Khẩn trương tìm kiếm ngư dân Miền Trung bị nạn do bão số 1
Trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành thuộc quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, đông nghịt người mõi mòn đợi chờ người thân trở về. Trong khi đó, giữa trùng khơi, 3 tàu chở người bị nạn do đi trong vùng nước xoáy mạnh nên mỗi giờ chỉ nhích từ 2 đến 3 hải lý. Với tốc độ như thế, có khả năng hết ngày 22/5, các tàu vẫn chưa cập bến cảng sông Hàn được...
Tại TP Đà Nẵng, tin dữ được truyền đi từ nhà chị Lê Thị Huệ (40 tuổi), trú tại tổ 17, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Nước mắt lã chã, chị kể với chúng tôi trong tiếng nấc: "Khoảng 17h ngày 17/5, em còn liên lạc được với chồng em qua máy ICOM đến 19h30' thì không còn liên lạc được nữa. Mãi cho đến sẩm tối 18/5, ngư dân đi câu mực trên những con tàu khác mới điện về báo hung tin là có rất nhiều tàu bị bão đánh chìm, trong đó riêng tàu chồng em đi có tới 32 người bị mất tích. Chồng em và đứa em rể đã chết rồi...".
Rời nhà chị Huệ, chúng tôi ra vịnh Đà Nẵng. Trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, đoạn qua các phường: Xuân Hà, Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), đông nghịt người dõi mắt ra khơi xa chờ đợi...
Tại tỉnh Quảng Nam, thông tin những ngư dân câu mực xà ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam gặp nạn trong cơn bão số 1 bắt nguồn từ chiếc máy bộ đàm đặt tại nhà anh Trần Minh Hồng (thôn Bình Tịnh), chủ tàu đánh bắt xa bờ số hiệu QNa 94709, vào đêm 18/5 cho biết: Tàu câu mực xà mang số đăng ký ĐN 90079, chở 21 ngư dân xã Bình Minh đã bị chìm hôm 17/5 tại hải phận Đài Loan.
Hai ngư dân đi trên tàu này may mắn sống sót sau khi được tàu bạn cứu vớt là anh Trần Văn Thạnh (40 tuổi) và anh Trần Công Nhanh (20 tuổi), đều trú tại thôn Bình Tân, Bình Minh; chiếc tàu mang số hiệu ĐN... 53 (anh Hồng chỉ nhớ hai số đuôi của tàu) chở 23 ngư dân thôn Bình Tịnh, Bình Tân (Bình Minh), cũng bị chìm tại vùng biển Đài Loan, các ngư dân trên tàu đều mất tích...
Hàng nghìn người đang ngóng đợi từng giờ trên bãi biển Xuân Hà, Đà Nẵng.
Còn theo báo cáo của Biên phòng Quảng Ngãi, trong khu vực cơn bão số 1 đi qua, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa có 11 thuyền gồm 91 ngư dân đi hành nghề lưới chuồn và câu khơi ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sau khi nhận thông tin về cơn bão số 1, các thuyền trên phải di chuyển ra phía ngoài khu vực đảo Hoàng Sa tránh bão. Bất ngờ, bão số 1 đổi hướng, các thuyền trên lại nằm trúng vùng trung tâm bão. Vào lúc 8h ngày 17/5, các thuyền viên còn liên lạc được với đài canh ở xã Nghĩa An, xác định tọa độ 20'35N-116'42'E, thông báo 1 thuyền bị chìm, nhưng ngay sau đó, mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt. Đến 15h ngày 18/5, có 5 thuyền bị chìm, trong đó có 2 tàu các thuyền viên được cứu vớt...
Tích cực triển khai công tác cứu hộ
Sáng 21/5, tại trụ sở Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp khẩn cấp giữa đại diện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban PCLB TW với các cơ quan liên quan và chính quyền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng. Đến ngày 21/5, các lực lượng chức năng đã xác định có 16 tàu, với trên 260 ngư dân bị nạn trong bão Chanchu. Trong đó, các tàu cứu hộ của ngư dân Đà Nẵng đã vớt được 57 người còn sống và 21 trường hợp đã chết; Quảng Ngãi vớt được 22 người (có 1 trường hợp đã chết); Quảng Nam ngoài 134 ngư dân làm việc cho các chủ tàu tại Đà Nẵng đã bị nạn, còn có 1 tàu câu mực ở huyện Duy Xuyên, với 21 ngư dân, bị mất tích. Riêng tàu đánh cá QNa 1699, gồm 21 lao động của xã Tam Giang, Núi Thành, xuất bến ngày 17/4 đến 12/5 bị mất liên lạc, hiện được xác định đang neo đậu tránh bão tại đảo Đài Loan chứ không phải bị bão đánh chìm.
Về công tác cứu nạn, từ đêm 17/5, lực lượng Hải quân vùng 3 tại Đà Nẵng đã xuất bến 3 tàu ra phao số 0 để đón các tàu ngư dân đưa người bị nạn trở về. Chiều 21/5, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 cũng tiếp tục xuất bến thêm 2 tàu SAR để hỗ trợ, đại diện chính quyền các địa phương khẩn thiết đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho thêm tàu cứu nạn ra phao số 0 tiếp tế thêm lương thực, áo quần, sơ cứu cho các ngư dân còn sống, đặc biệt cung cấp hóa chất để bảo quản xác, tránh bị phân hủy; cần thiết phải cho trực thăng cứu hộ dẫn đường để những tàu đưa người bị nạn trở về được nhanh hơn. Hiện 3 tàu trên đường trở về có 97 ngư dân, số người bị chết là 18 người.
Vợ và 6 người con của 1 ngư dân gặp nạn.
Trung tá Nguyễn Đình Liên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248, cho biết: Đối với 3 tàu chở người bị nạn trở về, do đi trong vùng nước xoáy mạnh nên mỗi giờ chỉ nhích từ 2/3 hải lý. Với tốc độ như thế, có khả năng hết ngày 22/5, các tàu vẫn chưa cập bến cảng sông Hàn được...
Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Thành phố đã bố trí xe cứu thương trực sẵn trên cảng sông Hàn để tiếp nhận các ngư dân được cứu hộ đưa về. UBND TP Đà Nẵng đã có công văn gửi Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam để có công hàm đề nghị với Trung Quốc và các nước trong vùng hỗ trợ thêm nhiên liệu, lương thực, thuốc men sơ cứu người bị nạn cho các tàu ngư dân Việt Nam đang còn giữa trùng khơi. Bước đầu, UBND TP Đà Nẵng trích ngân sách hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi tàu đang cứu hộ ngoài biển, 2 triệu đồng cho một trường hợp bị chết...
Sáng 20/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đến thăm, động viên các gia đình người bị nạn và đề nghị tập trung công tác đảm bảo trật tự an toàn tại địa phương, tránh hoang mang, dao động cho bà con. Tỉnh sẽ xuất kinh phí hỗ trợ lo mai táng cho các trường hợp bị tử nạn.
Ngày 21/5, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã gửi điện chia buồn tới Đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng
Với tinh thần tương thân tương ái, Báo CAND - Chuyên đề ANTG kêu gọi các nhà hảo tâm cả nước hãy ủng hộ những gia đình nạn nhân bị thiên tai trong cơn bão Chanchu này. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Trụ sở Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm, Hà Nội; Văn phòng thường trú tại miền Trung, 56 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng; Cơ quan đại diện số 6 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP HCM