Kỷ niệm những ngày "3 cùng" với đồng bào Khánh Sơn

Thứ Ba, 13/03/2012, 18:04
Về lại chiến trường xưa, những người lính già lại trào dâng kỷ niệm. Những ngày tháng “3 cùng” đầy gian khổ với đồng bào dân tộc vùng núi Khánh Sơn đã khắc dấu ấn không thể phai mờ ttheo tháng năm!

Những ngày đầu năm 2012, tôi may mắn được theo chân đoàn cán bộ hưu trí công an về thăm lại chiến trường xưa, vùng núi Khánh Sơn, căn cứ địa cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ. Những ngày đầu xuân, vùng cao Khánh Sơn chìm trong làn sương bảng lảng, tiết trời se lạnh.  Những người cựu binh năm xưa chuyện râm ran ôn lại kỷ niệm thời chiến với những cảm xúc còn tươi mới. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng về câu chuyện học cách sống “3 cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số Khánh Sơn của bác Phạm Hồng Xuất (sinh năm 1940, hiện sống ở Nha Trang)

Về lại chiến trường xưa, những kỷ niệm tưởng như đã ngủ yên trong ký ức lại tràn về. Năm 1971, từ Bộ đội chủ lực bác Xuất  được điều chuyển về đơn vị P63, thuộc Ban An ninh tỉnh, hoạt động tại địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa. Bác Xuất tâm sự, ở bộ đội chủ lực tuy cuộc sống và chiến đấu rất gian khổ, đối diện giữa sự sống và cái chết, nhưng đơn giản, thoải mái, trước mắt chỉ lo đánh địch. Sang trận địa an ninh lại có nhiều khó khăn phức tạp, nhiều gian nan thử thách, những áp lực tưởng có lúc không vượt qua được, nhất là việc học cách sống “3 cùng” với đồng bào dân tộc ít người. “Cũng là cuộc đấu tranh với kẻ địch, nhưng không phải chỉ trên trận tuyến giành từng mảnh đất, mà còn là cuộc đấu tranh giành lại đồng bào, không để cho kẻ địch tuyên truyền lôi kéo theo chúng chống lại cách mạng.

Hơn nữa, “hễ đồng bào tin yêu thì cán bộ sống, sự nghiệp cách mạng còn, nhưng nếu đồng bào mất lòng tin thì tính mạng của cán bộ bị đe dọa, sự nghiệp cách mạng gặp khó khăn.

CA xa Khanh Son tuan tra.

Bác Xuất nhớ lại, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào tưởng dễ, nhưng kỳ thực rất khó. Trước hết phải nắm vững những phong tục của đồng bào. Nhiều phong tục lạc hậu lâu đời, nhiều tập tục kỳ lạ, mê tín, dị đoan khó thay đổi. Vừa làm theo, duy trì những nét tốt, nhưng đồng thời giúp đồng bào từ bỏ những hủ tục lạc hậu. Rất nhiều phong tục cần sửa bỏ như: tục “nối dây”, nghĩa là khi người vợ chết, người chồng lại tiếp tục lấy em vợ, người em vợ chưa có chồng phải tiếp tục thay chị làm vợ của anh rể. Hay khi người mẹ mới sinh con chẳng may bị chết (mà việc này cũng thường xảy ra, do lúc đó điều kiện y tế kém), thì con bị buộc phải chôn theo mẹ. Đưa bé bị cột vào bụng mẹ nó rồi chôn theo, mặc cho đứa trẻ oe oe khóc. Dân bản nói: “Không chôn nó thì mẹ nó cũng về đòi con của nó”. Hay như tục mai táng rất sơ sài, mất vệ sinh, chỉ dùng lồ ô “mổ xạp”(dùng rựa banh cây lồ ô phẳng ra) và dây mây kết lại để cuốn người chết rồi chôn lấp sơ sài. Hoặc đôi khi để lộ thiên ngoài nhà mồ, phải canh chừng thú rừng suốt 3 ngày đêm mới chôn. Hay những tập tục cúng kiếng, mê tín tốn kém.

Cùng ăn thực tế chẳng dễ chút nào, nhiều món ăn không quen, thậm chí không hợp vệ sinh, vẫn phải ráng nuốt và không được tỏ thái độ khó chịu. Như món bắp hầm, bỏ vào trong vỏ bầu khô cùng nước suối, để khoảng 5, 7 ngày cho sình lên, bốc mùi mới ăn. Khi săn bắn, đặt bẫy được con nai, con heo rừng…, bà con lấy toàn bộ ruột non cho vào ống lồ ô, bịt lá chuối, gác lên bếp, 15, 20 ngày sau, khi thức ăn bốc mùi thối mới đem nấu, thêm mấy hạt muối được coi là món ăn rất quý. Có trường hợp, con thú dính cung, dính bẫy, bị thương, bỏ chạy xa rồi chết, có người trong bản phát hiện được lúc thịt thú đã thối rữa, kêu cả bản ra lấy thịt. Thứ thịt thúi rữa này như bùn non. Dùng tay bụm thịt chát lên những cục đá to để phơi, khi khô bóc từng mảng như bánh tráng. Lúc nấu canh, lấy thứ “bánh tráng” này xé vài miếng bỏ vô. Món này bà con dân tộc cũng rất quý. Tới mùa thu hoạch lúa, bắp, hoặc có cưới hỏi, được mời tới “ăn nhang”(ăn tiệc cưới, hỏi, ma chay…), lại “phải ăn” thịt nướng hoặc luộc vẫn còn sống. Thịt heo, bò nướng, luộc chưa chín, được sắt nhỏ cỡ hạt bắp, trộn đều với nhau, vào buổi tiệc, già làng một tay ôm cổ cán bộ (khách quý), tay kia bốc một nắm thịt thật to nhét vào miệng cán bộ, cán bộ phải cố nuốt không được tỏ thái độ, sau đó cán bộ lại làm lặp lại cho già làng, gọi là “Tơm”.  

Mỗi khi về đơn vị báo cáo hay đi công tác xa trở về bản lại có tục đón. Dân bản luộc một quả trứng gà, đưa kèm một sợi dây gai cho cán bộ, tự cán bộ dùng dây gai xiết quả trứng làm ba phần không bằng nhau (Không được dùng dao cắt hoặc dùng tay bẻ trứng), sau đó chia phần lớn nhất cho người già nhất nhà; phần lớn thứ hai cho em bé nhỏ nhất nhà; còn phần nhỏ nhất thuộc về cán bộ. Nếu sơ ý ăn hết, hoặc làm không đúng nghi lễ, bị dân bản coi là phản bội dân bản.

Với đồng bào dân tộc, hạt muối quý như vàng, nhiều khi cán bộ đã đưa hết muối cho dân, nhưng bà con vẫn nghĩ cán bộ còn cất giấu, nên khi con khóc, họ đòi: “Cán bộ à, chỉ có hạt muối bỏ vào miệng nó, nó mới nín”. Cán bộ lại phải giải thích đã đưa hết muối cho dân rồi, họ mới lấy hạt muối ra cho vào miệng đứa bé.

Đội văn nghệ Raglay huyện Khánh Sơn.

Cùng ở cũng chẳng dễ hơn. Đồng bào ăn ở còn thiếu vệ sinh, phải hướng dẫn nhiều lần để họ có thói quen sạch sẽ. Những cháu nhỏ ở dơ bẩn bị ghẻ lở, mụn nhọt, cán bộ phải tắm cho chúng. Với thanh thiếu niên thì gần gũi bày các cháu học tiếng Kinh, học cái chữ, dạy các cháu hát, múa. Với già làng phải nhường, phải kính. Biết muỗi rừng đốt sẽ bị sốt rét, căng võng, phủ bạt nằm, nhưng nếu người già thích nằm thì phải nhường ngay. Khi có người ốm thì vào rừng lấy lá xông, bày cho dân bản cách xông, cho họ thuốc từ cơ số thuốc cá nhân đơn vị cấp cho cán bộ.

Tranh thủ khi vui, lúc hội hè, nhờ dân bản dạy cán bộ đánh cồng, chiêng, để khi uống rượu cần dễ hòa nhập. Đồng bào dân tộc ít người ở Khánh Sơn chủ yếu gồm người Churu, Raglai và người Êđê, hầu hết đều không nói được tiếng Kinh. Vì vậy để “3 cùng” không thể không học tiếng nói của đồng bào trước khi dạy đồng bào tiếng Kinh.

Có những lúc cũng giả đò say rượu, để xem đồng bào nhận xét cán bộ thế nào và còn để giữ sức khỏe cho công tác ngày mai. Có một lần uống rượu bác Xuất giả say, nghe được câu chuyện của già làng. Già làng nói với mọi người: “Ông Thiệu dặn, khi nào Cộng sản nó quá tốt với dân làng là nó sắp giết mình đấy, mình phải giết nó trước đi”. Một cô gái trẻ cất giọng: “Làm vậy không được đâu! Cán bộ Xuất nó tốt thật với mình, sao lại giết nó?”. Nghe được câu chuyện, bác Xuất quay sang nói nhỏ với Hà Long, một thanh niên người dân tộc, phụ trách bản: “Anh Hà Long có nghe thấy bà con nói gì không? Anh phải giải thích cho đồng bào đi chứ?”. Hà Long quay qua bác Xuất sửng sốt hỏi: “Tao tưởng mày không biết tiếng cơ mà?”. Bác Xuất lại nói: “Biết ít thôi, nhưng ý tứ tao hiểu được”. Lúc đó Hà Long liền đứng lên giải thích cho đồng bào: “Cán bộ Xuất nó thực lòng, tin bà con, gắng giúp cho dân bản có cơm no, áo ấm, dạy trẻ biết cái chữ, đánh giặc càn, giữ bản làng. Phải tin ở cán bộ Xuất, tin thực lòng. Mình nói gì, cán bộ Xuất nó đều hiểu cả đấy!”.  

Cùng làm cũng có rất nhiều khó khăn. Lúc đầu tưởng việc phát rẫy, tỉa bắp, lấy măng, gùi lúa có gì không làm được? Nhưng không phải vậy, có nhiều điều phải hướng dẫn bà con làm mới, từ bỏ thói quen cũ. Đơn giản như bà con thường 8, 9 giờ sáng mới lên rẫy, vào rừng, rồi mới 3, 4 giờ chiều đã về, tối uống rượu cần suốt đêm. Thật trái quy luật, lúc nắng thì đi làm, lúc mát thì nghỉ. Uống rượu nhiều không đảm bảo sức khỏe. Phải hướng dẫn bà con một số kỹ thuật chọn giống, cất giữ giống, cải tạo đất, đặc biệt tránh việc du canh, du cư, phá rừng, đốt rẫy, làm nương. Lên rẫy gùi lúa, gùi bắp, vào rừng vác củi, hái măng hay đi bắt cá, bẫy thú, việc gì mình cũng phải làm trước, nhận phần nặng nhọc về mình, đừng để đồng bào nói “Cái cán bộ nó khỏe mà sao mang ít thế?”.

Khánh Sơn vốn là căn cứ cách mạng cả trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhưng giai đoạn 1969 - 1971 (sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân -1968), địch quay lại mở nhiều chiến dịch càn quét, lùng sục bắt bớ cán bộ, chúng sử dụng cả đám Fulro (người dân tộc ít người) làm tay sai, nhiều vùng trở thành “vùng trắng”, ta phải kiên trì bám dân, gầy dựng lại từ đầu. Việc “3 cùng” được với đồng bào, tạo được niềm tin yêu của dân bản, đã lôi kéo được đồng bào không sợ địch, không nghe theo địch, tẩy chay cả những tên tay sai người dân tộc của chúng. Như trường hợp tên Sàva, tự xưng là Đại tá, hù dọa bà con, không cho bà con giúp đỡ, che chở cán bộ cách mạng, đã bị bà con lột chân tướng tay sai của địch, tẩy chay nhóm Fulro của nó, làm cho chúng dần dần tan rã.

Cuối năm 1973, do yêu cầu công tác, bác Xuất được cấp trên điều đi làm nhiệm vụ mới, buổi chia tay dân bản diễn ra đầy lưu luyến, cảm động. Già làng họp bà con lại rồi nói: “Cán bộ Xuất nó sắp phải đi rồi, ngày mai ta nghỉ làm rẫy, lên rừng bắt con thú, xuống suối bắt con cá về uống rượu cần chia tay cán bộ Xuất. Nhờ cán bộ Xuất nói với cấp trên sớm cho nó trở lại với dân bản”.

Những năm tháng cùng sống và hoạt động với đồng bào miền núi Khánh Sơn tuy rất gian khổ, thiếu thốn và cả hiểm nguy, nhưng nhờ “3 cùng” được với đồng bào, được đồng bào tin yêu, che chở, đùm bọc, bác Xuất đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Những kỷ niệm thời gian “3 cùng” với đồng bào trong chiến tranh là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Xuất.

Trở lại Khánh Sơn lần này, nhìn những đổi mới tươi đẹp từ những cánh đồng lúa tươi xanh, những rẫy bắp, rẫy mì bát ngát, lại thêm những vườn chuối, vườn cà phê, hồ tiêu, hay những vườn sầu riêng thơm ngọt, đặc sản của Khánh Sơn. Cảnh các cháu trẻ em dân tộc ánh mắt hân hoan cắp sách tới trường. Những thanh niên nam, nữ vui vẻ chuyện trò trên đường lên rẫy. Cái bắt tay ấm cúng, hồ hởi của những người già, khiến không chỉ bác Xuất mà tất cả các thành viên trong đoàn đều bồi hồi xúc động. Quê hương Khánh Sơn đang đổi thay cùng đất nước.

Bác Phạm Hồng Xuất sinh năm 1940, quê ở tỉnh Hưng Yên, đi B năm 1964. Năm 1971, từ Bộ đội chủ lực được điều động về Ban An ninh Khánh Hòa (P63). Sau giải phóng miền Nam, bác về công tác tại Phòng Cảnh sát 4, Ty Công an Khánh Hòa. Nghỉ hưu năm 1982. Hiện nay tuổi cao nhưng bác vẫn tích cực tham gia và là Hội viên: Hội Unesco Việt Nam; Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa; Hội sinh vật cảnh tỉnh Khánh Hòa. Đã có 2 tập thơ được xuất bản.

Hồng Xuất - Minh Cường
.
.
.