ngôn ngữ buổi đầu cho ông, đã viết: "Một điểm quý nữa là đức tính kiên trì của bác theo đuổi công trình khuôn vần tiếng Việt hơn chục năm qua, trong lúc tuổi đã cao (đáng lẽ phải được nghỉ ngơi thoải mái) và cuối cùng đã hái được những quả ngọt rất đáng khích lệ, thì thật là tấm gương sáng về lão đương ích tráng" (chữ Hán "lão đương ích tráng" nghĩa là tuổi già vẫn sống khỏe, có ích)..

Khương Hạ cuối tháng 3/2005
.
.
.