Ký ức về Chương trình phát thanh trưa 30/4/1975

Thứ Hai, 30/04/2012, 10:53
Lúc 13h20 ngày 30/4/1975, trong tình thế cấp bách, chàng sinh viên kiến trúc Nguyễn Hữu Thái trở thành phát thanh viên đặc biệt giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh Sài Gòn.

Đầu năm 2011, một người bạn bên Pháp gửi tặng ông Nguyễn Hữu Thái đoạn băng ghi âm lời phát biểu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong buổi phát thanh trưa 30/4/1975. Vậy là sau 36 năm tìm kiếm, ông Thái mới có được đoạn băng quý giá ghi lại giọng nói run run mừng vui của người bạn thân và bài hát Nối vòng tay lớn mà Trịnh Công Sơn, ông và bạn bè sinh viên xúc động ca vang trong thời khắc Bắc - Nam sum họp một nhà.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thái cố gắng liên hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tìm kiếm, sưu tập tư liệu về ngày 30/4/1975, nhưng các băng ghi âm trong buổi phát thanh lịch sử thì gần như vô vọng. Mãi đến năm 2003, ông mới tìm thấy những đoạn băng quý giá này từ nhà sử học Nguyễn Nhã. Đáng tiếc là trong số đó thiếu băng ghi âm lời Trịnh Công Sơn.

Đây là cơ sở sử liệu để Nguyễn Hữu Thái hoàn thành hai cuốn sách của mình. Đến căn nhà trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh một ngày tháng 4, tôi được vị kiến trúc sư đã ngoài 70 tuổi cho xem bản thảo của cuốn sách “30-4-1975 - Ghi chép của một người chứng” và “Hồi ký Nguyễn Hữu Thái”. Ông phấn khởi cho biết, 2 cuốn sách hiện đang được một nhà xuất bản lên trang, hy vọng sẽ sớm ra mắt gần đây.

Ông Nguyễn Hữu Thái (đứng thứ 2, bên phải) trong buổi phát thanh lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trưa 30/4/1975 (ảnh do nhân vật cung cấp).  Ảnh: Kỳ Nhân.

Một điểm chung được nhấn mạnh ở hai cuốn sách đó là buổi phát thanh trưa 30/4/1975 mà Nguyễn Hữu Thái là “phát thanh viên”.

“Lúc xe tăng húc đổ cổng dinh, tôi, Giáo sư Huỳnh Văn Tòng và nhà báo Nguyễn Vạn Hồng đang ở dinh Độc Lập. Có lẽ chúng tôi đeo băng xanh đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy, nên khi tôi đề nghị dẫn đường thì anh bộ đội Bùi Quang Thận liền đi theo. Đến chân cột cờ, chúng tôi kéo lá cờ Giải phóng lên trong tiếng reo hò lẫn tiếng súng chỉ thiên vang trời. Thật ngẫu nhiên, vào thời điểm lịch sử ấy trên nóc dinh Độc Lập có 3 chàng trai của 3 miền đất nước: anh Thận từ đồng bằng sông Hồng, Giáo sư Huỳnh Văn Tòng quê Tây Ninh và tôi gốc ở Đà Nẵng, miền Trung. Tất cả đều không cầm được nước mắt” - cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn xúc động nhớ lại thời khắc lịch sử.

Ông tiếp tục câu chuyện: “Ngay sau đó, chúng tôi đến đài phát thanh. Nhà báo Đức Borries Von Gallasch cho mượn chiếc cassette thu lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng.

Thu băng thử đi thử lại mấy lần mới xong. Loay hoay đến 13h20, chúng tôi mới phát đi được tiếng nói Cách mạng đầu tiên trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Tiếng nói mở đầu của tôi: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới dinh Độc Lập trước 12h và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên dinh Độc Lập… Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của các ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…”.

Trong đám đông ùa đến đài có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sinh viên Huỳnh Ngọc Chênh liền đưa anh vào. Giọng nhạc sĩ trên đài như nghẹn lại: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động (…). Hôm nay là ngày mà mơ ước của tất cả chúng ta, là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn (…). Tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài không có đàn guitar, tôi xin hát bài Nối vòng tay lớn”.

Gần 20 năm, đôi bạn thân Nguyễn Hữu Thái và Trịnh Công Sơn từng học tại Trường Thiên Hựu (Huế) mới gặp lại, họ cùng anh em sinh viên hát vang bài ca mừng ngày đất nước sum họp. Và 36 năm sau, đoạn ghi âm lời phát biểu nghẹn ngào của cố nhạc sĩ tài hoa mới tìm được lại

Quỳnh Hoa
.
.
.