Huyền thoại “vua lửa” ở Tây Nguyên

Chủ Nhật, 17/01/2010, 11:16
Ở Tây Nguyên hiện vẫn còn một ngôi làng “vua Lửa”, đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Tại đây vẫn còn một vị Hỏa Vương, cho dù vị “vương quân” này hiện chỉ giống như một người nông dân bình thường. Xung quanh nhân vật này có rất nhiều huyền thoại, còn ẩn chứa sau những màn sương mờ như tập tục cúng cầu mưa, một việc quan trọng mà chỉ có vị “vua Lửa” mới được làm...

Tây Nguyên - tháng 11/2009. Nắng vẫn gắt như bao đời vẫn thế, trời vẫn xanh tự thuở hồng hoang và mây trắng vẫn bay như ngàn năm cổ tích.

Chúng tôi tìm tới làng Plei Ơi (huyện Phú Thiện, Gia Lai) trong một niềm bâng khuâng xen lẫn hồi hộp. Trước khi đi, một số phóng viên Báo Gia Lai đã túm tôi lại và dặn dò rất cẩn thận. Rằng, muốn vào làng của “vua Lửa” thì cần phải gặp cán bộ xã, làm việc với người đứng đầu xã rồi nhờ họ cho người đưa đường. Cách đây mấy năm đã có một anh phóng viên ngoài Hà Nội vào, tự tiện xông vào làng phỏng vấn, chụp ảnh búa xua đã bị dân làng trói lại, giải lên xã.

"Vua Lửa" Rơ Lan Hieo.

"Quốc vương" đang... cày ruộng

Theo thông tin mà chúng tôi có được, làng “vua Lửa” nằm tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Thế nhưng khi làm việc với đồng chí Phó chủ tịch xã Chư A Thai, đồng chí cho biết ít năm trước xã này đã tách ra thành 3 xã là Chư A Thai, Ayun Hạ và Ia Ke. Hiện làng của“vua Lửa” (Plei Ơi) nằm tại xã Ayun Hạ.

Dưới sự dẫn đường của đồng chí Phạm Tiến Luận - Trưởng Công an xã Ayun Hạ chúng tôi có mặt tại làng Plei Ơi vào một buổi chiều tà. Làng nằm ở phía tây bắc thung lũng Cheo Reo màu mỡ, sát Quốc lộ 25 từ Plei Ku (Gia Lai) đi Tuy Hòa (Phú Yên). Ngôi làng có diện tích trên 10 ha và có chừng hơn 30 nóc nhà sàn lập theo hướng Bắc - Nam với chừng vài trăm nhân khẩu. Mỗi ngôi nhà sàn ở đây là nơi cư trú của một gia đình mẫu hệ.

Thoạt nhìn ngôi làng “vua Lửa” trông rất bình dị, như bao nhiêu ngôi làng khác ở Tây Nguyên. Vừa trải qua vụ gặt, những ngôi nhà sàn nằm lúp xúp xen lẫn những đám ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Con đường đất dẫn vào nhà “vua Lửa” nứt nẻ chân chim vì thiếu nước, bụi mù trời mỗi lần có chiếc xe chạy qua.

Theo anh Luận, “vua Lửa” hiện tại tên là Rơ Lan Hieo, là “vị vua” đời thứ 15. Nhà của “vua Lửa” nằm trên một miếng đất rộng vài trăm mét vuông, lẫn trong nhiều nhà dân khác. Nếu không có người dẫn đường, có lẽ khó mà tìm được căn nhà của "bậc đế vương" này. Cũng bình thường như bao ngôi nhà khác trong làng, ngôi nhà của “vua Lửa” Rơ Lan Hieo được ghép từ những miếng ván gỗ. Ngôi nhà sàn dài gần chục mét, rộng 6-7 mét, cao 1,5m so với mặt đất. Có lẽ nó được xây dựng khá lâu rồi, nên gỗ đã lên nước màu thâm xỉn.

Nhìn cửa đóng then cài, anh Luận than thở: "Chắc vua Lửa đi... làm nương mất rồi. Nương cách nhà tới hơn chục kilômét đi bộ. Thế nên chắc từ giờ đến tối ông ấy không về đâu. Lần trước có mấy anh chị nhà báo cũng phải chờ mất 3 ngày mới gặp được “vua Lửa” đấy".

Sáng hôm sau, tôi giục anh Luận ăn cơm rồi lên đường sớm. Anh cười bảo, từ đây đến đó chỉ hết 10 phút, mà giờ này thì “vua Lửa” vẫn chưa về đâu. Sau bị tôi giục quá, anh đành dẫn tôi đến nhà Trưởng thôn Plei Ơi kiêm Công an viên của xã là anh Kpă Hoàng. Cũng rất may, tại đây chúng tôi gặp được ông Rmah Ên, là người bà con của “vua Lửa” tiền nhiệm đồng thời có chân trong Hội đồng nhân dân xã, lại tương đối thạo tiếng Kinh. Ông này đã dẫn chúng tôi tới nhà “vua Lửa” đồng thời làm thông dịch viên.

Đường vào làng Plei Ơi.

Diện kiến vua Lửa

"Năm ấy trời nắng to thật là to, mọi con sông con suối đều khô hạn. Người, loài vật cùng cây cối đều khát cháy...". Rmah Ên cất giọng đều đều kể những huyền thoại về “vua Lửa” cho tôi nghe, trong khi chờ ông ta về. "Hạn hán kéo dài, sông Pa, sông Ayun và các nguồn nước hoàn toàn cạn kiệt, cây rừng không mọc nổi. Người Gia Rai phải đào giếng lấy nước ăn. Các loại thú rừng cùng kéo đến giếng uống nước... Không còn gì để ăn, người ta phải lấy cây mục chấm mật ong ăn qua ngày, lấy hạt cây Le (cùng họ với tre, trúc) nấu thành cơm ăn thay gạo...".

Nghe tiếng của “vua Lửa” đã lâu người dân khắp các vùng bị hạn hán, cứ hai người một khiêng nào heo, nào gà, nào rượu... kéo về Plei Ơi để cầu xin “vua Lửa” ra tay cứu giúp. Ngày ấy, khi còn là cậu bé đang học trường làng, Luận thấy đoàn người rồng rắn gánh heo, rượu đi qua nhà để vào làng Plei Ơi thì chỉ biết chạy theo xem.

Trên một miếng đất rộng đã được quét tước sạch sẽ, những lão làng Gia Rai trong trang phục lễ nghi truyền thống trải bức chiếu trên vạt cỏ bên cồn đất để “vua Lửa” ngồi làm chủ lễ với mâm bát, bình ché bày kề bên. Các lão làng cùng trai trẻ thay nhau gióng lên chiêng trống. Những người khác lo nhóm bếp nhen lửa.

Theo truyền thống thì lễ cầu mưa phải gồm có đủ các thành phần như 1 ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, 1 tô gạo, 1 đĩa thịt được cắt ra bày sẵn. Sau hồi khấn vái cùng nghi thức rẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu khỏe cầu phúc từ bàn tay của chính “vua Lửa”, ông ta sẽ ngồi hướng về phía bàn lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tự rót nước vào ché rượu bằng tay phải.

Tiếng chiêng trống, lời văn tế ngân nga, vẻ trang nghiêm, trịnh trọng của “vua Lửa”, ngọn lửa bếp phần phật giữa cánh đồng rộng như thông dẫn tới quyền lực siêu nhiên, huyền bí. Vừa khấn, ông ta vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cùng để mời: thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ. Thế rồi “vua Lửa” lấy thịt ném 3 lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt “vua Lửa” cũng không quên cầm cây gươm thần, chỉ hướng từ đông sang tây, vừa luôn miệng cầu khấn. Và thật diệu kỳ, vừa dứt lời tế mây đen từ đâu vần vũ kéo tới, sấm rền vang, chớp giật đùng đùng và mưa như trút nước. Cư dân khắp nơi chỉ biết hướng về làng Plei Ơi mà vái lạy.

Cũng chính vì nghe nhiều huyền thoại về “vua Lửa”, thế nên phải nói thật rằng tôi có đôi chút thất vọng khi gặp vị “quân vương” này. Bởi khác với trí tưởng tượng của tôi, “vua Lửa” Rơ Lan Hieo cao khoảng 1m60, da đen đúa, tóc đã muối tiêu, khuôn mặt gầy gò khắc khổ. Ông vừa đi làm nương về nên vẫn mặc bộ quần áo bằng vải thô, trông không khác gì một ông nông dân. Đôi bàn tay chai sần, nhiều vết sứt sẹo chứng tỏ một đời ít khi rời cái cuốc, cái cày. Khi biết tôi là nhà báo từ Hà Nội vào, Rơ Lan Hieo mới vào thay quần áo.

Lúc này trông ông đã ra dáng một "vị vương" hơn. “vua Lửa” Rơ Lan Hieo vận một chiếc áo vải, có viền đỏ. Phần trước ngực cũng tạo hoa văn màu đỏ - trắng. Chiếc khố cùng chất liệu với áo và cũng có viền màu đỏ - trắng. Trên môi ông ngậm một chiếc tẩu thuốc được cho là truyền qua hàng chục đời “vua Lửa”. Vừa đơm thuốc vào tẩu, ông vừa kể: "Thường chỉ khi có việc như hội làng, tế lễ cầu mưa hoặc những sự kiện thật trọng đại... “vua Lửa” mới ăn vận như vậy".

Đêm hôm ấy, tôi xin phép “vua Lửa” được ngủ lại nhà ông. Cô "công chúa" (con gái “vua Lửa”) bê ghè rượu quý chỉ dùng để đãi khách lên. Rượu ghè mở nắp, mùi bắp non ngòn ngọt say say lan tỏa khắp nhà. Chúng tôi cùng Rơ Lan Hieo cạn chén. Trong cơn mơ màng cùng men say, “vua Lửa” chậm rãi kể. Vốn trước kia ông chỉ là giúp việc cho “vua Lửa” thứ 14 tên là Siu Luynh. Từ đời “vua Lửa” thứ 4 thì những năm "trị vì" của các đời “vua Lửa” họ "Siu" chính là thời kỳ huy hoàng của các đời “vua Lửa”.

"Vua Lửa" cùng "toà lâu đài" của mình.

Thời kỳ đó, mỗi lần đi đâu “vua Lửa” thường cưỡi voi, xung quanh có hàng tá người hầu cận đi cùng bê tráp... “vua Lửa” được người dân làm cho một căn nhà bằng gỗ tốt, dài 30 mét rộng hàng chục mét.

Bùng cháy và lụi tàn

Theo tài liệu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân (Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai) thống kê được 15 đời “vua”, nghĩa là còn khoảng 6 đời mà ta không nhớ được. 15 đời “vua” đã được thống kê gồm có: 1- Ksor Chlơi, 2- Rơchom Tơrul, 3- Rơchom Anur, 4- Siu Bôm, 5- Siu Djua, 6- Siu Nhong, 7-Siu Blong, 8- Siu Blet, 9- Siu Ji, 10- Siu Y, 11- Siu At, 12- Siu Tú, 13- Siu Nhót, 14- Siu Luynh, 15- Rơ Lan Hieo.

Người đặt nền móng cho sự manh nha hình thành “vua Lửa” phải kể đến đầu tiên là vị "quốc vương" thứ 6 là Siu Nhong. Khi được cử thay cho vị “vua” thứ 5, Siu Nhong đã từ chối. Vì rằng: "Tôi cơm canh lúa gạo không đủ ăn, tôi phải ăn cả con ếch, con nhái nên không giữ gươm thần được đâu". Nhưng người Gia Rai không đồng ý. Họ kiên trì vận động ông suốt 7 ngày 7 đêm: "Nhong ơi, nếu ông không chịu giữ thanh gươm thì cả vùng mình đây sẽ chết hết thôi". Và cuối cùng họ ra một điều kiện: "Bây giờ trời đang nắng, nếu ông gõ vào nước mà có mưa, dân làng không đau ốm thì ông là người có thần, có tài, chúng tôi sẽ cùng góp rượu, góp trâu để cùng tế lễ và cử ông làm vua".

Chả hiểu sao, khi Siu Nhong đánh 7 lần vào nước thì 7 ngày 7 đêm sau đó mây đen ùn ùn kéo đến che kín bầu trời. Từ đó ông chính thức trở thành “vua”.

Một vị “vua Lửa” đã làm rạng danh cho dòng tộc này là vị “vương” thứ 11, Siu Ất - người kiên quyết chống sự thống trị của thực dân Pháp. Đầu thế kỷ XX, Siu Ất lên ngôi và đã tăng cường các hoạt động để liên kết với các thủ lĩnh có thế lực trong vùng. Khoảng cuối tháng 3/1904, viên quan cai trị Prosper Odend'hal được Pháp quốc Viễn Đông học viện cử đi tìm các di tích ở vùng Cheo Reo đồng thời bắt liên lạc với “vua Lửa”. Odend'hal một mực đòi xem gươm thần khiến người dân vô cùng tức giận. Ngày 7/4/1904, Odend'hal được dân làng Plei Ni tiếp tại nhà một già làng tên là San. Tại đây, người dân đã kết liễu tên giặc đồng thời giấu thanh gươm cùng những báu vật vào rừng núi.

Pháp đã cho lính từ Tuy Hòa lên tàn phá các làng bản. Siu Ất lùi về vùng rừng già Ayun. Tháng 1/1905, một đại đội lính khố xanh khác do tên Ranard chỉ huy, từ Chợ Đồn (An Khê) tiến lên càn quét vùng Cheo Reo nhưng bị Siu Ất đánh bại. Nhân đà đó, “vua Lửa” kêu gọi các tù trưởng khác khởi nghĩa và nhanh chóng được hưởng ứng. Ngày 23/1/1907, tên Fort cùng Pari tấn công vào đồn điền ĐakFoppau (Cheo Reo), nhằm vào làng Bana Kon Klott vốn đã theo ủng hộ “vua Lửa”. Tại đây, chúng bị nghĩa quân đón sẵn và phản kích dữ dội, 14 tên bỏ mạng, Pari tự sát.

Khi đất nước được giải phóng, non sông thu về một mối thì vị “vua Lửa” thứ 13 là Siu Anhot vẫn đang “tại vị”. Ông được bầu làm “vua Lửa” từ năm 1971. Ông có một vợ nhưng không có con (bà vợ mất năm 1978).

Theo một nguồn tài liệu thì từ năm 1979-1980, “vua Lửa” sống một mình trong ngôi nhà sàn nhỏ dài 4m, rộng 3m. Gia sản cũng rất ít ỏi, gồm có một cái nồi to, 4 cái ché, một quả bầu đựng hạt giống, một cái gùi. Đáng quý nhất là một cối gỗ, một cái chiêng, một cái trống. Chỗ nằm của ông có trải tấm đệm thổ cẩm, sát đó là một cái rương lớn.

Đời “vua” thứ 14 là Siu Luynh cũng không khá hơn là bao. Cả nhà trông vào 3 sào lúa, 1 ha rẫy trồng ngô lai. Cuộc sống chật vật, chật vật. “Vua Lửa” thậm chí đã "kiếm cơm" bằng cách, nếu ai muốn chụp ảnh ông thì phải... trả tiền. Siu Luynh tạ thế vào năm 1999. Bởi không có người muốn "nối ngôi" nên ông Rơ Lan Hieo vốn là người phụ tế cho Siu Luynh ngày trước đã phải đảm đương việc cúng cầu mưa. Đây là công việc trọng đại mà chỉ có “vua Lửa” mới được làm. Cũng vì vậy mà ông Hieo được tôn lên làm “vua Lửa”.

"Vua Lửa" Rơ Lan Hieo cùng các bô lão làm lễ cúng giải hạn.

“Vua Lửa” hiện tại Rơ Lan Hieo “lên ngôi” mà không phải trải qua một nghi lễ nào cả. Và thậm chí cả thanh gươm thần ông cũng không chắc chắn là còn ở nơi cất giấu nữa hay không. Làng Plei Ơi và các khu vực phụ cận giờ đây đã có con kênh Ayun Hạ, đủ khả năng cấp nước cho việc làm nông nên "tác dụng" chính của “vua Lửa” giờ đây cũng ít khi phải sử dụng.

Trước khi chia tay Plei Ơi, chúng tôi cùng “vua Lửa” ra thăm mộ hai vị “vua Lửa” gần nhất là Siu Anhot và Siu Luynh. Rơ Lan Hieo quỳ xuống và lẩm nhẩm cầu khấn. Chúng tôi nghe được nhưng không hiểu nội dung là gì

Minh Tiến - ANTG số 927
.
.
.