Kiếm kế sinh nhai ở bãi rác Nam Sơn

Chủ Nhật, 08/04/2007, 09:15
Nhặt rác tại bãi rác Nam Sơn cũng có nhiều chuyện đáng sợ. Có lần, chị Lê nhặt được một gói vuông, bên ngoài bọc bằng vỏ chăn. Tò mò chị mở ra, chợt xanh xám mặt mày: Một hài nhi bị sinh non bị người đời vứt bỏ.

Nhóm phóng viên chúng tôi đến xã Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội) nhằm đúng những ngày tiết trời miền Bắc thật đỏng đảnh. Bầu không khí ngày nóng nực, ẩm ướt rồi lại trở lạnh đến run người mang theo thứ mùi rác nồng nặc không hề thay đổi bay xa tới vài km xung quanh khu xử lý rác thải Nam Sơn - bãi rác lớn nhất của TP Hà Nội.

Với tổng diện tích khoảng 83,5ha, trong đó có 53,49ha được sử dụng vào việc chôn lấp sống rác thải, trong dự án kéo dài từ năm 1999 đến 2020, khu xử lý rác này có thể đáp ứng được công suất 1.500 tấn rác/ngày đêm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, con số này thường lên tới 2.000 tấn, xấp xỉ 300 chuyến xe tập kết rác mỗi ngày.

Mỗi xe rác chuyển từ trung tâm thành phố phải qua cầu cân xác định khối lượng rác, sau khi rác đổ vào bãi và được xe ủi san đều, công nhân viên ở đây sẽ đổ một lớp EM (dạng chất phân huỷ) với tỷ lệ là 1%, rắc một lớp bôgaxi và sau đó chiếc xe xích chuyên dụng có trọng lượng khoảng 30 tấn sẽ làm nhiệm vụ đầm, nghiền nén rác xuống để tiết kiệm diện tích chôn lấp, tiếp theo phun lên bề mặt thuốc diệt ruồi đảm bảo vệ sinh chung.

Tuy nhiên, nghe thì vậy thôi, chứ cái mà chúng tôi thấy nhiều nhất ở đây ngoài rác ra vẫn là... ruồi. Sau 2-3 tiếng, người ta sẽ cho phủ lên bề mặt một lớp đất sỏi đồi, cứ 2m rác lại phủ khoảng 15cm đất này.

Mỗi đêm, bãi rác Nam Sơn có tới cả nghìn người vào đây bới nhặt phế liệu, hầu hết là người địa phương. Để tránh tình trạng lộn xộn và tai nạn đáng tiếc (từng xảy ra) đối với những người nhặt rác, Xí nghiệp Quản lý chất thải Nam Sơn đã có quy định chỉ cho phép người dân trên 16 tuổi được vào nhặt rác từ 3h đến 6h sáng.

Theo các nhân viên bảo vệ tại khu xử lý rác thải thì họ nhặt tất cả những gì có thể nhặt được, từ chó mèo chết, săm lốp, bao tải, vỏ chai, nhựa, thậm chí manh chiếu rách không biết của người sống hay người chết họ cũng không bỏ qua.

Tôi làm quen với chị Nguyễn Thị Lê, có 2 con nhỏ và cả gia đình sống bằng nghề nhặt rác. Vài năm nay, từ khi chồng mất vì ung thư phổi, chị chưa từng được ngủ một đêm trọn vẹn. Và đêm nay cũng vậy, tôi thức dậy cùng chị lúc gần 3h sáng, khi những nhà hàng xóm khá giả xung quanh còn cửa đóng then cài kín mít tránh cái lạnh gió mùa.

Nhoáng nhoàng ăn vội củ khoai luộc, chị nhẹ nhàng đắp lại chiếc chăn vá nhằng nhịt lên 2 đứa con đang nằm co ro trên chiếc giường gỗ kê trên tám viên gạch không có nổi manh chiếu, người góa phụ trẻ khoác vội chiếc áo bảo hộ đã sờn, cầm chiếc cào hai răng quen thuộc, vắt lên vai cái tải, hành trang chị mang theo trong hành trình mưu sinh của mình.

Đêm nay cũng như mọi đêm khác, bãi rác Nam Sơn là nơi chị và hàng trăm người khác có thể kiếm được miếng cơm, manh áo từ những đồ bỏ đi của người đời. 2h45', ước chừng tới cả ngàn người tay bao, tay cào, đầu đội đèn rọi đứng đợi trước cổng bãi rác Nam Sơn dưới ánh đèn vàng ệch.

Đứng trên chòi gác nhìn xuống, cảnh tượng trông giống như một cuộc khởi nghĩa được dàn dựng công phu trong điện ảnh mà chỉ cần đợi hiệu lệnh của anh bảo vệ, tất cả nhất loạt ùa vào. Người ta gọi công việc bới rác ở đây là đi ăn rác.

Anh Nguyễn Văn Bốn, nhà ở tận Vĩnh Phúc, đạp xe từ lúc hơn 1h đến đây thì cổng vẫn chưa mở. Ngoài hai đồ nghề quen thuộc của dân ăn rác, anh còn có chiếc điếu cày. Đến sớm vậy nhưng cũng không dám ngả điếu ra làm một bi cho tỉnh ngủ mà đứng xếp hàng ngay ngắn lẫn trong đám đông, chỉ cần lơ là một chút, người khác sẽ chen chân xếp hàng trước, xí được mảng rác ngon lành hơn.

3h, cánh cổng sắt ngăn cách bãi rác với cuộc sống bên ngoài được mở rộng. Dân ăn rác nháo nhác chen nhau lao vào, khí thế rộn ràng, hừng hực như một công trường. Bỏ dở câu chuyện, anh Bốn cũng nhanh chóng hòa vào dòng người.--PageBreak--

Bãi tập kết rác rộng mênh mang dưới ánh sáng mờ ảo từ mấy chiếc đèn cao áp tít đằng xa hắt vào các núi rác vừa đổ xuống từ những chuyến xe cuối cùng trong ngày, tiếng cào bổ phầm phập, tiếng gọi nhau í ới. Loáng cái, ba chị em cậu bé có tên Lực đã kiếm được nửa bao tải đồ phế thải.

Thằng bé Lực lột khẩu trang, bàn tay đen đúa đầy đất cát của nó quệt ngang mặt lau mồ hôi, nhoẻn miệng cười với kẻ lạ mặt sạch sẽ tinh tươm là tôi. Tích tụ cả ngày dưới cái tiết trời oi bức, đến đêm, rác mới và rác cũ khoe hết cái mùi xú uế đặc trưng.

Một đồng nghiệp đi cùng khi vào lãnh địa của rác khắp người nổi những mảng dị ứng đỏ rực, phải quay ra ngoài chấp nhận thua cuộc. Thế nhưng không phải quá nhạy cảm, người nhặt rác nào ngày đầu cũng thế.

Lực kể, thời gian đầu mới đi làm, em cũng ho cả tháng trời, đầu nhức quay táng, lúc nào cũng váng vất mùi khẳn của rác. Rồi cũng quen, ngày nào Lực không được ngửi hơi rác lại thấy nhớ.

Vào những ngày nắng nóng, mùi rác bay xa tới hơn 10km, người dân Sóc Sơn khốn khổ vì thứ mùi kinh khủng này. Thế nhưng, với một số người dân ở đây và một vài tỉnh lân cận thì đây lại là nguồn sống. Họ cũng biết, đi kèm với những đồng tiền nhọc nhằn và ít ỏi kiếm được từ bãi rác là vô số các loại bệnh phát sinh, nhất là bệnh về đường hô hấp, nhưng với thu nhập chưa tới 30.000 đồng/đêm, khám bệnh có lẽ là một điều hơi xa xỉ.

Vậy là nguy cơ không chỉ từ việc tiếp xúc hàng ngày với rác, cái túi đựng rác khổng lồ vắt trên vai mỗi con người  kia chứa đầy những nguy cơ dịch bệnh có thể còn gieo rắc vào cộng đồng dân cư là điều có lẽ không tránh khỏi.

Lực kể tiếp, chị lớn nhất của cậu đã lấy chồng nhưng không biết tại sao có mang rồi sẩy thai tới mấy lần. Anh rể cằn nhằn suốt ngày nhưng cũng không đủ tiền đưa vợ đi khám bệnh nên cứ đổ tội riệt là do rác. Giờ đây anh rể của Lực cũng bắt đầu ốm, nằm nhà ho sù sụ gần cả tháng và sụt cân nhanh. "Có khi anh ấy giờ chỉ nặng bằng em". Kể xong cậu cười hí hí rất vô tư.

Thầu cai ở đây cạnh tranh lành mạnh và được tiếng là lành. Ai có phận người ấy. Mỗi người quản lý vài chục thợ ăn rác, những người bới rác chỉ bán hàng cho cai của mình. Giá 1kg nhựa tổng hợp 2.000 đồng, 500 đồng/kg bao tải dứa, chai lọ, nilon cũng chỉ được 300-500 đồng/kg. Cũng với mặt hàng này ở các đại lý ngoài bao giờ giá cũng gấp vài lần.

Theo chị Lê, dân bới rác phải chịu thiệt thòi vì: "Người ta đến đây chỉ mua một loại hàng. Chúng tôi nhặt tổng hợp nên phải bán tổng hợp. Nếu mang về phân loại thì cũng khó, thà bán rẻ một chút, rồi về với con sướng hơn, vả lại chui rúc ở bãi rác cả đêm rồi, chịu không thấu”.

Nhặt rác cũng có nhiều chuyện đáng sợ mà mỗi lần nghĩ lại chị Lê lại thấy rùng mình. Có lần, chị nhặt được một gói vuông, bên ngoài bọc bằng vỏ chăn. Tò mò chị mở ra, chợt xanh xám mặt mày: Một hài nhi bị sinh non bị người đời vứt bỏ.

Các chị lại phải chung nhau tiền, khâm liệm cẩn thận sinh linh tội nghiệp và suốt mấy tuần sau đó, chị chẳng tài nào ăn ngủ được vì bị nỗi lo sợ mơ hồ ám ảnh. Thế mà những thầu cai, những thợ nhặt rác ở đây, nhiều năm trời họ ăn, ngủ và gần như cuộc sống quanh năm suốt tháng kề bên những đống rác này

 "Không làm thì biết kiếm đâu ra tiền", anh Bốn nói. Anh chấp nhận vì ở nhà đang còn mấy đứa con chờ anh. Sắp tới, vợ anh cũng xung phong đi theo chồng vì ở nhà thì đâu có hơn gì.

Chị Kiềm ở thôn Phú Xuân cho biết: "Ở đây quanh năm hôi thối, nước sinh hoạt cũng có mùi, ruồi nhặng bay từng đàn, lại thêm máy ủi và xe chở rác hoạt động suốt ngày đêm nên cuộc sống càng thêm vất vả. “Dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng cây cảnh, lúa và một vài loại cây ăn quả. Từ khi có bãi rác cây lúa héo mòn, đến mùa thu hoạch thì không có hạt, chỉ trông vào vườn quả ít năng suất”, chị than thở.

Hình ảnh những con người đội đèn sáng lấp lánh như những ánh sao trong đêm, bì bõm dưới chân hố nước rác đen ngòm, khí mêtan phụt lên dưới những nhát cuốc, đôi chân trần, khuôn mặt lấm lem và cái nhoẻn miệng cười của cậu bé Lực cứ ám ảnh mãi trên đường về. Vậy mà nỗi lo lớn nhất của các em cũng như dân nhặt rác ở đây lại là cái tin sắp sửa có hệ thống xử lý rác thải khép kín hiện đại, đồng nghĩa với một quy định mới có thể sẽ cấm hẳn công việc nhặt rác của gần 1.000 con người hằng đêm nơi đây.

Việc hiện đại hóa trong xử lý rác và chất thải là điều cần thiết và những con người lam lũ sống bằng nghề ăn rác cũng cần được giải phóng, nhưng khi đó họ sẽ làm gì để kiếm sống trên mảnh đất chẳng còn gì để mất này, đây là một câu hỏi chưa có trả lời

M.T.
.
.
.