Kỷ niệm ngủ rừng và pha lùi xe 2km tại ngã ba biên giới

Thứ Hai, 31/10/2016, 16:13

Cũng vào dịp này 11 năm về trước (tháng 11 – 2005), nhà báo Nguyễn Như Phong khi ấy là Phó Tổng biên tập Báo CAND phụ trách chuyên đề An ninh thế giới nói với tôi: "Năm nay sẽ vào Sín Thầu".

Ngắn ngọn như vậy thôi nhưng đó cũng là mệnh lệnh. Tôi hiểu năm nay Báo CAND sẽ đi thăm, tặng quà bà con nghèo ở Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) như thông lệ cuối năm lại cùng các mạnh thường quân mang hương xuân đến với người dân nghèo mọi miền đất nước.

Và vùng ngã ba biên giới Sín Thầu là một địa chỉ quen thuộc của công tác xã hội từ thiện của Báo CAND.

Cuối tháng 11-2005, đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo CAND lên đường. Trước đó vài hôm lại nhận tin "sét đánh" từ sếp: "Cháu lái xe luôn". Lại một mệnh lệnh mà đám phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới chúng tôi khi ấy ít khi hỏi lại.

Sau này khi lên xe rồi tôi mới biết vì chuyến đi dài ngày qua nhiều điểm trao quà từ thiện và Sín Thầu sẽ là điểm cuối cùng, lái xe đi cùng phải tìm chỗ ăn, chỗ nghỉ riêng, mất thời gian.

Năm ấy đoàn đi chỉ 4 người: Phó TBT Nguyễn Như Phong; Anh hùng Lao động, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn, người đã vượt rừng thiêng nước độc đến với vùng đất Mù Cả (huyện Mường Tè - tỉnh Lai Châu), đem con chữ đến cho các em học trò người Hà Nhì ở nơi xa xôi nhất vùng Tây Bắc; nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (khi đó là phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới) và tôi, phóng viên kiêm lái xe...

Đoàn công tác với gia đình ông Pờ Xì Tài ở Sín Thầu. Đỗ Doãn Hoàng (ngoài cùng bên trái), Vũ Mạnh Hà (giữa) và Trang Dũng (ngoài cùng bên phải).

Hành trình Hà Nội - Điện Biên tới các huyện để trao quà khá suôn sẻ với chiếc xe Zace của Báo CAND nhưng đến chặng cuối cùng đi Sín Thầu, nó trở thành một thử thách quá khả năng của một chiếc xe đa dụng được yêu thích thời bấy giờ.

Đi theo đoàn từ Điện Biên vào là chiếc xe Uaz được Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên "cấp riêng" cùng 1 lái xe tên là Cảnh.

Trên xe còn có anh Vũ Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh (hiện Thượng tá Vũ Mạnh Hà đang là Trưởng ban Báo Điện tử CAND); Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé, Trung tá Thào A Vừ và Trung sĩ Vàng Văn Hoan (người Mông) Công an huyện phụ trách xã Sín Thầu.

Hành trình dự kiến từ Điện Biên đi Mường Nhé, chạy tiếp qua bản Đoàn Kết, xã Chung Chải rồi tới đồn biên phòng Leng Su Sìn. Tại đây chúng tôi sẽ ngủ qua đêm, gửi xe lại và cuốc bộ tới bản Tả Kho Khừ, xã Sín Thầu.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong các chuyến vượt rừng nên Phó TBT Nguyễn Như Phong yêu cầu chúng tôi vào chợ Điện Biên Phủ mua thêm lương thực dự trữ, dây chão và cả thuốc, bông băng sơ cứu...

Từ Mường Nhé tới bản Đoàn Kết, chiếc Uaz đi trước mở đường, chiếc xe Zace vẫn còn bò được mặc dù phải vài lần kéo và đẩy. Khi qua con suối Nậm Ma gần 2km, cung đường đất nhão nhoét bên vực, bên núi sau cơn mưa chỉ lọt vừa một chiếc xe khiến nhiều người sợ hãi.

Chiếc xe Zace luôn cần đến sự trợ giúp của người dân.

Bất ngờ chiếc Zace lọt phải hố sâu. Lúc đấy vào tầm chiều muộn, chiếc Uaz không thể kéo nổi chiếc Zace lên được như mọi lần. Mọi cách giải cứu đều thất bại...

Trời tối hẳn, trước mặt chỉ còn 8 con người đang bất lực với chiếc xe cứ nằm chình ình không chịu nhúc nhích sau những màn tăng ga gầm rú. Phương án cuối cùng được đưa ra: "Các cụ đi trước". Phó TBT Như Phong, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé Thào A Vừ lên chiếc xe Uaz để vào đồn biên phòng Len Su Sìn nghỉ trước.

Số thanh niên trẻ khỏe gồm Mạnh Hà, Doãn Hoàng, Hoan, lái xe Cảnh và tôi sẽ tính kế lên sau. Nói thật chứ lúc đó chả còn kế gì mà tính nữa. Chiếc xe là cả một đống tiền của cơ quan làm sao bỏ lại giữa rừng được. Thôi đến đâu hay đến đó.

Nhìn chiếc xe ngập sâu trong hố mà ngán ngẩm. Sau một ngày vật lộn với bùn đất, mấy anh em bắt đầu thấy đói. Giờ này cái túi lương thực sau xe mới phát huy tác dụng. Lúc đó tôi mới thấm cái cách phòng xa sau mỗi lần đi công tác cùng Phó TBT Như Phong.

Lúc lên xe ông còn tủm tỉm bảo: "Quân tử phòng thân". Tôi thì chẳng tin, đường xá ngon thế này thì lo gì? Trong đầu tôi lúc đó chỉ lo cái đoạn đi bộ nửa ngày đường.

Nhà báo Nguyễn Như Phong gặp lại ông Pờ Xì Tài sau hơn 30 năm ở Sín Thầu.

Đang lơ mơ nghĩ về đồ ăn, thấy dưới gấu quần gần giầy buồn buồn, tôi quờ tay và cảm giác có cái gì đó đang bám vào chân. Tôi la lên. Hoan nói: "Vắt rồi". Dưới anh đèn pha ôtô, Hoan nhanh nhẹn lấy cành cây khô bắt tôi đưa chân lên rồi gạt mấy con vắt đang căng phồng bê bét máu rơi ra. Trong đêm tối, Hoan thoăn thoắt leo lên sườn núi vơ cành cây khô làm thành một đống lớn châm lửa đốt rồi kêu mọi người đứng sát vào.

Mấy anh em nhìn nhau: "Đúng là Công an cắm bản có khác, nhanh thế". Đêm tối, sương xuống, rừng ẩm ướt là lúc vắt hoạt động rất mạnh, thấy hơi người là chúng liền búng mình lao đến, nhưng nếu đứng gần lửa thì chúng tôi được an toàn. Tối đấy, lần đầu tiên tôi có một bữa ăn giữa đại ngàn, xung quanh đêm tối lặng như tờ, chỉ có mấy anh em cười nói rôm rả.

Ăn xong một lúc, Mạnh Hà, Doãn Hoàng cùng lái xe Cảnh rủ nhau đi ngược con suối Nậm Ma xin ngủ nhờ của lán công nhân làm đường, nhân thể tìm người cứu chiếc xe.

Được một lúc Hoan cũng leo lên một vách đá cách đó vài chục mét rúc vào ngủ nơi mà lúc đi tìm củi Hoan vô tình phát hiện. Chỉ còn mình tôi giữa cánh rừng lạnh lẽo, sương xuống ướt hết áo. Tôi trèo lên xe kéo cửa kính chỉ để hở mỗi bên vài cm rồi ngả lưng trên ghế lái.

Một cảm giác rất khó tả trong đêm đầu tiên ở giữa rừng. Xung quanh một màu đen kịt, không tiếng động. Có chút sợ hãi khi nghĩ về những thứ gọi là rừng thiêng nước độc nhưng tôi lại cảm thấy thích thú vô cùng. Do mệt nên tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Trời mờ sáng, sương mờ phủ kín khiến xung quanh tôi chỉ còn một màu trắng đục. Tiếng người ý ới, một chiếc xe Uaz đang ở phía sau xe tôi. Họ lên đồn biên phòng Len Su Sìn nhưng bị xe của tôi chắn ngang đường. Mọi người xuống xe và nhìn vào chiếc xe Zace ngập bùn đất tỏ vẻ ái ngại rồi tìm cách giải quyết.

Dây thừng lần này được buộc vào đuôi chiếc xe Zace và được chiếc Uaz kéo giật ngược trở lại. Đường đất nhão nhoét không thể cản nổi chiếc xe off road số 1 của Nga. Ít phút sau chiếc xe của Báo CAND được đưa lên khỏi hố và nép vào sát vách núi để chiếc Uaz vượt qua.

Và lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh khe hở sát mép vực được chiếc Uaz lách qua vượt lên trước. Đường nhỏ, chiếc Zace không thể quay đầu nên chấp nhận "cài số lùi" ngược lại bờ suối Nậm Ma, cách đó gần 2km. Tôi trèo lên lái đầu tiên, mấy anh em ở dưới xi nhan đường. Đường ngoằn ngoèo nhầy nhụa, chiếc xe lắc qua lắc lại đến rợn người. Một bên vách núi, một bên là vực khiến tim đập thình thịch, một cú xảy chân thì coi như “tạch”.

Cung đường bên núi bên vực khiến chiếc xe của Báo CAND phải đi lùi 2km

Chỉ vài chục mét, tôi nhảy xuống và nhường tay lái cho Cảnh. Nói thật đường này chiều qua đi tiến còn kinh giờ lại đi lùi. Nhưng chẳng còn cách nào khác, sẽ phải lùi như thế này tới tận con suối Nậm Ma.

Cảnh cũng vậy, khá hơn tôi được một lúc thì hắn cũng phải dừng lại xuống định thần để đổi lái. Mấy anh em còn lại thì xi nhan loạn xạ theo kiểu lơ xe bất đắc dĩ. Rồi cuối cùng lần mò mãi cũng về đến con suối Nậm Ma nơi chiếc xe có thể quay đầu.

Anh em thở phào nhẹ nhõm hò reo như mấy đứa trẻ. Cả nhóm đưa xe ra gửi tại một trạm gác biên phòng gần đó rồi chờ chiếc xe từ đồn biên phòng Len Su Sìn quay trở lại đón.

Khoảng 10h sáng hôm đó, chúng tôi đã có mặt ở đồn biên phòng Len Su Sìn hội ngộ cùng đoàn rồi tiếp tục hành trình nửa ngày đường đi bộ vào bản Tả Kho Khừ.

Dây buộc để kéo 2 xe liên tục bị đứt.

Chuyến đi đó như tiền trạm, chẳng mang được quà cáp gì nhiều nhưng nó là tiền đề để sau này Báo CAND xây dựng được khu nhà ở khang trang cho giáo viên và học sinh Trường THPT Sín Thầu.

Sau chuyến công tác vào ngã ba biên giới, nhà báo Nguyễn Như Phong có loạt bài 2 kỳ trên Chuyên đề An ninh thế giới nói lên những bất cập khi xã Sín Thầu là ngã 3 biên giới nơi có hơn 36km đường biên với Trung Quốc và Lào nhưng không được coi là xã biên giới.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế tại đây không được hưởng chế độ trợ cấp 100% chỉ vì cách tính xa rời thực tế của một số cán bộ chính sách cho rằng, xã không có đồn biên phòng đóng thì không phải là xã biên giới.

Đoàn công tác nghỉ ăn giữa rừng trong đoạn đi bộ từ Đồn biên phòng Len Su Sìn vào bản Tả Kho Khừ. Từ trái qua: Trang Dũng, Đỗ Doãn Hoàng, Vũ Mạnh Hạ, Nhà giáo Nguyễn Văn Bôn và Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé Thào A Vừ. (Ảnh: Như Phong)

Ông cũng là người trực tiếp viết thư cho Thủ tướng phản ánh về bất cập này. Sau đó ít tháng, vụ việc đã được đưa lên nhiều cấp để giải quyết, xã Sín Thầu được công nhận là xã biên giới, cán bộ, người dân được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định...

Đời làm báo đi nhiều với bao kỷ niệm, nhưng chuyến vượt rừng vào ngã ba biên giới với lần ngủ đêm giữa rừng già là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, mặc dù phải đối mặt với bao vất vả, khó khăn nhưng tình đồng chí, đồng đội, lòng dân biên giới giúp đỡ, đùm bọc khiến chúng tôi vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Trang Dũng
.
.
.