Khu tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 207: Công trình của những tấm lòng

Thứ Tư, 24/10/2012, 12:37
Đúng vào ngày giỗ lần thứ 39 của hơn 200 liệt sỹ Trung đoàn 207, Quân khu 8 hy sinh năm 1973, công trình Khu tưởng niệm các liệt sỹ Trung đoàn 207 đã được khánh thành. Mong ước bấy lâu của bà con nhân dân ấp Đá Biên, của thân nhân, gia đình các liệt sỹ và Ban liên lạc Trung đoàn 207 về một ngôi miếu thờ thật đàng hoàng để tưởng nhớ các anh đã trở thành hiện thực.

Ân tình người dân Đá Biên

Hơn 20 năm nay, cái tên Miếu Bắc Bỏ và căn nhà anh chị Tư Tờ ở ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã không còn xa lạ với bà con nơi đây. Dù sống xa hay gần, người dân Thạnh Hoá đều biết và đều nhớ, dù không mời mà cứ đều đặn ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch hàng năm, họ lại kéo đến nhà anh chị Tư Tờ để thắp hương, làm đám giỗ cho các liệt sỹ của Trung đoàn 207, hy sinh ngày 3/10/1973 (tức ngày 8/9 năm Quý Sửu).

Khai phá đất hoang vùng Đá Biên để dựng nhà lập nghiệp, dựa vào đồng nước Tháp Mười để sinh sống, anh chị Tư Tờ đã từng gặp một số hài cốt liệt sỹ nằm lẫn với quân trang, quân dụng. Lúc dựng được một mái nhà đủ để che mưa che nắng cũng là lúc anh chị nghĩ tới những linh hồn không nơi nương tựa mà hài cốt của họ vẫn đang nằm đâu đó rải rác trên mảnh đất này.

Năm 1991, hai vợ chồng anh chị bàn nhau lập một cái miếu gần nhà lấy chỗ nhang khói cho các anh. Và thế là anh chị hiến đất, nhờ người đắp cao hơn đỉnh lũ, làm miếu thờ cúng các liệt sỹ. Tên gọi Miếu Bắc Bỏ là do người dân địa phương đặt để bày tỏ sự kính trọng, biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ quê miền Bắc đã vào Nam chiến đấu, hy sinh cho độc lập Tổ quốc và nằm lại vùng đất này.

Bên dưới bệ thờ, dòng chữ “Hy sinh gì Tổ quốc” dẫu có sai chính tả do người hàng xóm của anh chị Tư Tờ mới học hết lớp 1 khắc chữ, “vì” lại viết thành “gì” nhưng chính dòng chữ giản dị ấy mới chứa đựng trong đó biết bao nghĩa tình của những người dân nghèo nơi đây. Đây cũng chính là quê hương thứ hai của các liệt sỹ. Dù không được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng các anh đã được nhân dân rạch Đá Biên coi như người thân yêu ruột thịt, lúc nào cũng có nén nhang, bát cơm, chén rượu để làm ấm lòng…

Nghĩa tình đồng đội nặng sâu

Nhớ lại ngày 3/10/1973, tức ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch, Trung đoàn 207, thuộc quân chủ lực Quân khu 8, hành quân từ Campuchia hướng về Kiến Tường (nay thuộc tỉnh Long An), ông Phan Xuân Thi, Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 207 cho biết, rạch Đá Biên là nơi trú ém quân tạm thời của Trung đoàn để đêm sau hành quân tiếp tục. Một trận đánh ngoài dự kiến đã xảy ra, do sau khi phát hiện bộ đội ta, địch huy động máy bay lên thẳng, xe lội nước M113, liên tục bắn phá vào khu vực ém quân của Trung đoàn. Các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, bắn cháy một máy bay lên thẳng, nhưng đổi lại nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã ngã xuống và mãi mãi yên nghỉ tại mảnh đất Đồng Tháp Mười thân thương này…

Ngay sau trận đánh ấy, chỉ có 1 thương binh được cứu. Sau đó, do cuộc chiến diễn ra quá ác liệt nên phải đến năm 1992 mới tìm được khoảng 80 hài cốt liệt sỹ, số còn lại đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Khu tưởng niệm các liệt sỹ Trung đoàn 207.

Năm 2011, trong chuyến cùng người thân liệt sĩ đi tìm hài cốt, khi đến khu vực cầu 79, ấp 5, xã Tân Lập, huyện Thạnh Hóa, Ban liên lạc Trung đoàn 207 được người dân cho biết phía trong kia có Miếu Bắc Bỏ thờ những chiến sĩ quê miền Bắc hy sinh năm 1973. Và từ ấy, câu chuyện về ngôi miếu Bắc Bỏ ân tình được Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Cựu chiến binh Trung đoàn 207 biết đến.

“Tôi đã khóc khi nhìn thấy ngôi miếu và khẳng định đây chính là nơi đồng đội của mình đã hy sinh trong hoàn cảnh bỏ xác. Ban liên lạc đã họp, đưa thông tin về đồng đội trên các phương tiện thông tin đại chúng, hứa với anh em làm hết sức mình, tôn tạo ngôi miếu nhỏ cao lên hơn nữa để khỏi bị ngập lụt, cử người trong Ban liên lạc thay nhau đi tìm danh tính liệt sỹ, phần lớn là anh em miền Bắc, trong đó 2/3 là sinh viên Đại học Xây dựng mới nhập ngũ, tuổi đời còn rất trẻ”, ông Thi chia sẻ.

Thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh phía Bắc khi được biết thông tin về nơi chiến đấu, hy sinh của các liệt sỹ đã vào tận nơi để hương khói cho người thân. Biết các anh đã được người dân hương khói bấy lâu nên các thân nhân cũng được an ủi phần nào. Có thân nhân liệt sĩ vừa nghe tin liền vượt hàng ngàn cây số vào tận nhà anh Tư Tờ và đem di ảnh người thân vào gửi anh thờ tại miếu.

VietinBank đến với ấp Đá Biên bằng cả tấm lòng

Việc VietinBank biết và đến với ấp Đá Biên có thể coi là một mối cơ duyên. Bắt đầu từ bài viết nhan đề Ngôi miếu thờ “Những thành hoàng làng đội mũ cối” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết về ngôi Miếu Bắc Bỏ và nguyện vọng tha thiết của nhân dân ấp Đá Biên, thân nhân các liệt sỹ và tập thể cựu chiến binh Trung đoàn 207 muốn xây ngôi miếu Bắc Bỏ thật đàng hoàng để tưởng nhớ hơn 200 liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất Đá Biên nghèo đói.

Nhà báo Dương Đức Quảng, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam sau khi đọc xong bài viết này đã không thể không cầm bút viết một bức thư gửi Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề nghị VietinBank tài trợ xây dựng đền thờ hoặc nhà bia thật đàng hoàng, xứng đáng là một công trình tưởng niệm và ghi danh các liệt sĩ Trung đoàn 207.

Và rồi, với nguồn tài trợ 5 tỷ đồng của VietinBank, ước mong bấy lâu của bà con nhân dân ấp Đá Biên, thân nhân các liệt sỹ và tập thể cựu chiến binh Trung đoàn 207 về một khu tưởng niệm liệt sỹ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn đã trở thành hiện thực. Ngày sinh nhật Bác 19-5 năm nay, công trình Khu tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 207 đã chính thức được khởi công xây dựng trên diện tích gần 5.000m2, gồm các hạng mục: nhà văn bia, nhà thờ và khu phụ trợ phía sau nhà thờ. Chất liệu quan trọng nhất, bền chặt và vững chắc nhất để xây dựng nên công trình ấy là từ những tấm lòng!

Phát biểu tại Lễ khánh thành công trình, Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng xúc động chia sẻ: Đất nước thanh bình, cuộc sống được tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay là có sự hy sinh anh dũng của hơn 200 cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 1 và 3 Trung đoàn 207. Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh do Đảng và Chính phủ giao cho, bằng tình cảm và sự sẻ chia sâu sắc, VietinBank không quên việc thực hiện nghĩa vụ, đồng hành với cộng đồng, coi đó là trách nhiệm, lòng tri ân với các anh hùng liệt sỹ. Ông cho rằng, ngoài việc trở thành một khu di tích lịch sử được mọi người trên cả nước biết đến, nơi đây còn trở thành khu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là địa chỉ đỏ để địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, dâng nén hương thơm trước anh linh các anh hùng liệt sỹ.

Ông Trần Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, sau khi Khu di tích đi vào hoạt động, Sở VH,TT&DL sẽ tiếp tục tu bổ, sưu tầm danh tính liệt sỹ, hiện vật, tư liệu đầy đủ, phát huy giá trị khu di tích, có kế hoạch tổ chức đón tiếp chu đáo khách tới tham quan, thăm viếng và đặc biệt là đối với thân nhân gia đình liệt sỹ.

Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của các tập thể và cá nhân đã có thành tích đóng góp, đặc biệt là của VietinBank, Chủ tịch UBND tỉnh Long An quyết định khen thưởng cho tập thể VietinBank và các cá nhân: Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Nguyễn Thị Thanh Xuân và Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Dương Đức Quảng. Đồng thời trao tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Văn Tờ đã có công lao gìn giữ, chăm sóc miếu thờ liệt sỹ và trao Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho công trình.

Ngày giỗ các anh năm 2012 này, người dân khắp nơi đã về với ấp Đá Biên đông hơn hẳn các năm trước, vui mừng hơn tất cả những năm qua, bởi năm nay, Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 trang nghiêm và bề thế đã được khánh thành đúng vào lần giỗ thứ 39 của các anh. “Tên tuổi anh vô danh, nhưng chiến công anh mãi là bất tử”, các anh nằm lại với Đá Biên, ghi tạc máu xương vào dáng hình và vinh quang Tổ quốc. Hàng năm, đồng bào khắp nơi trên cả nước sẽ có dịp tới đây, để kính cẩn nghiêng mình trước các anh, trước lòng hy sinh và sự anh dũng đã đi vào huyền thoại

Kim Yến - Thu Hương
.
.
.