Kỷ niệm 50 năm con đường Trường Sơn huyền thoại:

Kỳ 3: Nơi chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn vào Nam

Thứ Hai, 20/04/2009, 16:22
Một ngày tháng tư lịch sử, nhân dịp cả nước tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm con đường Trường Sơn huyền thoại, chúng tôi có dịp theo các già Hồ Thanh, Hồ So ở bản Khe Hó, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đến vùng đất là điểm đầu của đường mòn Trường Sơn bí mật ở Tây Nam Vĩnh Linh, nơi một thời ngút ngàn lửa đạn và cũng lẫy lừng những chiến công.

>>Kỳ 2: Hoài niệm về chiến trường xưa

Khe Hó cách trụ sở UBND xã Vĩnh Hà chừng 12 cây số, nhưng mất ngót 4 giờ đi bộ, vật lộn với con đường đất, chỗ lầy lội, chỗ dày những rãnh sâu do bánh xe Uran chở gỗ rừng gây ra.

Già làng Hồ Thanh chọn chặt thân cây to bằng ngón chân cái, dài và thẳng, mang theo đoàn. Ông vừa đi vừa hát "Chiếc gậy Trường Sơn". Tiếng hát của ông vang vọng giữa núi rừng, rạo rực hào khí của một thời xẻ dọc Trường Sơn đánh Mỹ. Dẫn đường chúng tôi còn có già Hồ So (nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà sau giải phóng), Bí thư Chi bộ thôn Khe Hó hiện nay. Ông So bảo, do không hẹn nên ông không kịp gắn huân, huy chương vào ngực áo như của Hồ Thanh. Với già làng Hồ Thanh, dường như hôm đó vui nhất trong đời, bởi đó là lần đầu tiên chiếc áo mới màu sữa có gắn những huân, huy chương kháng chiến của ông được nhiều người nhìn ngắm!

Nơi đây xuất phát chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn vào Nam.

Điểm đầu đường mòn Trường Sơn bí mật ở Tây Nam Vĩnh Linh nằm cách Khe Hó (một lạch nước sâu, nhỏ dưới chân dãy núi Động Nóc - Vĩnh Hà) và bản Khe Hó cũ (hướng UBND xã Vĩnh Hà - Khe Hó) chừng 1 và 1,5 cây số dọc theo đường rừng Vĩnh Hà hiện nay.

Năm 1959, trước khi mở đường mòn Trường Sơn bí mật, các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong đã ăn ở, gắn bó mật thiết với dân bản Khe Hó, hướng dẫn bà con tham gia công việc đặc biệt này. Ban ngày, bà con lên nương rẫy, ban đêm cùng với bộ đội, thanh niên xung phong đào các loại hầm trú ẩn bom đạn, chiến đấu với máy bay địch và mở đường mòn bí mật.

Già làng Hồ Thanh nhớ lại: "Cả bản Khe Hó ngày ấy đông chừng 40 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ đặc biệt. Thanh niên thì đào hầm, mở đường, người già thì nấu ăn, trẻ con làm liên lạc...".

Bản Khe Hó cũ bây giờ là rừng tràm xanh bạt ngàn. Trong trí nhớ của già làng Hồ Thanh, những năm tháng bộ đội, thanh niên xung phong chọn bản làng làm căn cứ phục vụ việc mở đường mòn Trường Sơn bí mật chứa đựng những kỷ niệm không thể nào quên. Mỗi lần kể, bao giờ cũng thế, tay già chỉ ra phía góc rừng tràm, ở đó còn sót lại duy nhất gốc cây mít cổ thụ gồ ghề dày những vết sẹo.

"Lúc vắng máy bay Mỹ, bộ đội, thanh niên xung phong mắc võng ở đó nghỉ ngơi. Nhưng rồi loạt bom B52 đã bất ngờ cắt ngang 4 nhánh cây lớn, làm 5 người hy sinh, trong đó có 2 nữ thanh niên xung phong. Từ đó về sau, già không thấy cây mít ra hoa, kết trái nữa; nó già đi rất nhanh. Nhưng nó không chết cho dù hứng chịu thêm bao bom đạn bắn chằng chịt vào thân cây... - già làng Hồ Thanh, đôi bàn tay chai sần, sạm nắng gió vuốt ve thân mít, tưởng nhớ về một thời quá vãng - Mảnh ca nông cắt ngọt hơn cây rựa bản, vết sẹo hình dài; đạn cối, rocket xoáy sâu, vết sẹo hình cổ chai. Trên gốc mít, già đã đếm được hơn 100 vết sẹo kiểu thế này; còn như ở đây, mủ cây ứa ra như giọt nước mắt, bao năm qua đã khô thành vết sẹo".

Già làng Hồ Thanh trên đường trở vào thăm vùng đất Khe Hó xưa.

Từ điểm đầu đường mòn Trường Sơn bí mật sát với bản Khe Hó cũ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng tá Võ Bẩm, Đoàn trưởng Đoàn 559 ngày đó, con đường được phát triển theo hướng Tây Nam, vượt sông Bến Hải, qua đỉnh Voi Mẹp, xã Hướng Hiệp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Rồi từ Voi Mẹp, đoàn tiếp tục mở lối mòn sang Rào Quán, vượt đường 9 (Hướng Hóa), đến Pa Lin (Tây Nam Thừa Thiên - Huế)... Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên của Đoàn 301 và Đoàn 559, xuất phát từ điểm đầu Khe Hó, đã chính thức vượt Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn, sau 8 ngày đêm vào đến Tà Riệp - Bắc A Lưới an toàn, chi viện cho chiến trường miền Nam...

"Bao năm sau kết thúc chiến tranh, vùng đất Khe Hó vẫn còn sặc sụa khói bom, đạn; làng mạc chòng chềnh trên những miệng hố bom; người dân quăng quật cuốc cày giữa rừng thiêng nước độc. Cuộc sống luôn đối diện với đói nghèo và hậu quả nặng nề của chiến tranh. Nhưng rồi bằng nghị lực, sự sáng tạo của đồng bào Vân Kiều ở Khe Hó, đặc biệt là hai ông Hồ So, Hồ Thanh, cuộc sống đã dần thay đổi. Hai ông đã mạnh dạn chọn vùng đất mới, thuận lợi về giao thông để định cư cho dân, nay là bản Khe Hó mới, cách trụ sở UBND xã Vĩnh Hà chừng 100m. Điều đáng trân trọng, trước lúc di dân, 2 ông động viên, chỉ huy dân bản tìm kiếm, cất bốc hài cốt của bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh trong cuộc mở đường mòn Trường Sơn bí mật ở vùng Khe Hó và gần đó đem về nghĩa trang liệt sĩ yên nghỉ", ông Nguyễn Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà phấn khởi cho biết.

Bản Khe Hó hiện có 39 hộ dân với gần 300 nhân khẩu. Từ 10 năm trở lại đây, không ít gia đình đã vươn lên làm giàu. Bên bếp lửa nhà sàn, già Hồ Táo (87 tuổi), chậm rãi kể: "Năm 1989, bố được Nhà nước hỗ trợ tiền mua một con bò giống, nhờ chăm sóc tốt, nay bố có đàn bò đông 20 con. Đó là chưa kể số bò bố bán đi để nuôi con và cháu ăn học hàng năm. Cùng với đàn bò, gia đình bố làm nhiều hécta ruộng, với tổng thu nhập hàng năm vài chục triệu đồng... - khơi lửa hồng, già Táo vui vẻ kể tiếp: "Như bố và nhiều gia đình ở đây có thu nhập tương tự chưa phải là giàu, ở bản Khe Hó cũ, có một nông dân đang chủ sở hữu một đàn bò đông hàng trăm con và hàng chục hécta rừng keo lai đang cho khai thác. Người này rất tích cực tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ quanh đó".   

Mẹ Giã Vồn (97 tuổi), hàng xóm của ông Táo, xúc động nói: "Bao nhiêu người chiến đấu, gìn giữ từng tấc đất cho quê hương; họ hy sinh không nhìn thấy quê hương thanh bình như hôm nay, nhưng trong tâm khảm của già, không ai mất đi, dù vĩnh viễn hóa thân vào đất đai, cây cỏ của núi rừng Trường Sơn". Cũng như mẹ Giã Vồn, đồng bào Vân Kiều ở bản Khe Hó, không ai không biết tới sự tàn khốc của bom đạn giặc Mỹ, cho dù qua lời kể của già làng, hay thế hệ này truyền lại thế hệ sau, song với bà con, cuộc sống bao giờ cũng hướng về phía trước...

Rời Khe Hó một thuở anh hùng, tôi mang theo tâm sự của già Hồ So: "Hơn 30 năm qua, Khe Hó vẫn chưa có lấy một tấm bia di tích, cho dù chỉ là biển báo. Điều này khiến không chỉ người dân địa phương, mà những ai từng tham gia chiến đấu ở nơi này đều rất trăn trở".

                               (Còn nữa)

Già làng Hồ Thanh (65 tuổi), bản Khe Hó, xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh, Quảng Trị) tỏ vẻ thất vọng khi được hỏi tìm bằng chứng của sự tồn tại điểm đầu tiên đường mòn Trường Sơn bí mật ở vùng Tây Nam Vĩnh Linh. "Chỗ đất này cùng sự hy sinh của bao bộ đội, thanh niên xung phong, bà con dân bản không bao giờ mất đi", già làng Hồ Thanh chỉ tay chỗ vệt mòn cũ như sợi chỉ màu xám chạy len lỏi dưới tán cây rừng, nói với vẻ rất giận...

Đường mòn Trường Sơn bí mật, trở thành con đường huyền thoại của lịch sử dân tộc, không chỉ bởi chiều dài của nó vượt đại ngàn miền Trung, mà nghị lực lao động, tinh thần chiến đấu, hy sinh của hàng chục vạn con người mở đường máu, đã trở thành biểu tượng sâu sắc của lòng yêu nước.

Huyền thoại nối tiếp huyền thoại, bao năm qua, không ít con người từng sống chết với Trường Sơn, vẫn cái chất lính Cụ Hồ, tiên phong, phát triển nên những bản làng trú phú dọc đường Trường Sơn; số khác dành trọn cuộc đời, sẽ chia, cưu mang, đùm bọc những phận người không may mắn. Bốn chữ "Dọc dài Trường Sơn" đã mãi mãi gắn bó với họ, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hướng tới kỷ niệm 50 năm con đường Trường Sơn huyền thoại, Báo CAND đăng loạt phóng sự về những câu chuyện cảm động này.

Phan Thanh Bình
.
.
.