Huyền mặc tượng điêu khắc gỗ

Thứ Tư, 22/06/2005, 14:53

Một điểm đến đầy huyền tích, Hà Tây vốn nổi tiếng là mảnh đất "bách nghệ tinh anh". Khi đến làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, tôi như đi trong xứ sở linh mặc của phương Đông, một cõi có gì đó như thiêng như huyền... được tạo ra từ những pho tượng điêu khắc gỗ không phải là ngàn năm.

Cũng như bao làng quê Việt Nam ở đồng bằng Bắc Bộ, một cây đa già bên dòng sông Nhuệ tỏa bóng trên mái đình, cũng lũy tre xanh... thôn Dư Dụ (Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Tây) nôm na gọi là làng Túc, ngày ngày vẫn vang lên những thanh âm bổng trầm, khi nhặt khi khoan.

Khúc hoà thanh làng tượng

Âm thanh dẫn lối vào làng Túc, cả chiều dài làng là một khuông nhạc. Hợp âm của xóm trên, xóm dưới, xóm đình tạo thành bản hoà tấu vô định. Khô khốc, lộn xộn nhưng nghe rộn được tạo ra từ tiếng đập của dùi, tràng vào đục. Nó chẳng đượm vẻ thi vị, lãng mạn nhưng lại trở thành nỗi khắc khoải, ám ảnh trong tâm trí mỗi người con của làng khi đi xa. Nó đã tạc vào lòng dân làng thành khúc tự hào ca. Thiếu hợp âm ấy họ tưởng rằng sinh khí như bị hụt hơi. Chính những bức tượng gỗ mỹ nghệ kia đã được chạm từ những bản nhạc đó. Và làng Dư Dụ tượng thanh mình vào những giai điệu rất đỗi mộc ấy.

Tượng Dư Dụ cười quên dâu bể

Một không gian của sắc nâu vị trầm, một nét huyền của Á Đông được mở ra bởi những bức tượng gỗ tuyệt linh và mặc hoài. Chú ngựa chồm chân vươn ngực hý, hồng mao tung bay giữa ngàn mây. Đôi rồng uốn lượn thân mình giỡn viên ngọc đang quay xoáy bốc lửa. Đàn voi huơ vòi nối đuôi nhau vào đại ngàn. Nàng tiên bê trái đào với tứ linh vây quanh. Bộ Tam đa mà con người ký thác ước vọng sống trong những đôi mắt cười lấp lánh ánh tâm đăng. Phật bà nghìn mắt nghìn tay tọa lạc đài sen cứu nhân độ thế. Tượng Phật Như Lai vẻ mặt từ bi hỷ xả, khoan thai và toàn thức... Những hình tượng cát tường, đẹp đến mênh mang! Gỗ hưng phấn thành cõi linh thiêng và kì mặc. Thời gian như ngơ ngẩn trước cái đẹp thuần Á Đông. Không gian cứ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đậm màu thiền. Hồn tượng cô đọng trong cái khí cực tịch toát ra từ gỗ, ngưng tụ trong cái thần rất mực thiêng thoát ra từ gỗ.

Một số sản phẩm của làng Túc

Những pho tượng điêu khắc đã không còn là gỗ mà vọng âm những cổ tự trên núi, bằng sự im lặng của mình mà cất lời uy xanh của thiên nhiên, ngân khúc ca của muôn loài về sức mạnh, thở niềm huyền phiêu của kiếp người, nỗi trầm luân của nhân sinh... Cả thế giới mà con người hằng tâm cảm và nguyện ước được dồn nén vào khuôn khổ tấc gang của khúc gỗ, chất chứa vào đường nét sắc cong của thớ gỗ, đọng ngưng vào độ u tịch của vân gỗ. Người làng Túc đã khắc chạm nhịp cuộc sống vào gỗ, chạm trổ ước mơ sung túc lên gỗ, khắc cả những toan lo nhọc nhằn để đưa gỗ vào cõi linh. Thế nên mồ hôi người đã thành nụ cười của gỗ. Và cười quên dâu bể trên gương mặt ông Di Lặc, trên bộ Tam đa... Những pho tượng sinh ra từ bàn tay làng Túc, vui buồn cùng làng Túc, âu lo cùng làng Túc...

Trầm thăng nghề, trầm thăng tượng gỗ

Chẳng biết tự khi nào làng có nghề điêu khắc. Từ ngày xưa rồi, các cụ thượng làng vẫn bảo thế với cháu con. Chẳng còn văn tự nào ghi và lưu lại về ông tổ nghề. Giai thoại truyền rằng, ông là Tô Phú Luật, có đôi bàn tay tài hoa. Tài hoa nên ông được vời vào cung để chạm khắc ngai vàng cho nhà vua. Làm xong, ông thử ngồi lên đó xem cảm giác thế nào. Và bị phát hiện, ông bị tống vào nhà lao. Trong ngục, bằng cây kim cài đầu, ông đã biến hạt gạo sót lại ở chiếc chổi thành một tác phẩm nghệ thuật siêu tuyệt. Viên quản ngục phục lắm, bèn dâng lên nhà vua và thế rồi ông được tha tội chết. Thực là, sống vì nghề, vinh hoa phú quý nhờ nghề, rồi chết bởi nghề và được sống cũng vì hay nghề. Đình làng Túc không thờ ông tổ nghề nhưng sử làng là lịch sử trầm thăng của những pho tượng trầm mặc kia. Vì muốn cuộc sống không đói nghèo mà làng có được nghề tạc tượng chăng? Và có lẽ niềm mơ ước sung túc của dân làng từ xưa đã gửi trọn vào tên làng. Cứ nhìn vào đình làng sẽ thấy ước mơ ấy đẹp và mạnh mẽ đến nhường nào.--PageBreak--

Trước đây, làng nghề sản xuất hàng mỹ nghệ này tập trung trong hợp tác xã. Bày chiếu, bày gỗ và dụng cụ đồ nghề ra sân hợp tác, vừa gõ gõ đục đục vừa chuyện trò rôm rả. Rồi những năm mất mùa, nhà nhà đâu còn nghĩ đến thứ xa xỉ kia mà đục với đẽo. Thời kỳ suy vi cực điểm là lúc mà cơn địa chấn văn hoá xảy ra, hoang lạnh đình chùa, bát hương chìm xuống dòng sông... thì ai đời còn đoái hoài đến tượng nói chi đến chuyện đục đẽo. Bộ tràng đục cất đi. Tơ nhện giăng đầy mặt tượng gỗ. Nhưng cái đẹp, cái hồn huyền huyền mặc mặc Á Đông kia đâu dễ bị tiêu diệt. Nó có sức sống từ trong sâu thẳm tâm khảm con người, dẫu rằng cái nghiệt ngã của cuộc sống có dập vùi. Cái đẹp biết tiềm sinh để một mai rạng rỡ hào quang, thứ ánh sáng huyền lương của cõi người. Có lúc lặng, tiếng lách cách đâu đó thoảng hoặc vang lên, đơn độc lắm. Vài ba nhà vẫn giữ tượng như một di sản, một vật nài của quá khứ. Làng trầm hẳn, buồn tẻ, đượm khí u uất, uẩn huyền. Khát vọng người làng Túc xưa có được nối truyền hay nghiêng vào cổ tích tiềm sinh trong những câu chuyện kể. Cuộc đời vốn lẽ hưng vong suy thịnh. Trắc trở này liệu có vượt qua được hay không?

Rồi những năm 1990, đâu đây tiếng tràng đục bỗng vụt hoan ca, hệt như phút cậu bé vươn vai thành trang tuấn kiệt. Bởi sức sống âm ỉ của cái đẹp, bởi cái hồn huyền huyền mặc mặc Á Đông kia hay bởi tâm huyết quyết gìn giữ cái chất mặc linh phương Đông mà người dân làng Túc đã giữ được nghề? Không còn tụ hội như xưa nữa, nhà nào nhà nấy, những trai tráng trước hiên ngồi cong lưng đục đục, gõ gõ. Khuôn mặt soi vào gỗ như đi tìm hồn gỗ, tìm nét mặc huyền trầm u. Những cánh tay cầm dùi vung lên điêu luyện, bắp tay nổi ra cuộn lại, rắn và mạnh. Gỗ toát mồ hôi. Đường đục hiện lên. Những nét cong của tà áo cuộn bay, hình như một làn gió từ ngàn xưa đã nhập vào gỗ. Miệt mài người thợ điêu khắc tạc vào thiên cổ. Đêm đến thì sáng đèn. Âm thanh tưởng chừng không bao giờ dứt, ngay cả những ngày mùa...

Sản phẩm tượng làng Túc đã lập nên phố mĩ nghệ trên đường Cộng Hòa, Tp.HCM. Xưởng điêu khắc của anh Song, anh Tịnh xuất tượng sang Đài Loan. Những chàng trai mới chớm tuổi 20 như Hùng, như Khương đang lao động xuất khẩu ở Malaysia bằng nghề cổ truyền quê hương...

Cõi mặc linh điêu khắc

Đức phật Di Lặc là vị phật của tương lai, như mùa xuân an lạc. Nụ cười siêu thoát kia đâu phải tự dưng hiện lên tươi nguyên trên đôi môi ông. Nó kết tụ niềm lạc quan từ trong quá khứ và ngày hôm nay. Nó kết tinh từ những giọt mồ hôi, sức lực và tài hoa người thợ điêu khắc. Công phu nghệ sĩ dân gian có trong nụ cười ấy. Ý nghĩa nhân sinh nhà Phật có trong nụ cười ấy.

Lão nghệ nhân của làng nghề, ông Đỗ Tiến Đăng năm nay cũng đã già lắm rồi. Dáng tiên phong đạo cốt, chòm râu dài phơ phơ bạc, trông ông như một ông tiên bước ra từ chính những pho tượng của làng. Mỗi lần trò chuyện với ông trong các dịp hội chợ thương mại, tôi lại được nghe kể những giai thoại về nghề tạc tượng cổ truyền quê ông, về điển tích mỗi pho tượng mà người dân làng ông tạo tác. Bát tiên, La Hán, Quan Công, sư tử hý cầu... thực sự gỗ đã thăng hoa từ những khúc pơmu luôn phảng phất không khí u linh huyền tịch, từ những khoanh gỗ mít vàng rói chất thiền. Cả khối hình của tượng, những đường kênh bong... được tạo dáng vừa mãnh lực vừa uyển chuyển như nói lên cái triết lý nhu, hậu, như ngầm ẩn về chữ hùng của người Việt xưa.

Ông Đăng cho biết điều cốt yếu của một bức tượng chính là tạo dáng, cân vân và đổ mặt. Quả thực, với sự hài hoà cân đối, với nét mặt sống động tàng thần, với những đường nét chạm trổ cầu kỳ tinh xảo, với những đường vân chuẩn mực, người thợ điêu khắc đã gọi hồn gỗ về. Cái đẹp hiện hữu, huyền mặc đầy chất dân gian. Bức Anh hùng tương ngộ ngỡ như hết thảy sự oai linh của đại ngàn, sự không cùng của trời xanh, sự lốc vũ của gió núi dồn cả vào đôi cánh kiêu hãnh đại bàng và nanh vuốt uy vũ chúa tể rừng xanh. Một nụ cười hoan hỷ tưởng chừng không bao giờ dứt như tích lại từ ngàn đời trên đôi môi ông Di Lặc phúc hậu để cõi nhân gian không còn nỗi buồn, niềm đau hay tất cả sự muộn phiền nào khác...

Tượng điêu khắc gỗ, dường như một phần tâm lực, hồn vía bản sắc Việt đã thuộc về cõi huyền mặc phương Đông

Lê Bảo Âu Long
.
.
.