Sự kiện Vũng Rô:

Khúc bi tráng trong lịch sử Đoàn tàu không số

Thứ Hai, 17/10/2011, 16:06
Những ngày này, khi lễ kỷ niệm cấp Nhà nước về đường Hồ Chí Minh trên biển chuẩn bị diễn ra, sự kiện Vũng Rô (Phú Yên) lại được nhắc đến như một khúc bi tráng của lịch sử Đoàn tàu không số trên biển Đông. Sau gần nửa thế kỷ trôi qua, trận chiến Vũng Rô vẫn không phai mờ trong tâm trí mọi người, bởi ý nghĩa lịch sử cũng như tinh thần anh dũng của quân ta trong một thế trận không cân sức, nhưng quân ta đã quyết chiến đấu và không để tàu lọt vào tay quân thù.

Vũng Rô là điểm nhấn quan trọng của con đường Hồ Chí Minh trên biển. Vì thế, việc  tổ chức tiếp nhận vũ khí được giao cho đích thân ông Trần Suyền, Ủy viên Thường trực Liên khu ủy trực tiếp chỉ đạo. (Ông là người có công rất lớn trong việc giải cứu luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị Mỹ- ngụy giam giữ ở Phú Yên, đưa ra vùng giải phóng. Sau này luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Để phục vụ bến Vũng Rô, ông Trần Suyền cho thành lập tiểu đoàn K60.

Ngày 1/2/1965 tàu 143 của thuyền trưởng Lê Văn Thêm chở 63 tấn vũ khí cùng 17 người từ Hải Phòng vào khu V. Mặc dù tàu đã được ngụy trang như một tàu khai thác hải sản, nhưng vẫn liên tục có máy bay địch bám theo, thậm chí sà xuống rất thấp, rồi tàu chiến địch dàn hàng kèm tàu của ta. Do đi lạc, nên mãi gần sáng 16/2/1965, tàu mới vào được Vũng Rô.

Gần 4h toàn bộ hàng mới bốc hết, tàu quay ra thì tời neo bị hỏng. Chữa xong thì trời đã sáng rõ, nên tàu 143 đành ở lại bến. Địa hình Vũng Rô ba bề bốn bên vách đá dựng đứng, chỉ có cây mọc xòe ra sát mép nước, mà tàu của ta quá to nên không nép sát được vào chân núi, nên các thủy thủ và du kích vội vã chặt cây phủ lên tàu để ngụy trang. Nhưng con tàu vẫn cứ lù lù như một khối đá nhỏ chìa ra biển, trong khi cách đó không xa là đồn địch.

Sự cố này đã khiến cho con đường vận tải trên biển vào Vũng Rô bị phát hiện rất tình cờ. Sáng 16/2/1965, một chiếc máy bay tải thương của địch từ Qui Nhơn về Nha Trang qua Đèo Cả, bất ngờ viên phi công nhìn thấy “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía Tây Vũng Rô”, mà trước đó, hắn chưa từng thấy. Ngay lập tức, viên phi công báo cáo về Bộ chỉ huy Quân đoàn 2 đóng ở Nha Trang. Chỉ một tiếng sau, một máy bay trinh sát được điều đến Vũng Rô, do thám và chụp ảnh. Những bức ảnh được đem so sánh với những tấm ảnh chụp trước đó, đã chỉ ra đúng là có “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía Tây Vũng Rô” mới xuất hiện. Ít phút sau, mấy chiếc máy bay các loại của địch bay tới, thả pháo mù, rồi bom xăng xuống “mỏm đá lạ”. Lá ngụy trang cháy hết, làm lộ ra con tàu nằm chình ình trên biển.

Bia di tích lịch sử Vũng Rô.

Phát hiện được chính xác mục tiêu, địch lập tức huy động cả máy bay, tàu chiến và pháo binh, bộ binh tập trung tấn công Vũng Rô, bắt đầu cuộc chiến không cân sức. Lực lượng của ta gồm thủy thủ trên tàu, bộ binh và dân quân du kích kiên cường đánh trả, nhằm bảo vệ đến cùng số vũ khí đã được đưa vào từ miền Bắc. Đồng thời, du kích được lệnh nhanh chóng vận chuyển vũ khí ra khỏi Vũng Rô, về kho chính ở hang Vàng. Nhưng bọn địch có ý đồ bắt sống tàu 143 và chiếm vũ khí ta cất giấu, nên chỉ thả bom quanh tàu chứ không tiêu diệt.

Biết rõ ý đồ của địch, ông Sáu Suyền ra lệnh hủy tàu, quyết không để một khẩu súng từ miền Bắc lọt vào tay địch. Nhưng việc hủy tàu cũng không đơn giản, khi lúc này, do sức ép của bom, đạn, tàu đã bị nghiêng, các cửa đều đóng chặt, không thể vào được các khoang. Phương án ốp bộc phá ngoài tàu để phá hủy tàu được đưa ra và giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Ngọc Cảnh và Dương Kính, dù ông Cảnh mới chỉ học đánh bộc phá loại 20kg, chứ chưa đánh loại 100kg bao giờ, trong khi ông Sáu Suyền quyết định đưa một tấn thuốc nổ xuống tàu để hủy. Lúc này, lại thêm khó khăn là không có dây cháy chậm và kíp nổ. Trong khi quân ta vẫn kiên cường chiến đấu đánh bật địch ra biển, thì một bộ phận vận chuyển thuốc nổ xuống tàu, còn một số khác đi lấy dây cháy chậm và kíp nổ. Do ta thiếu kinh nghiệm, nên phải 2 đêm cho bộc phá nổ, con tàu mới chìm hẳn sau một tiếng nổ rung chuyển Vũng Rô, kèm ánh lửa sáng rực cùng một cột nước bốc cao. Dưới sức ép của cả ngàn cân thuốc nổ, những mảnh vỡ của con tàu văng khắp nơi, lên cả đỉnh núi…

Địch tiếp tục điều thêm quân đến, khiến cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, sau đó, trước thế địch quá mạnh, quân ta chủ trương phá vòng vây rút lui và tiếp tục hủy số vũ khí còn lại, nhưng vì số hàng tồn của những chuyến tàu trước chuyển vào còn quá nhiều, nên không hủy hết. Ở hang Vàng, bọn địch quyết chiếm nơi này, liền bị ta cho nổ tung kho vũ khí, khiến địch chết rất nhiều. Sau đó, chúng tổ chức mò vũ khí của ta ở con tàu chìm, tháo gỡ một số bộ phận của tàu và mang về Sài Gòn mở triển lãm có cả Phó Thủ tướng ngụy đến dự, để rêu rao về chiến công thu hồi vũ khí do miền Bắc tiếp tế bằng đường biển.

Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược trên biển vốn được xây dựng kỳ công và bí mật, đã bị lộ. Nhưng sự kiện Vũng Rô đã gây cho kẻ địch một sự kinh hoàng  mà sau này, Đại tá hải quân Mỹ R.Sorhesdley đã viết: “Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng vũ khí lớn bị phát hiện đã chỉ ra, nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời các loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của địch ở những vùng ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là, địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”. Lịch sử Lữ đoàn 125 - đơn vị tiếp nối Đoàn tàu không số - ghi lại: Sau sự kiện Vũng Rô, lực lượng hải quân Mỹ và ngụy được tăng cường tối đa cùng hàng loạt kế hoạch phong tỏa vùng biển miền Nam đã cho thấy, tác động mạnh mẽ của sự kiện này với chính quyền địch.

Năm 1986, Vũng Rô đã trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia và đến 2001, Bia di tích bến Vũng Rô đã được xây dựng, sau đó, Đài tưởng niệm Vũng Rô hoàn thành, để mãi khắc ghi một sự kiện oai hùng trong lịch sử chiến tranh dân tộc.

Gặp mặt truyền thống của 100 cựu chiến binh  tàu không số khu vực miền Trung

Như lời phát biểu của Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân tại buổi gặp mặt đầy xúc động: Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là không gì lay chuyển được. Biển đảo là chủ quyền thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Đó là ý chí, khát vọng ngàn đời của nhân dân ta, và còn có một phần xương máu của những chiến sĩ tàu không số năm xưa…

Cuộc gặp mặt đầy cảm động, đầy nghĩa tình đồng đội của những cựu chiến binh Đoàn tàu không số hiện còn sống ở các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) đã diễn ra vào ngày 15/10, tại Đà Nẵng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh vùng C Hải quân. Dự lễ gặp mặt có hơn 100 cựu chiến binh, công nhân viên và dân quân phục vụ các đoàn tàu không số cùng các thế hệ cán bộ chiến sĩ Vùng C Hải quân.

Tại buổi gặp, Thiếu tá Phạm Hồng Quảng, quê xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, người tham gia 10 chuyến tàu cập bến thành công nhớ nhất là, tàu ông từng đưa Đại tướng Lê Đức Anh trên một chuyến tàu vào Nam mà ông không hề hay biết, đến bây giờ vẫn còn luyến tiếc vì không được lưu lại bất cứ kỷ vật, tấm ảnh nào về chuyến đi đó. Thuyền trưởng Vũ Xuân Ích kể về chuyến chở vũ khí vào Quảng Ngãi, tàu địch vây quanh suốt cả 1 ngày ở vùng biển Lý Sơn, khi thì chúng chặn trước mũi, khi thì cập mạn. Mọi người vẫn bình thản giả vờ thả lưới, đánh cá. Đến khi chúng bỏ đi, đêm tối mới cập vào Đức Phổ, gặp cả nữ y tá - Anh hùng Đặng Thuỳ Trâm, mà mãi hơn 30 năm sau ông mới biết.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng tàu 41, người 3 lần điều khiển tàu vào Vũng Rô thắng lợi, khẳng định: Cái thời đẹp nhất, nhớ nhất, trân trọng và tự hào nhất là được sát cánh, chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù để làm nên một huyền thoại có thật: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Hoài Thu

Thanh Hằng
.
.
.