Khoảnh khắc đời thường của nữ Anh hùng trên quê hương xứ Nghệ

Chủ Nhật, 21/10/2012, 23:31
86 tuổi đời, 46 tuổi Đảng, ở bà hội đủ các yếu tố người phụ nữ quê hương Xôviết cách mạng, dũng cảm, đảm đang nhưng rất dịu dàng. Ngót 30 năm phụ trách công tác an ninh ở địa phương, bà từng giữ nhiều chức vụ, đã lập nhiều thành tích xuất sắc, đặc biệt là trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đó là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh, hiện đang ở phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An.

Một tuổi thơ đong đầy nước mắt

Nhà bà đơn sơ ẩn mình trong ngõ nhỏ, ở khối 1, phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An. Bà ở đó cùng gia đình anh Nguyễn Văn Lộc con trai cả của bà. Gặp bà tôi không khỏi ngỡ ngàng, thời gian dường như muốn giữ lại cho bà phảng phất nét duyên thời còn trẻ.

Với mái đầu bạc trắng, nhưng trí nhớ của bà vẫn còn rất minh mẫn. Dáng vẻ phúc hậu toát lên từ gương mặt, nụ cười, bên ấm nước chè xanh, tôi được nghe bà kể lại những năm tháng khổ cực thuở nhỏ cho tận đến lúc đi lấy chồng…

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, 16 tuổi đầu bị bán ra Vinh với giá 10 đồng bạc cho một bà cụ buôn thuốc lào tên là Quán ở Thái Bình vào ngụ ở xóm thợ Trường Thi. "Bà Quán thuốc lào" mua bà Hạnh về với ý đồ làm vợ đứa cháu tật nguyền của bà. Nhưng bà Hạnh không chịu vì chưa nghĩ gì đến chuyện chồng con và nhất là chẳng có cảm tình gì với người con trai hơn mình cả chục tuổi, lại dở người.

Ép buộc không được, bà Quán liền đuổi bà Hạnh ra khỏi nhà với ý đồ là đẩy đến đường cùng sẽ phải ưng thuận. Bị lâm cảnh bơ vơ không nơi nương tựa, bà Hạnh rất muốn tìm đường về quê, nhưng nghĩ đến chuyện nếu về quê sợ bà Quán theo về đòi lại tiền mua thì khổ bố mẹ nên không dám.

Thấy thương tình, người cháu gái họ bà Quán cho về trú trọ nhờ nhưng ăn uống phải tự kiếm lấy. Đói quá, bà Hạnh phải tìm đến các quán ăn xin rửa bát không công để vét chút cơm thừa canh cặn. Đang giữa lúc cùng quẫn như thế thì may nhờ chị Thuyên là người ở của nhà bà Quán thương nên đã cho mượn 5 hào và bày cho cách mua cau trầu về têm đem bán dạo cùng với điếu thuốc lào. Bằng cách mưu sinh này, mỗi ngày cũng kiếm được một vài xu lãi đủ sống qua ngày.

Cũng nhờ chị Thuyên mà bà Tiến - một người buôn bán thuốc lào cùng xóm - sau khi biết được cảnh ngộ của bà Hạnh đã động lòng thương đưa về nhà nuôi làm người giúp việc. Bà Tiến chuyên bán thuốc lào ở chợ Đình (Nghi Xuân) và chợ Thượng (Đức Thọ) Hà Tĩnh. Những phiên chợ xa như thế bà Hạnh thường được đi theo để trông coi hàng. Từ việc trông coi hàng này, bà nên duyên vợ chồng với ông Phan, lúc đó cũng thường đi theo trông coi hàng cho mẹ bán thuốc lào ở chợ Đình, chợ Thượng và cũng sát quầy nhà bà Tiến. Và thế là, qua sự tác hợp của bà Tiến, ông Phan, bà Hạnh đã thành vợ chồng sau khi gia đình ông Phan hoàn trả bà Quán 10 đồng bạc, coi như chuộc lại bà Hạnh.

Đó là vào cuối năm 1944, bà thầm cảm ơn số phận đã cho bà có một gia đình hạnh phúc, không còn phải sống những tháng ngày tủi nhục. Hơn thế nữa, bà gặp được gia đình chồng tiến bộ, sớm giác ngộ cách mạng; nhất là ông Phan chồng bà, không những đồng lòng cho bà tham gia hoạt động cách mạng mà bản thân ông cũng rất tích cực tham gia hoạt động cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh và các con cháu trong gia đình anh Nguyễn Văn Lộc, con trai cả của bà.

Công dân của nước độc lập hiến dâng cả cuộc đời

Bước sang năm 1945 với nhiều biến động thế giới và trong nước: nạn đói lan rộng khắp, người chết đói đầy đường, đầy chợ rồi Cách mạng Tháng Tám thành công và tiếp đó là công cuộc "chống giặc đói, giặc dốt...". Cả gia đình bà Hạnh lúc đó rất tích cực trong việc tăng gia sản xuất, tiết kiệm hằng ngày để có gạo, tiền ủng hộ cách mạng.

Đi đôi với việc “diệt giặc đói”, phong trào xóa nạn mù chữ để “diệt giặc dốt” cũng phát triển mạnh. Tại các lớp bình dân học vụ hai vợ chồng bà Hạnh vừa là học viên gương mẫu vừa là thành viên vận động mọi người tham gia học chữ suốt mấy năm liền. Nhờ tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ mà ông Phan và bà Hạnh thoát nạn mù chữ lại còn được cử đi dạy các lớp bình dân học vụ, giúp nhiều người biết đọc biết viết. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhiều gia đình đi tản cư, nhưng gia đình bà Hạnh ở lại vừa tăng gia sản xuất đóng góp thóc gạo cho kháng chiến vừa tham gia công việc dân phòng, đảm bảo trật tự trị an.

Cuối năm 1955 đầu năm 1956, bà Hạnh trở nên duyên nợ với công tác bảo vệ an ninh để rồi về sau trở thành Anh hùng LLVTND. Ban đầu, bà được cử làm Tổ trưởng hộ khẩu xóm trong cải cách ruộng đất. Tiếp đến là xóm phó phụ trách an ninh rồi cán bộ an ninh của khu phố (Khu phố bấy giờ là đơn vị hành chính cấp cơ sở như phường, xã hiện nay). Đầu năm 1960, bà được phân công làm Phó trưởng ban bảo vệ khu phố III cho tới khoá Hội đồng khu phố 1970 - 1971, bà được bầu làm Ủy viên ban cán sự kiêm Trưởng ban bảo vệ khu phố. Từ năm 1972 đến 1984 là đảng ủy viên liên tục 6 khoá (12 năm) kiêm cán sự phó phụ trách nội chính khu phố (tương đương Phó Chủ tịch phường phụ trách nội chính bây giờ) cho đến lúc nghỉ hưu.

Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, bà đang là Phó ban cán sự nội chính – kiêm Trưởng ban Bảo vệ dân phố Khu phố III – trực tiếp phụ trách xóm Cộng Hòa, xã Vinh Tân, TP Vinh. Ở đó có kho lương dự trữ lớn được vận chuyển từ miền Bắc vào tập kết chờ để tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt là trong 2 năm 1971 - 1972, không có đêm nào ngớt tiếng bom đạn từ máy bay Mỹ đánh xuống. Nguy hiểm nhất là khi chúng phát hiện xe ôtô vượt ngã tư, lập tức đạn rốc-két đan chéo ngang dọc hình thành một vòng lửa khép kín.

Những lúc như thế, các chiến sỹ an ninh bất chấp sống chết lăn xả vào dập lửa cứu xe rồi dẫn xe tới nơi trú ẩn đã bố trí trước. Tổ an ninh túc trực ở ngã tư còn có nhiệm vụ đưa các đoàn xe đi sơ tán ra ngoài khi phà Bến Thuỷ bị ùn tắc kéo dài hoặc trời sắp sáng.

Ngoài nhiệm vụ ứng cứu người và xe khi bị địch oanh tạc, còn phải tuần tra bảo vệ hàng hoá chưa kịp vận chuyển vào chiến trường đang tạm gửi cất giấu trong các kho không được để xảy ra mất mát. Những năm tháng "mưa bom bão đạn" ấy, công tác an ninh trên địa bàn TP Vinh được chú trọng đặc biệt là bằng mọi biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của trong các lần đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Bấy giờ địa điểm ngã tư Vinh thuộc khu phố 3 do bà Hạnh làm Trưởng ban Bảo vệ bị đánh phá nặng nề nhất. Thời gian này dân được lệnh đi sơ tán triệt để, ông Nguyễn Văn Phan chồng bà Hạnh cũng trong lực lượng dân quân tự vệ Nhà máy Xay, trực tiếp đưa máy móc đi sơ tán, sản xuất ở huyện Hưng Nguyên rồi huyện Đô Lương… các con của ông bà được gửi ở vùng sơ tán xã Hưng Đông.

Với khẩu súng K44 mang bên mình, bà Hạnh như con thoi có mặt khắp các trận địa, nơi đâu có tiếng bom nổ là bà vội đến để cùng anh chị em dân quân, tự vệ giúp dân khắc phục hậu quả cứu thương, san lấp hố bom… Có không ít ngày sáng thì tham gia vác gạo từ bến sông về kho, chiều lại vác đạn phục vụ chiến đấu. Khi có tiếng còi báo yên bà mới có điều kiện nhớ tới 5 đứa con nhỏ của mình đang tự chăm sóc cho nhau dưới căn hầm trú ẩn của gia đình ở nơi sơ tán, thường thì một tuần lễ hoặc mươi ngày bà mới có dịp gặp các con  một lần, còn thì cứ anh, chị lớn chăm cho em bé hơn, phần nữa thì bà con ở vùng sơ tán giúp đỡ.

Do có công lao và thành tích xuất sắc trong công tác, bà Nguyễn Thị Hạnh được bầu là Chiến sỹ Quyết thắng của  lực lượng Công an liên tục 8 năm liền từ 1968 - 1976 và vinh dự lớn nhất là ngày 3/9/1973, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định phong tặng bà danh hiệu Anh hùng LLVTND - nữ Anh hùng đầu tiên trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Sau khi chiến tranh kết thúc, bà Hạnh còn được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và nhiều bằng khen của Bộ Công an, Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Nghệ An.

Suốt 30 năm tham gia công tác an ninh ở địa phương, bà Nguyễn Thị Hạnh đã lập nhiều thành tích xuất sắc, nhất là trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Năm 1981 chồng bà qua đời sau cơn bạo bệnh, đến 1984, khi đã nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục được tín nhiệm bầu vào làm cán bộ cơ sở với nhiều chức danh như Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên BCH Hội LHPN phường, Tổ trưởng Tổ an ninh khối và hiện nay vẫn là Ủy viên BCH Hội Người cao tuổi phường Hồng Sơn. Chế độ đãi ngộ không được bao nhiêu, với hai khoản lương hưu và mức phụ cấp chế độ Anh hùng LLVTND cộng lại là 1.800.000 đồng/tháng, dù vậy ở cương vị nào bà cũng gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, vui vẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Gia đình bà nhiều năm liên tục được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu

Hoàng Oanh
.
.
.