Ký ức Tháng 8 ở Nha Công an Trung ương
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, Trưởng ban Liên lạc cán bộ hưu trí Nha Công an TW cùng đồng đội trở về Khu di tích lịch sử CAND – Nha Công an TW để ôn lại truyền thống hào hùng lịch sử một thời.
Năm nay, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, vị cán bộ tình báo hoạt động tại Nha Công an Trung ương một thời đã 88 tuổi, thế nhưng khi trở lại nơi mà ông đã từng cùng đồng đội “ăn suối, ngủ rừng” thu thập tin tức đấu tranh chống phản động, ký ức về một thời vẫn nguyên vẹn như thuở nào. Chỉ tay về con suối Lê chạy dọc khu di tích, ông bồi hồi nhớ về những tháng ngày hoạt động cách mạng ở đây. “Chính con suối này năm xưa đã nuôi sống tôi cùng anh em làm ở Phòng Địch tình đấy!”, Thiếu tướng Phòng nhớ lại.
Theo lời ông kể, vào năm 1947, sau khi Nha Công an TW được chuyển lên thôn Đồng Đon hoạt động, ông làm việc tại Phòng Địch tình - Ty Tình báo làm nhiệm vụ nắm tình hình các đối tượng gián điệp, Việt gian, đảng phái phản động… để báo cáo tới Trung ương, Chính phủ. Từ đó đưa ra những kế sách đấu tranh phòng chống kịp thời. Thời bấy giờ, Nha Công an TW chỉ có chiếc lán dựng tạm dưới những tán lá rừng. Không có điện, ban đêm cán bộ, chiến sĩ làm việc nhờ ánh sáng lay lắt hắt ra từ chiếc đèn dầu cháy dở. Mọi sinh hoạt, điều kiện hoạt động khó khăn, đời sống chủ yếu dựa vào việc bắt cá dưới suối và tăng gia sản xuất.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng bảo, ngày trước tại khu đất rộng nằm dưới Hội trường Ban Quản lý Khu di tích lịch sử CAND bây giờ, hằng ngày, sau giờ làm việc, anh em trong các Ty Chính trị, Tình Báo, Thông tin điện đài… lại thay nhau ra đây trồng rau, lúa.
Đoàn công tác Ban Liên lạc cán bộ hưu trí Nha Công an Trung ương tham quan Bảo tàng Lịch sử CAND – Nha Công an Trung ương. |
Có đặt chân lên đây, tận mắt chứng kiến những kỷ vật lịch sử, hình ảnh được phục dựng, lưu giữ đến thời điểm hiện tại như: Nhà Thông tin điện đài, lán Ty Chính trị, lán Ty Tình báo v.v… mới thấy được hết sự vất vả, điều kiện sinh hoạt, làm việc khó khăn, thiếu thốn của các cán bộ, chiến sĩ Nha Công an TW từ tháng 4/1947 đến năm 1950 ở đây. Khó khăn là thế, vất vả là vậy, song ngay từ những ngày đầu, cán bộ, chiến sĩ Nha Công an TW đã xác định tư tưởng trường kỳ kháng chiến, xây dựng tổ chức, bố trí lực lượng và chỉnh đốn công tác cho phù hợp với tình hình mới.
Nha Công an TW đã chỉ đạo lực lượng Công an trong toàn quốc tiễu phỉ, trừ gian, xây dựng cơ sở nắm tình hình địch, kiểm soát nội bộ, thực hiện chính sách tôn giáo và dân tộc. Và cũng chính tại nơi đây, nhiều “cặp” cũng đã nên duyên vợ chồng. Dù tuổi đã ngoài 80, song nếu ai một lần tiếp xúc bác Lê Thu, nguyên thư ký đánh máy cho đồng chí Giám đốc Nha Công an TW Lê Giản cũng đều thấy sự sắc sảo, hoạt bát. Bác Lê Thu và Thiếu tướng Cao Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã nên duyên vợ chồng ngay ở chính Nha Công an TW.
Bác Lê Thu kể lại, sau một thời gian có tình cảm với nhau, được sự đồng ý của tổ chức, gia đình, bác và Thiếu tướng Nguyễn Cao Phòng đã nên duyên vợ chồng. Hôm tổ chức lễ cưới chính là thời điểm sau ngày Hội nghị Công an toàn quốc diễn ra (tháng 1/1950), nên đám cưới của hai bác diễn ra tại lán - Hội trường Nha Công an TW rất đông vui. Giám đốc Ty Công an các tỉnh đều có mặt đông đủ…
“Hôm ấy, mọi người ca hát suốt đêm để chúc phúc cho vợ chồng tôi. Đám cưới của chúng tôi cũng là đám cưới đầu tiên được tổ chức tại Nha Công an TW. Nghĩ lại mà tôi thấy thật xúc động”, bác Lê Thu tiếp lời.
Trong những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử này, không khó để bắt gặp hình ảnh các đoàn du khách đến đây để tham quan, nhớ về một thời hào hùng. Cùng đi với đoàn công tác của Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội lên Nha Công an TW dâng hương tưởng niệm, tham quan chứng tích lịch sử, Trung tá Đoàn Hùng, cán bộ Phòng Tham mưu nhiều lần lặng người đi vì xúc động khi nữ hướng dẫn viên của Ban Quản lý khu di tích kể về những khó khăn vất vả, mà nhất là sự quên mình, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc của các thế hệ đi trước.
Trung tá Đoàn Hùng cho hay, trước những hy sinh, mất mát của các bác, các anh, các chị - những người đi trước, với bản thân anh nói riêng và thế hệ chiến sĩ CAND sau này luôn tự nhủ rằng, phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an giao phó.
Trung úy Nguyễn Như Đức, cán bộ Cục Tài chính (Bộ Công an) chia sẻ, đây là lần thứ 2 anh được trở về đây. Là cán bộ trẻ, lần nào cũng vậy, mỗi lần đặt chân lên vùng đất này là mỗi lần anh lại thấy lòng xao xuyến khó tả. Bất giác trong anh, suy nghĩ phải làm sao để kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của ông cha để lại.