Ký ức của những người con Tây Nguyên được gặp Bác Hồ

Thứ Năm, 03/02/2011, 12:10
Lúc sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm và dành nhiều tình cảm thân thương đối với đồng bào Tây Nguyên. Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều người con Tây Nguyên ra miền Bắc học tập, lao động và chiến đấu đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Được gặp Bác, được Bác khuyên dạy những điều hay, lẽ phải là niềm vinh dự to lớn và trở thành kí ức gắn bó mãi mãi với cuộc đời của mỗi người con Tây Nguyên…

Vinh dự được gặp Bác Hồ

Ở Tây Nguyên cùng với Anh hùng Núp, trong kí ức của những người con ưu tú ở Tây Nguyên được gặp Bác Hồ hôm nay còn sống, ai ai cũng bồi hồi nhớ Bác. Một trong những người cán bộ cách mạng đầu tiên ở Tây Nguyên hiện đang sống ở Pleiku là ông KSor Ní, năm nay đã bước sang tuổi 87.

Tháng 8/1945 sau khi đón đại diện của Việt Minh về tiếp nhận chính quyền tại Pleiku, ông KSor Ní cùng với bạn bè, những người thanh niên yêu nước về quê tổ chức khởi nghĩa, bao vây huyện lỵ Cheo Reo, buộc chính quyền tay sai thân Nhật phải hạ vũ khí đầu hàng. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước ta năm 1946, ông KSor Ní được bầu là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khoá I.

Tháng 5 năm 1946, ông ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên các dân tộc Việt Nam và lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Nhớ lần ấy, chàng thanh niên Jơ Rai trẻ tuổi KSor Ní đứng giữa phố Hà Nội tình cờ nghe đài Pháp đưa tin không đúng sự thật rằng: "Pháp đã chiếm được Tây Kỳ (Tây Nguyên) và nhân dân Tây Kỳ vui khi thấy quân Pháp trở lại".

Các già làng Tây Nguyên bên Bia khắc thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku.

Nghe những lời tuyên truyền sai sự thật ấy, KSor Ní tức giận không sao chịu được và ông đã lập tức viết bài báo bằng tiếng Pháp, phản đối lại những luận điệu xuyên tạc ấy của Pháp và kêu gọi nhân dân Tây Kỳ đoàn kết để đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước Việt Nam. Khi bài báo đăng trên tờ "Le Peuple" (Nhân Dân), Bác Hồ đã đọc và cho người mời KSor Ní cùng Y Ngông Niek Đam (Thường trực Quốc hội khóa I) đến gặp Bác.

Nhận được giấy mời của Bác, cả KSor Ní và Y Ngông vừa mừng nhưng cũng vừa lo vì không biết Bác mời gặp có chuyện gì. KSor Ní kể rằng, khi gặp Bác ở phòng làm việc, Bác thân mật hỏi thăm sức khỏe và tình hình ở Tây Kỳ nên anh em cảm thấy rất gần gũi. Tại buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, Bác Hồ đã căn dặn, chúng ta phải đoàn kết đánh Pháp mới bảo vệ được nền độc lập. Bác xoè bàn tay và giải thích: "Một bàn tay hoàn chỉnh phải có năm ngón, thiếu một ngón là một bàn tay không hoàn chỉnh. Một ngón tay đau thì cả bàn tay cũng đau.

Các già làng dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Gia Lai-Kon Tum.

Cũng như cả nước Việt Nam độc lập thì Tây Kỳ phải được độc lập, vì Tây Kỳ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam". Cuối buổi gặp gỡ, Bác đã căn dặn: "Các cháu phải cố gắng học tập và công tác tốt, đặng góp phần đánh thắng giặc Pháp, để Việt Nam mau giải phóng và được độc lập hoàn toàn". Sau lần được gặp Bác Hồ, đồng chí KSor Ní trở về kể lại cho anh em đồng đội nghe và động viên đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng đi theo cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Hôm nay đã ở tuổi xế chiều, nhưng niềm hạnh phúc được gặp Bác Hồ vẫn mãi dâng trào với người cán bộ lão thành cách mạng KSor Ní. Ông luôn nhớ Bác, khắc ghi lời Bác dạy và luôn nhắc nhở các thế hệ con cháu: "Tây Nguyên là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của một nước Việt Nam thống nhất".

Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn

Cùng với nhiều người con ưu tú của Tây Nguyên được gặp Bác Hồ, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum, người đã trọn một đời sắt son với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân đã xúc động mỗi khi nhắc đến những lần được gặp Bác Hồ.

Ông Ksor Krơn kể, cuộc đời mình từng hàng chục năm làm cách mạng nhưng không hề có lương, chỉ toàn là ăn cơm của dân, được nhân dân nuôi và che chở. Ý thức gần dân, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân trong con người Ksor Krơn là một minh chứng sinh động. Ông luôn sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại. Ông tâm sự, sau hơn 35 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, cấp ủy Đảng và chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên từng ngày thực hiện theo lời dặn của Bác là làm sao cho đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Lời mong ước của Bác Hồ ngày càng đến được hiện thực với nhiều gia đình hơn ở Tây Nguyên. Đó là niềm hạnh phúc mà chúng ta đã thực hiện theo lời dạy của Bác.

Các già làng Tây Nguyên nghe đọc lại thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam.

Ông Ksor Krơn nhớ lại lần đầu tiên được gặp Bác Hồ trong một chuyến công tác thăm đập thủy lợi Bái Thượng (Thanh Hóa). Lúc về Bác dừng chân nói chuyện với nhân dân ở địa phương và có mời các sinh viên đến nghe, trong đó có Ksor Krơn. Bác nêu gương Anh hùng Lao động Trịnh Xuân Bái ở Thanh Hóa cho mọi người noi theo và dặn mọi người muốn làm được việc lớn phải đoàn kết phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể, noi gương sáng, bỏ đi những ý thức cá nhân hẹp hòi ích kỷ…

Lời dạy ấy của Bác là kim chỉ nam đã đi suốt cuộc đời làm cách mạng của ông Ksor Krơn. Hôm nay, luôn tâm huyết với những điều Bác dạy, ông Ksor Krơn nói: "Những người làm cách mạng mà không loại bỏ được sự cá nhân ích kỷ, không phát huy được cái mạnh vì lợi ích chung của nhân dân thì sẽ không tồn tại lâu được".

Chính vì thế mà mỗi lần có dịp được tâm sự, nói chuyện với thế hệ cán bộ trẻ hôm nay ở Tây Nguyên, ông Ksor Krơn luôn khuyên mọi người phải nhớ và thực hiện theo những lời dạy tốt đẹp của Bác Hồ. Còn với nghệ sĩ nhân dân Y Brơm tham gia cách mạng khi mới tròn 12 tuổi. Chàng thanh niên của núi rừng Tây Nguyên được gặp Bác Hồ khi anh là diễn viên của đoàn văn công Tây Nguyên. Hồi ấy, Y Brơm được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn để phục vụ khách quý của Bác.

Một lần vào tháng 5/1967, Y Brơm dựng vở "Múa Trống Tây Nguyên" để biểu diễn cho khách quốc tế xem. Trước khi đi biểu diễn nước ngoài, Bác Hồ đã xem và xúc động đứng dậy tặng hoa cho các nghệ sĩ biểu diễn. Xem xong vở diễn, Bác gọi Y Brơm đến bảo: "Cháu giỏi lắm, sau này về dạy lại cho bà con Tây Nguyên nhé!". Y Brơm xúc động muốn khóc và khắc ghi mãi lời Bác dạy trong suốt cuộc đời mình. Đối với Y Brơm hình tượng Bác Hồ như một vị thần, mà theo tiếng địa phương gọi là Yàng. Những lời nói, việc làm của Bác đã trở thành động lực mạnh mẽ đối với cá nhân ông cũng như đồng bào Tây Nguyên, giữ vững khối đại đoàn kết, lao động, sáng tạo để xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

Nhớ lời Bác dạy, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm suy nghĩ: phải học nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn về nghệ thuật gắn với đời sống văn hóa đồng bào Tây Nguyên để góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc ấy. Cũng chính từ sự lao động sáng tạo miệt mài mà Y Brơm là một trong 3 nghệ sĩ múa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đầu tiên ở Việt Nam (1984). Trong 140 tác phẩm đặc sắc của Y Brơm, có 40 tác phẩm được Nhà nước công nhận, trong đó có một chùm tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước.

Sau giải phóng, về công tác ở quê hương, Y Brơm đã dành hết tình cảm, tâm huyết của mình cống hiến cho đồng bào Tây Nguyên yêu thương mà không bao giờ nghĩ đến việc phải được hưởng một chút gì về vật chất. Y Brơm quan niệm, chức quyền, giàu sang cũng chỉ là phù du, nhưng văn hóa đặc trưng của buôn làng Tây Nguyên thì mãi mãi trường tồn với thời gian và ông đã sống hết mình với nghệ thuật

Ngọc Như (Báo CAND Tết 2011)
.
.
.