Hoàng Sa – Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió

Kỳ cuối: Chủ quyền thiêng liêng nhìn từ những chứng cứ lịch sử

Chủ Nhật, 06/07/2014, 11:03
Sự thật, Hoàng Sa là lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam. Và sự thật, dẫu có những khó khăn, gian nguy ở phía trước, dẫu có phải hy sinh mất mát, song dân tộc Việt Nam sẽ vẫn luôn kiên định ý chí quyết tâm đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc – Hoàng Sa.
>> Kỳ 3: “Có các anh, chúng tôi thêm vững tin bám biển!”

Thực tế cho thấy, song song với hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như sử dụng các tàu hộ tống làm công cụ để truy cản, quấy nhiễu, thậm chí còn gây thiệt hại về vật chất và người cho các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển, ngư dân Việt Nam, Trung Quốc luôn đưa ra cái gọi là: “Hoàng Sa (Việt Nam) thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Thật nực cười, bởi chủ quyền về vùng biển, quần đảo Hoàng Sa sự thực là của Việt Nam từ muôn đời nay. Theo PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người có thâm niên trong lĩnh vực nghiên cứu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì chứng cứ lịch sử - tư liệu Hán Nôm đã thể hiện rõ lập trường của nhà nước phong kiến Việt Nam trong việc xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông. Các lập trường này đều được sao chép rõ trong các nguồn tư liệu Hán Nôm.

Qua các nguồn thư tịch cổ Hán Nôm cho thấy, từ xa xưa, hằng năm, nhà nước đều phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu triều đình. Đây là một trong những chứng cứ lịch sử quan trọng để khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng và các quần đảo, vùng biển khác ở biển Đông nói chung. PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh dẫn chứng, trong bộ “Đại Nam thực lục” - bộ ván khắc đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới năm 2009 do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có ghi rõ: “… Năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815),… sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa thăm dò đo đạc thủy trình”. Năm Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long lại tiếp tục phái đội Hoàng Sa đi thăm dò đường biển đi ra quần đảo Hoàng Sa...”. Thực tế này cho thấy, vua Gia Long khi thiết lập vương triều Nguyễn, đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn là phái người đi thăm dò đường biển ra đảo Hoàng Sa, tiếp tục đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ để khẳng định chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với quần đảo này.

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn bình tĩnh, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Bên cạnh đó, cũng theo các nhà nghiên cứu Hán Nôm, ở thời vua Minh Mệnh, việc thăm dò và khảo sát đo đạc quần đảo Hoàng Sa được nhà nước tiến hành thường xuyên hơn, có quy mô rộng lớn hơn và cụ thể hơn. Sách “Đại Nam thực lục” chép rằng: “Tháng 3, mùa xuân năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 15 (1834)… sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi vẽ bản đồ”. Đáng chú ý, với những quan tâm của vua Minh Mệnh và sự cố gắng của các quan viên, nên vào năm 1838, vua Minh Mệnh đã có bản vẽ tường tận hơn về quần đảo Hoàng Sa. Chưa hết, song song với những tư liệu lịch sử ghi lại các đợt đi khảo sát, đo vẽ và cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam thời Nguyễn, hiện trong kho thư tịch Hán Nôm còn có các tài liệu liên quan đến việc nhà nước ban hành ghi chép khá kỹ càng về vấn đề này. Điển hình phải kể đến các tài liệu “Châu bản” v.v..

Cũng theo PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, một trong những chứng cứ lịch sử khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nữa không thể không nhắc đến đó chính là việc, trong các tài liệu Hán Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu cũng đã có những nội dung ghi chép khá đầy đủ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa cũng như Trường Sa và các vùng biển ở biển Đông khác. Như, các sách “Khải đồng thuyết ước” khắc in năm Tự Đức Tân Tỵ (1881) – là cuốn sách dạy về các kiến thức văn hóa, lịch sử, xã hội, địa lý… Trong sách có bản đồ thể hiện rõ Hoàng Sa thuộc về chủ quyền của Việt Nam; sách “Tu thân luân lý khoa”, có dẫn các gương tốt trong lịch sử Việt Nam và đặc biệt trong nội dung nói về địa dư tỉnh Quảng Ngãi đã đề cập rõ việc Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam…

Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, trả lời trên báo giới, TS Nguyễn Hùng Sơn – Phó Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao) cũng khẳng định, chứng cứ lịch sử đã cho thấy, ít nhất từ thế kỷ XVII, nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền và có các hoạt động khẳng định chủ quyền nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, nhà Nguyễn đã thành lập Hải đội Hoàng Sa để khai thác kinh tế đối với hai quần đảo này và thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác trong suốt mấy thế kỷ kể từ thời điểm đó mà không bị một nước nào phản đối, kể cả Trung Quốc. “Với một thời gian dài như vậy, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để khẳng định rằng chủ quyền của Việt Nam từ thời phong kiến đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác lập…”, TS Nguyễn Hùng Sơn cho biết thêm. Do vậy, lập luận của Trung Quốc cho rằng, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

Từ những chứng cứ lịch sử ở trên, rõ ràng, ngay từ thuở trước, nhà nước phong kiến Việt Nam đã có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông. Và đã từ lâu, người dân Việt Nam chúng ta cũng đã cư trú, sinh hoạt và khai thác tài nguyên thiên nhiên trên các vùng biển, quần đảo này. Những hoạt động này đã trở thành đối tượng được ghi chép lại trong các nguồn thư tịch Hán Nôm cổ, trở thành chứng cứ lịch sử khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân Đinh Xuân Lãng - tàu QNg - 91512 TS: “Hoàng Sa mãi là quê hương của chúng tôi

Dù tàu hộ tống, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc có hung hăng, có uy hiếp, quấy nhiễu, chủ động đâm va đến đâu đi chăng nữa, thì chúng tôi vẫn quyết bám trụ nơi ngư trường truyền thống mà ông cha xưa đã để lại cho chúng tôi. Sẽ không có hành động, âm mưu nào có thể làm lung lạc ý chí quyết tâm bám biển, đánh bắt thủy hải sản của chúng tôi cả. Hoàng Sa mãi là quê hương, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc chúng tôi!

Trần Huy
.
.
.