Quy hoạch khai thác titan ở Bình Thuận: Cần chính sách hợp lý để giữ cho mai sau

Kỳ 1: Titan khai thác đến đâu, nước sạch biến mất đến đó

Thứ Ba, 15/08/2017, 08:14
Trữ lượng tài nguyên quặng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được dự báo là 599 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng titan của cả nước. Có 25 khu vực với tổng diện tích 19.339ha được đưa vào quy hoạch titan nhưng lại chồng lấn với 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư vào Bình Thuận.

Về phía các đơn vị được cấp phép khai thác titan, do không thực hiện đúng với phép, thiết kế mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường… đã để lại nhiều hệ lụy mà người dân phải gánh chịu!

Đứng trên đồi cao nhất của khu vực Thiện Ái, giáp ranh giữa xã Hòa Thắng (Bắc Bình) và phường Mũi Né (TP Phan Thiết), nhìn tứ phía là các dự án khai thác titan. Có nơi đã xong, có nơi đang còn dang dở và có nơi đang “nằm chờ”.

Giữa trưa, gió Tây Nam lồng lộng; bụi cát từ các ngọn đồi “nhân tạo” (do khai thác titan hình thành) phả vào người khiến chúng tôi không dám ngước mặt về hướng gió.

Chỉ tay vào một hố sâu hút rộng hàng ngàn mét vuông, ông Tám, một cán bộ hưu trí từng công tác ở Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, chua chát nói: “Theo quy định, sau khai thác thì phải hoàn thổ như ban đầu nhưng họ có làm đâu. Rồi việc trồng cây để phục hồi môi trường, phủ lại màu xanh cho đất, họ làm rất qua loa…”.
Cây bản địa vững chãi ở khu vực chưa khai thác.

Đúng như lời ông Tám, tôi quan sát thấy nhiều cây được trồng lại số đã chết, số tróc gốc do hiện tượng cát nhảy, cát bay; số còn sống thì èo ọt chẳng biết sống được bao lâu.

Trong khi đó, ở khu vực chưa bị khai thác, cây bản địa vững chãi, sừng sững dù gió giật liên hồi. Đồi xanh giờ thành đồi trọc, hơi nóng bốc lên từ cát kết hợp với nắng mặt trời khiến chúng tôi như đứng trên chảo lửa!

Cảnh quan rừng bản địa biến mất, việc khai thác titan còn gây ô nhiễm nguồn nước cho người dân sống dưới chân đồi. Từng có mặt vùng đất Long Sơn - Mũi Né này cách đây 33 năm, ông Phú khai phá 1,9ha đất ở tiểu khu 13 để trồng trọt kiếm sống.

“Thời đó, phong cảnh vùng này nên thơ, nước ngầm ngọt lịm, dùng cả trong việc ăn uống. Còn bây giờ, cụ thể là cách nay 5 năm, tôi trồng điều, khi nước nhiễm mặn tràn về, hàng trăm cây đã chết sạch. Giờ chỉ dám trồng rau củ ngắn ngày vào mùa mưa”, ông Phú buồn rầu nói. Rẫy dưa hấu nhà ông Phú đang trong mùa thu hoạch nhưng do thiếu nước nên trái cũng nhỏ lại chứ không được như trước đó.

Gần nhà ông Phú, chị Liên cho biết cách đây vài tháng, nước giếng của chị bỗng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn không thể sử dụng được. Hằng ngày chị phải đi vào xóm phía xa khu khai thác titan để xin nước ngọt về nấu ăn...

Khoảng 200 hộ dân ở thôn Hồng Hải, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cũng có hoàn cảnh tương tự. Ông Mai Văn Nô, 74 năm sống ở vùng này cho biết dân ở đây quý nước ngọt như vàng nhưng nguồn nước ngầm giờ nhuộm màu đỏ tươi.

Dân kêu quá, chủ đầu tư khai thác quặng titan làm hệ thống cống dẫn nước máy về rồi xây cho con đường bê tông như để “bù đắp” nhưng thực chất là bán với giá 6.000 đồng/m3…

Trong một hội thảo bàn về vấn đề titan ở Bình Thuận, GS-TS Đặng Trung Thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho biết, khai thác titan lộ thiên sẽ phải đào hố sâu, đổ cát thải thành đống dẫn đến mất cân bằng địa hình. Lớp cát lẫn sét trên tầng khai thác bị nóng khô sẽ bay về phía Tây.

Nếu khai thác đồng loạt, trên diện rộng thì cát sẽ bay về phía QL1A lấp ruộng, vườn nhà dân như từng xảy ra ở Quảng Bình. Còn nước ngầm trong cồn cát là tài nguyên hữu hạn, nguồn bổ sung duy nhất là nước mưa. Cồn cát chỉ có nước đi mà không có nước đến nên không thể khai thác quá ngưỡng phục hồi nước ngầm.

Đáng lo ngại hơn là ô nhiễm do phóng xạ - một loại ô nhiễm không nhìn thấy, con người không cảm nhận được, nhưng lại rất nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Cường độ phóng xạ cao nhất tại các xưởng tuyển tinh quặng vượt ngưỡng an toàn 4-70 lần. Chỗ để tinh quặng monazite cường độ phóng xạ vượt ngưỡng 100 lần. Ngoài ra còn có bụi và khí độc hại; bãi thải sau tuyển tinh có mức cường độ phóng xạ cao.

Ở các xã Hồng Phong, Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, quan trắc môi trường cho thấy hoạt độ phóng xạ anpha, beta trong các mẫu nước thải, nước ngầm, nước biển ven bờ cao hơn so với quy chuẩn từ 3 - 9 lần. Trường phóng xạ tại nơi lưu giữ khoáng vật nặng cao gấp 26 - 36 lần so với phông phóng xạ tự nhiên.

PGS-TS Đoàn Văn Cánh, giảng viên cao cấp Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cho biết, Bình Thuận có nhiều hồ (bàu) tự nhiên, là những ốc đảo trong sa mạc đầy nắng gió được hình thành do nước ngầm thoát ra tích tụ lại mà thành.

Đáng chú ý hơn cả là Bàu Trắng (bao gồm Bàu Ông và Bàu Bà) ở Hoà Thắng, có dung tích trên 12 triệu m3 nước ngọt, còn lại các hồ khác chứa một lượng nước ngọt nhỏ chỉ đủ cung cấp nước tưới cho dưới 10ha hoa màu.

Trong khi đó, khai thác khoáng sản titan-zircon cần một lượng nước lớn, mà các nguồn nước ở đây lại rất khan hiếm, đồng thời thải ra một lượng nước cũng lớn trong đó có chứa các chất phóng xạ cao hơn hàm lượng cho phép nhiều lần.

Khai thác mỏ cũng đồng nghĩa với việc phải đánh đổi phá huỷ nhiều cảnh quan môi trường trên đất như thảm thực vật rừng gắn với phong cảnh thiên nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan vùng ven biển…

Thay đổi địa hình diễn ra nhiều nhất ở các khu vực có khai thác lộ thiên, các bãi đổ thải đã tạo nên những khu đồi cao nhân tạo 200 - 300 m. Việc đổ đất đá thải tạo tiền đề cho mưa lũ bồi lấp các sông suối, các thung lũng và đồng ruộng phía chân bãi thải và các khu vực lân cận. Khi có mưa lớn thường gây ra các dòng bùn di chuyển xuống vùng thấp, vùng đất canh tác, gây tác hại tới hoa màu, ruộng vườn, nhà cửa…

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, khu vực Thiện Ái trước đây có 5 công ty khai thác tận thu sa khoáng titan, zircon, monazite nằm trải dài khoảng 2km theo đường 706 nằm trên địa bàn xã Hòa Thắng và một phần xã Hòa Phong, huyện Bắc Bình.

Khi các mỏ khai thác này mới đi vào hoạt động, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận kiểm tra phân tích tác động môi trường ở khu vực này cho thấy: Việc khai thác khoáng titan đã làm thay đổi địa hình khu vực, tạo thành các hố sâu và đồi cát. Kết quả phân tích nước biển ven bờ cho thấy hoạt độ phóng xạ anpha cao hơn từ 2,5-9 lần so với quy định tại QCVN 10:2008/BTNMT; beta cao hơn từ 5,4-10,4 lần. Để đối chiếu, đoàn công tác lấy mẫu ở xa hơn khu vực khai thác thì thấy hoạt độ phóng xạ anpha và beta ở mức độ bình thường.

Kết quả phân tích nước giếng lấy mẫu tại 10 điểm tại thôn Hồng Chính cho thấy hàm lượng COD, amoni và clorua (độ mặn) đều vượt chuẩn cho phép. Mẫu nước thải tại 4 điểm khai thác thì hàm lượng clorua, SS và hoạt độ phóng xạ beta vượt chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Riêng nước sử dụng khai thác sa khoáng titan lấy mẫu tại 2 điểm ở Công ty Đường Lâm thì hàm lượng clorua vượt giới hạn.

Còn theo kết quả phân tích mẫu giám sát của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, đối với Công ty TNHH Phú Hiệp nằm ở khu vực Long Sơn - Suối Nước (phường Mũi Né, TP Phan Thiết) vào năm 2014 thì nước mặt tại moong số 3 tổng hoạt độ phóng xạ anpha và beta đều vượt nhiều lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Riêng mẫu nước được lấy tại giếng khoan nằm trong vườn xoài một người dân gần đó cho thấy tổng hoạt độ phóng xạ anpha vượt 5 lần, beta 1,35 so với quy chuẩn.

Mã Hải
.
.
.