Quy hoạch khai thác titan ở Bình Thuận: Cần chính sách hợp lý để giữ cho mai sau

Khai thác titan ở Bình Thuận: Sai phạm bắt nguồn từ buông lỏng quản lý

Thứ Tư, 16/08/2017, 10:08
Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là việc quan trọng hàng đầu khi tiến hành khai thác titan nói riêng và các loại khoáng sản nói chung. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác titan ở Bình Thuận xây dựng ĐTM giống như làm cho có để hợp thức hóa việc cấp phép, còn sau đó thì vi phạm tràn lan.


Trong khi đó, vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng mờ nhạt. Còn người dân, vốn là đối tượng chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của tác động môi trường thì gần như ở ngoài cuộc.

Đọc qua nhiều báo cáo về tình hình khai thác, quản lý titan trên địa bàn tỉnh này, chúng tôi không tìm đâu ra số liệu có bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng nằm trong khu vực quy hoạch khai thác titan.  

Khi các mỏ khai thác titan ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng, tháng 9-2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lập đoàn tiến hành thanh tra tại mỏ khai khác của Công ty TNHH Phú Hiệp.

Hiện trạng khai thác titan trong mỏ.

Đây là DN được Bộ TN&MT cấp phép vào năm 2010 với tổng diện tích khai thác là 807ha tại khu vực Long Sơn-Suối Nước (phường Mũi Né, TP Phan Thiết), công suất khai thác 213 ngàn tấn/năm, thời hạn khai thác 12 năm.

Tại thời điểm kiểm tra, DN chưa có giấy phép hành nghề, chưa nộp báo cáo ĐTM  định kỳ 6 tháng đầu năm 2014. DN xây dựng xưởng tuyển tinh quặng sa khoáng trên khuôn viên 2ha tuy nhiên không có hồ sơ về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nước sử dụng khai thác quặng lấy từ nước ngầm nhưng công ty chưa có giấy phép khai thác nước dưới đất.

Vế chất thải nguy hại (CTNH), DN có xây dựng khu lưu trữ nhưng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định: Chưa có rãnh thu gom và xử lý nước chảy tràn; chưa có thiết bị phòng chống sự cố do CTNH gây ra; để CTNH vương vãi ra môi trường đất và nước…

Đặc biệt, về công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản có chứa tính phóng xạ, DN không có biển báo, không có kho lưu chứa titan và các thiết bị phóng xạ; không có hệ thống xử lý nước thải quặng; không có lớp lót đáy nhằm thu gom và xử lý nước tại các bãi quặng, bãi chứa quặng, kho chứa titan…

Không chỉ có vậy, theo quyết định của Bộ TN&MT, công ty phải ký quỹ 12,5 tỷ đồng để cải tạo phục hồi môi trường nhưng công ty này chỉ mới nộp số tiền gần 3,5 tỷ đồng, chưa nộp ký quỹ năm 2014; chưa kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; chưa có hồ sơ, chứng từ về việc kê thai nộp phí khai thác khoáng sản… Sau khi kiểm tra, DN hứa sẽ khắc phục tồn tại để tiếp tục sản xuất nhưng đến nay, lời hứa ấy đã được thực hiện ra sao thì người dân không được biết…

Tương tự, Công ty TNHH Đức Cảnh được cấp phép khai diện tích 64,5ha tại khu vực Thiện Ái 2, xã Hòa thắng, huyện Bắc Bình; trữ lượng khai thác 44.617 tấn, thời gian khai thác là 14,5 năm.

Tháng 8-2013, Sở TN&MT Bình Thuận đã cấp giấy xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án khai thác.

Thế nhưng sau khi khai thác được khoảng 11ha, công ty vi phạm về thiết kế khai thác, không thực hiện đúng nội dung báo cáo ĐTM. Ngày 20-9-2016, UBND tỉnh có yêu cầu DN dừng khai thác để khắc phục các tồn tại, nếu đủ điều kiện mới cho phép hoạt động khai thác trở lại.

Với những sai phạm như vậy, đáng lẽ ra cơ quan chức năng phải xử lý dứt điểm đối với DN này. Nhưng ngược lại, ngày 2-2-2017, Bộ TN&MT có văn bản đồng ý cho DN này điều chỉnh hướng khai thác và mở moong mới tại khu vực Thiện Ái 2.

Đến ngày 29-3-2017, UBND tỉnh đồng ý cho DN này tiếp tục hoạt động khai thác mỏ với yêu cầu không được thay đổi diện tích, độ sâu khu vực khai thác, công suất theo giấy phép đã cấp.

 Hai văn bản này lập tức bị sự phản ứng của dư luận cũng như nhà chuyên môn. Bởi lẽ, giấy phép cấp cho Công ty Đức Cảnh vào năm 2011 có trữ lượng khai thác là 44,617 tấn; công suất khai thác: 3.186,93 tấn/năm; thời hạn giấy phép khai thác là 14,5 năm, kể từ ngày ký giấy phép.

Nhưng đến ngày 12-5-2016, tại Quyết định số 1019/QĐ -HĐTLQG của Hội đồng trữ lượng quốc gia thì trữ lượng mới được phê duyệt là 219.800 tấn, tức gấp 5 lần so với ban đầu. Theo quy định của Chính phủ, việc thay đổi trữ lượng lớn như vậy bắt buộc phải điều chỉnh lại thời hạn khai thác, trữ lượng khai thác trong trường hợp không điều chỉnh công suất khai thác.

Đồng thời toàn bộ hồ sơ khai thác mỏ Thiện Ái 2 của DN này bao gồm giấy phép khai thác mỏ; dự án đầu tư, thiết kế mỏ, báo cáo ĐTM, giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nuớc… cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với trữ lượng được huy động vào thiết kế khai thác.

Không chỉ có vi phạm về thiết kế, bảo vệ môi trường, các chủ đầu tư còn có nhiều sai phạm khác. Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Sao Mai khai thác titan tại khu vực Thiện Ái (xã Hồng Phong và xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) được Bộ TN&MT cấp phép ngày 26-10-2015 nhưng mãi đến 6-1-2017, UBND tỉnh Bình Thuận mới nhận được giấy phép này.

Mỏ titan Nam Suối Nhum (tại xã Thuận Quý và Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) của Công ty TNHH TM Tân Quang Cường; mỏ titan Long Sơn – Suối Nước (tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết) của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn đã đi vào hoạt động khai thác khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật. Bộ TN&MT, UBND tỉnh đã có văn bản tạm dừng, xử lý vi phạm hành chính, đến nay vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để khai thác trở lại…

 Ngoài ra, trên thực tế tất cả các dự án khai thác titan đều có hồ chứa quặng thải, nước thải, hồ chứa nước (trữ nước để bổ sung nước khai thác - có dự án có, dự án không) và hồ chứa nước tuần hoàn (hồ lắng trước khi tái sử dụng)… nhưng thiết kế hồ cùng các giải pháp đảm bảo an toàn và  bảo vệ môi trường không thể hiện trong ĐTM. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ vỡ các hồ chứa nước, gây ra sự cố môi trường.

Đứng trước thực trạng đáng lo ngại như vậy, lẽ ra cơ quan có thẩm quyền phải siết chặt hơn nữa về mặt quản lý. Thế nhưng ngày 28-9-2016, Bộ TN&MT lại có thông báo với nội dung: “Đối với các dự án khai thác titan thực hiện tuần hoàn, tái sử dụng nước từ quá trình tuyển quặng, không sử dụng bất kỳ hóa chất, phụ gia và không thải nước thải ra ngoài khu vực khai thác thì không phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải”.

Ông Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, thông báo này là không phù hợp với quy định của pháp luật vì các dự  án khai thác titan ở Bình Thuận không thuộc 4 trường hợp không phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2012.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Bộ TN&MT đã cấp 8 giấy phép khai thác với tổng diện tích 2.542ha (trữ lượng 7,57 triệu tấn) nhưng hiện tại có 1 giấy phép hết hạn, 2 giấy phép chưa đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, 4 giấy phép đang tạm dừng khai thác để hoàn tất các thủ tục theo quy định.

Các dự án thăm dò, khai thác titan theo quy hoạch phần lớn nằm dọc ven biển, nơi có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh nên an toàn khu vực mỏ không cao khi đi vào hoạt động, rất dễ xảy ra sự cố môi trường.

Thời gian qua, công tác thẩm định hồ sơ cấp giấy phép chưa được cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức đến nguồn nước được sử dụng trong khai thác khoáng sản.

Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần rà soát, kiểm tra thường xuyên các dự án đã cấp phép khai thác để xử lý kịp thời các vi phạm. Riêng đối với dự án trong giai đoạn thăm dò, cần làm rõ nguồn nước sử dụng trước và rà soát thật kỹ báo cáo ĐTM… trước khi cấp giấy phép khai thác.

Mã Hải
.
.
.