Kết cục của “sói rừng”, tên trùm ma tuý đất Lai Châu

Thứ Ba, 23/05/2006, 13:15

Khi biết tin con phải chết, ông Gia ngày ngày lên nương từ khi mặt trời chưa mọc. Họ Giàng ở đây buốt ruột trước mảnh khăn tang mà cô vợ trẻ Vàng Ý Chư mang trong những ngày hội khèn. Ông Gia là người có uy tín rất lớn trong bản nhưng sau khi Giàng A Chống đền tội, ông chẳng nói chẳng rằng...

Đã từ lâu, thũng lũng Hang Kia của huyện Mai Châu, Hòa Bình được biết đến với những vụ ma túy lớn. Đã từ lâu, cả vùng Tây Bắc luôn ám ảnh những cái tên "lục lâm, thảo khấu" chuyên "đánh hàng" heroin như Sồng A Gia, Gư A Sông, Khà A Tếch... và Giàng A Chống.

Mặc dù đã một lần đến thung lũng này và thấu hiểu những cái nhìn sắc lạnh như dao rừng của các "chốt canh" trên con đường độc đạo giữa đại ngàn, những con dốc thẳng đứng, những bóng người vác súng kíp trên triền núi tím đen khói chiều nhưng chúng tôi vẫn quay lại vùng đất dữ. Mục đích chuyến đi của chúng tôi là để tìm đến nhà tử tội Giàng A Chống, tên tội phạm đã "đền tội dưới thanh gươm công lý" để thực hiện bài phóng sự này...

Vào rừng...

Vùng sơn cước này là vùng đất dữ bởi lẽ được coi là một trong những "điểm nóng" của ma túy vùng Tây Bắc. Nơi đây, tử tội Giàng A Chống được mệnh danh là "sói rừng" vì những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt của gã. Thung lũng Hang Kia được coi là địa bàn phức tạp mà nhiều đơn vị của Bộ Công an ngày đêm bám sát, "ba cùng" để bóc gỡ các đường dây buôn bán ma túy lớn.

Chúng tôi đi bằng tất cả những phương tiện có thể vào Thung Mặn, một xóm núi của xã Hang Kia từ mờ sáng. Trên con đường này, các đối tượng vận chuyển "cái chết trắng" thường cắt rừng đi đêm để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, những "bố già" ở đây còn phải cắt cử các chốt gác để đề phòng người lạ. Vì thế, trên con đường giữa rừng, chúng tôi cố phải đi thật nhanh để đến chỗ hẹn với cán bộ địa phương trước khi trời đứng bóng.

Trưởng Công an xã Hang Kia, Khà A Ga đón chúng tôi ngay giữa đường rừng. Cắp chặt con dao quắm bên hông, anh thoăn thoắt rẽ lối đưa chúng tôi đi đường tắt về UBND xã. Vốn đã gặp nhau trong một chuyến công tác tại xã Hang Kia nên Khà A Ga gặp chúng tôi mừng lắm. Tuy nhiên, anh vẫn mắng chúng tôi không ngớt miệng về sự "mất trí" khi dám đi trên con đường được mệnh danh là "hướng đi của sói" này.

Về Giàng A Chống, anh Ga kể gã hay qua lại vùng biên giới Lỗng Xược của Lào và kết thân với nhiều "ma rừng" nên "oai thế" của gã rất lớn. Đi đâu Chống cũng kè kè dao rừng bên người, rượu uống hàng bát lớn không biết say, đi rừng như đi trong vườn nhà nên mọi người không ai dám động vào kẻ liều lĩnh này.

Những năm về trước, mỗi khi đêm xuống, nhiều người cắt rừng mang "hàng" về như những bầy dơi đêm đi kiếm mồi. Không những người ở Hang Kia mà các xã bên cạnh như Loóng Luông, Pà Cò cũng có hành vi này. Chính vì thế, "cánh chim" càng đi xa càng khôn ngoan giảo quyệt hơn nên Chống cũng càng có nhiều tiền hơn. Cô vợ xinh đẹp Vàng Ý Chư mà Chống coi như con ở, phải chịu những cơn giày vò, đánh đập khi gã "sói rừng" say rượu.

Nỗi đau của dòng họ Giàng 

Chúng tôi đến ngôi nhà khang trang nhất bản của Chống tìm ông Giàng A Gia, bố Chống. Cô vợ Vàng Ý Chư xinh như đọt măng non dựa cột nhà buồn rầu nhìn chúng tôi chẳng nói năng gì. Chiều đã xuống phủ một làn sương mỏng nhờ nhờ trắng trên khắp thung lũng. Trầm ngâm nhìn anh, nhìn cô con dâu Vàng Ý Chư, nhìn di ảnh của Giàng A Chống, ông Gia kể:

Theo bản án số 145 của TAND tỉnh Bắc Giang, nội dung vụ Giàng A Chống cùng đồng bọn buôn bán ma túy như sau: Nguyễn Thị Mai trú tại Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang, sau những lần đi thăm chồng đang cải tạo tại Trại Phú Sơn 4 đã làm quen với Đinh Đình Lâm, là bạn tù cũ của chồng. Mối quan hệ "quỷ dữ" này bắt đầu vào con đường "trắng" khi Dương Ngọc Luyện trú cùng địa phương với Mai đến bán cho hai cây heroin.

Trước lợi nhuận mờ mắt, Mai và Lâm lên Tây Bắc tìm mối hàng. Nghe "oai danh" vùng đất dữ Hang Kia, hai người lần mò tìm đến để bắt tay "bạch tuộc". Khi lên xã Loóng Luông, Mai Châu, Hòa Bình tìm mối, Lâm tình cờ gặp Chống. Hai kẻ tội đồ này lập tức bắt tay nhau thiết lập đường dây buôn "thần chết".

Đến tháng 9/2002, Mai đón Chống và Kha A Tếnh người cùng bản Thung Mặn tại thị trấn Thắng, Tân Yên, Bắc Giang về nhà mình mở "quần anh hội" bàn bạc chuyện bán heroin thì lực lượng Công an Bắc Giang ập vào bắt giữ Mai, Lâm, Chống, Tếnh tại chỗ. TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Giàng A Chống, Nguyễn Thị Mai, Đinh Đình Lâm mức án tử hình. Khà A Tếnh chịu tội 15 năm tù....

Khi biết tin con phải chết, ông Gia ngày ngày lên nương từ khi mặt trời chưa mọc. Họ Giàng ở đây buốt ruột trước mảnh khăn tang mà cô vợ trẻ Vàng Ý Chư mang trong những ngày hội khèn. Ông Gia là người có uy tín rất lớn trong bản nhưng sau khi Chống đền tội, ông chẳng nói chẳng rằng, đi về như chiếc bóng. Mặt trời đã đỏ bầm trên nương xa. Hai ông Giàng A Gia, Giàng A Sềnh vẫn uống những bát rượu lớn mà chẳng nói năng gì. Trưởng Công an xã Khà A Ga một hai giục chúng tôi trở về để cắt rừng ra trước khi trời tối.

Ông Gia cũng khuyên chúng tôi nên về sớm. Những "chốt canh" trên tuyến độc đạo này rất dễ manh động. Chúng tôi ra về khi những đứa trẻ người Mông đã lốc nhốc gùi nước về tới bản. Vùng đất này khô như bàn tay người già, cháy khát, cằn cỗi. Những đứa trẻ da nám đen, tóc vàng như râu ngô nhìn chúng tôi lặng lẽ rồi chạy ùa vào những ngôi nhà cuối bản, nép cửa nhìn theo.

Cả ông Gia và ông Sềnh đưa chúng tôi đến đầu bản rồi mới quảy quả trở về. Sương đã đùn lên đùng đục phủ lên khắp thung sâu, chúng tôi ngoái lại nhìn, bản Thung Mặn đã khuất sau những triền đồi tím thẫm...

Ngọc Lâm
.
.
.