Ký ức của vị tướng Công an miền sông nước Nam Bộ

Thứ Sáu, 04/05/2012, 19:22
Tính đến nay, Trung tướng Sơn Cang đã về hưu được 2 năm. Hưu nhưng người con của vùng đất Trà Vinh Anh hùng vẫn sát cánh cùng lực lượng Công an, cùng chính quyền, ngày đêm chăm lo cho công tác đảm bảo ANTT, cho đời sống ấm no của người dân, trong đó có đông đảo đồng bào Khmer miền sông nước Nam Bộ.

Cũng giống như hồi còn đảm trách nhiệm vụ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II – Bộ Công an, vị tướng người Khmer này vẫn bình dị, hiền từ, tạo cảm giác dễ gần gũi với những ai gặp gỡ.

Trung tướng Sơn Cang quê ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Trong ký ức của ông, làng quê Ngũ Lạc bấy giờ tua tủa đồn bót giặc, người dân bị dồn vào ấp chiến lược; cảnh bắt bớ, giam cầm, đánh đập, tra tấn, bắn giết những người vô tội diễn ra hằng ngày…

Năm 1962, mới 14 tuổi, đang học lớp 5 trường làng nhưng Sơn Cang đã lặng lẽ tham gia vào các hoạt động bí mật, giúp bộ đội rồi được kết nạp, được phân công làm Đội trưởng đội du kích ấp Cây Xoài.

Chiến tranh ở nhiều vùng quê Nam Bộ như Ngũ Lạc ngày càng tàn khốc. Giặc Mỹ và tay sai càng lộ rõ bản chất khát máu, điên cuồng qua việc bắt bớ, bắn giết đồng bào, cán bộ sau các cuộc càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng. Không chùn bước trước thực tế này, một chiều cuối tháng 7/1964, Sơn Cang lặng lẽ thoát ly. “Ba ngày sau, gặp con mình tại một chòi vịt ngoài đồng, bà Thạch Thị Suôl – mẹ tôi nghẹn ngào: Con nên trở về. Lớn chút nữa, mẹ sẵn sàng cho con đi… Thấy tôi vẫn cương quyết, mẹ tôi chỉ biết ôm tôi vào lòng, dặn dò trong nước mắt: Con ráng cùng cha đi cho trọn đường Cách mạng. Bà xuống xuồng bơi đi rồi, tôi cũng nghẹn lòng nhất là khi nghĩ đến cảnh mẹ sẽ vất vả hơn vừa lo chuyện đồng áng, vừa lo cho các con thơ giữa điều kiện chiến tranh chưa biết sẽ kéo dài tới khi nào” – ông nhớ lại. 

Sau nhiều nhiệm vụ được giao như giao liên, cán bộ trại giam Công an huyện Cầu Ngang, chiến sĩ cảnh vệ Trại giam Ban An ninh tỉnh Trà Vinh, gần cuối năm 1967, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sơn Cang trực tiếp tham gia chống địch càn quét, nhiều lần phối hợp với du kích địa phương tổ chức bao vây đồn bót, diệt ác, phá kềm, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sỹ và những phạm nhân ở trại giam. Và ông được đồng đội nhìn nhận như một chiến binh dũng cảm thời ấy.

Thường đánh địch ở thế chủ động, Sơn Cang đúc kết: “Trên chiến trường, kẻ nào giành thế chủ động bao giờ cũng nắm chắc phần thắng lợi”. Và chính nhờ phương thức đúng đắn này, cùng với tinh thần gan dạ, quả cảm, ông đã rất nhiều lần lần vượt qua cái chết trong gang tấc.

Sơn Cang cho biết ông không thể quên trận đánh ác liệt vào một ngày tháng 3/1972. Hôm đó, khoảng 9h sáng, ba chiếc tàu chiến từ vàm Cái Nước chạy vô sông Bến Giá, huyện Duyên Hải, cùng 4 máy bay địch từ thị xã Trà Vinh bay ngang căn cứ. Chúng phát hiện, bắn pháo, hỏa tiễn vào trại giam. Thời điểm này trại giam còn giữ gần 200 phạm nhân; đặc biệt là có đồng chí Nguyễn Văn Tiết (Ba Trắng) – Trưởng ban An ninh tỉnh và đồng chí Năm Tùng - Phó ban vừa đến làm việc với trại. Khi nghe thông báo có một số anh em bị thương, theo kế hoạch tác chiến đã vạch sẵn, Sơn Cang lập tức nhảy ra khỏi công sự, bắn thẳng về phía máy bay để thu hút địch (lúc này trực thăng đã rà sát ngọn cây), đồng thời lao xuống công sự nơi 2 đồng chí bị thương để băng bó vết thương cho đồng đội, rồi ông lại tiếp tục bắn máy bay địch... Tiếng súng của ông đã hút địch ra khỏi trận địa, suốt 4 giờ liền chúng tập trung nã đạn, pháo về phía ông, không để ý đến các nhà giam trong khu vực, từ đó đã hạn chế tối đa thiệt hại, cứu nguy cho đồng đội và cả phạm nhân.

Trung tướng Sơn Cang trong dịp lễ kỷ niệm 35 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước tại tỉnh Hậu Giang.

Kể về những tình huống cùng với anh em đồng đội vào sinh ra tử, mắt ông buồn xa xăm. Chiến tranh khốc liệt nhưng cũng qua đó, ông cảm nhận đầy đủ, sâu sắc được tình người, nhất là giữa những con người trên cùng chiến tuyến. Ở đó, người ta luôn giành phần khó, thậm chí chấp nhận hy sinh để cho anh em, đồng chí, đồng đội mình được sống. Ông cũng như bao đồng chí, đồng đội khác không tin vào số phận nhưng không ai giải thích được vì sao có quá nhiều lần đối mặt với tình huống hiểm nghèo, ông vẫn may mắn vượt qua. Có lẽ đó là nhờ tinh thần quả cảm của những đồng chí, đồng đội khác. 

Trong suốt thời gian trước 30/4/1975, mặc dù số phạm nhân ta giam giữ tại Trại giam Ban An ninh tỉnh Trà Vinh rất đông, địch nhiều lần càn quét, nhưng không phạm nhân nào trốn trại được. Với thành tích đó mà sau này, Trại tạm giam - Công an tỉnh Trà Vinh vinh dự được truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Thành tích chung ấy có công sức đặc biệt xuất sắc của Sơn Cang.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, bộc bạch suy nghĩ của mình về Trung tướng Sơn Cang bằng giọng chân thành: “Anh Hai là người rất gần gũi và am hiểu tâm tư của mọi giai tầng trong cộng đồng Khmer Nam Bộ, đặc biệt là giới sư sãi, nhân sĩ, trí thức và người nghèo. Chính vì thế, anh luôn có những đề xuất hợp lý để giải quyết một cách căn cơ những bức xúc của họ; làm cho người Khmer Nam Bộ tin Đảng và đi theo Đảng trong suốt chặng đường bảo vệ và dựng xây đất nước”

Thái Bình
.
.
.