Khu điều trị phong Ea Na, Đắk Lắk: Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh

Thứ Hai, 26/03/2007, 19:31

Đã có một thời nơi đây được xem là "vùng đất chết", bởi con người sinh sống nơi đây đều mang trong mình con vi trùng Hansen, bị người đời xa lánh, hắt hủi với cái tên gọi: bệnh cùi! Ít ai có thể ngờ, những mảnh đời bất hạnh ấy hôm nay đã hồi sinh.

Khu điều trị bệnh phong Ea Na được người Pháp thành lập vào năm 1948. Khi ấy, nơi đây là một vùng đất hoang sơ, cằn cỗi, được chọn để thu dung, điều trị những người mắc vi trùng Hansen, nhưng mục đích chính là để cách li họ ra khỏi cộng đồng. Ngày nay, khu điều trị bệnh phong Ea Na thuộc địa bàn buôn Tuôr A, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana.

Trong căn nhà khá khang trang ngay giữa buôn, già Y Blul Niê bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tủi cực xưa kia: Năm 1952, khi ấy, già còn là đứa trẻ thơ, ngơ ngác theo cha mẹ trong đợt thu gom vào buôn Ea Na. 

Phải chi được điều kiện như bây giờ thì mình cũng chẳng thể nào bị lây căn bệnh quái ác này, nhưng ngày ấy, thuốc thang không có, ăn uống càng cực khổ. Thế là con vi trùng chết người đã lây từ mẹ sang con. Mỗi lần nhìn vết thương trên cơ thể mình và người thân, Y Blul chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhưng rồi, bản năng sống vẫn níu kéo ông ở lại với cuộc đời này.

Bệnh nhân đang được chăm sóc tại khu điều trị.

Không chỉ có già Y Blul Niê, anh Vương Bình Hải, người ở Quảng Nam, vào làng phong Ea Na đã được 26 năm tâm sự rằng: May mắn, tôi đã được vào đây để tiếp tục một cuộc đời có ích! Cho đến hôm nay, khu điều trị phong Ea Na đã có 138 hộ gia đình và hơn 660 nhân khẩu với nhiều thành phần dân tộc: Ê đê, M'nông, Kinh, Bana… Ngoài số bệnh nhân 151 người đang được điều trị thì số còn lại đều là những người đã được điều trị dứt bệnh hoặc con cháu họ được sinh ra và lớn lên ở đây.

Y Minh Niê, Giám đốc khu điều trị, người đã từng gắn bó với nơi này từ năm 1982, kể rằng: Ngày xưa, mọi thứ đều nheo nhóc, bề bộn. Sau khi quy hoạch sắp xếp đâu ra đấy thì lại có thêm tài trợ của Hiệp hội bệnh phong Pháp, xây được 86 căn nhà cho đồng bào, sau đó lại có thêm Chương trình 134 của Chính phủ cấp thêm nhà, kéo điện, mở trường học…

Đến nay, mọi việc đã đi vào ổn định, cuộc sống của bà con đã dần được cải thiện. Sắp tới, xã sẽ đầu tư xây dựng đập Buôn Pưng, lúc đó, hơn 40ha lúa của buôn sẽ đủ nước tưới, đỡ lo về cái đói cái nghèo! Anh Y Đion Mlô, con rể của già Y Blul nói rằng: Với 5 sào lúa và gần 1ha điều đang bắt đầu cho thu hoạch thì kinh tế gia đình anh cũng đã khá lên trông thấy.

Y tá Y Oanh Niê dẫn chúng tôi đi một vòng quanh buôn, giới thiệu: Hiện trong buôn đã có Trường Mẫu giáo chăm sóc 110 cháu, Trường Tiểu học Tình Thương có 335 cháu đang theo học.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hoài Nhân tâm sự với chúng tôi rằng: Thương lắm các anh ạ! Các cháu đều được sinh ra ở đây, mỗi khi phải đi xa học thì lại bị bạn bè xa lánh, từ khi có trường ngay trong khu điều trị thì các em mới học tập, vui chơi một cách hồn nhiên.

Dẫu biết cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng 20 giáo viên của Trường Tiểu học Tình Thương vẫn quyết tâm bám trụ nơi đây để dạy cái chữ cho con em đồng bào. Có được sự đổi thay đáng mừng như hôm nay, phải kể đến công lao không nhỏ của những người thầy thuốc, thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, bám trụ đến cùng với buôn làng.

Chia tay với khu điều trị phong Ea Na, chúng tôi nhớ mãi lời nhắn nhủ của già Y Blul Niê: Nhờ ánh sáng của Đảng, của Nhà nước mà đồng bào nơi đây tìm lại được cuộc đời mình

Tuấn Thiện
.
.
.