“Kho vàng” của cô giáo mù

Thứ Sáu, 29/04/2011, 14:36
Với 21 tấm huy chương trong đó có 19 tấm huy chương vàng bộ môn bơi lội cả trong nước và ngoài nước, là thành tích không hề ít ỏi của cô giáo mù Bùi Thị Xím (38 tuổi). Đôi mắt khép lại không còn thấy ánh sáng nhưng tâm hồn cô không hề khép lại, cô là chủ nhiệm và dạy văn hóa cho lớp học khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Chị Xím (tên thường gọi là Mai) là cô gái gốc Mường, sinh ra ở miền núi (xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) cũng xinh đẹp, trẻ trung và ham học. Hết phổ thông, Xím thi đậu và vào học Trường Đại học Sư phạm Hòa Bình với ngành Giáo dục tiểu học, ước mơ là cô giáo dạy chữ. Suốt 4 năm học, cô luôn chăm chỉ và có một thành tích rất tốt, một tương lai tốt đẹp vẽ ra trước mắt cô gái trẻ trước ngày tốt nghiệp. Ước mơ làm cô giáo đang đến gần từng ngày.

Thế nhưng, một bi kịch đến với cuộc đời của Xím là trước khi nhận bằng tốt nghiệp 15 ngày thì Xím bị căn bệnh bướu cổ (tên khoa học: Basidow) và bị biến chứng. Do xa xôi cách trở nên gia đình đưa đi cấp cứu thì đã quá muộn. Đôi mắt của Xím vĩnh viễn không nhìn thấy lại được, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão tan biến mất trong chốc lát.

“Ngày đó mình sống trong đau đớn tuyệt vọng lắm, từ một người sáng mắt biến thành một người thừa, một gánh nặng cho gia đình cho xã hội. Ước mơ làm cô giáo và bao nhiêu mơ ước của tuổi trẻ vụt tắt…”, Xím xúc động nhớ lại.

Rồi cô trở về, sống thu mình, lủi thủi trong nhà, không tiếp xúc với ai. Một lần mở đài phát thanh nghe thì được biết tại Huế thành lập Hội Người mù tỉnh, một tia sáng vụt lên trong đầu, cô cầm bút viết thư cho anh Lê Văn Lộc - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế để xin được vào sinh hoạt cùng. Thế rồi, cô khăn gói rời xa gia đình, quê hương vào Huế để sinh sống. Một miền đất mới với đầy những thử thách và gian nan, khác xa đất Mường mà cô sinh sống. Cuộc sống không nhìn bằng mắt mà chỉ cảm nhận bằng tai, bằng tâm hồn và trái tim của một người con gái xa quê.

Cô giáo mù và lớp học khiếm thị của mình.

Bao nhiêu bỡ ngỡ ban đầu cũng qua đi, bằng nghị lực vươn lên trong bóng tối, Xím đã chăm chỉ để tiếp thu văn hóa, phong tục, tập quán, từ những cái nhỏ nhất trong cuộc sống. “Ngày đầu vào Huế bỡ ngỡ lắm, quê hương mới nghe giọng Huế không hiểu được, nói trọ trẹ dần rồi quen…”, Xím cho biết. 

Suốt những năm tháng sống trong Hội, cô được sự hướng dẫn giúp đỡ của mọi người khiến cuộc sống dần ổn định. Vào năm 2003, có hội thi thể thao dành cho người khuyết tật được tổ chức tại Huế, Xím được mọi người động viên đăng ký thi môn bơi lội. “Thuở bé, Xím rất thích đi bơi cùng bạn bè ở các con khe, suối cạnh nhà nên giờ nghe nói đi bơi mừng lắm nhưng lại sợ. Sợ vì là bơi thi đấu, mà mắt mình lại bị mù, không biết bơi như thế nào mới đúng. Nhưng mình quyết tâm thử xem sao, được các huấn luyện viên nhiệt tình hướng dẫn và cố gắng học hỏi nên mình đã thành thạo và đi thi đấu”, chị Xím kể lại.

Năm đó, Xím đã đạt giải nhất sau đó được tập luyện để tham gia Paragame (tổ chức tại Việt Nam) bất ngờ khi Xím đã ẵm được 2 HCV và 1 HCĐ. Năm đó, Xím được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đến Paragame 2005 cô lại xuất sắc mang về cho Tổ quốc 3 HCV, Xím còn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba về thành tích xuất sắc của mình.

Từ đó đến nay, cứ mỗi cuộc thi bơi lội cô lại mang về huy chương cho Tổ quốc tổng cộng có đến 21 chiếc, trong đó có 19 HCV và 2 HCĐ. Gần đây nhất, vào tháng 7/2010 tại Đà Nẵng, Xím đã giành 3 chiếc HCV cho tỉnh về bơi lội.

Cũng như bao người phụ nữ khác, tuy mất đôi mắt, nhưng Xím vẫn mong muốn được làm mẹ, năm 2007 Xím đã sinh ra cháu Mai Anh (con gái Xím). Hạnh phúc và sung sướng khi mình có một đứa con để mẹ con sau này chăm sóc nhau, nhưng đó cũng là vất vả đối với một người phụ nữ mù như Xím. Nên mẹ của Xím đã vào ở cùng Xím để tiện chăm sóc con và cháu. Ngôi nhà nhỏ do Công đoàn Tổng cục TDTT tặng là tổ ấm nơi 3 mẹ con bà cháu chung sống.

Từ ngày sinh con, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại thêm khó khăn khi phải nuôi ba miệng ăn với số lương ít ỏi của Xím mỗi tháng 1,1 triệu đồng. Do Xím đã tốt nghiệp ngành Sư phạm nên trung tâm đã tạo điều kiện cho Xím đứng lớp chủ nhiệm dạy 4 em học sinh khiếm thị. Hằng ngày, Xím lại phải đi nhờ chú xe lai cạnh nhà để đến Trung tâm dạy chữ Braille cho đám trẻ khiếm thị.

Trong ngôi nhà nhỏ, Xím vẫn canh cánh nỗi lo chưa nguôi: “Mình lo cho cháu, sinh ra mà để cháu khổ thì mình không đành, nhưng mình thì bị mù mà kinh tế lại phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi. Với đôi mắt mù sau này không biết có đủ sức để chăm sóc cháu ăn học đến nơi đến chốn không nữa…”

Ngô Toàn
.
.
.