Kiểm tra thi hành Luật Đất đai ở Hà Nội: Gỡ dần bức xúc
Trên địa bàn phường Hạ Đình hiện có 11 dự án liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... đều là những vấn đề đang gây nhiều bức xúc.
Sáng 23/8, chúng tôi có mặt tại UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, nơi Đoàn thanh tra bắt đầu ngày làm việc thứ 2 tại Hà Nội. Mặc dầu chưa đến 8h sáng nhưng tại đây đã có hàng chục người tập trung trước cửa Nhà văn hoá phường, nơi diễn ra buổi gặp mặt trực tiếp của Đoàn thanh tra với người dân.
Báo cáo trước Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Hào Quang, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình, khẳng định, vấn đề dẫn đến khiếu kiện nhiều nhất hiện nay là giá đền bù. Theo khung giá của thành phố thì giá đền bù dọc đường Khương Đình được tính trung bình 12 triệu đồng/m2, nhưng thực tế hiện nay trên thị trường giá đất ở khu vực này đã lên tới 30 triệu đồng/m2. Sự chênh lệch lớn khiến cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn.
"Ngay cả đối với đất ruộng cũng không phải dễ" - ông Quang cho biết - "Cho dù có vận dụng đủ mọi quy chế về đền bù hoa màu, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề thì giá đền bù cũng chỉ được 300.000/m2, trong khi giá mua bán trao tay cũng đã tính bằng tiền triệu khiến người dân luôn cảm thấy bị thiệt thòi".
Chị Nguyễn Thị Liên, Tổ trưởng dân phố 13D, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân: Chúng tôi là những người dân thuộc diện phải di dời trong khuôn viên dự án S2 - hồ Rẻ Quạt. Đây cũng là dự án có nhiều đơn thư khiếu kiện nhất. Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào Đoàn kiểm tra lần này. Đây là cơ hội tốt cho chúng tôi được bày tỏ những bức xúc và nguyện vọng của mình một cách thiết thực nhất. Ông Đỗ Huy Bảo, số nhà 89, tổ 14, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân: Nhà tôi trong số 300 hộ phải di dời thuộc dự án cây xanh. Dự án treo đã 3 năm nay không động tĩnh gì nhưng bản thân chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo lắng, cuộc sống không được ổn định. Lần này có Đoàn kiểm tra về đây, chúng tôi mong muốn mọi việc được làm rõ để chúng tôi yên tâm phần nào. Có an cư mới lạc nghiệp được.
Trước vấn đề đặt ra, ông Phùng Văn Nghệ, Vụ trưởng Vụ Đăng ký đất đai thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường, Trưởng Đoàn kiểm tra cho rằng nhiều khi việc người dân chưa hiểu rõ về chính sách đền bù cũng có lỗi từ phía cơ quan quản lý. "Có những nơi người dân không hiểu, cứ tưởng theo khung giá của Chính phủ tối đa bao nhiêu là đền bù bấy nhiêu, nhất quyết phải đòi giá đền bù là 54 triệu đồng/m2" - ông Nghệ kể lại - "rõ ràng là chủ trương chưa đến được với người dân mà cứ bắt người ta phải chấp hành thì khó là phải!".
Quy hoạch chưa rõ ràng
Về vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), theo ông Quang thì đây không phải là vấn đề của riêng phường Hạ Đình mà còn của nhiều nơi khác thuộc quận Thanh Xuân. Phường được thành lập từ tháng 1/1997 nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết.
Tất cả những vấn đề liên quan đến quy hoạch phường đều phải sử dụng bản quy hoạch chi tiết của quận Thanh Xuân (được lập từ năm 1999). Do vậy cứ mỗi lần xét cấp GCN là cả một vấn đề vì ngay chính bản thân cán bộ trực tiếp thực hiện cũng không nắm được “số phận” của khu đất đó sẽ ra sao.
Điển hình như trường hợp một số hộ dân ở tổ 63, phường Thanh Xuân Trung. Giao sổ tháng 2/2004 thì đến tháng 10/2004 nhận được quyết định thu hồi một phần đất để làm đường phục vụ cho dự án bán đấu giá quyền sử dụng đất đầm Rẻ Quạt... Thực tế này khiến cho công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp khó khăn hơn rất nhiều mà lại dễ phát sinh khiếu kiện.
Theo ông Phùng Văn Nghệ, đối với những trường hợp như vậy thì điều quan trọng nhất là phải xác định được chính xác thời điểm sử dụng đất của người dân. Nếu người dân sử dụng trước khi có quy hoạch thì vẫn tiến hành cấp GCN. Nếu thời điểm sử dụng sau khi đã có quyết định thu hồi thì kiên quyết không cấp giấy. Như thế vừa đảm bảo quyền lợi của người dân lại vừa đảm bảo việc thực hiện tốt các chính sách về đất đai, tránh tình trạng "om" hồ sơ của dân rồi ngồi chờ quy hoạch.
Gỡ dần những bức xúc
Trong ngày đầu làm việc, có tới gần trăm người dân đến phòng tiếp dân của Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội. Mặc dù không có trong chương trình nhưng Đoàn đã buộc phải chia làm hai để vừa làm việc với lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội vừa tiếp dân.
Bức xúc của người dân vẫn xoay quanh mức giá đền bù và thái độ sách nhiễu của một số cán bộ cơ sở. Trong số những người có mặt, có nhiều hộ dân thuộc khu vực dự án giải tỏa đường vành đai I Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Đa số người dân đều cho rằng giá đền bù chưa thỏa đáng. Ông Trần Thanh Hùng (phường Nam Đồng) cho rằng, giá đền bù áp dụng cho dự án (30 triệu đồng/m2 đối với đất mặt đường Nguyễn Lương Bằng và 16,5 triệu đồng/m2 trong ngõ Xã Đàn) là rất thấp so với giá thị trường ở khu vực này.
Về phía cơ quan quản lý, báo cáo trước Đoàn kiểm tra về tình hình cấp GCN, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân thừa nhận có nhiều chuyện bất cập xảy ra đối với công tác cấp GCN trên địa bàn quận. Trong đó có trường hợp khi kê khai làm sổ thì trình đầy đủ giấy tờ (photo) nhưng khi trả sổ thì lại trình không đủ nên không thể giao sổ được. Trưởng đoàn Phùng Văn Nghệ cho rằng phải chấn chỉnh quy trình ngay từ khi nhận hồ sơ nếu không sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực, kiện cáo