Kỳ cuối: Để kinh tế nông lâm ở Tây Nguyên phát triển bền vững
Những lợi thế đất rừng, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp trồng cây công nghiệp ở vùng Tây Nguyên sẽ giúp người dân đổi đời nhanh hơn... Nhưng tại sao đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên phần lớn vẫn còn nghèo?
Trong xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhiều người đồng quan điểm với chúng tôi khi thực hiện bài tính nhẩm, nếu cứ giao cho DN 1 ha đất rừng thì giao cho DN đó trách nhiệm phải giải quyết công ăn việc làm ít nhất cho một nhân khẩu người dân tộc thiểu số tại chỗ; vậy giao hàng trăm ngàn ha đất rừng ở Tây Nguyên thì sẽ giảm nghèo cho dân tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng, chuyện nghĩ tưởng chừng như rất dễ ấy đến giờ chưa thực hiện được, trong khi rừng thì bị mất từng ngày, lãng phí khá nhiều...
Thực ra, chuyện ký cấp đất cho DN theo quy định pháp luật không khó nhưng cái khó là làm sao cấp cho trúng DN thực sự có năng lực, làm dự án vì mục đích chung cho lợi nhuận của DN gắn liền với việc xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân địa phương là điều không dễ. Tôi nhớ thời cao su lên giá, hàng trăm DN khắp nơi đổ lên Tây Nguyên tìm cách xin dự án.
Lẽ tất yếu là phải đảm bảo “điều kiện, thủ tục...” mới có thể được cấp dự án. Nhưng làm dự án theo kiểu phong trào, thức thời nên khi giá cao su xuống, nhiều người đã tìm cách bán theo kiểu “liên kết đầu tư” hoặc bỏ hoang để mất rừng, dân chiếm... và xảy ra tranh chấp thì đau đớn lắm.
Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên phát rừng làm rẫy nhưng thu nhập đem lại không đáng kể. |
Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, ông Lưu Trung Nghĩa chia sẻ: “Nếu DN có vốn, đầu tư dự án bền vững, tuyển lao động tại chỗ vào làm như cam kết ban đầu thì chính quyền địa phương sướng lắm. Bởi giúp giải quyết công ăn việc làm, xóa nghèo cho các hộ dân đồng bào tại chỗ thì làm sao chính quyền không mừng được!”.
Ngẫm lại có hàng chục DN được giao đất rừng ở địa bàn nhưng bây giờ có tuyển người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân lâu dài đâu. Họ thuê, khoán theo thời vụ rồi quên nghĩa vụ của mình là phải giải quyết công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Nhiều năm gắn bó với Tây Nguyên, được tháp tùng các chuyến công tác của lãnh đạo Bộ Công an đến các tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi đều nghe lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị địa phương phải tham mưu cho chính quyền địa phương tập trung làm tốt công tác đảm bảo an ninh nông thôn, giải quyết mọi vấn đề kịp thời ở cơ sở, không để tạo điểm “nóng” phức tạp từ các việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện...
Lãnh đạo lực lượng Công an lưu ý các địa phương những nảy sinh dễ xuất phát trong quá trình triển khai các dự án kinh tế liên quan đến đất rừng ở vùng Tây Nguyên. Nếu ở đâu không làm tốt công tác dân vận, công tác phòng ngừa, không thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của pháp luật về quản lý đất đai, đầu tư dự án thì ở đó sẽ dẫn đến những mâu thuẫn phát sinh như một tất yếu...
Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong các giải pháp quản lý bảo vệ rừng được thực hiện trong thời gian sắp tới, ngoài việc thu hồi, xử lý nghiêm các dự án nông lâm nghiệp có nhiều sai phạm, tỉnh cũng ưu tiên quan tâm đến việc ổn định dân cư.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung rà soát, kiểm tra chặt chẽ dân cư hiện có trên địa bàn, ưu tiên thực hiện việc ổn định số dân cư đang sống trong rừng, gần rừng và các khu vực trọng yếu về phá rừng, vùng biên giới.
Tập trung thực hiện việc ổn định dân cư khu vực xã Quảng Trực, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 205.TB-VPCP ngày 29-7-2016 của Văn phòng Chính phủ...
Theo ông Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa người dân với các DN lâm nghiệp là do người dân thiếu đất sản xuất, người dân có nhu cầu nhận đất nhằm giảm nghèo, cải thiện sinh kế hộ, hoặc bảo vệ rừng đầu nguồn, nhằm duy trì nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ phải có chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người dân xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên bền vững...
Một thực tế ở Tây Nguyên, có những gia đình chỉ làm vài sào đất trồng tiêu nhưng trở thành tỷ phú, lại có những người nhiều rẫy đất nhưng vẫn cứ nghèo... Thực tế này cho thấy rằng, phương cách sản xuất nông nghiệp trong thời đại khoa học công nghệ cao như hiện nay cần phải chú ý áp dụng. Tuy nhiên, nhiều người dân Tây Nguyên không có điều kiện để áp dụng, phải có quá trình đào tạo cho nông dân; DN phải thực sự kết hợp với chính quyền và người dân để phát triển kinh tế một cách đúng hướng.
Nếu cứ giao đất, giao rừng cho DN mà người dân tại chỗ còn đứng ngoài rìa thì hãy dừng dự án lại, bởi ở đâu muốn có sự phát triển xã hội bền vững thì quá trình phát triển kinh tế ở đó không thể tách rời chuyện nâng cao đời sống cho nhân dân. Riêng đối với Tây Nguyên, càng không thể tách rời sự phát triển kinh tế với việc nâng cao đời sống cho nhân dân, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng.
Nhiều lần về cơ sở với dân làng, chúng tôi nghe bà con phản ánh, đất rừng giao hết cho DN mà đời sống người dân không được cải thiện là một việc làm nguy hiểm. Muốn phát triển kinh tế-xã hội một cách đúng đắn, bền vững thì không nên để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm, tiêu cực trong quá trình giao dự án cho doanh nghiệp... |