Kho tư liệu quý của cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh

Thứ Bảy, 14/07/2007, 16:00

Trong ngôi nhà của bà Lê Thị Kính, cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh ở TP Đà Nẵng có rất nhiều hiện vật quý về cụ Phan. Không những thế, bà Kính là người duy nhất hiện nay có thể kể vanh vách biên niên sử và cả những điều chưa ai được biết về người Anh hùng xứ Quảng...

Bà Lê Thị Kính (còn gọi là Phan Ngọc Minh, SN 1925), nguyên Vụ trưởng Vụ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Italia (1982-1990), con gái của cụ Phan Thị Châu Liên (cụ Châu Liên là Trưởng nữ của cụ Phan Chu Trinh). Hiện, bà Lê Thị Kính đang sống tại số nhà 72 Phan Chu Trinh (TP Đà Nẵng).

Tôi vẫn thường sáng đi tối về trên con đường mang tên người chiến sĩ Anh hùng Phan Chu Trinh, vượt qua những kiốt tấp nập, shop thời trang lóng lánh, những ngôi nhà cao tầng nhưng hiếm khi để ý đến căn nhà bé nhỏ, cổ kính nằm hút sâu trong vườn xanh mướt. Chỉ đến khi chạm tay vào cánh cổng gỗ mát lạnh, xù xì và hơi cũ kỹ, bước hẳn vào "khu vườn kỳ lạ" giữa đô thị phồn hoa, mới hay: Bên trong ngôi nhà đó là cả một dòng lịch sử lạ kỳ về thân phận cuộc đời của người chiến sĩ Anh hùng xứ Quảng cũng như con cháu dòng họ Phan...

Buổi sáng chủ nhật ở phố Phan Chu Trinh thường ồn ào tấp nập, nhưng bên trong ngôi nhà lưu niệm Cụ Phan, ngôi nhà có "khu vườn kỳ lạ" đó, chỉ với khoảng cách chưa đầy 20m tĩnh lặng đến không ngờ, nữ chủ nhân chính là cháu ngoại đầu tiên của Cụ Phan - bà Lê Thị Kính.

Đã vượt qua ngưỡng 80 tuổi, nhưng cốt cách của bà vẫn còn đó phong thái của một nhà ngoại giao từng bôn ba khắp trời Âu, từng bàn tròn nghị luận với nhiều nguyên thủ quốc gia nổi tiếng...

Bà Lê Thị Kính trong một lần đến thăm vua Tây Ban Nha Juan Carlos.
Cô cháu gái vẫn thường ngồi bên chiếc máy tính, gõ bài say sưa, chốc chốc ngẩng đầu nhìn vị khách lạ hay viếng thăm, cười: "Ngó vậy nhưng bà còn khỏe lắm đấy, đi tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn mà chẳng hề hấn gì, ngồi nói chuyện với khách cả ngày mà vẫn tươi tỉnh như không".

Cô chỉ vào tập giấy A4 dày cộp, nói: "Đấy là 2 cuốn tài liệu mới nhất của bà viết về Cụ Phan nhân hội thảo kỷ niệm 80 năm ngày mất của Cụ ở TP Hồ Chí Minh năm trước đấy. Sức làm việc của bà ghê lắm, thanh niên như chúng em đố ai theo kịp"

 Bà mỉm cười, rung mái tóc bạc trắng, nheo đôi mắt hồn hậu: "Thú thật, trước đây nhiều người viết về Cụ lắm nhưng có những chỗ còn chưa chính xác. Tôi là người hiểu rõ về Cụ nhất mà không làm một cái gì đó thì sau này khi mất, những người muốn viết về Cụ, như cánh nhà báo các anh chẳng hạn, biết tìm tài liệu ở đâu!".

Câu chuyện giữa chủ và khách lại bắt đầu xoay quanh về cuộc đời, thân thế của người Anh hùng xứ Quảng Phan Chu Trinh, đôi mắt hồn hậu của chủ nhà trở nên long lanh, rực sáng...

Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, lại là cháu ngoại của Cụ Phan Chu Trinh nên năm 16 tuổi, bà Kính đã tham gia tổ chức hy sinh yêu nước tại Trường Quốc học Huế, sau đó vận động và tham gia tổng khởi nghĩa tại Quế Sơn (Quảng Nam).

20 tuổi, sau Cách mạng Tháng 8 lịch sử (1945), bà được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian này, bà bắt đầu ra học và dạy ở Trường Đại học Kinh tế Hà Nội, sau đó làm Hiệu phó Trường Đại học Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1975, bà được giữ chức Vụ trưởng Vụ Ngoại giao, theo dõi hệ thống các tổ chức quốc tế. Từ năm 1982-1986, bà là Đại sứ Việt Nam tại Italia kiêm nhiệm một số nước tại vùng Địa Trung Hải.

Sau khi về nước, đến năm 1990, bà nghỉ hưu ở Bộ Ngoại giao và chuyển về sống ở Đà Nẵng tại ngôi nhà số 72 Phan Chu Trinh. Lúc bấy giờ đã 65 tuổi, bà mới có thời gian thực hiện những công việc mà suốt cả cuộc đời đau đáu: sưu tầm, gìn giữ những kỷ vật thiêng liêng và viết sách biên niên sử về người ông ngoại anh hùng...

Đến thăm bà mấy lần, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên vì sự tĩnh lặng vô thường của ngôi nhà số 72, một khu phố thuộc loại sầm uất, ồn ào bậc nhất TP Đà Nẵng. Bà kể: "Căn nhà này mẹ tôi mua năm 1927, là nơi ở của cả gia đình và cũng là nơi cất giữ những kỷ vật của Cụ Phan Chu Trinh. Hồi còn làm ở Bộ Ngoại giao, tôi thấy căn nhà này quá xuống cấp nên tự bỏ tiền ra tu bổ lại. Sau đó con gái tôi, là giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vẽ lại bản thiết kế ngôi nhà này, với kiến trúc bên trong hiện đại nhưng vẻ ngoài phải cổ kính cho phù hợp với một ngôi nhà lưu niệm".

Đi một vòng tất cả các gian phòng, quả thật mặc dù bên trong được thiết kế tương đối hiện đại nhưng vẫn toát lên một không gian cổ kính, tĩnh mịch. Gian giữa là bàn thờ và là nơi treo những thủ bút, di cảo của Cụ Phan. Những bức thủ đề từ, thủ bút đã ngả màu theo thời gian đằng đẵng nhưng nét chữ mềm mại của một cụ đồ nho uyên thâm vẫn toát lên khí phách của bậc anh hùng cái thế.

Bà Kính trầm buồn nói: "Chiến tranh rồi bom đạn liên miên nên những bức ảnh, thủ bút hay di cảo của Cụ, tôi giữ được cho đến bây giờ có thể nói là kỳ công đấy. Thế nhưng vẫn chưa khó bằng hồi bố mẹ giữ kỷ vật, thủ bút của Cụ. Sợ nhất là mật thám, chỉ cần chúng biết được thì coi như xong".

Bây giờ, ngoài di cảo thì kỷ vật của Cụ Phan chỉ còn lại một bộ quần áo và một chiếc kính hiển vi Cụ mang từ Pháp về. Chiếc kính hiển vi do nhà văn Phan Tứ sưu tầm và kính tặng cho gia đình bà Lê Thị Kính. Ngoài những kỷ vật trên, thì hiện nay, gian trưng bày của bà Kính còn có những tập thơ của Cụ như "Tây Hồ thi tập", "San tế thi tập", "Thư từ ngục San tế"... cùng những bức thư viết tay của Cụ gửi cho Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu... (đưa vào triển lãm ở Đà Nẵng trong ngày 24/3/2006).

Trong căn nhà im vắng, tĩnh mịch, lưu dấu một trang sử đấu tranh hào hùng của lịch sử dân tộc, những kỷ vật vô giá ghi lại khí phách của người Anh hùng dân tộc, chí sĩ Phan Chu Trinh, người cháu cả một đời cất công tìm kiếm, đau đáu cho việc lưu lại hình ảnh người ông ngoại là danh nhân của dân tộc, lúc này tóc đã bạc trắng, bồi hồi cho biết: "Khi về hưu, tôi sống thanh thản ở đây, chỉ chuyên tâm viết sách về Cụ (bà đã xuất bản 2 cuốn sách "Tuyển tập Phan Chu Trinh qua những tài liệu mới", NXB Đà Nẵng, năm 2000 và 2002), giờ thì coi như tâm nguyện đã hoàn thành".

Chia tay bà, tôi hỏi bà: "Bây giờ ai muốn viết về Cụ Phan thì chỉ việc đến gặp bà, bà nhỉ?". Bà cười, nụ cười của người cựu Đại sứ Việt Nam tại châu Âu, rạng rỡ trong chút nắng hạ: "Rất sẵn lòng"

Lê Thanh
.
.
.