"Khóc" cùng "vàng trắng"

Thứ Hai, 12/10/2009, 09:59

Cơn bão số 9 qua đi, tàn phá hàng ngàn ha hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả… trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên - Huế. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là cây cao su, loại cây tạo ra nguồn "vàng trắng" cho huyện.  Nhiều hộ dân rơi vào cảnh lao đao, không có khả năng trả nợ ngân hàng và không có vốn để tái sản xuất.

Bão lũ đi qua, tan hoang để lại

Hai bên rừng dọc tỉnh lộ 14 tan hoang vì bão. Người dân đổ xô vào rừng cưa cây gãy đổ; hàng chục chuyến xe rầm rập thay nhau chở gỗ đi bán… Hầu hết diện tích rừng trồng và nhiều rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện đều thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 9.

Nơi trọng điểm về thiệt hại là xã Hương Phú. Xã này có diện tích cây cao su, cây keo lai lớn nhất huyện. Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết: "Toàn xã có 900ha rừng trồng, trong đó gần 500ha bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão. Hơn 3ha lúa, 22ha cây ăn quả, 41ha khoai sắn… mất trắng. Hầu hết các loại cây này đang trong thời kỳ thu hoạch. Đa số người dân trong xã đều vay tiền ngân hàng để sản xuất phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân đến nay đã không có khả năng trả nợ".

Xã Hương Phú cũng là vựa cam, quýt của huyện nhưng nhiều hộ dân cũng tay trắng vì toàn bộ số cam, quýt trong vườn, trên rẫy bị gãy đổ, trái sắp thu hoạch rơi đầy dưới đất…

Người dân xã Hương Phú khẩn trương chặt số cây bị gãy, đổ mang bán tháo bán gấp.

Ông Hồ Đính, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đông cho biết: "Thiệt hại về nông nghiệp trên địa bàn do bão số 9 là hơn 60 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về cao su là nặng nề".

"Khóc" cùng "vàng trắng"

Nam Đông trồng thí điểm cây cao su từ năm 1990. Hai năm sau, UBND huyện đã chỉ đạo các xã triển khai trồng cao su, có hỗ trợ vốn, lương thực cho người dân. Nhận thấy loại cây này phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, cây trồng phát triển tốt, các hộ dân đã đăng ký trồng đại trà cây cao su từ năm 1995. Hơn 5 năm nay, cao su được xem là thứ "vàng trắng" mang lại nguồn thu lớn, lợi ích kinh tế cao cho đa số bà con đồng bào dân tộc Cơ-Tu ở đây. Nó được xem là cây trồng thế mạnh, giúp xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nhiều hộ dân nhờ trồng và thu hoạch cao su mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chúng tôi ngỡ ngàng trước cơ ngơi khang trang của gia đình ông Trương Tự Nhiên (59 tuổi), ở thôn Ka Tư, xã Hương Phú. Ông Nhiên khoe: "Nhờ cao su cả đó chú ạ. Trước đây nhà nghèo lắm, nghe lời cán bộ khuyến nông huyện, gia đình tui dồn mọi vốn liếng, vay mượn ngân hàng trồng 3ha. Vào vụ thu mủ, mỗi ngày cũng được gần 2 triệu đồng trừ các chi phí". Rồi ông buồn rầu: "Cơn bão năm 2006, nhà tui bị gãy hơn 50 cây. Số cây còn lại cũng đủ tạo thu nhập cho gia đình. Tui tiếp tục trồng bổ sung vào số cây bị gãy đổ và đầu tư chăm sóc. Cơn bão này làm gãy, đổ gần 100 cây. Giờ thấy ngao ngán vì mất số tiền quá lớn".

Người dân miền núi Nam Đông vẫn còn bị ám ảnh bởi cơn bão dữ năm 2006 khi hàng trăm ha cao su bị gãy đổ. Sau lần thiệt hại đó, nhiều người dân phải khốn cùng vì bao nhiêu vốn liếng, công sức bị Giàng (ông Trời) lấy mất và rất nản lòng để tiếp tục trồng cao su. Vô số cây cao su ở các xã Hương Hữu, Thượng Quảng, Thượng Nhật… bị gãy, đổ. Khắp huyện Nam Đông, nơi có những khu quy hoạch cao su, đâu đâu cũng thấy tiêu điều, tan hoang. Người dân tích cực chặt cây gãy, dựng lại cây đổ, tranh thủ lấy mủ còn sót lại.

Ông Trần Xuân Bình, Bí thư huyện Nam Đông cho biết: "Sau thiệt hại do bão năm 2006, lãnh đạo huyện đã cố gắng động viên, vận động người dân trồng mới diện tích cao su và có chính sách hỗ trợ. Nay lại gặp cơn bão này, nhiều người dân rất khốn khổ vì không trả được tiền ngân hàng, không có vốn để trồng mới. Đây là loại cây thế mạnh của địa phương tạo ra thu nhập cho bà con, giúp xóa đói giảm nghèo".

Cây cao su có thân cây cao lại rất giòn, tán lá rộng nếu trồng dày thì khó cản được gió mạnh nên rất dễ gãy đổ. Người dân Nam Đông những năm gần đây trồng cao su một cách ồ ạt mà không chủ động tính đến việc phòng chống gió bão. Đi qua những cánh rừng cao su dày đặc, chúng tôi ngạc nhiên một điều là xung quanh không hề có hàng rào chắn gió. Nếu người dân trồng vây quanh số cây cao su một loại cây chắn gió, hàng rào phòng hộ… sẽ có tác dụng rất lớn trong việc chắn gió bão, giảm thiểu thiệt hại. Lãnh đạo các cấp, ban ngành ở địa phương rất khuyến khích và có phương án hỗ trợ người dân trong việc trồng và chăm sóc, nhưng công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo.

Hiện nay, chính quyền cùng người dân Nam Đông đang tích cực khắc phục thiệt hại do bão lũ. Đối với cây cao su, để phát triển hơn nữa, tạo ra nguồn thu "vàng trắng" cho bà con, thì người trồng cần chú trọng trồng cây, làm hành lang bảo vệ, nên trồng với mật độ vừa phải…

Nguyên Bình
.
.
.