Ký ức tuổi thơ và làng quê năm ấy

Chủ Nhật, 24/04/2005, 07:13
Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta đang rầm rộ khắp chiến trường miền Nam, lẽ trẻ mới học lớp 4 chúng tôi chỉ có thể nghĩ về chiến thắng một cách giản đơn “ta thắng, địch thua”, rồi “thống nhất ngày được ăn mười bữa”.

Tôi còn nhớ, ngày ấy xóm tôi nghèo lắm, cả xóm  chỉ nhà bác Ngò có chiếc radio vỏ gỗ, chạy pin con thỏ. Bình thường bác Ngò cứ lụ khụ ngồi ru rú ở nhà uống nước chè và nghe đài, nhưng từ khi đài công bố ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột, bác hoạt bát hẳn lên. Bác ôm chiếc đài vỏ gỗ của mình hăm hở đến các nhà hàng xóm để báo tin thắng trận : “Ông ơi, giải phóng Nha Trang rồi!…”.

Cứ thế, cứ thế lần nào bác Ngò đến báo tin cho bố tôi cũng vội vàng, bác chẳng kịp uống nước, nói xong cái tin vắn ấy bác lại hấp tấp sang nhà khác. Có hôm bố tôi sốt ruột, muốn biết chi tiết thêm, cũng lẽo đẽo theo bác đi các nhà, rồi còn nhiều người lớn nữa, cùng bọn trẻ con chúng tôi quần đùi chân đất lốc nhốc nhập đoàn bác Ngò diễu qua tất cả các ngõ ngách trong xóm.

Ngày đó, trên đường chúng tôi đến lớp, xã cho dựng ngay một tấm bản đồ Việt Nam to tướng. Chú cán bộ văn hóa xã hôm nào cũng bắc ghế để vẽ những lá cờ nửa xanh nửa đỏ lên những địa phương mà quân ta vừa tiến đến. Chúng tôi xúm xít dưới chân chú và chí chóe bàn luận: “Ngày mai quân ta, tao bảo đảm phải đi được một gang nữa (tính theo khoảng cách trong bản đồ)”.  Tôi nhớ, có hôm thằng Hiếu trong bọn tôi nói với chú cán bộ văn hóa xã:

- Đằng nào ngày mai quân ta cũng giải phóng hai tỉnh nữa, chú cứ vẽ luôn cờ vào đó đi, ngày mai khỏi phải vẽ.

Chú cán bộ văn hóa xã chỉ xoa đầu thằng Hiếu. Nhưng có một hôm, không thấy chú cán bộ văn hóa xã làm công việc vẽ cờ nữa. Chúng tôi thấy buồn buồn. Hôm sau cũng không thấy chú đâu, cả bác Ngò ngay sát nhà tôi cũng không ôm đài đi quanh xóm như thường lệ.

Chúng tôi thấy lo lo bảo nhau: “Sao bộ đội mình không cố nốt đi nhỉ? Còn hai gang nữa thôi là giải phóng hết miền Nam, dừng lại làm gì?”. (Với đầu óc non nớt của con trẻ có hiểu đâu rằng chỉ một gang tay trên bản đồ đã là cuộc hành trình vĩ đại, bi tráng của lịch sử, của dân tộc. Năng lượng cho cuộc hành trình này là bằng xương bằng máu, là sinh mạng của hàng triệu con người).

Sau này lớn lên tôi mới hiểu độ mười ngày chiếc bản đồ trên đường đến lớp của chúng tôi chẳng vẽ thêm được một lá cờ giải phóng nào là do ngày đó quân ta đã tiến đến Xuân Lộc, cửa ngõ của Sài Gòn, đã áp sát vào sào huyệt của địch, nên chúng cố thủ quyết liệt, mặt khác cũng phải chuẩn bị lực lượng để đánh trận cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Khoảng quá 12h trưa ngày 30/4, tôi đang rửa bát ngoài cầu ao, bỗng có tiếng gọi bố tôi với vẻ khẩn cấp, quan trọng: “Ta cắm cờ trên dinh Độc Lập rồi! Đài vừa công bố cách đây 5 phút”. Bố tôi ngây người lắp bắp: “Thế à? Ông vào đây cái đã”. Bác Ngò hình  như không nghe thấy, quay ngoắt rồi lập cập đi ra…

Không một ai nói năng gì, bố mẹ tôi đều rơm rớm nước mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi hiểu những khi sung sướng tột độ thì người lớn lại khóc. Bố tôi nhào vội ra cửa đuổi theo bác Ngò, tôi cũng bám sát. Bố tôi bảo: “Những ngày này, nhiều người chẳng ăn gì cũng no”.

Những ngày tiếp đó niềm vui của bọn trẻ con chúng tôi được thỏa thuê cùng niềm vui chung của người lớn. Nhưng dù là còn bé chúng tôi cũng đã nhận thấy nhiều nhà đã có cái gì đó thấp thỏm mong người trở về”. Thế nào thằng Dũng nhà ông đã có thư về chưa?”. “ Thằng  Hải nhà bác có tin tức gì chưa? À này, thằng Trịnh nhà ông Phong vừa về đấy, ông xuống hỏi nó xem sao”. Những người lớn thường trao đổi với nhau chủ đề ấy.

Tôi không nhớ chính xác hôm đó vào ngày nào tháng nào, chỉ nhớ hôm đó trời tối lắm, anh Hà con bác tôi đi chiến trường B đã sáu, bảy năm, đột nhiên lù lù bước vào nhà. Bà bác tôi thảng thốt gọi tên anh rồi lao về phía anh ôm chầm và khóc. Mãi đến tận bây giờ, khi lớn lên và đi nhiều nơi, tôi vẫn chưa được gặp lại cái âm thanh lạ lùng của bà bác tôi gọi tên anh Hà khi trở về sau 30/4/1975. Khi anh Hà về, bác trai tôi lục trong hòm quần áo, lôi ra một bánh pháo dài, bác định đốt, nhưng ông tôi can:--PageBreak--

- Lúc này có một nghìn bánh pháo cũng đáng đốt, nhưng làm gì cũng phải nghĩ trước nghĩ sau, nghĩ đến hàng xóm nữa chứ. Nhà bác Lập (xóm nhà tôi) có hai thằng đi, một thằng hy sinh năm 1972, một thằng bây giờ vẫn chưa có tin tức gì… Rồi còn bao nhiêu nhà như thế nữa, người ta đang héo hon chờ đợi thì mình đốt pháo làm gì…

Nói rồi ông tôi đi ngay sang nhà bác Lập. Ông ngồi im phăng phắc, mặt căng ra, còn bác Lập gái phủ phục trùm kín chăn người cứ rung lên từng hồi.

Sau này khi lớn lên, có một thời gian tôi thấy buồn. Đó là vào những năm 1985 - 1991, khi tôi đang học Đại học Dược, lúc đó Đông Âu đang sụp đổ, Liên Xô rệu rã, kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn… Anh Động con bác  Nhiễm ở xóm tôi, một chiến sĩ quả cảm (anh có rất nhiều Huân chương) đang đeo quân hàm Đại úy đã thức trắng nhiều đêm năn nỉ xin bố cho phép anh về “một cục” để đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô, hầu mong gia đình thoát khỏi cảnh bần hàn. Sau đó ít ngày, tôi càng cảm thấy vui hơn vì được tiếp xúc với nhà văn Lê Lựu vừa đi thăm Mỹ trở về. Tôi hỏi nhà văn Lê Lựu:

- Em nghe kể bên Mỹ người ta trân trọng bác lắm, đăng ảnh bác trên báo rõ to, chắc do quyển “Thời xa vắng” bác viết xúc động quá?

- Đâu phải thế, văn chương của mình thì có chuyện gì để nói, có điều bên đó người ta trân trọng mình vì mình là trong số những người lính cầm súng và đã chiến thắng họ. Với lại mình không như những kẻ khác, trông thấy nhà cao, nhiều ôtô, nhiều đôla mà lóa hết cả mắt, người như phát rồ, phát dại. Chú cứ nghĩ xem: “Ở nhà dù mình có chuyện gì càu nhàu (thậm chí cãi lại) bố mẹ, nhưng ra đến ngoài, nếu thằng nào lớ xớ đụng đến bố mẹ mình chả bao giờ mình để nó yên. Chính người Mỹ cũng trân trọng điều đó”

.
.
.