Núi Cô Tô, Đồi Tức Dụp (An Giang):

Huyền thoại và lịch sử

Thứ Năm, 28/04/2005, 08:08

Nằm trong hệ thống núi Cô Tô, đồi Tức Dụp là một căn cứ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồi Tức Dụp đã làm nên những chiến tích lịch sử, một địa chỉ làm kinh hoàng quân Mỹ và chư hầu mỗi khi nhắc đến.

Núi Cô Tô hay núi Nàng Tiên còn có tên gọi khác là Phượng Hoàng Sơn, bởi vì núi Cô Tô như thân con chim phượng hoàng, còn đồi Tức Dụp chính là cái đầu của con phượng hoàng ấy. Theo ghi nhận của ngành địa chất thì núi Cô Tô là dãy núi "mọc" lên cuối cùng của hệ thống Thất Sơn hùng vĩ. Tuy là dãy núi "sinh sau", nhưng Phượng Hoàng Sơn lại ẩn chứa nhiều truyền thuyết về thần, tiên, ma, quỷ độc đáo nhất vùng.

Truyền thuyết kể rằng: để có chỗ ngắm cảnh, một đêm, các tiên ông từ núi Cấm, núi Giày đã cùng nhau đưa từng phiến đá xếp chồng lên nhau, xếp mãi cho đến lúc bình minh thì thành hình trái núi - đó là núi Cô Tô. Rồi vào một đêm trăng sáng, các nàng tiên rủ nhau sang núi "mới" ngắm trăng, vui chơi thỏa thích. Khi đã nhàm chán thú tiêu dao, các nàng tiên cùng nhau thi ném đá từ trên núi xuống... đến khi thấm mệt thì một dãy núi nhỏ cũng hiện trong bóng mờ của màn đêm.

Dưới chân dãy núi mới bỗng trào lên một dòng nước trong vắt tuôn chảy... Người Khmer địa phương gọi núi này là "Tức Chúp", còn người Việt gọi là đồi "Tức Dụp". Và ngoài tên đồi Tức Dụp, địa danh này còn được gọi là đồi "Nước Đêm". Bởi vì có năm mùa khô hạn kéo dài, khắp nơi ao, hồ khô cạn, người dân cực khổ vô cùng, đêm về bỗng nghe tiếng nước róc rách chảy.

Vui mừng về điều này, người dân sống trong vùng đốt đuốc sáng rực cả góc trời, rồi cùng nhau phá đá, khơi dòng cho con suối ngầm chảy ra cứu sống nhiều người đang chờ nước trong cơn khát. Điều lạ là một nguồn nước trong vắt từ các khe đá núi mới chảy triền miên, chảy đến tận làng mạc quanh vùng làm xanh ruộng đồng, cây lá! Những mùa khô hạn kéo dài, các khu vực xung quanh nguồn nước đều cạn kiệt, riêng dòng nước ngầm ở  đây thì không bao giờ cạn.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, đồi Tức Dụp đã trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, nơi đóng quân của Tỉnh ủy An Giang, Huyện ủy Tri Tôn cùng các lực lượng vũ trang khác. Đây còn là nơi trung chuyển, che giấu những binh đoàn chủ lực từ hậu phương lớn miền Bắc vượt Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Tức Dụp còn là nơi trung chuyển mật thư chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam với chiến trường Tây Nam Bộ.

Để cắt đứt đường dây liên lạc từ Trung ương Cục chỉ đạo các tỉnh đồng bằng, trong những năm 1968, 1971, 1972, bọn Mỹ, ngụy đã dùng bom, đạn, phi pháo hòng chia cắt con đường chuyển quân trọng yếu của quân giải phóng. Bọn Mỹ, ngụy đã đưa xe tăng, xe ủi đất san bằng nhiều khu vực xung quanh, gom dân vào ấp chiến lược… hòng cắt đứt đường viện trợ lương thực từ nhân dân. Nhưng bọn chúng đã thất bại, người dân viện lẽ cúng trời đất ở núi thiêng theo phong tục có từ ngàn đời đã mang cơm gạo đến cúng thật lớn, thật long trọng, thực chất là có ý để lại lương thực cho cách mạng.

Đuối lý trước quần chúng, Mỹ, ngụy đã tung vào mặt trận này 18.000 quân với nhiều trận càn lớn nhỏ. Thậm chí, bọn Mỹ định san bằng đồi Tức Dụp nên đã đưa bom đạn hạng nặng được sản xuất riêng để đánh phá khu căn cứ Tức Dụp. Nhưng tại nơi đây, chúng đã nếm thất bại chua cay chưa từng thấy trong cuộc chiến tại đồng bằng Nam Bộ. Vì vậy, bọn Mỹ và chư hầu coi đây là một trong những vùng "tử địa" khủng khiếp nhất  - Một Khe Sanh ở Nam Bộ!

Nổi bật nhất là trận đánh 128 ngày đêm bảo vệ khu căn cứ. Với lực lượng gồm 40 cán bộ, chiến sĩ đã lợi dụng địa hình quen thuộc dùng lựu đạn tự chế, súng trường bắn tỉa, chiến đấu ngoan cường quần thảo giành từng centimét đất với 18.000 quân Mỹ và chư hầu được trang bị hỏa lực mạnh. Quân Mỹ ước tính chiến phí cho cuộc đánh chiếm ngọn đồi Tức Dụp là 2 triệu đôla - một con số ngoài sức tưởng tượng của người Mỹ. Chính vì điều này mà đồi Tức Dụp có tên gọi đồi "2 triệu đôla".

Dưới bom đạn ác liệt mà căn cứ Tức Dụp vẫn sừng sững hiên ngang như cái gai chọc vào mắt kẻ thù xâm lược. Trung ương Đảng ta lúc ấy đã phong tặng danh hiệu "Kiên cường, bám trụ giữ vững núi Tô" cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đồi Tức Dụp. Cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ khu căn cứ đã làm tổn thất lực lượng, khí tài rất lớn, làm đau đầu tướng lĩnh Mỹ và  đưa tên tuổi của Cô Tô - Tức Dụp bay ra khắp các châu lục.

Tướng Walker của lục quân Mỹ đã đánh giá: "Chiếm được vùng tam giác sắt Củ Chi mà chưa chiếm được Thất Sơn, trong đó có căn cứ quan trọng của Việt Cộng là Tức Dụp thì coi như người Mỹ chỉ đứng được một chân ở miền Nam, đối phương sẽ hất người Mỹ ra khỏi Việt Nam lúc nào không biết". Chính vì lẽ đó mà ngọn đồi nhỏ bé này đã phải gánh chịu hàng ngàn tấn bom đạn các loại làm cho cây xanh úa lá, những tảng đá chơ vơ, ruộng đồng hằn dấu xích xe tăng, hố bom liền miệng, đứng từ xa chúng ta đã trông thấy từng chữ ký hiệu M, N, S, G, cờ 3 que... vẽ trên từng phiến đá. Đó là nơi quân Mỹ, ngụy và chư hầu tạm chiếm lúc ban ngày.

Ngày nay, Phượng Hoàng Sơn và đồi Tức Dụp ngày ngày đón khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng thắng cảnh thiên nhiên đẹp đầy chất sử thi, một điểm du lịch kỳ thú và hấp dẫn. Du khách trên đường đến Tức Dụp không còn tìm thấy những vết hằn của chiến tranh, mà trước mắt mọi người là màu xanh của lúa, là những khu vườn cây ăn trái trĩu quả

Phương Nam
.
.
.