Khát vọng của làng nuôi cá bè lớn nhất trên biển Tây Nam

Thứ Năm, 23/05/2013, 02:47
Ngồi tàu, vượt chặng đường biển gần 100km từ đất liền Rạch Giá, vừa đặt chân tới quần đảo Nam Du, tôi bị “hút” ngay vào câu chuyện làm giàu nhờ nuôi cá bè trên biển.

Sống giữa nghìn trùng, đối mặt với bao khắc nghiệt, thậm chí hiểm nguy nhất là khi trời nổi gió, biển dậy sóng nhưng người dân vẫn vượt lên, tranh thủ tiềm năng sẵn có để làm giàu chính đáng. 

Tiềm năng giữa nghìn trùng…

Ông Trần Thiện Hải - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã An Sơn ngồi với tôi bên Hòn Ngang kể, hơn 10 năm trước, cả quần đảo Nam Du này chỉ có ba hộ nuôi lồng tự phát theo phương thức vỗ béo. Lúc đó, người nuôi tìm bắt cá mú nhỏ tự nhiên bên ngoài thả vào lồng, vỗ béo bằng cách tăng cường thức ăn là cá tạp tự nhiên cho chúng.

Thấy cá lớn nhanh, không bệnh tật, nguồn cá tạp làm thức ăn cho chúng rẻ, lại dồi dào, cá mú đạt chuẩn được thương lái mua, chuyển đi TP Hồ Chí Minh với giá cao... nên các hộ nuôi đã đóng thêm lồng bè, tăng lượng cá nuôi. Nhiều người dân trên quần đảo này thấy vậy bắt chước làm theo, rồi thành phong trào.

Dùng phương tiện đưa chúng tôi ra làng bè được xem là lớn nhất trên biển Tây Nam, ông Đinh Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Du, người được giao làm Chủ nhiệm khi HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Nam Du mới thành lập, cho biết, đến nay toàn xã đảo Nam Du đã có 154 hộ tham gia nuôi 467 lồng bè, tập trung chủ yếu ở Bãi Nam của Hòn Ngang, thuộc ấp An Phú, xã Nam Du.

Trước khi ra làng bè, tôi được Bí thư Đảng ủy xã Nam Du Lê Minh Công thông tin sốt dẻo: “Làng bè giờ nhộn nhịp lắm. Bà con không chỉ nuôi cá mú sao, mú đen – loại cá sống tự nhiên trên vùng biển Nam Du, còn có thêm nhiều loại mú khác và cá bớp. Đầu năm tới nay làng bè này đã xuất bán được trên 100 tấn cá các loại, ước trị giá khoảng 13,5 tỷ đồng”.

Lãnh đạo xã còn kể, theo quy hoạch trước đó, đến năm 2008, sản lượng cá thu hoạch của làng bè chỉ 50 tấn/năm là đạt. Thế nhưng, phong trào nuôi phát triển “nóng” nên đến năm đó, đã tăng gấp đôi. Nay thì con số đã tăng lên ở mức từ 200 - 250 tấn/năm.

Lợi nhuận từ nghề này đã giúp cho nhiều người dân Nam Du từ chỗ chỉ đủ ăn, nay trở nên khấm khá và được người dân gọi là “tỷ phú làng bè”. Một số cán bộ xã Nam Du và An Sơn, rồi cán bộ huyện Kiên Hải cũng dồn vốn vào các bè cá.

“Tỷ phú” Trần Văn Lập – người có 4 bè với 14 lồng kể, để tri ân những người làm công giúp mình nuôi cá thắng lợi liên tiếp nhiều năm qua, anh vừa tìm đất rồi bỏ ra gần trăm triệu đồng để cất nhà cho một gia đình. “Không có những người làm công siêng năng như họ, tôi đâu có cơ ngơi như ngày hôm nay” – anh Lập bộc bạch.

Một góc làng cá bè trên biển Tây Nam.

Và những khát vọng…

Ông Định Văn Trung cho biết, do số lồng bè tăng vọt lên khá nhanh, với lại lồng bè phát triển như hôm nay vẫn còn mang nặng tính tự phát nên đã có một số thực tế phát sinh. Đầu tiên là sự thiếu hụt về con giống.

Theo nhiều chủ lồng bè, con giống tự nhiên (mú sao, mú đen và cá bớp) ngày càng khan hiếm; con giống ngoại (mú Đài Loan, Trân Châu, mú sao ép) dù chất lượng chưa cao, tỷ lệ hao hụt lớn nhưng không phải lúc nào muốn mua cũng có. Từng xảy ra tình trạng tranh mua, đẩy giá cá giống lên ngất ngưởng.

Chẳng hạn như cá bớp, 10 năm trước chỉ 5.000đ/con, nay vượt lên trên giá mỗi kg cá thương phẩm. Hay như cá mú sao, từ 25.000 – 30.000 đồng/con, nay đẩy lên 150.000 đồng/con. Người nuôi sẽ luôn ở thế bị động khi mà việc thực hiện sinh sản nhân tạo con giống địa phương chưa làm được.

Người nuôi cũng gặp khó khăn về vốn. Một chủ bè kể nếu không vay từ ngân hàng, bà con không thể có đủ tiền để đóng lồng bè, mua cá giống, thức ăn. Ngân hàng vẫn còn dè dặt với người nuôi. Có trường hợp được duyệt nhưng được giải ngân không đúng thời vụ mua cá giống, mà chỉ giải ngân theo định kỳ nên đành phải chạy “vay nóng” bên ngoài, chấp nhận lãi suất rất cao.

Một vấn đề khác khiến dân nuôi cá làng bè lo lắng, đó là môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm. Theo ghi nhận của PV Báo CAND, do vị trí tập kết bè nằm cạnh bến tàu từ đất liền ra, cũng như từ Hòn Lớn và các hòn khác (thuộc 2 xã An Sơn và Nam Du) đến, cạnh đó cũng là nơi đoàn tàu đánh cá, tàu hàng neo đậu nấp sóng, bảo trì máy móc nên không chỉ có rác thải sinh hoạt mà dầu, nhớt cặn đều trút xuống vùng biển này.

Môi trường nước không còn trong lành nên vài năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng cá nuôi bị chết do bị ghẻ lở, sán lá, đỉa… nhưng không có thuốc đặc trị, gây thiệt hại cho người nuôi.

Việc xuất cá thương phẩm cũng qua nhiều tầng nấc trung gian và người nuôi vẫn ở thế bị ép giá. Một số loại cá mú khi vào lứa, bà con dài cổ chờ tàu của nước ngoài vào “gom”. Khi nghe chúng tôi nói ở đất liền, để ăn được con cá mú sao, người tiêu dùng phải trả hơn triệu đồng/kg, nhiều chủ bè không tin.

Một khát vọng nữa mà 100% người nuôi tại làng bè này mong ngày, mong đêm đó là nhà nước sớm nghiên cứu, xây dựng một đê chắn sóng tựa như đê đã được đầu tư tại Hòn Tre và bờ biển Rạch Giá.

“Không có đê chắn sóng, dân nuôi cá chúng tôi mỗi năm phải 2 lần thuê phương tiện di dời bè sang vị trí phù hợp có khi vài ba cây số để trốn sóng. Mỗi lần di dời là mỗi lần tốn kém, vất vả và đầy rủi ro” – ông Trung cho biết

Thái Bình
.
.
.