Khanh Rông - người họa sĩ vượt lên số phận

Thứ Năm, 31/01/2008, 17:10
Tôi có chút ngỡ ngàng và thật khâm phục khi thấy anh đi xe đạp bằng hai cùi tay, vì hai bàn tay đã không còn. Nếu những ai chưa từng nghe biết đến anh thì sẽ nghĩ anh là người tàn phế, nhưng anh tàn mà không phế. Anh là họa sĩ đã có nhiều bức tranh được Hội Mỹ thuật Việt Nam và nhiều người trong giới hội họa đánh giá cao.

Người họa sĩ tật nguyền nhưng rất tài hoa ấy có tên thật là Khanh Rông (người Khmer), quê ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng).

Một ngày đầu năm 2008, tôi ghé thăm anh Khanh Rông khi buổi chợ đã tan người. Căn nhà nhỏ nằm ở khu vực thị tứ, gần chợ nhưng không quá ồn ào. Những bức tranh còn dang dở đang chờ đợi người họa sĩ hoàn tất nhưng anh vẫn nán lại để tiếp chuyện cùng chúng tôi. Khuôn mặt phúc hậu nhưng vẫn phảng phất một nỗi buồn quá khứ.

Anh kể cho chúng tôi nghe cái tuổi thơ gắn liền với những tháng ngày cơ cực. Gia đình không có đất đai để cấy lúa, trồng rau nên cha mẹ anh chuyên làm nghề đập đá mướn để có tiền mua gạo lo cho 6 đứa con.

Mới 10 tuổi, cậu bé Khanh Rông đã phải tự lo cho bản thân. Anh nhận chăn trâu mướn cho nhiều gia đình để kiếm ăn qua ngày. Bởi vậy, được đi học là ước mơ nằm ngoài tầm của anh nhưng đổi lại, anh có năng khiếu bẩm sinh, ưa thích môn vẽ ngay từ nhỏ.

"Những lúc thả trâu trên đồng ăn cỏ, rảnh tay tôi tập vẽ trên đất, sình non, trên cát, lá cây… chứ làm gì có giấy, mực để vẽ" - anh Khanh Rông tâm sự.

Tuổi thơ cơ cực đã vậy nhưng đời anh lại phải gánh một kiếp nạn mà không thể nào quên - một tai họa bất ngờ ập đến với anh.

Vào một buổi chiều khi đang lùa trâu về ngang đồng Tà Niên, Khanh Rông thấy một trái mìn rồi cùng với 4 đứa bạn nhặt lên thì mìn nổ. Tai nạn đã làm hai người bạn chăn trâu của anh chết ngay tại chỗ, còn anh thì bị đứt hai tay, mù một mắt.

"Tôi không còn biết gì nữa. Mấy ngày sau mới tỉnh lại thì hai tay không còn, mắt cũng còn có một con. Nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn đến với tôi đến mức không thể vượt qua. Những đêm buồn, nhớ vẽ, muốn vẽ thì càng không thể. Tôi nghĩ mình không còn gì nữa" - Khanh Rông tâm sự nỗi đau quá khứ. 

Từ khi bị thương tật, trở thành tàn phế, Khanh Rông bị thất nghiệp vì không ai còn mướn đứa trẻ vừa cụt hai tay vừa mù một mắt chăn trâu nữa.

Hằng ngày nhìn thấy các bạn tung tăng cắp sách đến trường, Khanh Rông ham lắm nhưng chỉ dám lén núp ngoài cửa sổ lớp để nhìn bạn bè ngồi học. Anh kể: "Thấy bạn trang lứa học hành tôi tức cho cái thân tật nguyền lắm. Vì vậy, ở nhà tôi cứ tập viết".

Lúc đầu anh tập bằng cách chụm hai cùi tay kẹp lấy cây que rồi tập viết trên mô đất ướt, dần dần tập cầm viết và viết trên giấy trắng học trò. Kiên trì tập luyện một thời gian Khanh Rông cũng thành công và xin cha mẹ cho mình đi học.

Ngày đầu tiên đến trường, cô giáo nhìn Khanh Rông thật lâu rồi nói: "Em cụt cả 2 tay cầm viết có được không". Nghe cô giáo nói, Khanh Rông không hề tự tin mà "xin cho em mượn cây viết và mảnh giấy để em vẽ cho cô giáo xem".  Quá bất ngờ trước một học sinh cá biệt nên cô giáo đồng ý.

Từ đó, anh luôn cố gắng học, năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Năm 1985, học xong lớp 10, anh được Ban Văn hoá xã Thạnh Trị nhận vào công tác.

Đến năm 1987, niềm say mê hội họa vẫn thôi thúc mãi nên anh nộp hồ sơ thi vào Trường Trung học Văn hoá nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng. Lần thi đó, anh là người  đậu thủ khoa và gắn bó với hội họa cho đến ngày hôm nay.

Tranh của họa sỹ Khanh Rông được vẽ bằng tất cả cảm xúc, chứa đựng những tình cảm thật bình dị và gần gũi với cuộc sống thường nhật của đồng bào Khmer nơi vùng thôn dã. Những  bức tranh sơn dầu của anh  có chủ đề như "Vươn Lên", Ấm tình thầy trò", "Người Khmer vui hội Ok-om-bok"… là những tác phẩm được đưa đi triển lãm ở các tỉnh, thành khu vực Nam bộ.

Vẽ là niềm đam mê, là tình yêu và hơi thở sự sống của anh. Mặc dù khuyết tật nhưng anh luôn cố gắng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức, bởi "việc người khác làm được thì tôi cũng phải cố gắng làm cho được" - anh tự tin vào bản thân mình.

Năm 2004, họa sỹ Khanh Rông thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng. Hiện nay, anh là giáo viên dạy bộ môn Mỹ thuật tại Trường Trung học Cơ sở Thạnh Trị.

Anh tâm sự: "Làm thầy dạy học, tôi luôn cố gắng truyền đạt khả năng và tính thẩm mỹ trong nghệ thuật cho các em. Điều tôi mong muốn là trong số các học trò của mình sau này sẽ có người là họa sỹ thật có tiếng tăm, điều mà bản thân tôi chưa làm được!".

Nhận xét về thầy Khanh Rông, thầy Phan Văn Dự, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thạnh Trị, nói: "Khanh Rông là một người thầy rất có tâm huyết với nghề và nghị lực sống. Anh không chỉ là một người thầy mẫu mực mà còn là tấm gương vượt khó thành đạt cho thế hệ trẻ noi theo".

Còn chúng tôi khi được gặp, trò chuyện với anh càng tâm phục ở tính giản dị nhưng đầy nhiệt huyết, nghị lực của anh - một người con của đồng bào Khmer không chịu khuất phục số phận tật nguyền, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống

Nam Giao
.
.
.