Ký ức 30-4 của những cựu binh xe tăng

Thứ Hai, 01/05/2017, 08:53
Những năm gần đây, cứ đến dịp 30-4, các cựu binh xe tăng từng tham gia giải phóng Sài Gòn lại gặp nhau để tưởng niệm đồng đội của họ - những người đã hi sinh ở cửa ngõ Sài Gòn trước khi toàn thắng vài giờ đồng hồ.

Đó là những người chưa bao giờ được ghi tên ở bất cứ nơi đâu, ngoại trừ trong trái tim đồng đội. Họ nhắc nhở nhau rằng, lịch sử không chỉ làm nên bởi các biểu tượng, lịch sử được làm nên từ rất nhiều những chiến sĩ vô danh...

Nhà văn Nguyễn Thế Tường, người nổi tiếng với truyện ngắn đã được chuyển thể thành phim truyền hình “Hồi ức của một binh nhì” viết về những người lính xe tăng thời đánh Mỹ bảo rằng, mỗi lần nhìn những thanh niên hàng xóm ngoài 20 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, đang đợi gia đình xin việc, ngồi đốt thuốc lá khói mù quán cafe, ông lại nhớ Đại đội phó Nguyễn Văn Tư.

Cũng rời trường đại học nhập ngũ những năm chiến tranh ác liệt nhất, 22 tuổi, anh Nguyễn Văn Tư (đồng đội thường gọi là Tư Mắm) đã chỉ huy 7 xe T54 mở mũi tấn công vượt qua ngã tư Bảy Hiền sáng 30-4-1975, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong trí nhớ của những người đồng đội, buổi sáng lịch sử đó, anh đã dùng khẩu đại liên thu được của địch, đặt lên cửa trưởng xe bắn mãnh liệt vào đội hình ngăn chặn của địch, cho đến khi xe 979 đã trúng đạn chống tăng M72. Đại đội phó Nguyễn Văn Tư và cả kíp xe anh dũng hi sinh ngay trước thềm giải phóng.

Anh Tư Mắm đương nhiên không phải người lính xe tăng duy nhất hi sinh khi ngày đoàn tụ đã gần ngay trước mắt. 16h ngày 29-4-1975, Chính trị viên Nguyễn Xuân Trường anh dũng hi sinh trong lúc lao người khỏi xe, dùng AK tiêu diệt địch khi Đại đội tăng 1 đánh địch ở cầu Tham Lương.

Mờ sáng 30-4, đánh ngã tư Bảy Hiền, xe tăng của Trung đội phó Nhữ Minh Tuấn (thuộc Đại đội 2) bị trúng bom, lái xe Nguyễn Xuân Thủy và pháo thủ Nguyễn Văn Thái hi sinh anh dũng. Cùng buổi sáng đó, ở Lăng Cha Cả, lần lượt các xe tăng 313 – 354 – 815 bị bắn cháy do hỏa lực địch quá mạnh, toàn bộ anh em trong xe không còn một người nào.

Cũng trong buổi sáng lịch sử đó, pháo thủ Nguyễn Trần Đoàn bị thương, dập nát cánh tay phải, đã nhờ đồng đội cắt bỏ cho khỏi vướng rồi tiếp tục chiến đấu cho đến phút cuối cùng... Cho đến lúc 2 chiếc xe tăng lịch sử - xe 819 của Đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ và xe 982 của Chính trị viên Nguyễn Hữu Thìn tiến thẳng vào sân trung tâm Bộ Tổng tham mưu ngụy, khi lá cờ của quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập – Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, còn nhiều lắm những cái tên chưa bao giờ xuất hiện trong bất kỳ văn kiện lịch sử, một tấm bằng vinh danh nào.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 273 trong buổi gặp gỡ đồng đội.

Bởi vậy mà trong niềm tự hào “gặp mặt lần thứ 6, nhưng lần nào cũng đông đủ” của những người lính tăng những ngày 30-4 lịch sử này, vẫn có sự ngậm ngùi của Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nam – Tư lệnh Binh chủng, “đông nhưng vẫn thiếu, đó là quy luật cuộc sống”.

Trong ngày gặp mặt này đây có sự hiện diện của vợ liệt sỹ Nguyễn Xuân Luyện, người phụ nữ ngoài 70 tuổi chỉ thực sự “có chồng” được 20 ngày, sau đó là cả cuộc đời đằng đẵng nuôi 2 con thay người chồng đã hi sinh. Viết về người phụ nữ này, hẳn phải cần một cuốn sách. Mà phải cần bao nhiêu cuốn sách mới viết hết những hi sinh của những người vợ, người mẹ như bà?

Bởi vậy, dân tộc đã dành 42 năm tri ân, nhắc nhở, nhưng cũng mới chỉ được 1 góc của những mất mát, đau thương; chỉ nhắc đến 1 phần những cái tên đã mãi mãi nằm xuống.

Đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn mẫn tiệp, tại buổi gặp mặt này, Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ - Lữ đoàn trưởng đầu tiên của Lữ đoàn xe tăng 273, sau này là Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp, chỉ dặn ngắn gọn 1 điều: “Chúng ta còn nợ rất nhiều những người đã hi sinh. Hiện nay còn nhiều gia đình chưa tìm thấy con em mình. Cố gắng tìm lại những phần mộ thất lạc. Giải quyết chế độ cho những đồng chí bị thương nhưng chưa được chứng nhận thương binh. Đó là trách nhiệm của chúng ta”.

Trong sân Trường Sỹ quan Tăng – Thiết giáp hôm nay, 42 năm sau ngày toàn thắng, có những cựu binh gương mặt nhăn nheo trao nhau những cái ôm thật chặt, những tiếng í ới gọi “Thành ơi”, “Sơn ơi”..., tiếng rộn rã dành nhau xem trước bức ảnh ngày hội ngộ...

Trung đội trưởng Trương Công Đạo, người chỉ huy xe tăng 819 bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Luật, Tỉnh trưởng và Đại tá Vũ Thế Quang, Sư đoàn phó Sư đoàn 23 ngụy tại Buôn Mê Thuột năm nào nay đã suýt soát 70 tuổi, nhỏ thó, nhanh nhẹn với nụ cười tinh nghịch. Đến bây giờ đồng đội vẫn gọi đùa ông là “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao”, bởi cá tính quảng giao, giỏi thể thao, văn nghệ, lại chiến đấu gan dạ có tiếng từ hồi còn trẻ. Chuyển ngành đã lâu, nhưng không cuộc gặp nào là ông vắng mặt.

Pháo thủ Nguyễn Trần Đoàn, người tự nhờ đồng đội chặt tay ngày nào, giờ đã là một doanh nhân, làm chủ Công ty TNHH 273, theo tên Lữ đoàn xe tăng đã một thời cùng nhau vào sinh ra tử. Là thương binh tàn nhưng không phế, ngày gặp mặt, không những không nhận quà tri ân, ông còn có món quà tặng quỹ nghĩa tình đồng đội để giúp đỡ những người khó khăn hơn.

Cựu binh Nguyễn Hồng Chuyên (Tam Dương, Vĩnh Phúc), một tay nắm chặt tay người đồng đội Nguyễn Xuân Cử đã 42 năm chưa được gặp, dù sống cách nhau có vài chục cây số (ông bảo giải ngũ về quê, đẻ hết trứng, nghèo lắm, chẳng ngửa mặt lên được mà đi đâu) giải thích: “Ông này cùng tôi sống chết đây”, một tay chỉ cựu binh Nguyễn Quang Thành đang đi chia ảnh cho đồng đội: “Thằng này gan lắm. Nó bị điếc (vì sức ép của bom). Đúng là điếc không sợ súng”.

Vũ Hân
.
.
.