Kỷ niệm nhỏ về một nhân cách lớn

Thứ Năm, 02/03/2006, 07:12

Theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Sách hay, bất kỳ của ai, bất kỳ của nước nào cũng phải dịch cho dân mình đọc. Nếu sách có chỗ nào xấu thì nhà xuất bản cần nói rõ trên lời nói đầu cho dân biết. Nhưng hay thì phải dịch. Ta là cơ thể khỏe không sợ vi trùng các đồng chí ạ!

Thủ tướng đón chúng tôi tận cổng ngoài. Chúng tôi đây là nhà thơ Chế Lan Viên, ba tác giả vừa được giải của Báo Văn nghệ là Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc và tôi, chiến sĩ Trường Sơn từ mặt trận về. Khu vườn trong nơi làm việc của Thủ tướng rất rộng và rất nhiều cây to, cành lá rậm rạp. Dáng bác Phạm Văn Đồng cao gầy, đi hơi lệch một bên vai. Đó là vị thủ tướng nổi tiếng của một Chính phủ anh hùng đang chống chọi với đế quốc Mỹ trong những ngày tháng ác liệt nhất. Đồng chí tâm sự: Tôi chỉ có chừng 40% thì giờ để làm công tác thủ tướng. Đa phần thì giờ phải cùng các đồng chí khác trong Bộ Chính trị nghĩ và bàn cách đánh giặc.

Đó là mùa thu năm 1970. Khi ấy, đế quốc Mỹ đã đưa trên nửa triệu bộ binh vào miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh phá hoại nhằm đưa miền Bắc “trở về thời kỳ đồ đá” đã diễn ra được 5 năm. Thế nhưng, trên cả hai miền, đế quốc Mỹ gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân dân ta. Trong bài thơ "Công việc hôm nay" hồi ấy, tôi có một đoạn mở đầu như sự mở đầu khô khan của một tin thời sự: Cục Tác chiến báo sang tin cuối cùng/ Về số máy bay rơi từng ngày và tàu chiến cháy/ Nha Khí tượng báo tin cơn bão tan/ Bộ Nông nghiệp báo tình hình vụ cấy/ Trong những tờ trình Thủ tướng đọc trong đêm/ Còn có việc hoàn thành bộ thông sử đầu tiên.

Ấy là tôi tự hình dung ra, do yêu quý Thủ tướng, chứ người lính như tôi, không biết gì về guồng máy hoạt động của Chính phủ. Hồi ấy, giữa lúc bom đạn, có hai việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm tôi rất xúc động: một là bài viết của Thủ tướng về việc "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" và hai là thông qua "Thông sử" đầu tiên của nước ta. Giữa lúc no đói, sống chết cấp thời như thế mà Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn lo tính việc trăm năm cho toàn dân tộc thì thật đáng kính trọng. Những tin tức ấy bay vào chiến trường đã là nguồn động viên to lớn đối với các chiến sĩ đang giáp mặt với kẻ thù.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp các đại biểu dự Hội nghị các dân tộc thiểu số, ngày 13/12/1985.

Đồng chí Phạm Văn Đồng đặt tay lên vai tôi như người cha đặt tay lên vai con, lắc đầu nhiều lần vì sức khỏe của tôi, vừa mới qua cơn sốt rét xanh gầy. Đồng chí hỏi về người chỉ huy của tôi ở mặt trận khi tôi nói đến Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, đồng chí nhắm mắt gật đầu nhiều lần và bảo: “Đấy là một người tài giỏi, thật là tài giỏi”. Chỉ một lời khen ấy, tôi biết, ngày đêm, các đồng chí trong Bộ Chính trị theo sát các hoạt động của Bộ đội Trường Sơn, động mạch chính của miền Bắc với miền Nam khi ấy.

Quay sang phía nhà thơ Chế Lan Viên, đồng chí nói: Tôi không có thì giờ để đọc sách văn học. Tôi có nói với Trần Việt Phương (Thư ký riêng của Thủ tướng - PTD) là hãy để các quyển sách cần đọc xuống hầm trú ẩn, tôi sẽ đọc vào giờ báo động phòng không - Đồng chí cười to - Thế mà tuần qua, tôi cũng đọc được ba quyển đấy!

Trời ơi, tôi nghĩ, có thủ tướng nước nào đọc sách như thủ tướng nước mình hay không! Đọc sách lúc máy bay Mỹ đánh bom xuống đầu mình! Giặc Mỹ thua trận từ cử chỉ này. Cử chỉ ấy là văn hóa Việt Nam, tinh thần Việt Nam.

Cũng vẫn quay sang phía nhà thơ Chế Lan Viên, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi về một quyển tiểu thuyết nước ngoài, rằng quyển sách ấy đã dịch chưa và cho xuất bản chưa. Khi Chế Lan Viên giải thích rằng chưa tiện dịch vì lý do này, lý do kia thì đồng chí trầm ngâm, quay sang tôi hỏi: Ở chiến trường, đồng chí Phạm Tiến Duật có nghe tình ca không, tôi nói là nghe qua radio, thích nghe thích đọc những cái ở ngoài cuộc sống mình đang sống không?

Tôi báo cáo Thủ tướng về những gì người chiến sĩ khao khát. Bấy giờ đồng chí mới lại nói tiếp chuyện dịch sách. Đồng chí nói: Sách hay, bất kỳ của ai, bất kỳ của nước nào cũng phải dịch cho dân mình đọc. Nếu sách có chỗ nào xấu thì nhà xuất bản cần nói rõ trên lời nói đầu cho dân biết. Nhưng hay thì phải dịch. Ta là cơ thể khỏe không sợ vi trùng các đồng chí ạ!.--PageBreak--

Cho đến tận bây giờ, mấy câu “Ta là cơ thể khỏe không sợ vi trùng” của đồng chí Phạm Văn Đồng vẫn vang lên trong tôi. Tôi nghĩ, những kẻ chống đối Việt Nam, những kẻ luôn giơ chiêu bài “dân chủ” và “nhân quyền” để bôi nhọ chúng ta nên nghe lại câu nói ấy, ý nghĩ ấy của người lãnh đạo cao nhất của một chính phủ đang thời kháng chiến. Đúng như vậy, ngay trong những ngày tháng bom đạn Mỹ giội xuống Việt Nam, các tác giả văn học của Mỹ vẫn được dịch ra tiếng Việt. Khi ấy, có tác giả đã ngồi trên trực thăng của quân đội Mỹ thị sát chiến trường Việt Nam mà vẫn được Việt Nam dịch. “Ta là cơ thể khỏe không sợ vi trùng”.

Cùng với Bác Hồ muôn ngàn lần kính yêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh tụ kính mến của chúng ta, tôi nghĩ Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một người vĩ đại, một nhân cách lớn thật đáng trân trọng. Đó là một người mà khi bao quát việc lớn mà không quên việc nhỏ, một người thật kiên quyết với cái ác mà có tấm lòng bao dung rộng lớn và tấm lòng yêu thương luôn rộng mở. Một trong những tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân. Quay sang phía tôi, đồng chí bảo: Tiếng Việt của chúng ta thật kỳ diệu. Đồng chí thấy đấy, các cụ nói “dốt nát”  nghĩa là “dốt” đi liền với “nát”. “Dốt” thì sinh ra “nát”. Có nhiều việc ta làm còn “nát” vì ta còn “dốt”; muốn chống “nát” thì phải chống “dốt” cái đã.

Những câu nói ấy chưa được sử sách nào ghi thì với tư cách nhân chứng, tôi xin chép lại. Trong số người nghe chuyện, còn có chị Phan Thị Thanh Nhàn và anh Trần Việt Phương chứng thực. Thủ tướng nói thế là Thủ tướng rất nghiêm với bản thân mình và Chính phủ của mình. Đặt tay lên vai tôi, đồng chí bảo: Ngày mai Phạm Tiến Duật lại vào chiến trường. Hãy đi đi, một số việc ở ngoài này còn bê trễ, lúc đồng chí trở về sẽ khác, nhất định sẽ khác.

Bữa cơm mời của Thủ tướng hôm ấy là bữa cơm thường, chỉ có một đĩa thịt gà luộc, một đĩa rau muống, mấy quả cà và thêm một đĩa bánh cuốn nhưng cả đời tôi không quên được.

Sau lần gặp ấy, đồng chí Phạm Văn Đồng còn có thư cho tôi, trong đó có lời chúc chân thành mà tôi không quên được: “Chúc đồng chí có đời sống tạm được để có thơ và thơ hay”. Có đời sống “tạm được” khi ấy cũng phải chúc là sự chân thành quý giá.

Tháng 3/2006 này, bác Phạm Văn Đồng tròn 100 năm ngày sinh, tôi kể lại, ghi lại mấy câu nói của bác để nói lên lòng kính trọng và yêu mến sâu sắc của tôi và lớp lớp người dân của cả một thời kỳ lịch sử. Mấy chữ “Chính phủ anh hùng” là chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương. Bác Phạm Văn Đồng là vị Thủ tướng của Chính phủ anh hùng, đất nước anh hùng

.
.
.